Hậu duệ cụ Phan Bội Châu chế tạo tàu ngầm tại Việt Nam
Nguoiduatin.vn -
Sau những năm tháng học hỏi, tôi luyện với những thành công trên đất khách quê người, ông Phan Bội Trân trở về quê hương và chế tạo, thử nghiệm thành công chiếc tàu ngầm 99 \% "made in Việt Nam".
Từ ý tưởng huyễn hoặc...
Xuất thân từ gia đình khá giả, từ bé, anh học trò Phan Bội Trân đã có điều kiện được theo đuổi kiến thức sách vở. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Bội Trân đã xuất ngoại du học. Theo lời ông, khi du học tại Pháp, ông được học chuyên sâu về vật liệu composite (vật liệu được tổng hợp từ 2 hay nhiều vật liệu khác tạo thành), đặc biệt là những loại composite chuyên được ứng dụng cho các thiết bị trong tàu ngầm, máy bay trực thăng. Không để gia đình, bè bạn thất vọng, ra trường, cậu học trò mang quốc tịch Việt Nam được nhận vào công tác tại công ty Comex của Pháp. Đây là hãng chuyên sản xuất tàu ngầm dân sự như lặn biển và sản xuất một số thiết bị cho tàu ngầm quân sự. Do đó, từ rất sớm, ông được tiếp xúc, học hỏi nghiên cứu về kỹ thuật chế tạo tàu ngầm.
Ông Phan Bội An, (người mặc áo) trong buổi làm việc tại xưởng chế tạo máy.
Từ những đam mê sáng tạo cùng lối suy nghĩ táo bạo, ông Phan Bội Trân đi đến quyết định chế tạo một chiếc tàu ngầm. Với nền tảng kiến thức vững vàng cũng như kinh nghiệm tích lũy được từ những tháng ngày làm việc tại Comex, chiếc tàu ngầm đầu tiên bằng chất liệu composite được ông ấp ủ cho ra đời. Ông khát khao mang những kiến thức ấy về phát triển tại nước nhà. Tuy nhiên, không như "ông Việt kiều" suy nghĩ, dư luận "liệt" cái ý tưởng của ông vào loại "ước mơ" viển vông, huyễn hoặc. "Tôi cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên cũng có nhiều người ủng hộ tôi thực hiện. Một trong số đó là anh Lê Kế, chủ tịch Hội Biển TP.HCM. Khi nghe tôi trình bày ý tưởng, anh Kế nói: "Cậu cứ lặng lẽ mà làm, làm nhiều nói ít, vì có nói cũng chưa chắc ai tin", ông Phan Bội Trân chia sẻ.
Nói về những khó khăn trên con đường hiện thực hóa ý tưởng, ông Trân tâm sự: Cái khó đầu tiên cần tính toán và chắc chắn rằng, con tàu thực sự được chế tạo ở Việt Nam. Nghĩa là phải tìm được mọi vật liệu được sản xuất tại Việt Nam với giá thành rẻ nhất. Nếu chế tạo mà phải ra nước ngoài tìm kiếm vật liệu thì vừa phải mua với giá thành cao lại mất đi bản sắc. Theo đó, ông Trân khẳng định, vật liệu hình thành tàu ngầm được chế tạo từ 99% chất liệu bản địa, từ vỏ đến các thiết bị thiết yếu khác. Duy chỉ có động cơ của tàu ngầm là phải nhập từ Pháp.
Tuy nhiên, những khó khăn trên đã không thể cản bước "nhà phát minh" mang dòng máu Việt Nam. Chia sẻ về "sức mạnh" giúp ông vượt qua những thử thách trên con đường hiện thực hóa ý tưởng, ông cho biết: “Hồi chưa qua Pháp, tôi thường được nghe nhiều về cuộc chiến đấu của du kích Củ Chi. Ngày ấy, Mỹ có trăm phương ngàn kế, tìm mọi biện pháp hủy diệt "chiếc áo" thiên nhiên của du kích Củ Chi. Chúng cho rải giống cỏ lạ có sức sinh trưởng mạnh nhưng cực kỳ dễ cháy lên đất này. Khi cây cối ở khu vực đó đang sinh trưởng, tạo thành thảm thực vật dày đặc thì chúng cho quân đốt cỏ. Lửa bùng lên thiêu rụi vạn vật, đất Củ Chi trơ sỏi đá. Vậy mà con người ở đây vẫn sống, vẫn chiến đấu. Họ đã nghĩ ra phương thức chiến đấu khá hay là chui sâu xuống lòng đất. Quân thù có thể rải quân càn quét hết mặt đất nhưng dưới lòng đất thì bó tay. Nếu trên biển, có được một phương tiện xuyên vào lòng đại dương thì ngoài việc khám phá khai thác tiềm năng biển cả, chúng ta có thể bảo vệ chủ quyền. Khởi sự nhận thức chế tạo tàu ngầm trong tôi chỉ vậy".
Từ nhận thức trên, ông đã biến nhà riêng của mình thành xưởng chế tạo máy với ngổn ngang những máy móc, thiết bị, vật liệu. Và cuối cùng, chiếc tàu ngầm "made in Việt Nam" đã ra đời.
