cháu mới lục đc tý tài liệu về tư tưởng phát triển máy bay thế hệ 5 hình như là bài trên nuocnga.net
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga 1. Mở đầu
Việc chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất của ngành công nghiệp hàng không quốc phòng Nga. Nó là vừa là “bộ mặt”, vừa là tương lai của nền công nghiệp hàng không vũ trụ Nga.
Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có hai loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 đã được sản xuất hàng loạt hoặc đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt, đó là F22 Raptor và F35 Lightning (hãng Lockheed Martin) của Mỹ; trong đó F35 là loại “máy bay tiêm kích hợp nhất” - nằm trong chương trình phát triển hệ máy bay tiêm kích hợp nhất JSF Joint Strike Fighter của Bộ Quốc phòng Mỹ.
F22 Raptor
F35 Lightning
Máy bay chiến đấu thế hệ 5 được coi là những mẫu máy bay có các đặc tính sau:
• Có đặc tính siêu cơ động: máy bay thế hệ 5 có thể bay với các chế độ góc tấn từ cao đến cực cao với tải G lớn; có khả năng kiểm soát độ ổn định trên toàn dải vận tốc từ cực thấp đến cực cao (
kể cả khi vận tốc bằng không).
• Có khả năng cất cánh, hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn; dùng hệ thống lực đẩy dạng vecto có thể chuyển hướng được (
thrust vectoring).
• Có thể đạt tốc độ siêu âm bằng chế độ thông thường của động cơ (
không cần chế độ tăng tốc - afterburner)
• Tín hiệu phản xạ nhỏ (
có khả năng tàng hình)
• Có khả năng cao trong tìm diệt mục tiêu trên không và dưới đất.
• Có các thông số tiên tiến tới cao cấp về các chế độ vận hành, bảo dưỡng.
Xét trên mặt bằng tổng thể, do những điều kiện bất lợi về kinh tế xã hội những năm 90 thế kỷ trước mà hiện tại Nga đang tụt hậu so với Mỹ khoảng một thế hệ trong việc phát triển các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5. Mãi cho tới năm 2000-2001 khi Mỹ đã bắt đầu triển khai sản xuất hàng loạt F22, Nga mới sản xuất hàng loạt sê-ri Su 30 MKK được liệt vào thế hệ 4+! Còn các loại khác như Su 35, Mig29SMT...mới qua giai đoạn thử nghiệm.
Trong các cuộc họp báo, hội thảo hay hội nghị chính thức, việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 được tất cả mọi giới của nước Nga ủng hộ như các nhà thiết kế, các tổ hợp công nghiệp, giới quân sự, quan chức chính phủ...Nhưng tại các buổi nói chuyện riêng không chính thức, các nhà lãnh đạo những giới này lại thừa nhận một thực tế đáng buồn là dường như nước Nga hiện nay không đủ sức để thực hiện một chương trình đầy tham vọng như thế.
Những phân tích dưới đây hy vọng phần nào làm sáng tỏ những thách thức cũng như những cơ hội cho nền công nghiệp hàng không Nga khi bước vào nghiên cứu triển khai thế hệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ Năm.
2. Nhận dạng đối thủ chính cho máy bay chiến đấu của Nga thế hệ thứ năm
Các chuyên gia đã rất thống nhất khi đánh giá rằng trong vòng một thập kỷ tới nước Nga hầu như không có cơ hội để đưa vào sản xuất hàng loạt một loại máy bay thế hệ thứ năm trên cơ sở hai mẫu thử nghiệm là S37 và 1.44 (
do hai cơ sở thiết kế Su-khôi và Mig đưa ra) để có thể đối chọi với tiêm kích hạng nặng F22 Raptor của Mỹ.
