Những gì cụ này viết là trải nghiệm, ấm áp và rất tình người.
TUYẾN TRÊN KHÔNG CÒN CHỖ
22:40 phút tối nay 6/8/2021
Chiều tối, anh bạn thân nhờ tôi can thiệp cho cháu anh. Gửi tôi cái ảnh thằng bé nằm thiêm thiếp trong một bệnh viện dã chiến. Thiếu BS và BS cũng đã kiệt sức. Nó được khám qua...zalo. Và khi anh gọi thì nó đã lơ mơ. Người gầy đét dù bình thường nó thích thể thao và nặng 80kg, cao gần mét tám. Gia đình xin chuyển viện.
Bác sĩ Giám đốc học chung cao cấp chính trị với tôi. Tôi gọi anh, anh nói nhầm rồi, BV dã chiến này của Bs X, và cho số.
Tôi quen vài bác sĩ ở BV dã chiến này. Họ nói với tôi là thua rồi anh Hiển, khu cấp cứu qua đông BN chờ chuyển tuyến trên. Tôi gọi nhờ BS GĐ, cuối cùng thằng bé được đưa vào khu cấp cứu BV Dã chiến. Mong là tuyến trên tối nay trống chỗ...
Một đồng nghiệp của tôi gọi nhờ: 5 người trong nhà anh gồm bản thân anh, vợ, con trai, em trai và mẹ cùng nhập viện một ngày. Mẹ anh và em trai thở máy. Mẹ anh bị nặng và được chuyển từ BVDC số 6 về Chợ Rẫy. Anh nhờ tôi hỏi thăm tình trạng của bà. Tât cả các số máy BS Chợ Rẫy tôi quen đều vô vọng, không thể gọi. Tôi hiểu, thời gian đâu mà nghe. Tôi nói với anh: Khoa bệnh Nhiệt đới của Chợ Rẫy là tháp 5, tầng cuối cùng trong tháp điều trị COVID, không phải ai nguy kịch cũng có chỗ ở đó như cụ. Thôi bạn bình tĩnh, chúng ta tin là đã làm hết sức ... Còn chỗ nào tốt hơn nơi đó đâu.
Cả 2 gia đình 2 cháu tôi dương tính. Một đứa đi BVDC số 6. Nay ngày thứ 9, tối nay nó đã dừng uống hạ sốt. May quá!
Một đứa cháu khác, cả nhà bị dương tính từ 27/7. Phường chỉ đến giăng dây, xin đi viện không được phản hồi. Trưa nay bố nó và bố vợ mệt nặng, gào mãi mới có xe cấp cứu đến đưa đi. Bố vợ vào BV quận, bố nó- anh họ tôi- vào BV dã chiến.
Nửa tiếng trước nó gọi tôi: cậu ơi BV vừa thông báo bố vợ cháu nguy kịch nhưng tuyến trên hết chỗ. Cậu xem có cách nào?
Tôi nói cậu tin rằng tuyến trên hết chỗ thật (hết từ lâu, tôi nghĩ thế). Tôi biết can thiệp nhờ vả lúc này là không nên, sẽ làm họ rối. Nhưng biết sao được. Tôi là cậu nó, và người nhà đang nguy kịch. Tôi bốc máy... Thay vì trả lời còn cách nào chuyển viện cho người nhà đang nguy kịch không, họ cung cấp cho tôi những thông tin.
Bác sĩ ở BV tuyến trên thứ nhất: Hết chỗ anh ạ. Và anh nói thêm oxy đang rất thiếu, chỗ anh có 200 người cần thở oxy.
Bác sĩ ở BV tuyến trên thứ hai: Chỗ tôi, BN cấp cứu lọc máu phải nằm tràn ra hàng hiên.
Tôi nói với cháu mình:
Cậu tin các bác sĩ và chính quyền, nhưng tuyến trên hết chỗ rồi, con ạ!
