Nguyễn Trường Tộ của Việt nam có kém gì đâu: đây là tư tưởng của ông này:
tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ bao quát trên mọi lĩnh vực, nó được chứng minh qua 58 bản điều trần mà ông gửi lên triều đình nhà Nguyễn trong vòng 8 năm, từ 1863 cho đến khi ông qua đời năm 1871. Tất cả được đúc kết từ việc tìm hiểu kinh nghiệm của nước ngoài cũng như học hỏi kiến thức hiện đại rồi vạch ra chương trình canh tân bao quát nhất, tâm huyết nhất. Một trong các phương án cải cách, Nguyễn Trường Tộ rất chú trọng đến vấn đề cải cách quân sự, đặc biệt là trong hoàn cảnh thực dân Pháp đã nổ súng tấn công vào Đà Nẵng năm 1858, mở đầu hoạt động chiến tranh xâm lược nước ta. Ngoài các kế sách nhằm tăng cường khả năng phòng thủ đất nước được trình bày rải rác trong các bản điều trần, Nguyễn Trường Tộ còn soạn thảo 7 văn bản riêng về lĩnh vực quân sự, thậm chí rất tỉ mỉ, chi tiết như kế hoạch thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ, kế hoạch đánh úp thành Gia Định…Trong Tế cấp bát điều (8 việc cần làm cấp bách) viết năm 1867, ông nêu nên việc hàng đầu là phải “gấp rút sửa đổi việc võ bị”. Về cơ bản, các đề xuất cải cách quân sự của Nguyễn Trường Tộ được thể hiện trên các mặt sau:
• Nhận thức đúng vai trò của quân sự: Nói đến quân sự là nói đến việc binh, võ bị; một yếu tố quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia, đây là lực lượng giữ gìn ổn định, bảo vệ đất nước, trấn áp các hoạt động chống đối, nội loạn. Theo Nguyễn Trường Tộ, “một quốc gia hữu sự, nếu không có vũ lực trấn áp thì cả quốc gia, quan quyền, dân thú, luật lệ, chính sự, pháp độ đều phải giao vào tay quân địch”. Vì thế “nếu nước ta không gấp rút sửa đổi theo mới, để cho võ bị càng suy, nhân tâm càng yếu thì lấy gì chống giặc, bảo vệ nhân dân”.
• Coi trọng quân sự: Nguyễn Trường Tộ phê phán mạnh mẽ tư tưởng “trọng văn khinh võ” bằng việc nêu ra hình ảnh: “văn ví như cái áo đẹp, võ như cái thức ăn để tẩm bổ khí huyết cường tráng. Người mà không có khí huyết thì chết. Dẫu có áo đẹp mà không tu bổ khí huyết cũng là vô dụng”.
• Xây dựng học thuyết quân sự, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: Theo Nguyễn Trường Tộ phải thay đổi vì: “Thời đại nào có chế độ ấy. Con người sinh ra vào thời đại nào thì cũng chỉ đủ làm công việc của thời đại ấy mà thôi. Vậy thì người sinh ra vào thời xưa làm xong công việc của thời xưa, rồi dần dần thế đổi dời, làm sao có thể mỗi ôm giữ phép xưa mãi được”, “phép chiến đấu xưa nay khác xa nhau lắm”. Do đó “hãy đem các sách binh thư này…ra xét lại. Phàm sách nào, chỗ nào nghĩa lý không xác đáng, khí giới lỗi thời, kỹ thuật không hiệu nghiệm, địa thế không cho phép, khí hậu không hợp và tất cả những gì thi hành không kết quả phải bỏ hết, chỉ lựa chọn lấy những gì phù hợp với ngày nay, liên quan đến tình hình nước ta”. Từ việc tìm hiểu một cách cụ thể, Nguyễn Trường Tộ kết luận rằng: “Tôi đã đọc nhiều binh thư và sách vở linh tinh khác nói về binh sự thì thấy rằng chiến pháp của cổ nhân, ngày nay không còn thích dụng nữa”. Vì thế “hãy mời những người có tên tuổi, những người có kỹ xảo, biết quyền biến cùng nhau khảo cứu” để xây dựng học thuyết quân sự mới, “soạn thành sách binh thư mới và ban bố cho quan quân cùng học tập”.
• Đổi mới trang thiết bị quân sự, vũ khí chiến đấu mang tính hiện đại để có thể đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Sự lạc hậu về vũ khí chính là một nguyên nhân dẫn tới thất bại khi có chiến tranh, Nguyễn Trường Tộ nhận xét rất đúng: “người xưa làm cung tên để đánh giặc, sử dụng giỏi có thể thắng. Nhưng nay đem địch với đại pháo thì cung tên chỉ là trò chơi con nít mà thôi. Cho dẫu có tài bắn hay cũng khó tránh khỏi thua bại”. Muốn tránh điều đó “phải chế tạo các loại vũ khí mới lạ, có thể đối phó được với giặc, cất vào kho vũ khí để sử dụng khi cần thiết”.
• Xây dựng cơ sở quân sự, đóng giữ các nơi hiểm yếu, quan trọng vì thế trước tiên phải “xem xét thật kỹ địa hình”, sau đó xây dựng đồn lũy, nhất là “ở các cửa sông”. “Những đồn lũy mới cất ngày đêm phải có lính canh giữ cẩn mật như là khi có giặc vậy”. Nguyễn Trường Tộ còn đề xuất: “ở các cửa biển và tỉnh thành, kinh thành chỗ nào cần có tường hào thì đều xây hào ngay thẳng chỉnh tề”. Tại các nơi quan trọng, việc bố phòng, canh gác phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc: “Tất cả những nơi cung vua, dinh quan, kho quân sự, cổng thành, đường sá và ở những chỗ quan yếu trong thành cũng như ngoài thành cần phải phòng thủ thì không kể mưa gió, ngày đêm phải canh gác nghiêm ngặt như là đang có giặc bao vây, tấn công vậy”.
• Nâng cao trình độ học vấn của quân lính: Muốn làm được điều đó phải có một nền giáo dục tốt, chính sách giáo dục phù hợp, nếu không “phong tục sẽ ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối, phù phiếm, trống rỗng”. Ông viết: “Đại phàm bản tính người ta, nếu chỉ bằng vào tư chất thông minh của mình mà không chịu học tập thì so với người tầm thường nhưng có học vấn cứ phải thua họ rất xa”.
• Nâng cao chất lượng quân lính bằng việc “chọn lấy tráng binh tuổi từ 20 trở lên, chưa có gia đình. Ngoài ra phải thải bớt lính già yếu, bớt đi một nửa lính, lấy số lương cấp gấp đôi cho tráng binh còn lại”. Phải thường xuyên rèn luyện quân sự bởi “việc võ thực là rất khó. Học khó, hành khó” cho nên “học được cái gì, đem ra tập luyện cái ấy”. “Phàm là lính hãy để cho họ chuyên luyện tập mà không sai làm việc tạp dịch khác”. Việc thường xuyên diễn tập quân sự không chỉ nâng cao kỹ năng chiến đấu mà thông qua việc “diễn tập công khai, dân chúng có thể học tập để tuyển dụng sau này”.
• Đào tạo đội ngũ tướng lĩnh giỏi, vì “tướng như tai mắt, lính như chân tay. Mắt mù, tai điếc mà điều khiển được chân tay là chuyện chưa hề có”. Việc xây dựng đội ngũ tướng lĩnh tập chung vào chất lượng chứ không thiên về số lượng, bởi “quan võ có tài, dù nhiều việc cũng thừa thì giờ giải quyết, còn bất tài thì chính bản thân cũng không sắp xếp được, nói gì đến quản lý, điều khiển người khác. Cho nên phải thận trọng lựa chọn quan giỏi và thải bớt quan dở”, đồng thời “ thường kỳ phải khảo hạch kiến thức võ quan”.
• Coi trọng kỷ luật quân đội, tạo tính nghiêm minh, thống nhất, do đó khi “có ra lệnh cho cấp dưới thì đó cũng là bổn phận cấp dưới phải làm, mà làm cũng dễ” và “bởi vì điều cần yếu là binh lính phải một lòng tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, chứ không cần nhiều sĩ quan kiềm chế họ”.
• Có chính sách đãi ngộ quân đội một cách xứng đáng, nếu “cho ăn không đủ no mà mong người ta không nề hà nguy hiểm, đãi lính như nô tù mà mong lính xả thân, coi nhẹ cái chết thì sao được”. Nguyễn Trường Tộ chỉ ra kinh nghiệm của nước ngoài khi cho biết “các tráng binh bên Tây được ăn uống ngon lành, suốt đời hưởng lộc. Khi tại ngũ có lương dư thừa chu cấp cho cha mẹ, vợ con, anh em”, “nếu vì nước hi sinh, vợ sẽ được lãnh lương suốt đời”. Còn các tướng lĩnh, “quan võ nếu lập công với quốc gia thì được thăng cấp, hưởng mãi số lương theo cấp đó…”.
• Tạo dựng mối quan hệ tốt giữa binh lính và tướng lĩnh. Nguyễn Trường Tộ phản đối thái độ coi thường người lính, “không nên bắt lính hầu hạ quan”, “không được sỉ nhục, ngược đãi binh lính”. Cần phải có sự đoàn kết, gắn bó vì “lính với cai đội, cai đội với tướng cũng như ngón tay với bàn tay, bàn tay với cánh tay, cánh tay với thân thể, có hòa hợp với nhau thì mới vận động được”. Do đó “binh lính có vui vẻ, hăng hái hay không là do lúc bình thường ta có tạo được tình cảm gắn bó ân nghĩa với nhau hay không”, “khi ra trận, khi gặp khó khăn thì quan và lính mới cùng chia sẻ vui buồn, dựa vào nhau”. Nếu không có sự đoàn kết, gắn bó thì “binh sĩ không có tinh thần chiến đấu, dù có phương pháp hay cũng trở thành bánh vẽ”, vì thế “không sợ giặc ngang tàng mà sợ lòng người rời rạc, lòng người rời rạc thì dù có thành trì bằng kim loại, có ao nước sôi cũng phải bỏ chạy. Ai ở đó mà chịu chết cho”.
• Học tập, tiếp thu những ưu điểm trong nghệ thuật quân sự của nước ngoài bằng cách “rước những người phương Tây giỏi về quân sự...phối hợp với võ quan ta để luyện tập cho quân sĩ mỗi ngày…”, hoặc “nên mời quan Tây giỏi võ bị để dạy cho quan ta”. “Ngoài ra cũng phải mua các sách binh pháp thủy bộ của phương Tây dịch ra để mà tham khảo học tập”.
• Coi trọng hoạt động tình báo vì “ta không thấu hiểu được tình hình thiên hạ, không hiểu rõ thời cơ của ta, của địch hư thực như thế nào, thành kiến thật kiên cố, không thể phá được”. Hoạt động tình báo rất quan trọng, “cài người của mình vào hàng ngũ địch để tìm hiểu tình hình của địch”, phải “lập mưu khéo léo ngăn chặn họ”, “tự mình phải hiểu rõ thế mạnh của ta, của người, nắm cho được cơ hội giao thiệp qua lại, từ đó để quyết định cho phù hợp…Đó là việc khó nhất trong các việc khó”. Tại những vùng địch kiểm soát ta phải “ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng ngay trong địa bàn của địch, bí mật kết hợp với người sở tại để đánh úp địch”.
VỀ THƯƠNG NGHIỆP
Đối với thương nghiệp, Nguyễn Trường Tộ chỉ chủ trương giao lưu hàng hóa bằng ngoại thương cũng như nội thương.
Về ngoại thương, thì Hòa ước ngày 5-6-1862 ký kết giữa Triều đình vua Tự Đức với Pháp và Tây Ban Nha thì thương lái và thương thuyền của công dân hai nước này được tự do ra vào buôn bán ở cửa Hàn, cửa Ba Lạt và cửa Quảng Yên. Tuy nhiên có thể do nhà nước Việt Nam chưa muốn mở cửa cho người nước ngoài ra vào dòm ngó, nên đã không tổ chức ngoại thương, vì thế các hãng buôn của Pháp và Tây Ban Nha không thấy có gì để mua và không biết đem gì đến bán. Nguyễn Trường Tộ, trong nhiều văn bản gởi lên Triều đình Huế, luôn luôn nhấn mạnh đến nhu cầu mở rộng cửa biển cho tàu bè các nước vào buôn bán. Đó là một xu thế chung, một mình Việt Nam không thể cưỡng lại được.
Trong bài Dụ tài tế cấp bẩm từ (Di thảo số 5), ông nói: “Bọn hủ nho sao không biết thời thế biến chuyển; cứ câu nệ vào nghĩa lý sách vở, nói bừa bãi rằng: Triều đình mở cửa đón kẻ cướp vào? Sao không biết rằng lúc thời thế đã đến, thì không thể ngăn được, lúc thời thế đã lui thì không thể chặn được? (...) Cửa bể khắp các nước phương Đông… đã khai thông cả, thì tại sao một mình nước ta lại có thể đóng kín được?”
Trong bài Khai hoang từ (Di thảo số 8 ), ông nói: “Ngày nay, nếu ta nhân có họ xin mà mở các cảng khẩu để thuyền bè các nước ra vào, ta ngồi mà thu thuế để tăng quốc dụng, như ở Trung Quốc. Có thuyền máy qua lại trên mặt biển thì bọn cướp biển dần dần sẽ tiêu”.
Trong một bản văn, có thể là bản văn cuối cùng trước khi từ trần, Nguyễn Trường Tộ sau khi điểm qua kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... đã phải chua chát nhìn nhận rằng: “Chỉ riêng một mình nước ta thi hành đường lối khác, cho nên thiên hạ cho ta là một nước kỳ dị đệ nhất. Triều đình ta trong khoảng từ Gia Long, đến thời Minh Mạng hợp tác với người phương Tây, thường phái thuyền du hành các nước trở về dần dần được hưng thịnh. Nếu không có lệnh đóng cửa đuổi khách bạn ra, mà theo đường lối ấy cho tới ngày nay thì ta cũng có thể sánh vai dong duỗi cùng thiên hạ và người Pháp cũng không thể tác oai tác quái với chúng ta được”. (Di thảo số 55).
Về nội thương thì mối băn khoăn lớn của Nguyễn Trường Tộ là đường giao thông, vận chuyển hàng hóa. Bởi vì nước ta là một nước có chiều dài và lúc bấy giờ vận chuyển từ Bắc - Trung - Nam chủ yếu bằng đường biển. Mà vận chuyển bằng đường biển thì có hai đe dọa lớn là gió bão và cướp biển. Đó là chưa nói đến, khi xảy ra biến cố, thì tàu địch có thể phong tỏa như Pháp đã làm năm 1862. Việc giao lưu hàng hóa từ Bắc vào Nam bị tắc nghẽn. Nguyễn Trường Tộ đã thấy rất rõ điều đó.
Trong cuốn Tế cấp bát điều (Di thảo số 27, 15-11-1867) ông đã nói rằng: “Như về việc vận chuyển lương thực, Triều đình đã hết sức lo liệu mà vẫn chưa ổn. Phần nhiều một thạch lương thực đến được kinh đô đã phải hao hụt dọc đường mất năm sáu đấu. Đó là chưa nói đến nhiều vụ chìm ghe, bị đánh cướp. Các sản vật khác cũng vậy. Còn ghe thuyền của dân chìm mỗi năm không biết bao nhiêu mà kể. Dân nghèo thì nước cũng nghèo. Cái hại lớn đó đều do đường biển gây ra”.
Cũng trong cuốn Tế cấp bát điều, Nguyễn Trường Tộ đề nghị đào một con kênh từ Hải Dương đến Huế để tránh tai nạn của đường biển. Ông hứa là sẽ đảm nhận những chỗ khó đào. Ông nói: “Còn những chỗ trở ngại và cát đá khó đào xin cứ giao cho tôi. Tận dụng đủ cách thì núi cũng xuyên qua được, huống gì những nơi ứ tắc. Lúc trước tôi đã xem qua chỗ Nhà Hồ ở Quảng Trị thấy cũng có thể xuyên qua được. Chỉ có Hoành Sơn là tôi chưa xem kỹ. Nếu quan sát nghiên cứu kỹ hai nơi này mà thấy có thể đào được thì đào liền”.
Khoảng tháng 10 năm 1868, sau khi thấy triều đình không xét gì tới kế hoạch đào kênh của mình, Nguyễn Trường Tộ lại gởi lên Triều đình một văn bản nữa về việc “Tiễu trừ giặc biển” (Di thảo số 38 ). Ông lại nhận định rằng: “Sự tổn thất của công và của tư, kể có số vạn rồi, đường thương mại không thông, hóa vật ủng trệ, thật là một cái hại lớn cho sinh dân, năm này qua năm khác lại chẳng đã thiệt hại hàng ức triệu đó sao? Dân ven biển, những nhà buôn bán giàu sang là cửa bọng của cư dân thượng bạn hạ bạn thế mà mấy năm nay bị chúng cướp phá giết chóc không biết bao nhiêu nay đã trở thành nghèo túng...”
Trong văn bản này, Nguyễn Trường Tộ vẫn cho rằng kế đào kênh là “Kế hay nhất”. Tuy nhiên để tiễu trừ giặc biển, ông đề nghị bốn biện pháp:
1. Thương lượng với người Pháp ở Sài Gòn để họ cho tàu tuần tiễu giúp dẹp dọn bọn cướp biển.
2. Đóng tiền cho hội bảo hiểm ở Sài Gòn để họ tiễu trừ giặc biển.
3. Mỗi tỉnh mua một hai thuyền máy để tự mình tiễu trừ giặc biển.
4. Bắt buộc các thuyền buôn của người Trung Quốc phải có giấy thông hành, để tránh nạn thuyền buôn thuyền giặc lẫn lộn.
VỀ TÀI CHÁNH
Tài chánh của Nhà nước phong kiến, thời Nguyễn Trường Tộ, chủ yếu nhờ vào thuế (thuế đinh và thuế điền).
Đối với Nguyễn Trường Tộ, thuế là nghĩa vụ của nhân dân đối với công việc chung của đất nước. Nhưng thuế phải công bằng và hợp lý.
Trong Tế cấp bát điều (Di thảo số 27, ngày 15-11-1867), ông nói: “Nước sở dĩ đứng vững được là nhờ binh lương. Binh để giữ nước, lương để nuôi binh. Thế mà trong dân gian còn nhiều người chưa hiểu lý lẽ ấy. Nếu có của cải mà không có quan binh bảo vệ thì quân giặc, kẻ trộm hoành hành, thân còn không giữ được, giữ sao được của cải. Dân đã không thể một mình bảo vệ được thân mạng, nhà cửa, của cải, thì bỏ ra một ít lương thuế nhờ lực lượng quốc gia bảo vệ sự nghiệp to lớn lâu dài của mình cho”.
Vì thế mà Nguyễn Trường Tộ, đề nghị đo đạc ruộng đất, kê khai dân số hàng năm để tránh thất thu và gian lận. Thất thu và gian lận đây không phải là do dân chúng mà chính là do lý hào.
Giải thích lý do tại sao phải đo đạc lại điền thổ, Nguyễn Trường Tộ nói: “Có nhiều nơi ruộng cao có thuế lại mất mùa không thu được gì cả, còn ruộng thấp không có thuế thì lại được mùa, thế mà chẳng bù sớt cho nhau tý nào (...) Lại có những bọn lý dịch lấy ruộng của dân tráo chỗ nọ đổi chỗ kia, để thu thuế của dân thì nhiều mà nộp lên quan thì ít (...) Như cậy là quá nửa số thuế lọt vào túi bọn lý dịch chẳng khác nào chúng có đất phong hầu để ăn lộc vậy. Lại có làng ở ven sông đất bị sông xói lở không cày cấy được, hoặc có nơi vốn đất bỏ hoang không khai khẩn được, thế mà vẫn bị bọn lý dịch chiếu lệ tăng thuế. Lại có nhiều ruộng lậu thuế không khám phá ra được bởi tài đắp vá quỷ quyệt của bọn lý dịch. Như vậy trong dân gian, kẻ giàu thì giàu thêm, người nghèo càng nghèo mạt...”.
Sở dĩ Nguyễn Trường Tộ đề nghị phải kê khai nhân khẩu hằng năm, một phần, là để tránh sự gian lận của bọn lý dịch kê khai thấp số dân trong xã để nộp lên cho Nhà nước ít, nhưng vẫn thu đủ của dân. Ông nói: “Bọn hương hào lý dịch ác ôn nhờ đó mà ăn cho no béo nên chúng mới gian dối đủ cách, chịu đánh đòn để mưu lợi riêng tư. Đến khi có người bất bình phát đơn kiện, bấy giờ quan mới trừng trị”.
Mỗi lần nêu chủ trương sửa sang lại biên cương, nắm rõ dân số, Nguyễn Trường Tộ đều nói rằng: “mục đích không phải để tăng thuế”.
Trong Tế cấp bát điều, điều thứ ba, Nguyễn Trường Tộ có đề nghị tăng thuế và đánh thuế thật nặng trên các sòng bạc, trên rượu, thuốc lá, các cuộc du ký vô bổ mang tính chất mê tín dị đoan, mục đích là để bài trừ các tệ nạn xã hội.
Ông cũng đề nghị đánh thuế nặng trên các hàng xa xỉ ngoại nhập, như trà tàu, tơ lụa nhập để bảo vệ hàng nội địa. Ông nói: “Nếu có thuyền Trung Quốc vào cảng thì phải đánh thuế trà riêng, còn các thứ tạp hóa khác đều theo thể lệ cũ, tuy vậy cũng phải tăng lên. Đối với các nước phương Tây, phàm hàng hóa nước ngoài, bất luận thứ hàng hóa gì đều phải phân biệt loại hàng qúy và hàng thường để thu thuế và phải thu cao hơn hàng trong nước. Còn những thứ không cần thiết cho đời sống, như đồ trang sức, xa xỉ thì phải đánh thuế gấp bội hơn nữa. Vậy xin ở các chợ tiệm nào có biển quan cho phép mới được bán trà. Như giá trà một quan phải nộp thuế một quan. Đã lấy thuế khi thuyền Trung Quốc vào cảng, lại còn lấy thuế khi bày bán ở chợ. Như thế cũng không quá đáng. Bởi vì uống trà tàu chỉ có hạng giàu có phong lưu mà thôi. Nước ta cũng có trà, uống cũng giải khát thanh tỳ được. Thế mà họ còn thừa tiền hoang phí thói phong lưu (…) Nước ta vốn có nhiều tơ lụa, thế mà nhiều người cho là không đẹp cứ tìm kiếm hàng Tàu, khiến dân ta không ra sức trồng dâu nuôi tằm, làm cho hàng tơ ngày một đắt giá (...) Tại sao hàng ta dù có tốt cũng xem thường, còn hàng Tàu dù có xấu cũng đua nhau khen đẹp? Tại sao lại khinh mình mà trọng người đến thế? (...) Nay xin cho các thứ vải vóc hàng may mặc trong nước đều xử lý theo lệ cũ. Còn tất cả các loại hàng Tàu hễ giá 10 quan thì đánh thuế 5 quan. Họ đã có tiền mua hàng đẹp thì cũng có tiền nạp 5 quan để dùng vào việc lợi ích quốc gia. Điều đó cũng không phải quá đáng”.
Nguyễn Trường Tộ cũng đề nghị là phải đánh thuế trên nhà giàu. Bởi vì nhà giàu chịu ơn Nhà nước hơn người nghèo, bởi vì “cướp cũng muốn cướp của nhà giàu, trộm cũng muốn trộm của nhà giàu”. Thế mà “trong sổ bộ trên quan một cùng đinh phải đóng thuế bao nhiêu, thì trong làng một tay đại phú cũng đóng từng đó thuế”. Về biện pháp, thì Nguyễn Trường Tộ “xin chia những người giàu làm ba hạng, nhà hạng nhất đóng thuế mỗi năm 100 quan, hạng nhì 50 quan, hạng ba 20 quan”.
