Em đọc được 1 đoạn này.... nhưng bản thân nguồn gốc không rõ... chỉ là "Nguồn sưu tầm"
...
3- Kiển Thành hình cái kén, nếu chúng ta tách rời hai sự kiện này ra thì sẽ không thấy âm mưu sâu độc của Mã Viện, vì thế người viết, kết hợp cả hai sự kiện này bằng một hình vẽ tượng hình, bạn đọc sẽ thấy rõ ràng hơn:
Hình dáng Kiển Thành, tổ con tằm, (Âm: Thủy) tượng hình của người đàn bà, kết hợp với hình dáng trụ đồng Mã Viện, (Dương: Hỏa) tượng hình của người đàn ông.
Theo Kinh Dịch lý thuyết Vũ trụ: Thái Cực - Lưỡng Nghi - Tứ Tượng - Bát Quái.
Theo thuật phong thủy, nói về nhà cửa thường sử dụng bùa bát quái để trấn yểm hướng xấu. Trong phạm vi rộng lớn của một đất nước, bùa bát quái không có hiệu lực, vì thế Mã Viện đã sử dụng một loại bùa rất hiếm hoi đề cập trong sách vở đó là loại bùa Lưỡng Nghi tức là bùa Âm Dương có hiệu lực cao hơn bùa bát quái hai bậc theo Kinh Dịch.
Loại bùa này được thực hiện bởi hai công trình: Kiển Thành (Âm thủy) và trụ Ðồng Mã Viện (Dương Hỏa).
Ngoài ra, nói theo kiểu dung tục thì Mã Viện đã chơi một trò rất thô bỉ là “Ðóng cọc người đàn bà Giao Chỉ” nhằm triệt tiêu con đường kết phát vương quyền cho nữ giới Việt Nam sau này. Với chứng cứ đê tiện này cũng có thể chứng minh truyền thuyết quân Mã Viện lúc giao chiến với đội quân nữ giới của Hai Bà đã chơi trò đồng loạt “Cởi truồng” làm hổ thẹn nữ binh không phải là không có lý.
...
Cụ viết bài này ký tên Thiên Đức, em cũng không rõ là ông nào, ở đâu. Đọc cả bài ở đây:
http://www.vnfa.com/aot/ot_tdmv.html
Nhưng mà cái lý lẽ, nói đúng hơn là chém gió luận của ổng e rằng còn kéo mát ga hơn cả các cụ OF nhà mình.
Bùa lưỡng nghi của ổng đây,
Cuối bài ổng còn kêu gọi khẩn thiết,
Trước trời đất và mọi người chứng giám rằng:
Những âm mưu đê tiện của Mã Viện người Trung Quốc đã dùng thủ thuật phong thủy để ám hại dân tộc Giao Chỉ, nay đã được phơi bày ra ánh sáng.
Phải chấm dứt ngay mọi uy lực của lời nguyền và trao trả hiệu quả thảm hại lại cho cố chủ.
Cấp! Cấp! tuân lệnh!
Để tăng thêm uy lực hóa giải lời nguyền của Mã Viện, khẩn mong các bạn có cơ duyên đọc bài viết này thì xin cho một lời nguyền rủa từ đáy lòng mình trả lại cho Trung Quốc là nơi xuất phát nguồn gốc của câu chuyện.
Thiên Đức mong mỏi các nhà viết sử tiếp nhận thông tin này và tiếp tục làm sáng tỏ sự việc hòng trả lại sự thật cho lịch sử với cầu mong giải tỏa lời nguyền rủa gớm ghiếc để cho dân tộc Việt Nam có thể có những nữ anh hùng dân tộc trong tương lai vậy.
Thiên Đức trân trọng trình báo.
Cái đoạn trên kia ổng vẽ ra hình dáng Kiển Thành là hết sức tầm bậy.