Cận cảnh chiếc tàu ngầm “made in Việt Nam”.
Đến những hoài bão về tàu ngầm "made in Việt Nam"
Theo giới thiệu của ông Trân, "đứa con tinh thần" được manh nha từ những nhận thức khai thác tiềm năng, bảo vệ chủ quyền biển. Và sau một năm thực hiện, chiếc tàu ngầm đã ra đời. Toàn bộ thân tàu được chế tạo bằng composite. Thân tàu dài khoảng 3,2m, bề ngang 1m, cao 1,5m, nặng gần 1 tấn, chở được 1 người. Ngoài ra, tàu cũng được trang bị kính tiềm vọng, bánh lái trước, bánh lái sau, bánh lái nằm ngang... Bên cạnh đó, tàu còn có máy nén khí sử dụng động cơ một chiều, cung cấp khí nén cho người lái... Nếu muốn lặn sâu, đi xa hơn có thể lắp động cơ diesel hay gắn thêm bình nhiên liệu ở bên ngoài vỏ của con tàu bé nhỏ.
Tuy nhiên, theo lời ông Trân, tàu tuy bé nhưng có những điểm mạnh nhất định. Một trong những điểm mạnh của tàu là lớp vỏ được chế tạo từ composite. Chất liệu này cho phép tàu nhẹ hơn rất nhiều nên di chuyển nhanh hơn, giá thành chế tạo cũng rẻ hơn các loại tàu ngầm vỏ thép. Hơn thế, việc thiết kế vỏ bằng composite cũng khiến tàu biến thành tàng hình. Vì loại chất liệu này không phản xạ tia từ điện, như thế radar sẽ không phát hiện ra.
Sau khi chế tạo thành công, tàu ngầm "made in Việt Nam" cũng ít nhiều "long đong" trong việc kiếm tìm nơi thử nghiệm. Ông Trân đã phải tự làm hồ nước bằng ván ép đóng thành hình chữ nhật. Để chống thấm nước, ông mua sơn về sơn và lấp các khe.
Thế nhưng, tính khả thi của công trình trên vẫn chưa thực sự được nhiều người biết, trước khi có được sự giúp đỡ của Hội Biển TP.HCM và trường trung cấp kỹ thuật Hải quân TP.HCM. Sau cùng, con tàu từ thế giới huyễn hoặc bước ra khẳng định sự tồn tại và thành công tại hồ bơi của trường trung cấp kỹ thuật Hải quân TP.HCM. Trong lần thử nghiệm này, con tàu có thể lướt trên mặt nước rồi từ từ lặn xuống và quay trái, quay phải. Dưới sự điều khiển của ông Phan Bội Trân, gần 1h đồng đồ, chiếc tàu ngầm mini đã thể hiện được mọi điều kiện, phẩm chất của một con tàu ngầm thực thụ. Qua những lần thử nghiệm tại địa điểm trên và tại Cần Giờ, con tàu có thể di chuyển, lặn sâu được 70m.
Những thành công trên đã thắp lên trong ông Phan Bội Trân ánh sáng hi vọng về những hoài bão. Ông cho biết: "Thực tế, việc chế tạo một con tàu như trên chỉ mất 1 năm. Tuy nhiên, nếu đã có khuôn và những thiết bị, linh kiện, tôi tính toán chỉ cần 1 tháng là xong. Đặc biệt hơn, con tàu ngầm mini hoàn toàn có thể có được những trang bị như một tàu ngầm quân sự với hệ thống tên lửa, ngư lôi chỉ khoảng 15 ngàn USD, rẻ hơn rất nhiều so với các loại tàu ngầm khác. Tôi tính toán, sản xuất 3.000 chiếc chỉ khoảng 45 triệu USD, tương đương chiếc tàu ngầm lớp Kilo Project 63. Điều này cho phép chúng ta có một hạm đội tàu ngầm phục vụ cho các vấn đề dân sự, thậm chí là quốc phòng".
Hiện nay, một trong những hoài bão của ông đã được đưa vào thử nghiệm. Ông cho biết, mới đây, trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM đang tiến hành thực hiện dự án tàu ngầm mini vào việc cứu hộ trên biển trong những trường hợp khẩn cấp như bão cấp 12. Tuy nhiên, ông vẫn tin và biết rằng, sáng tạo của mình sẽ không dừng ở đó. Và, những hoài bão của mình sẽ một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực.
Ông Phan Bội Trân tên thật là Phan Bội An, hậu duệ của nhà yêu nước Phan Bội Châu. Cụ của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu và làm quan trong triều Nguyễn. Năm 1974, khi 20 tuổi, ông Trân đã sang Pháp du học ngành hóa học của trường đại học Marseille, sau đó theo chuyên ngành về composite và nhựa kỹ thuật. Đến năm 1978, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trân ở lại Pháp làm việc cho các hãng chuyên về làm tàu ngầm và vỏ trực thăng... Từ năm 2006 đến nay, ông lập công ty chuyên thiết kế máy móc, vỏ tàu, xe đạp điện, đồ chơi trẻ em... tại Việt Nam.
Hà Nguyễn