Mẫu máy bay thử nghiệm Mig 1.44
Mẫu máy bay thử nghiệm Su-khôi S37 (hoặc còn gọi là Su-47)
Và như vậy, mục tiêu của ngành công nghiệp hàng không Nga hiện tại dần dần chuyển sang một loại hình chiến đấu cơ khác:
tiêm kích hạng nhẹ LFI -
легкий фронтовой истребитель – ЛФИ.
Điều này hoàn toàn có thể giải thích được, vì rằng sự ra đời của chiếc tiêm kích hợp nhất
Joint Strik Fighter JSF - F35 là sự thách thức nguy hiểm đáng phải để ý hơn cho nền công nghiệp hàng không Nga so với việc chiếc tiêm kích
siêu đẳng - siêu đắt F22 Raptor đang được sản xuất hàng loạt. Theo những tính toán mới nhất, một chiếc F22 có giá khoảng 200 triệu USD. Do vậy, F22 hầu như chỉ được sử dụng cho nhu cầu quốc phòng Mỹ nhằm tạo sức mạnh áp đảo trong không chiến mà không có xuất khẩu ra các thị trường thế giới. Ngược lại, dòng máy bay tiêm kích hợp nhất JSF với mẫu cơ sở là F35 sẽ được chế tạo với cả mục đích xuất khẩu. Theo dự báo của các chuyên gia quân sự, Mỹ trong tương lai có thể xuất khẩu ít nhất là 2000 chiếc.
Theo đánh giá của Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về các hệ thống hàng không (
ГосНИИАС) Viện sỹ E. Fedosov, chương trình JSF được triển khai không chỉ cho trang bị mới hoặc tái trang bị các nước NATO mà còn với mục tiêu đẩy nước Nga ra khỏi thị trường xuất khẩu máy bay chiến đấu đầy béo bở này. Khi thực hiện chương trình JSF, người Mỹ đã giới hạn giá cho loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 này là khoảng 30-38 triệu USD tuỳ thuộc vào thay đổi cấu hình để khi thiết kế chế tạo, các hãng phải tuân theo tiêu chí về giá đó.
Nếu như người Mỹ thành công, các máy bay tiêm kích thế hệ 4 như Su27, Mig29 hoặc thế hệ 4+ như Su30, Mig29XXX, Mig 31 sẽ không thể cạnh tranh được trên thị trường vũ khí thế giới, và trong trường hợp các hợp đồng trong nước bị cắt giảm tối đa thì đó thực sự sẽ là thảm hoạ cho ngành công nghiệp hàng không Nga.
Có một điều đáng ngạc nhiên là các chuyên gia Nga lại có những đánh giá khá mâu thuẫn về triết lý của chương trình JSF. Theo ý kiến của Tổng công trình sư Tổ hợp Su-khôi ông M. Simonov, khái niệm xây dựng một mẫu máy bay thống nhất (hợp nhất) cho tất cả các quân binh chủng, thống nhất cả các phương pháp bảo dưỡng, hậu cần, cất hạ cánh là không lô-gic. Ông cho rằng giá trị của việc cất hạ cánh thẳng đứng là không cao lắm vì các sân bay hiện đại hoặc trên các tàu sân bay đều có thể trang bị thiết bị móc hãm máy bay khi hạ cánh. Viện sỹ Fedosov cũng nhắc lại: “Người Mỹ đã sai lầm khi chú trọng vào khả năng cất hạ cánh thẳng đứng của máy bay, điều này làm phức tạp thêm hệ thống của máy bay. Từ đó làm giảm tải trọng chiến đấu, giảm tầm bay.v.v...Chúng ta đã biết rõ về vấn đề này, đã trả giá qua việc thiết kế chế tạo Yak-141”.
Fedosov còn nói rằng đối với lực lượng lính thuỷ đánh bộ sẽ chế tạo một loại máy bay chuyên dụng có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng. Ngoài ra, các đặc tính cất hạ cánh của máy bay chiến đấu cơ sở sẽ được nâng cao qua một loạt các biện pháp truyền thống.
(Còn tiếp)