Máy bay Mỹ, Trung Quốc gặp tai nạn thảm khốc: Chuyên gia 'bắt' tín hiệu lạ từ 2 kẻ đối đầu
PV | 09/04/2022 16:00
BÁO NÓI - 4:43
Trung Quốc vừa trải qua thảm kịch hàng không lớn nhất trong 28 năm qua. Trong khi đó, Mỹ thiệt hại một tiêm kích tàng hình tiên tiến F-35 trên Biển Đông.
Mỹ hỗ trợ Trung Quốc điều tra vụ rơi máy bay
Theo nhà phân tích Sakshi Tiwari, trong tuần trước, Trung Quốc đã cấp thị thực cho các nhà điều tra và chuyên gia tư vấn kỹ thuật Mỹ để họ hỗ trợ làm rõ vụ tai nạn của hãng hàng không China Eastern Airlines. Diễn tiến này diễn ra chỉ vài tuần sau khi một tàu do Trung Quốc chế tạo trục vớt được mảnh vỡ của tiêm kích F-35C [của Mỹ] bị rơi ở Biển Đông.
Mặc dù chiếc tàu do Trung Quốc chế tạo được vận hành bởi công ty có tên là Ultra Deep Solutions (UDS) trụ sở tại Singapore nhưng Bắc Kinh đã quảng bá con tàu do ngành công nghiệp của họ làm ra như "trung tâm" trong chiến dịch cứu hộ của Mỹ.
Trong diễn biến mới liên quan tới vụ tai nạn thảm khốc của một máy bay dân sự Trung Quốc hồi tháng trước, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải quốc gia (NTSB) của Mỹ được cho là đã nhận yêu cầu tải xuống các dữ liệu từ chuyến bay.
"Tại phòng thí nghiệm ở Washington, các nhà điều tra của NTSB đang hỗ trợ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) tải xuống những đoạn ghi âm giọng nói từ buồng lái trong chuyến bay 5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines" - Đại diện của NTSB cho biết trong một tuyên bố ngày 1/4.
Thông báo trên được đưa ra gần 2 tuần sau khi chiếc máy bay chở khách số hiệu MU5735 bị rơi từ độ cao 8.900m. Hai ngày sau vụ việc, thiết bị ghi âm buồng lái [ghi lại cuộc trò chuyện giữa các phi công, và các manh mối âm thanh khác từ buồng lái] đã được phát hiện.
Ngày 21/3, chiếc máy bay đã lao vào một sườn núi ở miền nam Trung Quốc, khiến toàn bộ 132 người trên khoang thiệt mạng. Đây là thảm kịch hàng không lớn nhất ở Trung Quốc đại lục trong 28 năm qua. Sau vụ tai nạn, hãng hàng không China Eastern Airlines đã thông báo quyết định tạm thời đình chỉ bay tất cả các máy bay Boeing 737-800 của hãng.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ tiến hành các hoạt động tìm kiếm tại địa điểm máy bay gặp nạn ở tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc. (Ảnh: Twitter)
Không lâu sau thảm họa, hộp đen đầu tiên đã được phát hiện tại địa điểm máy bay rơi và được gửi tới Bắc Kinh. Đại diện CAAC sau đó cho biết, còn quá sớm để dự đoán khi nào dữ liệu giọng nói có thể được tải xuống.
Một chuyên gia hàng không cảnh báo việc giải mã dữ liệu sẽ mất từ 10-15 ngày tiếp theo và quá trình phân tích dữ liệu sẽ mất nhiều thời gian hơn thế.
Hộp đen thứ hai được đội cứu hộ phát hiện lẫn bên trong các mảnh vỡ của máy bay hồi tuần trước.
Theo hãng tin CNBC, thiết bị ghi âm buồng lái chắc chắn sẽ cung cấp cho các nhà điều tra thông tin chi tiết về những cuộc trao đổi giữa 3 phi công trong chuyến bay [số lượng nhiều hơn 1 người so với yêu cầu thông thường của máy bay Boeing].
Sau cuộc họp của chính quyền Trung Quốc vào ngày 2/4, truyền thông nước này thông báo rằng nguyên nhân của vụ việc cần được làm rõ càng nhanh càng tốt.
Do chiếc máy bay này được chế tạo tại Mỹ, NTSB có quyền tham gia vào vụ việc theo thỏa thuận quốc tế. Một nhóm chuyên gia của Boeing cũng tham gia hỗ trợ Trung Quốc.
Việc Mỹ và Trung Quốc phối hợp với nhau để thu thập những dữ liệu có giá trị hỗ trợ điều tra đã làm gợi nhớ đến việc Washington tiến hành trục vớt chiếc máy bay F-35 bị rơi ở Biển Đông gần đây bằng một con tàu do Trung Quốc chế tạo.
Hình ảnh chiếc F-35C của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ khi rơi xuống biển. Ảnh: SCMP
Vụ tai nạn của F-35
Xác chiếc F-35 gặp nạn được phát hiện cách Philippines khoảng 300km về phía tây. Đây là phi cơ tàng hình đã đâm vào boong tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Đông hồi tháng 1 năm nay.
Do vị trí nhạy cảm của vụ tai nạn, nhiều phía bày tỏ lo ngại rằng quân đội Trung Quốc có thể tìm cách thu gom các mảnh vỡ của mẫu máy bay tiên tiến.
Tuy nhiên, xác chiếc máy bay đã được vớt lên từ đáy biển, cách mặt nước khoảng gần 3.800m bởi một đội thợ lặn của Hải quân Mỹ. Các mảnh vỡ này đã được họ kéo lên bằng cách sử dụng dây nâng từ cần cẩu của tàu xây dựng hỗ trợ lặn (DSCV) Picasso. Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, tàu Picasso được chế tạo ở Trung Quốc và hoạt động bên ngoài lãnh thổ Singapore.
Các DSCV do Trung Quốc chế tạo cũng từng được sử dụng để trục vớt máy bay từ đáy biển trong một số trường hợp trước đây. Ví dụ, khi chiếc F-35A của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản rơi xuống Thái Bình Dương năm 2019, tàu DSCV Van Gogh [cũng do Trung Quốc sản xuất] đã tham gia vào sứ mệnh trục vớt.
Tàu xây dựng hỗ trợ lặn (DSCV) Picasso do Trung Quốc chế tạo. Ảnh: EurAsian Times
TIN LIÊN QUAN
Một nhà phân tích quân sự Trung Quốc khi đó tuyên bố rằng, Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới về đóng tàu. Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các tàu Trung Quốc tham gia vào nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ này.
"Điều này cho thấy sự cần thiết phải duy trì hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc" - Nhà phân tích nhấn mạnh.
Trong vụ tai nạn của hãng hàng không China Eastern Airlines, Cơ quan An toàn và Cục hàng không Liên bang của Mỹ lại là phía dẫn đầu trong các quy tắc và thực hành an toàn hàng không.
Nhà phân tích Sakshi Tiwari nhận định, sự sẵn sàng hợp tác của hai bên trong một số vấn đề cơ bản tác động tới an ninh và lợi ích dân sự giữa bối cảnh mối quan hệ tổng thể đang xấu đi là một tín hiệu lạ, và có thể sẽ dẫn tới diễn tiến mới giữa hai siêu cường đang đối đầu khốc liệt này.