Các khoản nợ phát sinh từ dự án xây đường sắt cao tốc đã tăng lên tới gần 847,6 tỉ USD vào cuối năm 2019, tương đương 65% giá trị tài sản của toàn hệ thống đường sắt Trung Quốc.
www.24h.com.vn
Người ta đã tổng kết rằng ĐSCT (300km/h trở lên) chỉ có ưu thế với quãng đường khoảng 150- 500km. Ngắn hơn thì vé sẽ quá đắt, dài hơn thì đi máy bay lợi hơn.
Trung quốc đang làm ĐSCT với ý đồ dùng để kéo kinh tế địa phương lên, và để quảng cáo cho bộ mặt đất nước. Nhưng đó là 1 cuộc chơi quá lớn và mạo hiểm khi trong hơn trăm tuyến ĐSCT thì chỉ gần chục tuyến có thực lãi là Thượng hải - Bắc kinh (1300km), Bắc kinh - Quảng châu (2105km), Bắc kinh - Thanh đảo, Quảng Châu - Thâm quyến -HK (180km), Thượng hải - Hàng châu vv
Khi chiếu sang Việt nam, có người sẽ bảo: 2 tuyến ĐSCT Thượng hải - Bắc kinh và Bắc kinh - Quảng châu về độ dài có thể so sánh với Hà nội - Sài gòn (dự kiến 1.550km), thế thì có gì phải lo?
Không thể so sánh như vậy, vì 2 tuyến ĐSCT trên của TQ mặc dù gọi là 1 tuyến nhưng thực ra là nhiều tuyến nối tiếp nhau, với các thành phố rất lớn và giàu có chỉ cách nhau 300-400km. Số lượng hành khách chính là giữa các thành phố này chứ không phải là khách đầu cuối.
Chẳng hạn tuyến Bắc kinh - Quảng Châu 2105km, xem kỹ hơn ta có thể chia thành:
- Bắc kinh - Thạch gia trang (thủ phủ tỉnh Hà bắc, 4,3 triệu dân): 280km
- Thạch gia trang - Trịnh châu (thủ phủ tỉnh Hà nam, 10,3 triệu dân): 383 km
- Trịnh châu - Vũ hán (trung tâm giao thông, 10 triệu dân): 473km
- Vũ hán - Trường sa (thủ phủ tỉnh Hồ nam, 8,1 triệu dân): 348km
- Trường sa - Quảng châu: 621km
Chưa nói đến việc trên tuyến này còn có hàng chục các thành phố triệu dân, không phải tỉnh lỵ nhưng rất phát triển và nhu cầu đi lại cao như Bảo định (2,2 triệu), Hàm đan (1,4 triệu), An dương (5,1 triệu) vv
Để ý rằng khoảng cách liền kề ở tất cả các ga đầu mối ở trên nói chung đều phù hợp với con số 150 - 500km trong nghiên cứu đã nêu ở đầu bài. Thực tế thu nhập của tuyến đường là từ các chặng ngắn là chủ yếu chứ không phải từ các chặng dài. Số hành khách đi trực tiếp từ Bắc kinh đến Quảng châu và ngược lại chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng số.
Để so sánh, ta có vé ngồi cứng Bắc kinh - Quảng châu là 890 tệ, thời gian gần 10 tiếng, trong khi vé máy bay hang E là trên dưới 160 đô (1.050 tệ) nhưng chỉ mất 2 tiếng nếu bay thẳng và 4 tiếng nếu stop ở Vũ hán. Không nhiều người đánh đổi 150 tệ lấy 6-7 tiếng.
Nếu làm ĐSCT Hà nội - Sài gòn thì ngoài 2 chặng Hà nội - Vinh và Sài gòn - Nha trang, sẽ không có các thành phố lớn tiếp theo đủ sức "nuôi" các chuyến tàu. Các tỉnh lỵ trên đường đều có dân số không cao (vài trăm nghìn) và liên hệ kinh tế-văn hóa không chặt chẽ nên nhu cầu đi lại chặng ngắn thấp, hoàn toàn không đủ nuôi tàu.
Nghiên cứu ở Trung quốc đã chỉ ra với các chặng dài trên 1000km thì hành khách đều chọn đi máy bay, nên việc hy vọng vào một số hành khách đủ nhiều đi trực tiếp từ Hà nội đến Sài gòn và ngược lại là hoàn toàn không có căn cứ.
Cho nên, điều hợp lý nhất với Việt nam là làm đường sắt theo 3 chặng:
- Hà nội - Vinh, chở khách 200km/h, chở hàng 150km/h
- Vinh - Nha trang, chở khách 160km/h, chở hàng 120km/h
- Nha trang - Sài gòn, chở khách 200km/h, chở hàng 150km/h
Với tốc độ vận hành 200km/h thì yêu cầu cung đường sẽ đơn giản hơn. Thay vì tàu cao tốc thì dùng tàu tilting là hoàn toàn đủ, như đoàn tàu của Pendolino Italy:
Tàu này vẫn dùng đường ray truyền thống ở Châu Âu, và đều đạt tốc độ vận hành 200km/h.
Trung quốc cũng mua những 60 đoàn tàu này của Italia để chuyên chạy các tuyến đường Đông bắc (Cát lâm, Hắc long giang).
Tóm lại, với đặc thù của Việt nam thì không nên đua đòi cao tốc 300km giờ làm gì. Chỉ nên làm đường 160-200km/h hỗn hợp chở khách/chở hàng, và như vậy thì không phải là tàu Nhật mà là tàu Ý (Pendolino) hoặc Pháp (Astom).