Em có đôi lời thế này ạ. Em cảm thấy một số cụ có quan điểm kiểu cuộc đời này chỉ có hai lối rẽ trái - phải, hai màu trắng - đen, hay như cái công tắc đèn chỉ có hai trạng thái tắt - mở/ tối - sáng.
Nó giống kiểu vài bạn trẻ cứ nghe ai phân tích điểm bất hợp lý trong phát ngôn của chị Hằng là chụp mũ ngay “á à bọn mày theo phe tụi gừng sĩ!”
Hay như một vài bạn trẻ khác cứ nghe ai bảo NN đang có vài chính sách không hợp lý hoặc người thực thi đã làm sai, thì sẽ chửi ngay “á à mày là thằng phỏng đạn! Đồ khát nước!”
Khi có người đề nghị nới giãn cách, thì đồng nghĩa “á à mày muốn đổi mạng người lấy kinh tế, mày chọn ôm máy thở chết trên đống tiền còn tao thà ăn mì góp húp nước tương mà sống!!!”
Các cụ ơi, hoàn cảnh và tình hình ở mỗi nơi mỗi khác, thậm chí trong cùng một khu phố thôi mà xóm trọ kia với nhà mặt tiền nọ cũng đã khác xa nhau rồi. Giãn cách cũng có nhiều mức độ giãn cách, có chỉ thị 15, có chỉ thị 16, có 16+, 16 Pro Max... Có nơi ca nhiễm hiện tại đang đếm trên đầu ngón tay, có nơi cũng đến trên đầu ngón tay được nhưng phải thêm chữ “trăm ngàn” phía sau. Có những điều nơi này hợp, nơi khác lại không áp dụng được....
Có chỗ người ta kêu gào đòi “nới lỏng”, không có nghĩa là đang từ “thiết quân luật” bụp phát thành thả lỏng “như chưa từng có cuộc Cô Vy”. Người ta chỉ cần nới từ 16 ProMax xuống 16 thường thôi rồi từ từ xuống 15 thì sao? Hoặc người ta chấp nhận ừ thì cho ở nhà hết cũng được nhưng làm ơn cho shipper đi lại, để người ta được tự mua đồ ăn, thuốc uống, gởi giấy tờ quan trọng, mua cái điện thoại mới cho con gái út học online, gởi lốc sữa qua cho ba mẹ đang ở khác quận, mua một mớ “ba con sói” về kẻo hết nghỉ dịch lại chuyển sang nghỉ đẻ, đặt mua cái tông đơ về tự xử mái tóc đã 5 tháng rồi chưa cắt được sợi nào... chẳng hạn.
Có cụ nghĩ là “thà chết đói còn hơn hết dịch”, nhưng liệu có nghĩ tới khả năng giãn cách kéo dài với những chính sách không hợp lý thì sẽ có một số người phải tức tưởi “vừa chết đói vừa chết dịch” luôn không? Có nghĩ tới rất nhiều người bệnh khác trong SG và các tỉnh lân cận đã rất nhiều tháng rồi không thể tái khám do giãn cách, do sợ lây bệnh, do bệnh viện chuyển công năng chỉ tập trung chữa Covid? Có nghĩ tới vaccine, oxi, máy thở, thuốc men... đều cần tiền để mua, giãn cách kéo dài sẽ trụ được đến đâu? Có nghĩ tới việc ăn uống kham khổ thiếu thốn sẽ khiến F0 dễ trở nặng hơn, F1 đề kháng yếu dễ nhiễm bệnh hơn? Có nghĩ đến những người không còn tiền đóng trọ, phải ngủ gầm cầu, ống cống... thì lấy gì bảo đảm 5K? Lấy gì chống dịch? Lấy gì bảo đảm không mang mầm bệnh gieo rắc khắp nơi cho người khác?
Hoặc như chuyện quản lý F1 tại nhà. Người ở tỉnh thành khác sẽ đặt vấn đề “ủa quản lý được không? Ý thức thế nào?” Nhưng với người SG thì câu trả lời sẽ là “trời ơi F0 còn cho tự điều trị tại nhà thì F1 F2 đã là gì? Ủa mà nghỉ truy vết lâu rồi nên còn ai nhớ khái niệm F2 F3 tròn méo ra sao đâu?”
Hay chuyện xét nghiệm diện rộng. Với địa phương khác ca nhiễm còn ít thậm chí rất ít, xét nghiệm xong sẽ bế đi cách ly được nè, tập trung chạy chữa được nè. Ok vậy thì cứ xét đi, nếu các bác sĩ hoặc dân SG có góp ý rằng sợ lây nhiễm thì các tỉnh thành đấy cứ phổ biến quy trình xét nghiệm an toàn nè, cố giữ khoảng cách, thay găng hoặc xịt khuẩn cẩn thận khi lấy mẫu; khuyên người dân đi lấy mẫu phải tự bảo hộ cho tốt không túm tụm nhiều chuyện khi gặp người quen nè; cố gắng để khu cách ly được an toàn không nhồi nhét quá tải nè...
Còn với người SG, ca nhiễm quá nhiều rồi, thì việc xét nghiệm diện rộng có còn cần thiết không? Trong khi shipper thì không xét nghiệm kịp phải xếp hàng nửa cây số, đứng đợi mấy tiếng rồi báo là “hết lượt”? Còn túi thuốc phường phát cho F0 trị tại nhà thì không phát kịp tới dân? Không xét nghiệm diện rộng đâu có nghĩa là bỏ luôn không xét nghiệm nữa, mà là vẫn xét nghiệm nhưng thu hẹp vùng lại, giãn tần suất lại, tập trung xét nghiệm những đối tượng nguy cơ cao... Như vậy có thể sẽ tiết kiệm được tiền để dành mua thứ khác, giảm tải phần nào cho nhân viên y tế để có thời gian làm thêm việc khác, dân cũng đỡ khổ vì những chuyện kiểu “trong 7 ngày phải xét nghiệm 3 lần, có chung cư đầu mùa tới giờ đã ngoáy mũi tới lần thứ 11 dù không ai ra khỏi nhà, sáng test trong cơ quan xong tối về nhà bị bắt test tiếp...” chứ ạ? Lúc trước bỏ ra mười đồng cho xét nghiệm thì giờ giảm dần xuống còn bảy, tám đồng cũng được mà?
Một số cụ cho rằng có thể nới lỏng giãn cách khi đã phủ được lượng vaccine nhất định. Nhưng lại quên rằng SG có số lượng F0 đã khỏi bệnh (có ghi nhận hoặc không ghi nhận ) cực kỳ lớn. Đây là đối tượng hiện đang được khuyến cáo không cần tiêm vaccine trong 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Và tâm lý chung, với những người trẻ không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, khi đã vượt qua được một lần, họ sẽ cảm thấy “Covid thực ra cũng chẳng ghê gì mấy, không phải cứ mắc phải là chết”, họ muốn được đi làm lại để kiếm tiền, với niềm tin rằng trong người đã có kháng thể. Và những người có người thân đã qua đời vì Covid ( con số này trong SG cũng nhiều hơn bất kỳ địa phương nào khác ở VN), họ có đau buồn không? Có sợ Covid không? Có chứ, sẽ có những người sợ mất mát đau thương và không dám liều, cũng không dám để người thân khác trong nhà phải liều, phải đánh cược với sinh mạng nữa. Nhưng nếu gia đình không có điều kiện, người qua đời là lao động chính trong nhà, và giờ gánh nặng đó dồn lên vai họ thì sao? Sẽ có những người phải chọn gạt qua nỗi sợ mà tìm cách bươn chải để kiếm miếng ăn cho những người còn sống. Có thể các cụ sẽ cho rằng họ ích kỷ, “Á à người nhà mày chết rồi mày muốn cả nước chết theo à”, nhưng mà như Nam Cao đã viết đó thôi, “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa”.
Những người đã có người thân mắc bệnh và bị bệnh viện từ chối trong khoảng thời gian quá tải tầm tháng 7 + đầu tháng 8; những người đã gọi hết các hotline nhưng không tìm được chiếc xe cứu thương nào, phải “tự bơi” hoặc nhờ đến các tổ chức thiện nguyện, nhờ cộng đồng hỗ trợ; những F0 điều trị tại nhà nhưng khi “tự xử” khỏi bệnh rồi phường mới xuống giăng dây và phát thuốc trong muộn màng; những người đã đặt niềm tin vào “đi chợ hộ” nên không tích trữ gì để rồi không thấy tổ trưởng đâu, hoặc đặt đơn sau một tuần mới nhận một phần nhỏ trong đơn thậm chí bị huỷ;... Những đối tượng đó, các cụ nghĩ niềm tin của họ vào các chính sách giãn cách, lockdown nghiêm ngặt liệu còn được bao nhiêu? Họ có nghĩ “lockdown mà còn tử vong nhiều thế không lockdown thì có mà chết hết” không? Hay họ sẽ nghĩ “lockdown làm gì để rồi cái chuyện cơ bản ‘đói ăn rau - đau uống thuốc’ cũng không lo được, muốn đi cấp cứu cũng chẳng xong, chẳng thà mở ra cho người nhẹ có điều kiện tự do mua thuốc, tự trị tại nhà còn người nặng sẽ có chỗ trống nhập viện còn hơn”? Em không dám nhận định đúng sai, hợp lý hay không hợp lý, nhưng rõ ràng có rất nhiều người SG đã và đang có những suy nghĩ tương tự.
...
Các cụ trong topic này, những người ủng hộ nới lỏng giãn cách, em nghĩ cũng đâu có nghĩa là họ muốn “thả rông” liền cho “sống chết mặc bay”? Cái gì cũng có quy trình từ từ, ngành nào được mở trước, ngành nào mở sau; người nào được đi làm trước, người nào tạm nằm nhà chờ mà ạ?