“Át chủ bài” giúp Nga vượt mọi đối thủ ở Bắc Cực
Thứ Sáu, 05:30, 04/04/2025
VOV.VN - Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev cho rằng “Chiến tranh Lạnh” chưa bao giờ kết thúc, nó chỉ chuyển đến Bắc Cực và trở thành một cuộc đua hạt nhân.
Tại Diễn đàn Bắc Cực VI tổ chức ở Murmansk cuối tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố cam kết của Nga trong việc mở rộng đội tàu phá băng hạt nhân.
“Là quốc gia sở hữu đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, chúng ta phải tiếp tục củng cố vị thế của mình bằng cách đưa vào hoạt động các tàu phá băng tiên tiến, đặc biệt là các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mà chỉ Nga có thể chế tạo. Không quốc gia nào có đội tàu tương tự như vậy”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Nga sở hữu đội tàu phá băng mạnh nhất thế giới. Ảnh minh họa: RT
Đội tàu phá băng hạt nhân bỏ xa mọi đối thủ
Ngày 2/4, tàu phá băng hạt nhân Yakutia, tàu thứ tư của Dự án 22220, đã hoàn thành thử nghiệm trên biển và bắt đầu hoạt động dọc theo Tuyến đường Biển Bắc (NSR). Yakutia đứng là một trong những tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân mạnh mẽ nhất thế giới.
Dự án 22220 bắt đầu từ năm 2013, theo đó Nga dự kiến chế tạo ít nhất 7 chiếc tàu phá băng hạt nhân. 3 tàu – Arktika, Siberia và Ural – đã đi vào hoạt động. Tàu đầu tiên, Arktika, được đưa vào phục vụ năm 2020, trở thành tàu chủ lực trong các nỗ lực khám phá Bắc Cực của Nga. Các tàu Siberia và Ural lần lượt được đưa vào hoạt động năm 2021 và 2022. Hai tàu bổ sung, Chukotka và Kamchatka, hiện đang được chế tạo. Tàu thứ bảy, Sakhalin, sẽ được khởi đóng vào cuối năm nay.
Các tàu phá băng nói trên được chế tạo tại Nhà máy Đóng tàu Baltic ở St. Petersburg, do Atomflot, công ty con của Rosatom tài trợ với sự hỗ trợ của nhà nước.
Các tàu phá băng hạt nhân tiên tiến như Yakutia được thiết kế đặc biệt để hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc Cực, có khả năng phá lớp băng dày tới 3 mét. Thiết kế thân tàu độc đáo giúp tăng cường khả năng cơ động trong môi trường lạnh giá và băng dày đặc. Được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân tạo ra tổng công suất 60 megawatt, các tàu này có thể vận hành liên tục trong vài tháng.
Hiện nay, các tàu của Nga đều là những tàu phá băng mạnh mẽ và hiệu quả nhất trên thế giới. Quan trọng hơn, Nga đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu, với 92% linh kiện của mỗi tàu được sản xuất trong nước. Mục tiêu của Nga là tự cung cấp hoàn toàn các bộ phận cho tàu phá băng hạt nhân trong tương lai.
Tàu phá băng Dự án 22220 có tính đa dụng, được thiết kế để có thể hoạt động cả trên các vùng biển mở và các kênh sông. Thiết kế của chúng kết hợp những ưu điểm của các tàu thế hệ trước, như tàu chuyên hoạt động trên biển Arktika và tàu chuyên hoạt động trên sông Taimyr. Các khoang chứa nước có thể được bơm đầy nước biển để tăng độ chìm cũng như khả năng phá băng.
Tàu lớp Yakutia dự kiến sẽ thay thế những tàu cũ sắp hết niên hạn hoạt động. Khi các tàu mới đi vào hoạt động, các tàu cũ như Taimyr, Vaigach và Yamal sẽ bị loại biên. Mặc dù đã được gia hạn hoạt động đến năm 2027, nhưng những tàu phá băng cũ này cuối cùng sẽ được thay thế bằng những tàu hiện đại và mạnh mẽ hơn.
