Mời cụ
Yellowtea cho ý kiến
DOANH NGHIỆP THỨC ĂN CHĂN NUÔI BỨC XÚC
Giữa tháng 5/2021, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam gửi Công văn đến Cục Chăn nuôi,
kiến nghị dừng yêu cầu thực hiện hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, Thông tư số 04/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, đưa ra quy định, trước khi lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam phải công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản. Thời gian bắt buộc phải thực hiện hợp quy sẽ bắt đầu từ 1/7/2021.
Ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, cho rằng hiện đã có nhiều quy định đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi. Khi đăng ký lưu hành, sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm được chỉ định của Bộ NN&PTNT.
Bên cạnh đó, tất cả thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước đều được sản xuất tại nhà máy đủ điều kiện do Cục Chăn nuôi cấp và đánh giá giám sát định kỳ. Đối với sản phẩm nhập khẩu, phải có GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO. Khi nhập về phải kiểm tra chất lượng thông quan.
Ngoài ra, sản phẩm bảo quản trong kho cũng như lưu hành trên thị trường đều được các cơ quan chuyên ngành như: Chi cục Chăn nuôi và thú y địa phương, Chi cục Quản lý thị trường, thanh tra liên ngành... thường xuyên thực hiện kiểm soát chất lượng.
"
Việc các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi phải làm thêm thủ tục công bố hợp quy sau khi đã làm đầy đủ hàng loạt các thủ tục trên là không cần thiết và gây lãng phí, làm đội giá thành sản phẩm và không ai khác chính bà con nông dân phải gánh khoản chi phí vô lí này".
Theo Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, thế giới không có hợp quy thức ăn chăn nuôi. Còn đối với công bố hợp quy an toàn thực phẩm, hiện Bộ Y tế cũng đã bãi bỏ.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam, chia sẻ: “Khi chúng tôi làm việc nhiều với cơ quan hải quan, họ bảo không hiểu ngành nông nghiệp quy định nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thế nào mà mất nhiều thời gian thế, suốt ngày nợ hồ sơ nhập khẩu, trong khi bên y tế phụ trách thực phẩm cho người cũng không quy định khắt khe đến vậy. Nhà sản xuất đối tác không hiểu tại sao Việt Nam quy định hợp quy để làm gì, trong khi đó họ có đầy đủ giấy tờ chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO và CFS”.
“Chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi không phụ thuộc vào cái tem nhãn hợp quy đó nên kiến nghị Bộ NN&PTNT bãi bỏ thủ tục hợp quy sớm ngày nào tốt ngày đó để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với chủ trương của Nhà nước về việc cắt giảm thủ tục, chi phí hành chính, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển” ông So kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, việc thực hiện công bố hợp quy sẽ gây lãng phí thời gian, nhân lực đối với doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất như chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác, thay trục lô...
"Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi trước bối cảnh bệnh dịch hoành hành, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao", ông Sơn bức xúc.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, cho biết đã nhận được Công văn kiến nghị của Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam. Từ ngày 1/7 tới là thời điểm bắt buộc các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi.
Riêng QCVN 01:190 đối với thức ăn bổ sung đã có hiệu lực từ 1/7/2020. Thông tư số 04/2020 là cụ thể hóa những quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP. Cục Chăn nuôi cũng đã nhận thấy một số bất cập nêu trên, nhất là bất cập về quy định lô thức ăn nhập khẩu được miễn giảm kiểm tra nhưng vẫn phải công bố hợp quy.
“Trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi tiếp tục lắng nghe góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội và người chăn nuôi để tổng hợp đầy đủ, toàn diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý thức ăn chăn nuôi nói chung và công bố hợp quy thức ăn nói riêng để báo cáo, đề xuất Bộ NN&PTNT kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”, ông Thắng cho biết.