Cảm ơn cụ cho biết sự kiện năm 1791, có lần lâu lắm rồi tôi cũng nghe đến việc định nghĩa (quy ước đơn vị 1 mét) như thế. Nhưng như thế lại nảy sinh ra câu hỏi: tại sao các ông nghị (cứ cho là nhà khoa học địa lý) tại thời điểm đó biết chỗ nào là đường xích đạo, chỗ nào là Bắc cực? để đo được khoảng cách 1/2 độ dài của đường kinh tuyến là 1 vạn km.
Ý tưởng về Trái Đất hình cầu xuất hiện trong triết học Hy Lạp cổ đại với Pythagoras (~570-495 TCN). Ý tưởng của ông dựa trên thực tế là ông đã chỉ ra rằng Mặt Trăng phải có dạng hình tròn bằng cách quan sát hình dạng của đường phân giới (đường nối giữa phần Mặt Trăng nằm ở phần sáng và phần Mặt Trăng nằm ở phần tối) khi nó di chuyển xuyên suốt chu kỳ quỹ đạo của nó. Pythagoras lập luận rằng nếu Mặt Trăng có dạng hình tròn thì Trái Đất cũng phải có dạng hình tròn. Sau đó, Anaxagoras (~500-428 TCN) đã xác định được nguyên nhân thực sự của nhật thực và nguyệt thực - và sau đó hình dạng bóng của Trái Đất lên Mặt Trăng khi nguyệt thực cũng được sử dụng làm bằng chứng cho thấy Trái Đất có dạng hình tròn.
Tuy nhiên, hầu hết những người theo chủ nghĩa tiền Socrates (470-399 TC) trong thế kỷ 6-5 TCN như Thales (~626-548 TCN), Leucippus (~thế kỷ 5 TCN), Democritus (~460-370 TCN), Anaximenes xứ Miletus (~586-526 TCN), Xenophanes xứ Colophon (~570-478 TCN) vẫn duy trì mô hình Trái Đất phẳng; Anaximander (~610-546 TCN) cho rằng Trái Đất có dạng hình trụ.
Đầu thế kỷ 4 TCN, Plato (~427-348 TCN) đã viết về Trái Đất hình cầu. Vào khoảng năm 330 TCN, học trò của ông là Aristotle (384-322 TCN) dù là một người theo thuyết địa tâm (và sau này là Ptolemy (~100-170)) đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm thuyết phục về Trái Đất hình cầu, dựa trên những quan sát mà ông đã thực hiện với những chòm sao mà người ta có thể nhìn thấy trên bầu trời khi di chuyển ngày càng xa khỏi xích đạo. Trong khoảng 100 năm tiếp theo, Aristarchus xứ Samos (~310-230 TCN) và Eratosthenes (~276-194 TCN) với mô hình theo thuyết nhật tâm thực sự đã đo được kích thước của Trái Đất hình cầu (theo đơn vị đo lường Hy Lạp cổ đại) với độ chính xác khá cao. Aristarchus ước tính kích thước của Mặt Trời và Mặt Trăng so với kích thước Trái Đất. Ông cũng ước tính khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời và Mặt Trăng. Eratosthenes xác định chu vi Trái Đất khi làm thủ thư tại thư viện Alexandria.
Kiến thức về dạng hình cầu của Trái Đất dần dần bắt đầu lan rộng ra ngoài thế giới Hy Lạp hóa. Vào thời kỳ đầu của Nhà thờ Thiên Chúa giáo, quan điểm Trái Đất hình cầu đã được áp dụng rộng rãi, trừ một số ngoại lệ. Như thế, người ta đã biết Trái Đất là hình cầu quay quanh Mặt Trời, có hai cực Nam, Bắc và xích đạo từ khi đó chứ không phải mãi sau này mới biết.
Galileo Galilei (1564-1642) là người phát hiện ra gia tốc trọng trường để giải thích thời gian rơi của các vật thể nặng nhẹ khác nhau xuống mặt đất. Ông cũng cũng quan sát thấy tính đều đặn của chu kỳ dao động của con lắc và nhận thấy chu kỳ này phụ thuộc vào chiều dài của con lắc.