----
6:44 sáng 7/8 tôi nhận tin:
BN là cháu của người bạn mà tôi xin chuyển vào phòng cấp cứu ở BVDC, được đưa vào cấp cứu nhưng quá nặng, tuyến trên hết chỗ, nguy kịch
3g sáng xin được chuyển cấp cứu ở ĐHYD. BV này đồng ý. Cháu chết trên xe cấp cứu, trên đường đi.
Nguồn:
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10159765821849090&id=578394089
Nhà báo Pháp Luật và Đời Sống thì phải
BẤT LỰC VÀ BIẾT ƠN
Có một cuộc điều binh không trống giong cờ mở vào TP.HCM, vưa đến nơi đã setup bệnh viện và chạy đua thời gian để cứu người.
Những cuộc "điều binh" từ các BV từ thủ đô Hà Nội và nơi khác.
Những ngày qua mất mát quá nhiều và những ngày tới còn kinh khủng nữa.
Có những BV ở tầng 4 của tháp điều trị như BV 175, có 200 giường cho những BN này. Chừng đó chỉ đủ 200 người nằm. Và nếu mỗi người đều nằm đó 10 ngày thì không còn chỗ để nhận thêm ai. Họ đến và nằm lại chứ đâu thể ra viện hoặc chuyển lên Bv tầng 5 ngay.
Khi một chỗ kẹt ứ, các chỗ khác đành chờ nhìn BN chết. Như đứa cháu của người bạn mà chiều qua tôi xin cho vào phòng cấp cứu BVDC. Nó nằm ở BVDC rồi, nguy rồi, nhưng người nhà nói BS thiếu nên khám qua zalo. Vô được phòng cấp cứu thì trở nặng nhưng tuyến trên hết chỗ. 3g sáng BV ĐHYD đồng ý nhận cấp cứu, chuyển giữa đường thì chết.
Đêm nào bạn đọc cũng gọi cho tôi, trong đó có nhiều cụ già người Hoa. Họ có số điện thoại tôi là vì tôi từng tiếp và lắng nghe họ từ khi họ chưa già, vì mấy chục năm nay tôi ko đổi số điện thoại :"Tui biết số của anh từ khi đọc báo Pháp luật từ hồi còn báo cuốn (25 năm trước). Giờ vợ con tui nguy vậy, nhà báo can thiệp dùm!". Thường, tôi chỉ có thể nhờ các đội trợ giúp F0, các đội giúp thở. May mắn hơn có thể nhờ ai đó đưa vào BV quận (tầng 2 của tháp điều trị, lãnh đạo quận cũng chỉ can thiệp được tới đó). Có người sống nhưng cũng nhiều người chết.
Hai tối nay, tôi không còn gọi cho lãnh đạo nào nữa, vì biết các anh chị cũng ko còn sức mà nghe. Tôi là người viết báo, còn bị réo vậy, các anh chị còn bị réo cỡ nào.
Một lãnh đạo TP nói bất kỳ chỗ nào quá khó khăn về thực phẩm mà địa phương chưa kịp trợ giúp, anh Hiển nhắn mình cần nhiêu suất, sẽ có người đưa tới. Tôi biết vị ấy thương dân chứ, nhưng tôi xem lịch công tác, thấy có ngày vị ấy làm việc tới gần 20 tiếng.
Và chỉ là thực phẩm thôi, chứ can thiệp đi viện hay cấp cứu thì giờ này không nên gọi. Vì thực sự BV quá tải, các cuộc gọi gia tăng áp lực cho bác sĩ, không giải quyết được gì.
Tôi không dám trách các bác sĩ, cả những bác sĩ giỏi, có chức vụ, quen thân mà ngày thường toàn bắt tôi đi kiểm tra sức khoẻ còn khi tôi khoẻ rồi thì rủ tôi uống bia cuối tuần. Tôi cũng đã từng gọi nhờ họ giúp những lời kêu cứu ấy. Nhưng giờ thì thua hẳn.
