https://vnexpress.net/y-kien/tien-lai-do-dat-dai-dem-lai-qua-lon-chang-ai-thiet-tha-kinh-doanh-san-xuat-3935871.html
E thấy cái ý kiến này có lý nên lôi lên cho các cụ và cò vạc vào chém
Có bao nhiêu tiền chúng ta lại đổ vào đầu tư bất động sản, ít ai chịu nghiên cứu, sáng tạo.
Không ít người trong chúng ta biết rõ nguyên lý cấu tạo của động cơ xe hơi hay động cơ đốt trong nói chung. Chúng ta đều biết buồng đốt của động cơ được cấu thành từ nắp quy lát và đỉnh pít tông. Cái buồng đốt này phải chịu áp suất và nhiệt độ bao nhiêu để động cơ có công suất xác định? Và, buồng đốt phải được làm bằng loại vật liệu gì để chịu được áp suất nhiệt độ ấy?
Để biết được các thông số kỹ thuật ấy chúng ta phải tính toán lý thuyết và thực hành thí nghiệm. Chi phí cho thí nghiệm là không hề nhỏ. Thí nghiệm ra kết quả với các thông số gần đúng với lý thuyết, chúng ta có nền công nghiệp chế tạo cơ khí. Những quốc gia công nghiệp hóa xây dựng các ngành công nghiệp như vậy đó.
Tính toán lý thuyết và thí nghiệm ứng dụng chỉ có nhiêu đó thôi. Số tiền bỏ ra cho thí nghiệm ứng dụng càng ngày càng lớn (từ hàng tỷ cho đến hàng trăm tỷ đô la một năm tùy theo khả năng tài chính của quốc gia). Công thức để làm ra loại vật liệu nào đó dùng cho việc gì đó cũng là bí mật của họ. Họ làm ra cái gì, họ có thể cho ta biết nguyên lý, cấu tạo, vận hành nhưng làm thế nào để có loại vật liệu có những thông số kỹ thuật ấy họ không bao giờ cho.
Họ cũng đi từ gia công lắp ráp xuất khẩu hàng hóa giá rẻ đi lên như chúng ta. Thặng dư kinh tế bao nhiêu họ đổ vào nghiên cứu khoa học. Từ thành tựu khoa học họ bắt đầu nội địa hóa sản xuất.
Thay vì nhập khẩu sợi về để dệt vải thì họ nhập bông thô về để làm ra sợi, đại loại như vậy. Hầu hết máy móc công nghiệp họ tự làm ra. Cuối cùng, nền kinh tế của họ là chỉ nhập khẩu nguyên liệu thô và làm ra mọi loại hàng hóa cần thiết (tức là mua rẻ - bán đắt và chênh lệch giữa chúng là giá trị chất xám bỏ ra trong tính toán lý thuyết cũng như thí nghiệm ứng dụng).
Chúng ta cũng gia công lắp ráp đến nay đã hơn 20 năm nhưng lại không thể nội địa hóa sản xuất. Có bao nhiêu tiền lời chúng ta đổ vào bất động sản, chứng khoán kinh doanh lòng vòng không tạo ra được vật chất gì cụ thể. Nền kinh tế của chúng ta thuần túy là nền kinh tế dịch vụ nhỏ lẻ với ngần ấy nghề nghiệp không thể mở rộng hơn nữa được.
Năm 1997, khủng hoảng tài chính chấu Á nổ ra ở Thái Lan với bong bóng chứng khoán và bong bóng bất động sản. Hản Quốc bị thiệt hại nặng nề và họ phải chịu nhiều điều khoản ngặt ngèo để vay 60 tỷ đô la của World Bank nhằm giải cứu ngành tài chính ngân hàng có nguy cơ sụp đổ hàng loạt.
Họ đi trước, họ sụp hố. Chúng ta đi sau, lẽ ra phải né được cái hố ấy thì chúng ta vẫn lọt vào. Thậm chí lọt vào xong còn không muốn thoát ra với rất nhiều người có tư tưởng buôn đất làm giàu. Dễ hiểu vì sao chúng ta học Toán Lý Hóa chỉ để thi cử. Có dùng chúng để tính toán thí nghiệm cái gì đâu?
Giáo dục đào tạo nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Nền giáo dục đào tạo tiên tiến mà nền khoa học kỹ nghệ không tiên tiến chả phải là mâu thuẫn sao? Khoa học kỹ nghệ tiên tiến là do kinh tế đòi hỏi. Kinh tế của chúng ta có đòi hỏi khoa học kỹ nghệ phải tiên tiến không khi mà cái đinh con ốc cũng phải nhập khẩu?
Cái đinh con ốc bắt vào đâu là phải có thông số kỹ thuật khác nhau cũng như làm bằng vật liệu khác nhau chứ đâu phải đinh ốc nào cũng giống đinh ốc nào. Tính toán để làm gì, thí nghiệm để làm gì (xác suất thành công rất thấp), không bằng mua miếng đất bỏ đó mấy năm ăn lời bạc tỷ?