Cụ Lầm xác thực thông tin này cái ạ.?
Malaysia “ngả” về Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông?
theo Petrotimes | 06/06/2013 09:51
Quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác” một lần nữa được nhắc tới, nhưng không phải từ Trung Quốc mà là từ Malaysia - một trong 4 nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak
Tại Kuala Lumpur, ngày 5/6, Thủ tướng Malaysia Najib Razak dường như đã ngả về phía Bắc Kinh khi kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông cùng nhau hợp tác khai thác nguồn tài nguyên để tránh xung đột và ngăn chặn sự can dự của “các quốc gia ngoài khu vực”.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Najib đã nhắc đến khu vực phát triển chung trong vùng biển tranh chấp giữa Thái Lan và Malaysia như là một tiền lệ có thể được áp dụng ở Biển Đông.
“
Đồng ý chia sẻ thịnh vượng, thay vì để nó chia rẽ chúng ta, là thích hợp hơn nhiều so với phải lựa chọn một trong hai điều trên”, Thủ tướng Malaysia nói.
Chủ trương của Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đối với các khu vực tranh chấp đã là kêu gọi các bên liên quan “gác tranh chấp, cùng khai thác” chung tài nguyên nhưng lại đòi các bên phải thừa nhận cái gọi là “chủ quyền thuộc về Trung Quốc” đã rồi đàm phán gì thì đàm phán.
Chính vì vậy, sáng kiến này của Trung Quốc không được ủng hộ và cũng không thể triển khai. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản, Philippines cổ vũ việc đưa tranh chấp ra phân xử tại toà án quốc tế.
Ông Najib nói một bộ quy tắc ứng xử cho các hoạt động tại vùng biển sẽ là “khởi đầu tốt đẹp” để ngăn chặn căng thẳng leo thang. Ông này cũng cảnh báo rằng việc lôi kéo
“những quốc gia ngoài khu vực” có thể “tăng thêm một tầng phức tạp cho tranh chấp”.
“Với các quốc gia châu Á, chúng ta phải tự giải quyết vấn đề này. Nếu chúng ta đi lạc khỏi con đường đối thoại và hợp tác, chúng ta có thể mở đường cho những bên khác tiến hành những hành động khắc phục để bảo vệ tự do hàng hải và an toàn lưu thông”.
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần qua, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc đã ngang ngược tuyên bố cái gọi là “hoạt động tuần tra” của Trung Quốc tại Biển Đông là “hoàn toàn hợp pháp”.
Ông Thích đưa ra phát biểu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói Washington “kiên quyết chống lại bất kỳ nỗ lực mang tính cưỡng chế nào nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Dư luận khu vực và quốc tế cũng không đồng tình với việc Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, với cái gọi là “đường chín đoạn” tự vẽ ra, “liếm” cả vào vùng lãnh hải của nước khác.
Gần đây nhất, hồi tháng 3/2013, Trung Quốc đã điều tàu hải quân ra bãi ngầm James, cách bờ biển Malaysia chỉ 80km, bày trò thượng cờ ở đây, trong khi khu vực này cách bờ biển gần nhất Trung Quốc đến 1.800km.
Vào năm 1979, Malaysia và Thái Lan đã đồng ý cùng phát triển dầu khí trong vùng biển tranh chấp giữa 2 nước. Khí đốt tự nhiên khai thác từ khu vực này hiện nay chiếm khoảng 20% khai thác trong nước của Thái Lan, theo thống kê của Bộ Năng lượng nước này.
“Thay vì chuyển giao một vùng biển đầy biến động cho thế hệ tiếp theo, chúng ta nên cố gắng để lại cho họ một vùng biển êm đềm hơn. Chúng ta nên tìm kiếm những điểm chung cần thiết cho một sự hiểu biết thân thiện giữa các bên tranh chấp”, ông Najib cho biết.