Thay đổi rất lớn với hộ kinh doanh lớn: Phải khai thuế như doanh nghiệp
TTO - Hộ kinh doanh lớn sẽ phải nộp thuế theo hình thức kê khai và thực hiện chế độ kế toán như doanh nghiệp là một nội dung mới được quy định tại Luật quản lý thuế số 38. Đây là bước thay đổi rất lớn so với hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) - cho biết tới đây các hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ phải thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ như một doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng ở mức đơn giản hơn.
Thúc đẩy hộ lên doanh nghiệp
Cụ thể, tại dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế với hộ kinh doanh lớn, Bộ Tài chính đề xuất các hộ kinh doanh lớn có thể kê khai thuế theo tháng hoặc quý và không phải quyết toán thuế.
Các hộ này cũng sẽ phải thực hiện việc khai và nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử khi cơ quan thuế triển khai điện tử hóa. Khi cơ quan thuế chưa triển khai, họ vẫn khai hồ sơ giấy và sử dụng hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in.
Trước quy định này, nhiều chủ hộ kinh doanh lớn cho rằng việc kê khai đầu vào đầu ra sát với hoạt động thực tế cũng nên làm. Tuy nhiên, nhiều hộ băn khoăn. Như ông Nguyễn Phương Ân, chủ hộ kinh doanh tuyến vận tải liên tỉnh Phú Thọ - Hà Nội, lo ngại sẽ phải tốn thêm chi phí thuê kế toán.
Ông này cũng đặt vấn đề nếu buộc hộ kê khai thuế như doanh nghiệp thì có được khấu trừ chi phí hợp lý trước khi tính thuế như doanh nghiệp hay không? Mặt khác, hộ kinh doanh lớn có được xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT)?
Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng trên thực tế có những hộ kinh doanh có doanh thu rất lớn, quy mô như một doanh nghiệp nhưng vẫn nộp thuế khoán như những hộ kinh doanh nhỏ. Như vậy là không công bằng.
Thời gian qua cơ quan thuế vận động hộ cá nhân lên doanh nghiệp nhưng do không có biện pháp bắt buộc nên họ vẫn ở trong mô hình hộ vì không phải thực hiện các chế độ kế toán, không bị thanh tra kiểm tra...
TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng việc yêu cầu các hộ kinh doanh lớn phải thực hiện sổ sách kế toán là một bước để thúc đẩy các hộ lên doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông Tú, việc yêu cầu các hộ lớn kê khai thuế theo đúng doanh thu từng được cơ quan thuế thực hiện nhưng thất bại.
Chẳng hạn một hộ kinh doanh đang được khoán doanh thu 1 tỉ đồng/tháng, hộ bên cạnh cũng khoán 1 tỉ, nếu họ kê khai lên 1,5 tỉ, nhưng hộ bên cạnh chỉ kê khai 1 tỉ, họ sẽ thấy "thật thà thì thua thiệt". Khi đó, họ phải nộp thuế nhiều hơn, khó cạnh tranh được với hộ kinh doanh khác. Trong khi nếu vẫn kê khai và nộp thuế với doanh thu như cũ thì họ cũng không bị gì.
Ngăn chặn nạn mua bán hóa đơn
Về mục đích chính của quy định quản lý thuế đối với hộ kinh doanh lớn được đưa vào luật, bà Lan nhấn mạnh là để quản lý chặt chẽ những hộ lớn sử dụng hóa đơn GTGT, tránh buôn bán hóa đơn GTGT để hợp thức hóa đầu vào cho doanh nghiệp. Hiện cả nước có hơn 100.000 hộ lớn, hoạt động tập trung ở các thành phố lớn.
Vì quy định lâu nay là các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn áp dụng thuế khoán, không phải lưu giữ sổ sách kế toán, chứng minh đầu vào, kê khai với cơ quan thuế, trong khi đó họ vẫn xuất hóa đơn GTGT bình thường. Vì vậy, một số hộ kinh doanh lợi dụng việc này để buôn bán hóa đơn GTGT mặc dù không có hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Tới đây các hộ phải thực hiện sổ sách kế toán và kê khai định kỳ với cơ quan thuế về các chi phí liên quan đến hàng hóa dịch vụ đó", bà Lan nhấn mạnh.
Về chế độ kế toán với đối tượng này, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo thông tư với nguyên tắc rất đơn giản và không phải quyết toán thuế, báo cáo tài chính như doanh nghiệp. Hộ không bị tính thuế doanh thu trừ chi phí, không hạch toán các tài khoản như doanh nghiệp mà chỉ có 4 sổ để theo dõi doanh thu, tiền lương, thu chi và hàng hóa dịch vụ mua vào.
Vậy tới đây hộ kinh doanh phải có 4 sổ theo dõi và phải gửi cho cơ quan thuế hằng tháng hoặc quý có cần phải thuê kế toán hay không? Bà Tạ Thị Phương Lan cho rằng bất kỳ ai kinh doanh, ngay cả tiểu thương ở chợ dân sinh, cũng phải có ghi chép, sổ sách theo dõi. Họ đang làm bình thường.
Với quy định mới, chỉ hợp thức hóa bằng quy định và buộc họ phải lưu giữ và xuất trình, với hình thức hết sức đơn giản.
Bà Lan cũng thông tin hộ kinh doanh lớn sẽ không được xuất hóa đơn GTGT do họ tự phát hành mà chỉ được xuất hóa đơn bán hàng và hóa đơn GTGT do cơ quan thuế in. Về tính thuế đối với hộ lớn, bà Lan cho hay vẫn tính thuế trên doanh thu chứ không phải doanh thu trừ chi phí.
"Số thuế nộp sẽ kê khai theo thực tế doanh thu chứ không khoán nữa. Thực tế bao nhiêu, trên hóa đơn bao nhiêu thì nộp thuế bấy nhiêu. Họ sẽ phải lưu giữ hóa đơn chứng từ đầu vào để chứng minh nguồn gốc đầu vào hàng hóa là hợp pháp, dịch vụ là có thật.
Còn trước đây, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn sẽ phải nộp thuế theo mức khoán và nộp thêm một lần nữa trên hóa đơn" - bà Lan nói.
Hộ nào phải theo diện như doanh nghiệp?
Theo dự thảo, tùy theo lĩnh vực kinh doanh và quy mô doanh thu, hộ kinh doanh có 10 lao động nộp bảo hiểm sẽ phải thực hiện sổ sách kế toán như doanh nghiệp siêu nhỏ.
Cụ thể, tổng doanh thu của năm từ 3 tỉ đồng đối với hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng; từ 10 tỉ đồng với những hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ...