"Bây giờ bình quân mỗi xã có 21 cán bộ công chức và 17 vị trí việc làm, định hướng ban đầu của chúng tôi là điều chỉnh tăng từ 17 lên 23 vị trí việc làm. Thiết kế như vậy để thuận cho việc vận hành, giảm bớt số lượng lãnh đạo", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Người chủ trì việc soạn thảo dự luật phân tích, trường hợp tổ chức thêm các phòng, ban chuyên môn, số lượng lãnh đạo dự kiến chiếm tỷ lệ trên 1/3 cơ cấu cán bộ và nếu cộng lại sẽ "rất sốt ruột" vì số lượng lãnh đạo nhiều quá.
Lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất vận dụng linh hoạt theo hướng giao địa phương căn cứ quy mô phát triển, quy mô dân số và đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương.
Còn nếu bố trí theo vị trí việc làm, Bộ trưởng nhấn mạnh phải dựa vào hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, nhưng phải phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để định hình bộ máy.
"Nếu đã làm thì kiêm nhiệm một cách tuyệt đối, ví dụ bí thư kiêm chủ tịch HĐND, phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ, trưởng các ban HĐND kiêm trưởng các tổ chức đảng hoặc tổ chức chính trị xã hội…", Bộ trưởng Trà một lần nữa nhấn mạnh, khi thiết kế tổ chức bộ máy, các chức danh lãnh đạo cơ bản kiêm nhiệm để giảm bớt số lượng, và cũng không nhất thiết bố trí cấp phó của cơ quan chuyên môn.
"Bộ máy nhiều lãnh đạo quá rất khó đáp ứng mục tiêu khẩn trương, cấp bách phục vụ người dân một cách hiệu quả và tốt nhất", Bộ trưởng giải thích.