Để chứng minh ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đầu tiên và duy nhất sáng lập và xây dựng thương hiệu Trung Nguyên, luật sư Hoàng Hữu Nhân, bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ nêu một số căn cứ pháp lý. Trước hết là các giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho Trung Nguyên từ ngày đầu thành lập.
Theo đó, Giấy phép đăng ký kinh doanh đầu tiên năm 1996 được cấp mang tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ (ngoài ông Vũ đứng đơn xin phép kinh doanh còn có bốn người bạn đều là sinh viên). Đăng ký thay đổi kinh doanh ngày 27/11/2000 ngoài ông Vũ thì Trung Nguyên bổ sung thêm thành viên ban quản trị là ông Đặng Mơ sinh năm 1946 (là cha đẻ của ông Vũ) vừa là Ủy viên ban quản trị kiêm Phó giám đốc Trung Nguyên Cà phê. Và lúc này vốn điều lệ tăng lên 3 tỉ đồng. Tới Đăng ký thay đổi kinh doanh lần thứ 5 ngày 2/10/2002 ngoài việc bổ sung vốn lên 14,4 tỉ đồng và thành lập chi nhánh ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thì Trung Nguyên vẫn chỉ có hai thành viên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Mơ.
Đến ngày 2/12/2002 từ loại hình kinh doanh hợp tác xã, Trung Nguyên Cà phê chuyển đổi lên Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, vốn điều lệ 16 tỉ đồng. Thời điểm này cũng chỉ có hai thành viên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, là người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc. Thành viên và là Phó tổng giám đốc là ông Đặng Mơ. Ngoài trụ sở chính đặt tại số 268 Nguyễn Tất Thành, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên còn thành lập 4 chi nhánh ở TP. HCM; Hà nội; Cần Thơ và Lâm Đồng.
Sau khi thành lập Trung Nguyên Cà phê năm 1996, vào năm 1998 (tức 2 năm sau) ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo, nhưng mãi đến 8 năm sau - chính xác là đến ngày 12/4/2006 khi thành lập Công ty Cổ phần Trung Nguyên (trên cơ sở là Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên), bà Thảo mới tham gia là cổ đông.
Và cho đến Đăng ký thay đổi lần thứ 22 ngày 10/6/2014, với vốn điều lệ công ty là 2.500 tỉ đồng; bà Thảo cũng chỉ chiếm tỉ lệ 28% cổ phần; ông Vũ chiếm 51%; ông Đặng Mơ chiếm 10%; Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên chiếm 9% và ông Đặng Nhật Quang chiếm 2%.
Luật sư của ông Vũ cũng dẫn chứng thêm những căn cứ để chứng minh người sáng lập ra thương hiệu Cà phê Trung Nguyên duy nhất chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đó là các “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp các năm 2000, 2003 và 2005 cho “Chủ giấy chứng nhận: Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên”... Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên hay Công ty TNHH cà phê Trung Nguyên đều do duy nhất ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, làm chủ.
“Qua chứng minh trên cũng là minh chứng khẳng định bà Thảo cho rằng mình là người đồng sáng lập ra Trung Nguyên là không đúng”, luật sư nêu.
Luật sư cho biết năm 2006 (chính xác là ngày 8/5/2006 theo QĐ 01/06/ QĐBN do Tổng giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ ký) bà Thảo mới tham gia điều hành Trung Nguyên. Và cho đến ngày 13/4/2015 bà Thảo bị cách chức Phó tổng giám đốc. Như vậy bà Thảo chỉ tham gia điều hành 9 năm/22 năm.
Như vậy yêu cầu của ông Vũ được hưởng 70% trong khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần ở các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên theo chúng tôi là hoàn toàn hợp tình, hợp lý.
https://vietnammoi.vn/chinh-xac-tu-khi-nao-ba-thao-co-ten-trong-danh-sach-co-dong-tham-gia-dieu-hanh-tap-doan-trung-nguyen-175110.html