Phần giải trình chi tiết hơn của Hancorp:
Khả năng khai thác một phần Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022 đang neo cả vào tiến độ Gói thầu CP05 do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đảm nhận.
baodautu.vn
Kích hoạt phương án dự phòng
Đại diện Hancorp cho biết, hợp đồng Gói thầu CP05 tuy được ký từ năm 2012 và theo kế hoạch, sau 13 tháng, các dữ liệu liên quan đến máy móc, thiết bị phải được chủ đầu tư cung cấp cho nhà thầu để tích hợp vào bản thiết kế thi công. Tuy nhiên, phải đến năm 2017 (trễ hơn 4 năm so với kế hoạch), chủ đầu tư mới lựa chọn xong các nhà thầu thiết bị và đến tháng 3/2020, các dữ liệu phục vụ thiết kế mới được cung cấp tương đối đầy đủ cho Hancorp.
Bên cạnh đó, đến tháng 12/2021, Dự án mới phê duyệt chính thức điều chỉnh hệ thống phòng cháy chữa cháy; đến tháng 4/2022 phê duyệt hệ thống điều khiển tòa nhà. Việc kéo dài thời gian và điều chỉnh thiết kế làm phát sinh chi phí liên quan, trong đó chỉ tính riêng giá trị phần cơ điện lúc đầu là 136 tỷ đồng, nhưng sau phát sinh lên gấp 3 lần và còn rất nhiều chi phí phát sinh chưa được duyệt. Nhà thầu hiện vẫn phải ứng tiền rất nhiều để chủ động thi công.
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT), tài chính có lẽ là lực cản lớn nhất của Hancorp tại Gói thầu CP05, khi hầu hết đơn giá mua sắm các thiết bị đều được lập cách đây gần 10 năm, trong khi bản thân nhà thầu trong nước này cũng không quá dư dật để bù vào những khoản chi phí chênh giữa giá bỏ thầu và giá thực tế.
Mặc dù thừa nhận những khó khăn của Hancorp, nhưng UBND TP. Hà Nội cho rằng, Gói thầu CP05 bị trễ 59 tháng so với hợp đồng gốc còn do bộ máy điều hành của nhà thầu này không có đủ nhân lực chất lượng để triển khai công việc. Sự thiếu hụt về năng lực, kinh nghiệm thể hiện rõ nhất ở bộ phận lập kế hoạch, thiết kế hạng mục cơ điện và công tác điều phối, quản lý chất lượng thiết kế của nhà thầu.
“Quá trình triển khai thiết kết thi công MEPF mất quá nhiều thời gian (2 năm) khi nhà thầu thiết kế tòa nhà đầu tiên vào giữa năm 2019, đến tháng 4/2021 mới phê duyệt MEDF tòa nhà cuối cùng. Sau khi có thiết kế, nhà thầu cũng không huy động đủ vật tư, nhân lực để thi công các hạng mục tòa nhà như cam kết”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đánh giá.
Được biết, trong Báo cáo tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT vào tháng 8/2022, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo Hancorp nghiêm túc thực hiện cam kết khắc phục chậm trễ, đảm bảo mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao vào tháng 12/2022. Trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng gây chậm trễ tiến độ.
Tại cuộc kiểm tra hiện trường Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội ngày 7/8, Thủ tướng Chính phủ *************** đã yêu cầu Hancorp phải huy động tối đa nhân lực, thiết bị, lên kế hoạch từng ngày, xác định mốc tiến độ từng hạng mục. “Hiện nguồn vốn đã được bố trí đủ, nên không có lý do để chậm tiến độ, nhà thầu phải tranh thủ thi công “3 ca, 4 kíp”. Ban Quản lý phải giao ban hằng tuần xem vướng mắc gì, giải pháp khắc phục thế nào, thẩm quyền của ai. Việc các bên tiến hành giao ban hằng tuần mà tiến độ vẫn chậm 6 tháng là không được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Được biết, trước tình hình chậm trễ của Gói thầu CP05 và nguy cơ tiếp tục chậm trễ, giảm thiểu sự ảnh hưởng và lệ thuộc vào tiến độ Gói thầu CP05, chủ đầu tư đang xem xét làm việc với các nhà thầu để tập trung thiết lập nhà điều hành OCC tạm thời tại nhà ga S02 (phương án B) nhằm đảm bảo hoàn thành, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.
“Việc kích hoạt phương án dự phòng vào lúc này là cần thiết để kịp khai thác đoạn tuyến trên cao vào cuối năm 2022, bởi quỹ thời gian để Hancorp xoay chuyển tình hình chỉ còn khoảng 5 tháng, trong khi khối lượng công việc còn lại tại Gói thầu CP05 là rất lớn”, vị lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) nhận định.