Hiện tại, Atomflot vận hành 9 tàu phá băng hạt nhân, bao gồm tàu vận chuyển Sevmorput, 2 tàu phá băng lớp sông (Taimyr và Vaigach), tàu phá băng lớp biển như Yamal và tàu Dự án 10521 mang tên “50 Năm Chiến Thắng”, cùng với các tàu Dự án 22220 mới nhất.
Những tàu này hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của Nga tại Bắc Cực và thiết lập các tuyến đường hàng hải có thể đi lại từ Murmansk đến Kamchatka dọc theo Tuyến đường Biển Bắc.
Ngoài tàu phá băng hạt nhân, Nga còn duy trì các tàu phá băng thông thường và đang chế tạo 4 tàu tuần tra lớp băng thuộc Dự án 23550. Đội tàu mạnh mẽ này làm tăng khả năng hoạt động hàng hải quanh năm của Nga ở Bắc Cực, bảo vệ các tuyến hàng hải thông thường và bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga trong khu vực.
Đấu trường mới của Chiến tranh Lạnh hay tiềm năng hợp tác?
Khu vực Bắc Cực trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, gồm dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và thủy sản, có thể tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, Bắc Cực còn mang lại những lợi thế chiến lược trong việc phát triển các tuyến đường vận tải xuyên lục địa. Tuyến đường Biển Bắc của Nga có thể rút ngắn đáng kể thời gian vận tải thương mại giữa châu Âu và châu Á, kết nối Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Bờ Đông Mỹ. Tàu phá băng hạt nhân rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đi qua lớp băng Bắc Cực.
Gần đây, Mỹ đã tích cực thảo luận về vị trí địa chính trị của Greenland. Điều này cho thấy, Mỹ - bị tụt lại trong cuộc đua khám phá Bắc Cực, đang tìm cách khôi phục ảnh hưởng. Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch có tầm quan trọng chiến lược tại Bắc Cực có thể giúp Mỹ đạt được điều đó.
Tuy nhiên, Mỹ hiện không có đội tàu phá băng hạt nhân tương đương với Nga và vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc vận hành ngay cả với các tàu phá băng thông thường, điều này hạn chế đáng kể khả năng của Mỹ tại Bắc Cực.
Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev, nhà sáng lập cổng thông tin Military Russia cho rằng, việc có được Greenland là chưa đủ để vượt qua bất lợi chiến lược này. Để cạnh tranh hiệu quả tại Bắc Cực, Mỹ sẽ cần có những khoản đầu tư lớn dài hạn để xây dựng một đội tàu phá băng tiên tiến, đảm bảo khả năng tiếp cận Bắc Cực.
Năm 2020, Mỹ đã công bố kế hoạch chế tạo một tàu phá băng hạt nhân mới để củng cố sự hiện diện tại Bắc Cực. Tuy nhiên, trong khi đội tàu phá băng hạt nhân của Nga đã hoạt động, Mỹ vẫn đang ở giai đoạn lập kế hoạch ban đầu.
Có lẽ hợp tác quốc tế là một giải pháp khả thi, nhưng các quan hệ đối tác này cần phải có lợi cho cả 2 bên. Liệu Mỹ có sẵn sàng hợp tác và liệu Nga có quan tâm?
Sau cuộc đàm phán với giới chức Mỹ ở Saudi Arabia ngày 18/2, ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, cho biết trong cuộc đối thoại, 2 bên chủ yếu tập trung vào định hướng chung, nhưng cũng đề cập đến một số lĩnh vực hợp tác cụ thể, đặc biệt xem xét triển khai dự án chung tại Bắc Cực.
“Có lẽ sẽ có dự án chung ở Bắc Cực. Chúng tôi đặc biệt thảo luận về Bắc Cực”, ông Dmitriev cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với Politico sau cuộc họp ở Arab Saudi.