Jean Picard (1620-1682) sử dụng phép đạc tam giác với 13 tam giác trong khảo sát đo cung dọc theo kinh tuyến Paris năm 1669-1670 từ Paris tới tháp đồng hồ Sourdon để đo khoảng cách của cung 1 độ trên bề mặt Trái Đất. Kết quả của ông quy đổi theo định nghĩa mét hiện đại cho kết quả xấp xỉ 110,46 km/1 độ theo kinh tuyến Paris, tương đương bán kính Trái Đất theo vòng tròn lớn nối xích đạo với Bắc cực R = 6.328,9 km (đo đạc ngày nay với Trái Đất hình phỏng cầu bẹt có R theo vòng tròn lớn này = 6.356,752 km và R theo vòng xích đạo là 6.378,137 km, nghĩa là sai số trong phép đo của Picard xấp xỉ 0,438%).
Năm 1671 ông đo chiều dài của con lắc chu kỳ 2 giây tại Đài thiên văn Paris và đề xuất gọi nó là bán kính thiên văn (rayon astronomique); tính theo đơn vị đo lường ngày nay thì chiều dài con lắc L xấp xỉ 1 m khi đặt ở địa điểm nằm trên vĩ độ 45. Tuy nhiên sau đó người ta phát hiện ra rằng chiều dài này thay đổi tùy theo từng địa điểm.
Christiaan Huygens (1629-1695) phát hiện ra rằng lực ly tâm làm cho gia tốc trọng trường biến đổi theo vĩ độ, làm cho Trái Đất không phải là hình cầu hoàn hảo mà hình dạng gần đúng của nó là hình phỏng cầu bẹt. Ông cũng là người lập ra công thức toán học cho mối liên hệ giữa chiều dài con lắc và gia tốc trọng trường (chu kỳ của con lắc T ≈ 2*Pi*căn bậc hai của L/g với L là chiều dài con lắc, g là gia tốc trọng trường tại điểm đặt con lắc), với góc dao động rất nhỏ thì T gần như không phụ thuộc vào biên độ dao động, và nó có tính đẳng thời).
Năm 1790, Charles-Maurice de Talleyrand-Périgord (1754-1838) đề xuất 1 mét bằng chiều dài con lắc chu kỳ 2 giây đặt ở địa điểm nằm tại vĩ độ 45. Tuy nhiên, một ủy ban của Viện Hàn lâm khoa học Pháp bao gồm các nhà khoa học Jean-Charles de Borda (1733-1799), Joseph-Louis Lagrange (1736-1813), Pierre-Simon Laplace (1749-1827), Gaspard Monge (1746-1818), Nicolas de Condorcet (1743-1794) lại quyết định 1 mét bằng 1 phần 10 triệu khoảng cách từ xích đạo tới Bắc cực theo kinh tuyến đi qua Paris. Năm 1791 Quốc hội Pháp thông qua quy định này.
Từ năm 1792 tới năm 1798 Viện Hàn lâm khoa học Pháp cử một đoàn khảo sát do Jean Baptiste Joseph Delambre (1749-1822) và Pierre Méchain (1744-1804) chỉ huy để đo khoảng cách từ một tháp chuông ở Dunkirk (tỉnh Nord, miền bắc Pháp) tới lâu đài Montjuic ở Barcelona nằm dọc trên cùng một kinh tuyến với điện Panthéon (quận 5, Paris) nhằm xác định xem 1 mét có độ lớn chính xác là như thế nào. Cả điểm đầu và điểm cuối của đoạn đường này đều có thể đo đạc ở cao độ 0 m (mực nước biển), cũng như cung đường này nằm xấp xỉ ở đoạn giữa của cung 1/4 nối Bắc cực với xích đạo nên ảnh hưởng của độ bẹt của Trái Đất (thời điểm đó người ta đã biết Trái Đất là hình phỏng cầu bẹt, với độ bẹt khi đó xác định bằng 1/334, giá trị độ bẹt xác định hiện nay là 1/298,257222101) gần như bị triệt tiêu. Năm 1799, trên cơ sở số liệu đạc tam giác do đoàn khảo sát nói trên đo đạc, một ủy ban bao gồm Johann Georg Tralles (1763-1822), Jean Henri van Swinden (1746-1823), Adrien-Marie Legendre (1752-1833) và Jean-Baptiste Delambre đã tính toán từ khoảng cách Dunkirk - Barcelona để ngoại suy ra khoảng cách từ Bắc cực tới xích đạo. Khoảng cách Bắc cực - xích đạo ngoại suy từ khoảng cách Dunkirk - Barcelona là 5.130.740 toise (đơn vị đo lường được sử dụng khi đó của Pháp). 1 mét được định nghĩa bằng 0,513074 toise và người ta đúc một thanh kim loại với chiều dài xấp xỉ với định nghĩa này để đặt trong Lưu trữ Quốc gia Pháp vào ngày 22-6-1799 như là mẫu 1 mét tiêu chuẩn để lưu giữ lâu dài.