Như thế đối với Nguyễn Trường Tộ, thuế cần được chấn chỉnh, nhưng đó chỉ là một nguồn thu có giới hạn nhất định mà thôi. Điều cần nhất là phải làm cho của cải thêm nhiều. Ông nói: “Có nhiều lối làm giàu, nếu đem ra thực hành trăm năm cũng chưa hết. Nhưng tôi chỉ đưa ra bốn cách cấp thiết trước tiên để cấp cứu trong nhất thời. Tạo vật để cho nước ta một địa lợi tốt để mà làm, thì Triều đình phải có người đứng ra xướng xuất cho dân theo”. Bốn cách làm giàu nói đây chính là cách khai thác bốn nguồn lợi nói trong Dụ tài tế cấp bẩm từ: Nguồn lợi về biển, nguồn lợi về rừng, nguồn lợi về đất đai, nguồn lợi về mỏ quặng.
Nhưng Triều đình đã không làm gì cả cho có của cải để chi dùng vào các chương trình phát triển đất nước. Có lúc Nguyễn Trường Tộ đề nghị là Triều đình vay tiền của nhân dân (như hình thức công trái của chúng ta ngày nay).
Để có tiền đào các con kênh cho thuyền bè qua lại, khỏi đi lòng vòng tốn kém, ông đề nghị: “Truyền rao cho các nhà giàu xuất tiền cho Nhà nước vay. Trước tiên tùy số tiền cho vay nhiều ít sẽ được ban khen. Sau đó tiền lời sẽ được trả khi kênh đào xong và lập trạm thuế. Mỗi năm, quan sở tại trả tiền lời cứ một vạn là một trăm quan. Khi nào số tiền lời được gấp đôi số tiền đã vay thì chấm dứt và không hoàn vốn lại” (Di thảo số 27).
Ông cũng đề nghị Triều đình vay tiền của các công ty nước ngoài để mua sắm khí giới, lập các nhà máy chế tạo súng đạn và hàng tiêu dùng. Ông nói: “Nước ta thời gian gần đây phải đánh Nam dẹp Bắc, của cải tích lũy đã cạn. Dân gian bị lụt lội, hạn hán, sâu rầy, làng xóm hư hao. Bên ngoài cướp biển hoành hành, đường buôn bán không thông. Bên trong sự cung đốn cho Nhà nước ngày một gia tăng, lòng dân rời rạc. Tất cả đều do nghèo thiếu của cải gây nên. Tôi thấy các nước phương Tây, nhiều nước vay tiền của các nhà buôn lớn để giải quyết các vấn đề cần gấp, sau đó sẽ từ từ hoàn lại. Nước càng lớn, nợ càng nhiều. Thế nhưng chưa ai bảo như vậy là yếu hèn hay sai lầm kế sách. Tôi xin có ý kiến là hãy sai người đến các đại thương gia ở Hương Cảng vay độ 8, 9 triệu quan (Tôi bảo đảm chắc chắn có thể vay được), mỗi năm ta sẽ trả tiền lời cho họ, hoặc giao ước ta sẽ trả hàng hóa cho họ rồi tính giá khấu trừ, hoặc cho họ lấy gỗ ở một hai khu rừng (Về lợi ích lâu dài của việc này, trước đây tôi đã bẩm ở trong bài “Khai hoang từ”), rồi hạn định mỗi năm trừ vào số tiền vốn là bao nhiêu. Khế ước sẽ được lập theo luật phương Tây, sau đó xin qua Anh ký chứng để bảo đảm vĩnh viễn khỏi lo ngại. Khi ta đã được một món tiền lớn đem về sẽ nhất tề bắt tay làm việc. Có vốn lớn chắc chắn sẽ có lợi lớn” (Di thảo số 44, ngày 10-4-1871).
5. VỀ CHÍNH TRỊ
Nguyễn Trường Tộ không phải là một nhà chính trị, hiểu theo nghĩa là người có một dự án chính trị cần được thực hiện bằng con đường chính quyền. Đọc các di thảo của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta thấy là ông chủ trương không nhận bất cứ một chức vụ nào trong chính quyền. Nguyễn Trường Tộ chỉ là một nhà cải cách, nói đúng hơn là một người có những tư tường cải cách và muốn thực hiện những cải cách đó thông qua những người có chức có quyền. Chính vì thế mà ông đã gởi những đề nghị cải cách của ông lên Triều đình Huế và chỉ gởi cho những người có chức có quyền trong Triều đình Huế.
Với một hướng đi như thế, Nguyễn Trường Tộ chủ trương tôn trọng chế độ vua quan hiện hữu. Đối với các cuộc nổi dậy chống chế độ như vụ Lê Văn Phụng là một người công giáo, được các thừa sai Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ. Nguyễn Trường Tộ không những không theo, mà còn chống đối, coi đó là phản nghịch, là Thắng Quảng (Xem di thảo số 3 ).
Nguyễn Trường Tộ đã nói rõ hơn lập trường của mình trong bài “Vua là quý, quan là trọng” (Di thảo số 13, tháng 5-1866). Ông đã viện dẫn tất cả lý lẽ của Đông, Tây để cổ vũ cho việc duy trì và củng cố trật tự xã hội hiện hữu.
Có lúc ông có vẻ hơi cường điệu khi nói rằng: “Người xưa có nói dân là gốc của nước. Nói như vậy cũng chưa đúng. Tôi cho rằng vua quan là gốc của nước. Vì không có vua quan thì chẳng bao lâu dân sẽ loạn, tranh nhau làm trưởng, giành giật lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau, oán thù lẫn nhau. Cho nên nước dù có vua bạo ngược còn hơn không vua”.
Tuy nhiên cần đặt văn bản này trong bối cảnh lịch sử của nó. Nguyễn Trường Tộ là người biết tương đối rõ tình hình bất ổn của Triều đình. Trong bài Thiên hạ đại thế luận (Di thảo số 1, tháng 4-1863), ông đã nói: “Hiện nay tình hình trong nước rối loạn, Trời thì sanh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi, trong Triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chận những bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều; ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá, tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước, việc đó đã xảy ra từ lâu rồi. Những kẻ hận đời ghét kẻ gian tà, những kẻ thất chí vong mạng, phần nhiều ẩn núp nơi thảo dã, chính là lúc Thắng Quảng thừa cơ nổi dậy”. Vua Tự Đức lại là thứ lập, nên sau những âm mưu lật đổ của Hồng Bảo (1854) và Hồng Tập (1864), luôn luôn sống trong một tâm trạng sợ sệt; trong đêm 16 rạng 17 tháng 9-1866, quân nổi dậy của Đoàn Trưng và Đoàn Trực đã vào tới tận cửa Hoàng gia... Nguyễn Trường Tộ thấy rõ ràng chính tình trạng rối ren lo sợ đó đã làm tê liệt mọi sáng kiến của Triều đình. Theo ông thì: “Bậc làm vua biết rõ cái thế trường cửu đã có, không có bụng nghi ngờ bề tôi ở dưới: kẻ làm dân biết cái lợi hại của việc trị việc loạn nên không có cái chí phạm thượng. Trên dưới tự mình không nghi cũng không ngờ lẫn nhau. Mọi việc gì đều có phó thác rõ ràng, người nhận lãnh vui lòng, không có điều gì tối tăm, lo lắng, cho nên dễ đi đến chỗ đúng đắn, dễ bày tỏ, dễ cởi mở, dễ phân giải, tất cả đều do thật lòng tin tưởng nhau, cho nên dù có sự bất bình cũng tin nhau, không nỡ trách cứ hà khắc. Được như vậy là đều do không nghi kỵ gì nhau mà ra. Nếu đã nghi thì hại đến lòng tin. Không tin tưởng thì đa kỵ, đa kỵ thì lụy hại đến trí khôn; trí bị tổn hại thì dễ bị hỏng việc; việc hỏng thì sinh hại, hại sinh thì có lắm chuyện lo buồn; lo buồn nhiều thì tâm loạn rồi sinh ra lắm sự sợ hãi; sợ hãi nhiều thì khí chất kém đi mà sinh ra nhu nhược; nhu nhược thì mọi việc chần chừ do dự không dám quyết đoán...” (Di thảo số 13).
Do đó mà Nguyễn Trường Tộ mong có một sự ổn định về chính trị. Có lẽ Nguyễn Trường Tộ không đặt vấn đề lựa chọn chế độ chính trị, quân chủ hay dân chủ, dân chủ tư sản hay dân chủ nhân dân, như chúng ta quen nói ngày nay. Ông chỉ thấy là cần có một người nắm giềng mối quốc gia. Và người đứng đầu quốc gia đó phải phục vụ lợi ích của toàn dân: “Vua có bổn phận của vua, quan có bổn phận của quan, dân có bổn phận của dân. Người quý kẻ tiện không cướp đoạt của nhau (...) Nếu biết dựa vào nhau và nhờ vào thế của nhiều người, sao cho mọi người đều coi trọng việc công và lòng người đều tôn kính bề trên, như Giả Nghị nói: Gieo vào lòng người sự tôn kính, thì thiên hạ không có loạn. Vì rằng danh đã định, vị đã lập, lý đã chính, thế đã đồng, các nước đều như vậy cả, lẽ nào một nước ta lại có thể trái với các nước, đứng riêng một mình được sao?”
Nói tóm lại là, về chính trị, Nguyễn Trường Tộ không đề nghị thay đổi gì cả. Ông chỉ muốn củng cố trật tự xã hội hiện hữu. Trong Tế cấp bát điều (Di thảo số 27, 15-11-1867), ông có đề nghị sát nhập một số tỉnh huyện để tinh giản biên chế và tăng lương cho các viên chức, như chúng ta nói ngày nay. Ông nói: “Hãy xem tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có thể lớn bằng một lần rưỡi nước ta. Hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây hợp lại có thể gấp đôi nước ta. Một huyện của Trung Quốc có thể tương đương một tỉnh nước ta. Trên thế giới có nhiều nước phân chia tỉnh huyện còn lớn hơn của Trung Quốc nữa (...) vậy xin gấp rút xét xem địa thế, hợp hai ba tỉnh làm một tỉnh, hoặc ba bốn huyện làm một huyện, lấy số lương dư ra cấp thêm cho các quan hiện chức. Họ đã được cấp lương tiền đầy đủ để giúp họ giữ được thanh liêm, bấy giờ nếu họ không thanh liêm mới có thể trách. Tôi tính lương tri huyện mỗi ngày không quá ba, bốn thạch (mỗi thạch khoảng 60 - 70 đồng tiền), như vậy nuôi một người còn không đủ huống chi nuôi một gia đình nhà quan. Đã biết rõ thiếu hụt mà cứ đem lời suông khuyên người ta thanh liêm, như thế là ngầm để cho người ta tham nhũng (...) Tôi thấy lương bổng một năm, tính hết tất cả các khoản của một Lục bộ đại thần nước ta không bằng hai ngày rưỡi lương của một nguyên soái nước Pháp. Một ngày lương của một Tổng đốc nước Anh tương đương một năm lương của một quan đại thần nước ta. Vì vậy người phương Tây có nói: “Các quan lại nước Nam, trừ những người quá tham ô không nói, còn bao nhiêu những người khác thường thường sau khi xong công việc họ nhận lãnh của biếu xén, tạ ơn, điều đó cũng không đáng trách” (...) Các nước ngoài nghe quan lại nước ta lương bổng ít ỏi như vậy họ rất chê cười và tựa hồ họ không thể hiểu nổi tại sao lại có thể như thế được. Vì vậy tôi xin đề nghị lấy những của cải phù phiếm xa hoa trong dân gian để thêm lương cho các quan binh. Đó là lý do hết sức chính đáng (các nước phương Tây cũng tăng thu bằng cách đó để cấp thêm cho quan binh). Nếu vậy mà họ còn tham ô, mới có thể trách được”.
Để quản lý quốc gia, Nguyễn Trường Tộ, trong Tế cấp bát điều, điều thứ 5 và 7, đề nghị vẽ bản đồ cương giới cũng như điều tra dân số và làm thống kê về tất cả mọi mặt sinh hoạt của đất nước. Ông nói: “Nay xin vẽ bản đồ tất cả các xứ trong nước. Về địa phận mỗi tỉnh, huyện, xã, thôn, phường, sách, động, trang phải đo đạc lại hết cho phù hợp bốn bên, xa gần, rộng hẹp, đồng thời mô tả tình thế mặt đất, như tôi đã nói ở trên, rồi ghi chú rõ ràng vào bản đồ cả nước. Trong bản đồ phải có thuyết minh để thấy rõ các mối liên lạc. Vẽ bản đồ phải thực hiện nhiều loại, có loại vẽ phân tích ra từng phần, có loại vẽ tổng hợp chung tất cả các phần vào một (như lối vẽ của Tây phương), nhưng nói chung các bản đồ đều phải lấy độ số bằng dặm vuông để dễ suy đoán (khoản nay tôi có biết ít nhiều).
(…)
“Nay xin lập sổ bộ thống kê lại đầy đủ không luận trai gái, già trẻ. Việc này giao trách nhiệm cho tri huyện và tổng lý phải ghi rõ ràng trình lên. Như chính quán bao nhiêu, ngụ cư bao nhiêu, người học chữ bao nhiêu, làm thợ bao nhiêu, buôn bán bao nhiêu, bao nhiêu người không có nghề nhất định, bao nhiêu người mồ côi cha mẹ, góa vợ góa chồng, bao nhiêu người tàn tật, bao nhiêu quan, binh, chức, sắc bao nhiêu người làm thầy thuốc, thầy bói số. Mỗi năm đều ghi rõ ở dưới là còn tiếp tục hành nghề cũ hay đã đổi nghề thác. Cũng phải ghi rõ mỗi nhà sinh được bao nhiêu trai gái, chết vì lý do gì”.
Nguyễn Trường Tộ cũng đề nghị lập thêm bộ Nông nghiệp, bộ Ngoại giao (trước chỉ có 6 bộ: Bộ Binh, Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Công, Bộ Hình, Bộ Hộ). Ông cũng đề nghị là Tòa án phải được độc lập: Nhà vua chỉ có quyền ân xá, chứ không có quyền kết án.