Theo ông Kornev, “Chiến tranh Lạnh” chưa bao giờ kết thúc, nó chỉ chuyển đến Bắc Cực và trở thành một cuộc đua hạt nhân. Liệu Bắc Cực sẽ trở thành lĩnh vực tiềm năng hợp tác giữa Nga và Mỹ, hay sẽ là đấu trường mới của Chiến tranh Lạnh giữa hai nước vốn đối địch nhau suốt hàng chục năm qua, vẫn là một câu hỏi địa chính trị còn bỏ ngỏ.
NATO nghiên cứu phát triển máy bay trực thăng thế hệ tiếp theo
Thứ Ba, 06:45, 15/04/2025
VOV.VN - Cuối năm 2024, Cơ quan Hỗ trợ và Mua sắm NATO (NSPA) đã ký kết hợp đồng nghiên cứu và phát triển dòng trực thăng đa năng hạng trung thế hệ tiếp theo, dự kiến sẽ thay thế các nền tảng hiện tại trong quân đội liên minh vào cuối năm 2027.
Dự án Tầm nhìn cao do NSPA quản lý, hiện đang hợp tác với các quốc gia gồm Canada, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Hà Lan và Vương quốc Anh, nhằm thiết kế, phát triển và cung cấp trực thăng đa năng hạng trung trong tương lai. NSPA đã trao hợp đồng nghiên cứu kéo dài 13 tháng cho các doanh nghiệp Airbus, Leonardo và Sikorsky (thuộc Lockheed Martin), nhằm phát triển khái niệm máy bay thế hệ tiếp theo, gọi là NGRC (Next-Generation Rotorcraft Capability).
Máy bay trực thăng NH90 của Pháp; Nguồn: euro-sd.com
Phát biểu trước hội nghị Trực thăng Quân sự Quốc tế vào tháng 2/2025, Giám đốc chương trình NGRC tại NSPA cho biết, mục tiêu là đưa chiếc máy bay đầu tiên vào biên chế vào năm 2038. Ông cũng nhấn mạnh rằng, chi phí mỗi chiếc trực thăng thuộc dự án NGRC sẽ dao động khoảng 35 triệu euro, trong đó khả năng chi trả là yếu tố quan trọng được cân nhắc. Chi phí này được xem là một yếu tố quan trọng, bởi khả năng chi trả là một trong những tiêu chí cơ bản trong quyết định lựa chọn giải pháp.
Việc phát triển máy bay thế hệ mới nhằm thay thế các trực thăng hiện có, dự kiến sẽ hết niên hạn sử dụng vào giai đoạn 2035-2040. Nguyên nhân của sự thay thế này là do sự thay đổi về yêu cầu tác chiến và nhu cầu nâng cấp các công nghệ, phương thức sản xuất mới. NATO nhấn mạnh mục tiêu của dự án là tạo ra một giải pháp kịp thời và hiệu quả về chi phí, đồng thời tận dụng tối đa các thành tựu mới trong lĩnh vực công nghệ, vật liệu và quy trình sản xuất.
Máy bay NGRC dự kiến sẽ có khả năng thực hiện một loạt nhiệm vụ đa dạng, bao gồm tấn công trên không, vận chuyển chiến thuật, cứu hộ, tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến chống tàu mặt nước, hỗ trợ lực lượng đặc biệt, vận chuyển hàng hóa, và hỗ trợ nhân đạo.
Các yêu cầu kỹ thuật cụ thể bao gồm tầm bay tối thiểu 1.650 km, thời gian bay trên 5 giờ (với khả năng kéo dài lên tới 8 giờ nếu trang bị thêm thùng nhiên liệu phụ), và trọng lượng cất cánh tối đa từ 10-17 tấn. Ngoài ra, máy bay cần có khả năng chở tối đa 16 binh sĩ hoặc thiết bị nhiệm vụ, với khả năng mang tải trọng hơn 4 tấn, trong đó ít nhất 2,5 tấn có thể mang bên trong thân máy bay. Đặc biệt, NGRC cũng phải có khả năng hoạt động như một phương tiện không người lái tùy chọn (optionally manned), đồng thời sử dụng khung thân chung cho các phiên bản trên bộ và trên biển.