Bất lực!
Xóm tôi đã thu hẹp các hoạt động cứu trợ vì nguy hiểm. Và vì với số tiền ít ỏi huy động được, tôi mong có thể làm cái gì đó cho các bác sĩ. Một lô khẩu trang và 100 máy đo ô xy tôi đặt mua với giá trên trời, chuyển tiền ngay để kịp gửi cho 2 bệnh viện. Máy đo giao rồi, nhưng khẩu trang thì mai mới giao. Ngay chiều, một cô em giám đốc công ty thiết bị y tế "mắng" tôi: Em thề với anh nếu giờ này mà mua khẩu trang 3M-N95 mã này, có hàng giao ngay thì chỉ có hàng Tàu nhái Singapore. Mãi rồi tôi cũng được bên kia trả lại tiền, để đặt mua nơi khác, ké vào một đơn hàng khác và tuần sau mới có.
Bác sĩ gửi tôi một list dài các thứ họ cần, trong đó có cả bao đựng tử thi. Bác sĩ than thở: Trời ơi khẩu trang 3M-N95 mà xài mỗi ngày 2 cái, 100 người thì núi cũng lở....
Mỗi người, hãy nhìn về phía trước. Cảm giác bất lực của chúng ta khi mất người thân chỉ là cái móng tay so với cảm giác bất lực của bác sĩ và áp lực đối với những người có trách nhiệm trong chính quyền. Vì họ phải chứng kiến và giải quyết từng giây và về luật, họ được quy định trách nhiệm ngồi chỗ đó để giải quyết những vấn đề như thế.
Vì thế, hãy hỗ trợ họ, nhất là bác sĩ tuyến đầu.
Và cũng vì thế giữa những ngày đau thương này (tôi có thể bị phê bình khi dùng từ này, tôi biết chứ), có khi đau thương không làm ta khóc, mà khí thế lên đường của các bác sĩ làm tôi muốn khóc.
3 Trung tâm hồi sức COVID (tầng cuối của tháp điều trị) được gấp rút thành lập để bổ sung cho TP. Chúng ta hiện có BV Hồi sức COVID-19, BV Chợ Rẫy và BV Nhiệt đới, giờ được bổ sung thêm 1500 giường từ các BV này.
300 BS và nhân viên BV Việt Đức lên đường để lập Trung tâm Hồi sức COVID ở Bình Chánh. Họ sẽ đảm nhận cứu người nguy kịch ở mạn Tây Nam Sài Gòn, trong đó có quận Bình Tân, vùng dịch khủng khiếp nhất. Lãnh đạo BV Việt Đức không phân công ngay, chờ tự nguyện. Và emai xung phong tới tấp bay về sau ít phút. Có cô bác sĩ mới lấy chồng, có BS để lại thủ đô mẹ già con dại. Họ xung phong lên đường để làm việc trong bộ đồ bảo hộ sáng đến chiều đến khuya. Họ lên đường vì người dân Sài Gòn đang nguy kịch. Họ lên đường, vì như họ nói với nhau: "Chúng ta phải đi thôi, vì chúng ta có nghề! Nghề chúng ta là để cứu người. Chúng ta không lên đường thì ai?"
Vâng, nếu các anh chị không lên đường, nếu các Y bác sĩ TP này không miệt mài gian lao 3 tháng qua, thì không có ai nữa.
Biết ơn biết bao nhiêu, trong những ngày đau thương biết bao nhiêu này!
Nguốn
<iframe src="https://www.facebook.com/plugins/post.php?href=https%3A%2F%2Fwww.facebook.com%2Fbocuhung%2Fposts%2F10159766683209090&show_text=true&width=500" width="500" height="250" style="border:none;overflow:hidden" scrolling="no" frameborder="0" allowfullscreen="true" allow="autoplay; clipboard-write; encrypted-media; picture-in-picture; web-share">