Cảm ơn cụ tổng hợp rất đầy đủ. Em góp lời tán nhảm đôi chút.
Bộ 8, phổ biến từ 1980-89, bao gồm 2 cuốn "Học vần" và "Tập đọc". Học vần dạy trước, tập đọc dạy sau.
Bộ 7, phổ biến từ 1990-02, có "cải tiến" là gộp 2 cuốn trên lại, đổi tên thành "Tiếng Việt", chia 2 tập, cắt ghép chỉnh sửa đôi chút.
Hai bộ 7,8 này là 2 bộ mà đa số các cụ trên này được học, và là "tư liệu" luôn được dùng để chế diễu các bộ sách mới, nhất là phần Tập đọc. Đơn giản là vì nó quá hay, các bài được chọn lựa cẩn thận, câu cú rõ ràng ngay ngắn, minh hoạ mộc mạc nhưng có tính thẩm mỹ cao.
Bộ 6 do Cao Thị Lanh chủ biên, phổ biến sau 2002. Bộ này cải tiến nhiều, nhưng cũng có vẻ ổn, không thấy chửi bới mấy. Hay tại lúc đó chưa có FB?
So các bộ 6, 7, 8 này với các bộ sách mới sau này, thì điều dễ nhận thấy là các ví dụ mẫu xen giữa các bài học chữ cái, học vần ngày càng dài ra. Đỉnh điểm là bộ Cánh diều 2020, mới học vài chữ đã có nguyên bài dài ngoằng tập đọc, lại còn kèm cả câu hỏi. Ở các bộ cũ, câu hỏi chỉ xuất hiện trong phần Tập đọc, khi các con đã nắm hết chữ cái và vần. Ở các bộ mới, vì cố ép các bài tập đọc dài lúc chưa học hết chữ cái và vần, nên họ mới cố phóng tác sao cho tận dụng các chữ cái và vần đã học. Kết quả là có các bài tập đọc ngô nghê, lấc cấc thậm chí bố láo như ta đã thấy. Kèm với việc có câu hỏi trong bài tập đọc, mà các con không đọc được câu hỏi, dẫn tới gánh nặng lên giáo viên và phụ huynh. Tăng thời lượng giảng dạy không giải quyết vấn đề gì, vì đơn giản đây là sai trình tự. Nó giống như các cụ mợ đi giày xong mới đi tất ấy.
Đôi lời giải thích cho cccm về cái sự "nặng" của sách mới là như vậy.