Một trong những điểm đáng chú ý là tốc độ bay của máy bay NGRC được yêu cầu tối ưu đạt từ 333 km/h đến 407 km/h. Mặc dù tốc độ này không nhanh bằng các dự án máy bay tấn công tầm xa khác như FLRAA của Quân đội Mỹ, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt và nhanh chóng trong các nhiệm vụ chiến thuật.
Các loại trực thăng hiện đang phục vụ trong quân đội các quốc gia NATO mà NGRC dự kiến thay thế bao gồm Airbus Super Puma, Leonardo AW101, NH90 và Sikorsky Black Hawk. Mặc dù trực thăng UH-60 Black Hawk vẫn tiếp tục được sản xuất và sử dụng trong nhiều năm tới, nhưng các phiên bản cũ hơn của loại máy bay này có thể sẽ bị thay thế bởi những nền tảng mới hơn trong tương lai.
Vương quốc Anh, với những khó khăn trong việc triển khai chương trình thay thế trực thăng Puma HC2 cũ kỹ, cũng tỏ ra quan tâm đến nỗ lực NGRC. Chương trình này đã bị trì hoãn nhiều lần, và hiện tại, dự án đang phụ thuộc vào một nhà thầu duy nhất là Leonardo Helicopters UK, với dòng AW149.
Giải pháp cho chương trình này là Bell Textron V-280 Valor, được lựa chọn vào tháng 12/2022. Máy bay này có tốc độ bay dự kiến là 519 km/h và tốc độ tối đa vượt quá 556 km/h. Ngày 29/2/2024, Leonardo thông báo rằng họ đã ký Biên bản ghi nhớ với công ty Bell Textron của Mỹ để đánh giá các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ rotor nghiêng. Nỗ lực hợp tác này bắt đầu một cách nghiêm túc với công việc về Nghiên cứu khái niệm NGRC, trong đó Leonardo đang dẫn đầu về đề xuất thiết kế rotor nghiêng với sự hỗ trợ của Bell.
Do đó, nhóm Leonardo/Bell kết hợp kinh nghiệm của Bell với rotor nghiêng V-280 Valor, được chọn làm nền tảng FLRAA của Quân đội Mỹ tháng 12/2022 và kinh nghiệm của Leonardo trong việc phát triển rotor nghiêng AW609.
Liên minh công nghiệp NGRC do Leonardo đứng đầu bao gồm các đối tác lớn như General Electric, Hensoldt, Leonardo DRS, MBDA Italy, NLR, Rolls-Royce và Safran, tất cả đều đang tập trung vào việc phát triển các công nghệ tiên tiến nhất cho trực thăng chiến thuật thế hệ mới.
Những bài học từ dự án NH90, một trong những chương trình trực thăng quân sự lớn nhất ở châu Âu, cũng sẽ là cơ sở quan trọng giúp NGRC tránh được những vấn đề kỹ thuật và logistic mà NH90 đã gặp phải.
Mặc dù NH90 hiện là dự án trực thăng quân sự lớn nhất ở châu Âu, cung cấp khoảng 600 chiếc cho 14 quốc gia, nhưng chương trình này gặp phải không ít vấn đề kỹ thuật, chậm trễ giao hàng, bảo trì khó khăn và tỷ lệ khả dụng thấp. NH90 là một trong những loại trực thăng mà NGRC đang hướng tới thay thế. Hai quốc gia sử dụng NH90 - Australia và Na Uy - đã ngừng sử dụng đội bay của họ, và Thụy Điển cũng đã công bố kế hoạch loại bỏ NH90. Mục tiêu của NGRC là tránh được những vấn đề của chương trình NH90 trong khi phát triển một loại trực thăng cải tiến, phù hợp với môi trường chiến đấu của thế kỷ 21.