Em có một chút kinh nghiệm về việc học bên Đức nên xin chia sẻ với cụ như sau. Tuy nhiên, Đức là một nhà nước liên bang, và nhà nước liên bang để cho các tiểu bang tự chủ trong lĩnh vực giáo dục, và các bang có những văn hóa khác biệt nên thông tin của em có thể chưa đầy đủ, mong các cụ các mợ khác bổ sung ạ. Thông tin của em là ở bang Hessen, và em cũng không học Studienkolleg (dự bị đại học) nên thông tin chưa đầy đủ.
Đầu tiên em nêu những khó khăn mà học sinh sinh viên Việt Nam gặp phải nếu như du học Đại học bên Đức.
- Thứ nhất: thanh niên Việt Nam được bố mẹ bao bọc nhiều, nên khi tiếp xúc với cuộc sống xa nhà hầu như không biết làm gì cả, dẫn đến việc sống chung rất khó khăn. Đặc biệt là vấn đề lập kế hoạch, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh tập thể.
- Thứ hai: môi trường giáo dục ở Việt Nam và Đức hoàn toàn khác nhau. Ở Đức thì việc tự học, làm việc theo nhóm là cực kì quan trọng. Trong khi đó ở Việt Nam đây là hai kĩ năng rất hiếm học sinh sinh viên có được.
- Thứ ba: nhiều bạn chỉ có một mục đích duy nhất là sang Đức, sau đó sẽ tính sau nên không chuẩn bị về tiếng Đức, thông tin đất nước, con người, văn hóa, luật pháp nên dẫn đến bị sốc văn hóa, tiếng chưa đủ để học, v.v.
Ba lý do trên khiến cho một số bạn bị đuối dần dẫn đến sợ học, và từ đó bỏ học để chuyên tâm làm kinh tế. Chứ thực ra, ở Đức chỉ cần đi làm thêm đủ số lượng ngày cho phép là 90 ngày thì có thể đủ sống cả năm rồi, cho nên đổ cho áp lực kiếm tiền là hoàn toàn sai.
Còn việc ra trường khó là vấn đề chung của mọi sinh viên chứ không chỉ riêng mỗi sinh viên người Việt. Trường em trước thì thi học kì số lượng sinh viên đạt chỉ rơi vào tầm 3, 40% thôi. Và có điều lạ là sinh viên Việt Nam lại hầu hết nằm ở phần 3, 40% đạt đó mới hay chứ.
Cho nên em có thể kết luận là nếu sinh viên Việt Nam học hành cẩn thận thì có thể tốt nghiệp được ở Đức với một tỉ lệ cao. Còn lười học thì học ở đâu cũng vậy thôi. Đức nó không có khái niệm kinh doanh bằng cấp nên để xác định sang đó mua bằng là rất khó. Em nói rất khó là vì không biết có kẽ hở nào không.
Để sang Đức học cho tốt theo em là nên có kế hoạch cụ thể rõ ràng:
- Đầu tiên là học tiếng thật tốt để sang đó có thể hòa nhập được nhanh.
- Biết thêm một ngoại ngữ nữa để phục vụ cho việc xin việc sau này được dễ dàng.
- Xác định rõ ngành nghề mình học.
- Tìm trường cụ thể.
- Tìm hiểu cuộc sống, cộng đồng tại thành phố mình sẽ sang học.
- Tìm nhà cửa, công việc làm thêm và công việc sau này mình sẽ làm sau khi ra trường.
- Lên kế hoạch chi tiêu càng chi tiết càng tốt.
Bên Đức hiện nay cũng mở cửa cho lĩnh vực du học nghề, nếu so với bên Nhật thì thu nhập cao hơn, quyền lợi lớn hơn. Một số quyền lợi em có thể liệt kê ra như sau:
- Học xong được ở lại 18 tháng hay 24 tháng gì đó để kiếm việc. Nếu sang Đức học nghề thì bước kiếm việc hầu như không phải làm vì gần như tự động đã có đầu ra rồi. Việc kiếm việc chỉ là để kiếm một cơ hội tốt hơn, lương cao hơn mà thôi.
- Nếu kiếm được việc và đóng thuế đầy đủ theo luật thì có thể xin định cư vĩnh viễn tại Đức, có quyền lợi tương đương người Đức.
- Nếu có về Việt Nam thì mỗi năm được quyền xin visa sang Đức 6 tháng để kiếm việc.
Chi phí cuộc sống ở Đức thì cũng không đắt đỏ như ở Nhật Bản hay ở một số nước EU khác. Nếu biết cách sống thì cũng tương đương với việc sống ở Hà Nội, hay TP HCM mà thôi. Tất nhiên bên Đức thì cần tiết kiệm một chút. Và rất nhiều thứ hợp với khẩu vị người Việt nhưng tụi Đức lại không thích dẫn đến cực rẻ. Ví dụ thịt bò, người Việt mình không thích ăn thăn vì nó mềm mà lại thích ăn những phần dai dai. Thì ở Đức thăn rất đắt, còn những phần dai dai kia lại rất rẻ. Hay thịt gà cũng vậy, người Việt mình chỉ thích ăn loại gà mà tụi Đức chỉ mua về ninh lấy nước để nấu súp, nên cũng rất rẻ. Do vậy, nếu biết nấu ăn thì thực sự chi phí cuộc sống ở Đức cũng không phải là quá đắt. Thậm chí chỉ tương đương ở Hà Nội. Quần áo cũng vậy. Rất rẻ.
Trên đây là một số ý cơ bản. Còn chi tiết cuộc sống tại Đức, cuộc sống ở KTX, không khí giảng đường, đăng kí học, đăng kí thi, v.v. thì em xin phép là chém tại thớt này theo kiểu buôn dưa lê vì nó rất lan man, và rộng, rất khó để viết trong một còm ạ.