Hàng trăm chủ tàu du lịch nguy cơ phá sản
Hơn 500 tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đang nằm bờ nhưng các chủ của nó đứng ngồi không yên vì đã thành "con nợ". Tàu dừng nhưng họ vẫn phải "gánh" chi phí.
Đã được đón khách du lịch nội tỉnh từ trưa ngày 8/6 nhưng các con đường dẫn vào Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vẫn vắng tanh.
Anh Vũ Đình Linh (45 tuổi), chủ của 15 tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, cho biết, sau 20 năm làm du lịch, chưa từng rơi vào cảnh bế tắc như lúc này.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam từ tháng 1/2020, khiến anh cắt giảm nhân viên từ 80 xuống còn 8 người chủ yếu để trông coi tàu. Hơn một năm nay, 15 tàu nghỉ đêm hầu hết thời gian nằm bờ. Dù không chạy, mỗi tháng anh phải trả chi phí 500 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng là tiền lãi ngân hàng.
Anh tính toán, một tàu nghỉ đêm từ 8 đến 14 phòng phải chi phí bình quân 50 triệu đồng mỗi tháng dù không chạy. Trên tàu vẫn phải duy trì hai nhân viên để trông coi, trong đó tiền lương, tiền ăn, tiền đóng bảo hiểm cho hai người khoảng 20 triệu một tháng rồi kèm các loại chi phí như đăng kiểm, bến bãi, duy trì bảo dưỡng... "Mỗi lần lên đà, bảo dưỡng cũng mất hơn 50 triệu đồng", anh Linh buồn bã nói.
Người đàn ông từng đi lên từ hai bàn tay trắng với những chiếc đò nhỏ trước khi mua được tàu lớn đang rơi cảnh nợ nần. Anh nợ 40 tỷ, cả ngân hàng và bên ngoài. Hai năm nay, đang nợ 40 tỷ đồng, cả ngân hàng và vay bên ngoài. Trong gần hai năm nay, khi phải vay chỗ nọ trả chỗ kia, chi phí vay nợ lại "đội" thêm hơn 10 tỷ đồng.
"Đến giai đoạn này mà bán hết tàu để trả nợ coi như trắng tay vì lỗ nặng mà cũng không có ai mua", anh Linh nói và mong được Chính phủ và ngân hàng có những chính sách hỗ trợ các chủ tàu.
Tương tự anh Linh, ông Bùi Công Hoan, chủ của ba tàu nghỉ đêm trên vịnh cũng đang điêu đứng. Tàu nhà ông nằm bờ từ đầu năm 2020 đến nay. Như trước đây có 50 nhân viên thì nay chỉ còn hơn 10 người để trông coi tàu.
Được đón khách nội tỉnh nhưng tầm này, các du thuyền may ra chỉ có khách vào cuối tuần. Chi phí vận hành tàu nghỉ đêm gấp 2 đến 3 lần tàu ngày, chưa kể phải giảm giá để hút khách nên các ông chủ thấy "càng vận hành càng lỗ".
"Trước giá dịch vụ 2 ngày 1 đêm khoảng 2,5 triệu đồng một khách, thì nay xuống còn 1,8 triệu, đã bao gồm ba bữa ăn chính, một bữa ăn sáng. Nếu tàu 20 ca bin phải đạt số lượng khách khoảng 80% mới đủ hòa vốn", ông Hoan nói.
Đè nặng lên vai của các chủ tàu lúc này không chỉ có chi phí vận hành du thuyền. Hiện tất cả nhân viên trên tàu buộc phải có kết kết quả âm tính thì tàu du lịch mới được đón khách và giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị trong bảy ngày là phải xét nghiệm lại. Theo tính toán, chi phí xét nghiệm PCR Covid-19 hiện khoảng 700.000-800.000 đồng mỗi lần.
"Đây là một gánh nặng cho các chủ tàu vì chi phí cho việc xét nghiệm rất tốn kém vì hết 7 ngày lại phải xét nghiệm lại. Chúng tôi đã đề xuất với tỉnh tiêm vaccine cho tất cả nhân viên phục vụ trên các tàu, các chủ tàu sẽ trả phí tiêm vaccine cho nhân viên, nhưng đến nay chưa nhận được trả lời", ông Nguyễn Văn Phượng, Chi hội phó tàu du lịch Hạ Long nói.
Theo ông, nếu không có dịch bệnh, các chủ tàu mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho tỉnh và tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động. Còn giờ, họ không thu mà chỉ chi và đang thành con nợ.
Ông Phượng dẫn chứng, nếu đầu tư cho một tàu sắt nghỉ đêm 4 đến 5 sao khoảng 30 đến 40 phòng có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay có những người vay hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.
"Chúng tôi mong Chính phủ có chính sách giảm lãi, khoanh nợ..", ông Phượng nói và cho biết đến 15/6 sẽ có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Quảng Ninh.
Một ******** tỉnh Quảng Ninh cho biết đã có chủ trương giảm phí tham quan vịnh Hạ Long để thu hút du khách. Tháng 7 này, HĐND tỉnh họp sẽ xem xét trình HĐND miễn 100% giá vé tham quan vịnh Hạ Long đến hết năm 2021.
Ngoài ra, tỉnh cũng giao Sở Du lịch làm việc với các tỉnh để đón những đoàn khách tiêm đủ liều vaccinne hoặc đến từ vùng an toàn.
Về đề xuất tiêm vaccine của các chủ tàu, vị này cho biết trước mắt sẽ thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ, theo tuần tự ưu tiên, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Quảng Ninh cũng đang cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine đảm bảo chất lượng một cách nhanh nhất có thể. "Tỉnh rất quan tâm vấn đề này nhưng vì chưa có vaccine, lại muốn phát triển du lịch, nên buộc phải áp dụng các quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch", vị này nói và cho biết đã ban hành xét nghiệm theo mẫu gộp 10 với chi phí rẻ nhất.
Hơn 500 tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đang nằm bờ nhưng các chủ của nó đứng ngồi không yên vì đã thành "con nợ". Tàu dừng nhưng họ vẫn phải "gánh" chi phí.
vnexpress.net