Bởi vì thực ra Kiển Thành chính là vòng thành trong cùng của Loa Thành [hay thành Cổ Loa của An Dương Vương], được Mã Viện xây thêm sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng. Mà Kiển Thành được đắp hình chữ nhật, chứ không phải hình cái kén. Hình kén [mà cũng chả giống-chắc chỉ mang ý nghĩa lớp bảo vệ như đoạn trích phía dưới] là các vòng thành ngoài của Cổ Loa, được An Dương Vương xây từ trước đó.
Điều này được chứng minh qua các phát hiện khảo cổ học, các cuộc khai quật thành Cổ Loa.
Sơ đồ khảo cổ học thành Cổ Loa. Ngó thử xem tác giả Thiên Đức đã vẽ Kiển Thành thành cái kén, hợp với cột đồng, hóa thành bùa Lưỡng Nghi tài tình như thế nào.
Chưa kể cái cột đồng ấy nếu có, cứ cho là ở Cổ Sâm, nhưng nó ở tít bên Khâm Châu, thuộc Quảng Tây, mà trấn yểm được Kiển Thành thuộc đất Giao Chỉ thì đúng là tài thánh chứ đâu phải Mã Viện.
Trích từ tài liệu của cụ Ðỗ Văn Ninh, GS Viện Nghiên Cứu Sử Học, Hà Nội.
Về mặt kiến trúc, Kiển thành được đắp thành hình chữ nhật, chu vi 1.600m, mặt thành cao 10m. Thành chỉ mở một cửa ở chính giữa mặt tường phía nam và cũng có hào bao quanh. Ðáng chú ý là thành có đắp 12 hồi nhô ra ngoài rất cân xứng, mỗi mặt có chiều dài bốn hồi, chiều rộng bốn hồi.
Cả bình đồ kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và những phát hiện khảo cổ học trong thành đều chứng minh rằng vòng thành này không phải là sản phẩm của thời An Dương Vương. Hỏa hồi (ụ đất) của Kiển thành theo lối thành Hán có rất nhiều ở phía bắc Trung Hoa. Hỏa hồi được đắp để ngăn chặn đối phương tiếp cận chân thành. Ðây cũng là di tích hỏa hồi đầu tiên ở Việt Nam.
Tạo một bình địa, gặp gò đống thì san bằng, gặp ao hồ thì san lấp rồi mới đắp tường thành để có tòa thành sắc cạnh là cách xây dựng của người Trung Hoa. Kiển thành cũng đã được làm như thế bởi đất Cổ Loa xưa không ít ao đầm. Các nhà khảo cổ học đã từng khai quật và phát hiện những hòn đá và cây chống lầy để đắp tường thành. Chúng tôi cũng đã tìm được một loại di chỉ có rất nhiều trong khu vực Kiển thành mà một thời giới nghiên cứu gọi một cách không thỏa đáng là "gốm Cổ Loa". Di chỉ này là những mảnh ngói ống, ngói bản, đinh ngói và đầu ngói ống. Thực ra, những vật liệu lợp nhà này là sản phẩm của người Hán. Người Việt không lợp nhà bằng loại ngói này.
Bên trong Kiển thành, chúng tôi còn tìm thấy những khuôn giếng bằng đất nung. Ðây cũng là những khuôn giếng quen thuộc của người Hán. Trong tiến trinh lịch sử văn hóa, người Việt đã tiếp thụ khá nhiều yếu tố văn hóa của Trung Hoa nhưng ngói ống lợp nhà, khuôn giếng đất nung vừa kể là những yếu tố người Việt đã từ chối tiếp nhận.
Khi tiến hành khai quật ở Kiển thành, chúng tôi đã đào được những ngôi mộ Hán xếp bằng gạch in chữ, có niên đại rất xa xưa như: Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị (năm thứ 11, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Ðế - năm 99); Vĩnh Nguyên thập thất niên trung tự (năm thứ 17, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Ðế - năm 105) và Vĩnh Sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên (gạch cỡ lớn làm năm thứ 5, niên hiệu Vĩnh Sơ - đời vua Hán An Ðế - năm 111). Như vậy, những viên gạch này cho chúng ta biết thời gian người Hán sống, cai trị, xây nhà và được an táng ở đây.