Em định viết tiếp bài tiếp theo về đập Ba Đa nhưng hôm nay là ngày đặc biệt, ngày
30/08/2023. Ngày này cách đây 106 năm tại Thái Nguyên đã diễn ra sự kiện lịch sử chấn động cả Việt Nam, đó chính là Khởi nghĩa Thái Nguyên hay còn gọi là Binh biến Thái Nguyên (người Pháp còn gọi là Loạn Thái Nguyên) do Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) chỉ huy chống lại
chính quyền Bảo hộ của Pháp để giành độc lập cho
người Việt.
Chân dung Đội Cấn (Trịnh Văn Cấn) - Chỉ huy Cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên
Đội Cấn có tên khai sinh là Trịnh Văn Đạt, quê làng Yên Nhiên, tổng Thượng Nhung, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay là xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1910, Trịnh Văn Cấn (số lính 71) bị điều lên đóng quân ở đồn Chợ Chu, thuộc châu Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, sau ông được chuyển về đóng quân ở Trại lính khố xanh Thái Nguyên. Do luân phiên phải vào nhà lao Thái Nguyên canh giữ tù phạm, trong đó có những người yêu nước, đặc biệt, được tiếp xúc với nhân vật nối tiếng của Việt Nam Quang Phục hội là Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn đã được Lương Ngọc Quyến giác ngộ, kết nạp vào Việt Nam Quang Phục hội (nguồn:
https://baothainguyen.vn/)
Chân dung Lương Ngọc Quyến
Quê gốc của ông là làng Nhị Khê, huyện
Thường Tín,
Hà Nội ngày nay. Ông sinh ra tại
Hà Nội, trong một gia đình khoa cử khá giả, là con thứ của chí sĩ
Lương Văn Can. Tháng 10 năm 1905, ông cùng em ruột là
Lương Nhị Khanh hưởng ứng
Phong trào Đông du, sang
Nhật Bản du học. Ông được
Phan Bội Châu gửi học ở
Trường Chấn Vũ, tốt nghiệp loại ưu vào cuối
1908. Thời gian này ông tham gia vào
Công hiến hội. Sau đó ông bị trục xuất, phải bỏ sang
Trung Quốc theo học các trường quân sự, rồi nhận chức thiếu tá trong
quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Tháng 3- 1912, ông được bầu làm
Ủy viên quân sự Bộ chấp hành
Việt Nam Quang Phục Hội. Năm
1914 Lương Ngọc Quyến về nước gây cơ sở cách mạng tại
Nam Kỳ, rồi sang
Thái Lan,
Hồng Kông. Lương Ngọc Quyến bị mật thám Anh bắt trao cho
thực dân Pháp, đưa về Việt Nam giam ở các nhà lao ở Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên.
Ảnh cụ Đội Giá (Dương Thế Giá) và 3 người con ở nước ngoài (1960)
Cụ Đội Giá là một trong những thành viên chính tham gia cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên cùng cụ Đội Cấn. Cụ Đội Giá tên thật là Dương Thế Giá, đội nhất trong lực lượng lính khố xanh đóng ở tỉnh lỵ Thái Nguyên năm 1917. Cụ là con thứ hai trong một gia đình nồng dân ở xóm Dinh, làng Giữa, xã Úc Sơn, tổng La Đình, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (nay là xóm Hòa Bình, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Cụ chính là người chỉ huy phá nhà ngục Thái Nguyên, giải cứu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến. Sau khi khởi nghĩa thất bại, cuối năm 1918, cụ Đội Giá bị đầy đi Đảo Côn Lôn (Côn Đảo). Để ở Côn Đảo giặc Pháp thấy không yên lại đày tiếp đi một số nơi qua đại dương mênh mông: Tân thế giới, Madagascar, cuối cùng là đất nước venezuela xa lạ (theo thư gửi về năm 1958). Ở đó cụ lấy một người con gái bản địa, sinh được 3 (ba) người con (theo thư gửi về năm 1960). (Nguồn:
http://hoduongvietnam.com.vn/)
Ngoài ra còn nhiều thành viên khác tham gia cuộc Khởi nghĩa như:
- Dương Đình Xuyên (Quan năm): đội, số lính 789, quê ở làng La Bang, tổng Tiên Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên;
- Phạm Văn Trương (Hạ sỹ quan hậu cần-Sergent fourrier): số lính 788, quê ở làng Yên Lộc, tổng Yên Lộc, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định;
- Nguyễn Văn Chỉ (Ba Chỉ). Số lính 1107 không rõ quê quán, đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Hòang Hoa Thám;
- Tổng Ngữ: nguyên là nghĩa sỹ trong cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám;
- Chánh tổng Sơn La.
(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Diễn biến Khởi nghĩa Thái Nguyên:
Trịnh Văn Cấn, viên cai đội (
caporal) lính khố xanh ở Thái Nguyên cầm đầu cuộc nổi dậy vào đêm
30 Tháng Tám năm 1917. Ông chỉ huy lực lượng 175 người lính giết giám binh người Pháp, Noël, đoạt khí giới đạn dược, rồi phá ngục, giết cai ngục Loew, giải cứu
Lương Ngọc Quyến cùng 203 tù nhân. Nghĩa quân sau đó cướp kho bạc và làm chủ toàn tỉnh lỵ
[1], trừ đồn
lính khố đỏ cố thủ ở bên bờ
sông Cầu.
Trong sáu ngày từ đêm 30 Tháng Tám đến ngày 5 Tháng Chín, quân của Đội Cấn trấn giữ thành Thái Nguyên, lại thu nạp thêm các dân phu mỏ và dân địa phương nâng quân số lên khoảng hơn 600 người. Thành phần lực lượng khởi nghĩa gồm khoảng 130 lính vệ binh, hơn 200 tù nhân, 300 dân phu và dân địa phương. Theo gợi ý của Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn chia lực lượng khởi nghĩa thành hai tiểu đoàn, tiểu đoàn thứ nhất gồm các lính vệ binh cũ, tiểu đoàn thứ hai gồm tù nhân và dân quân, chỉ huy là Ba Chi. Trang bị của đội quân này gồm 92
súng hỏa mai và 75
súng trường mà quân nổi dậy thu được từ kho vũ khí của Pháp.
Họ truyền
hịch, đợi các nơi hưởng ứng nổi dậy cùng ngoại viện từ bên Trung Quốc và
Nhật đến vì tin rằng
Việt Nam Quang phục Hội có lực lượng đợi sẵn để trợ lực. Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa cũng tuyên bố độc lập, lấy
quốc hiệu là "Đại Hùng". Họ trương cờ
Ngũ tinh liên châu của
Việt Nam Quang phục Hội trên cửa thành.
Vào ngày 2 Tháng Chín năm 1917 thì quân Pháp bắt đầu phản công với đội quân 2.700 người và đến ngày 5 Tháng Chín thì đánh vào tỉnh lỵ. Lương Ngọc Quyến trúng đạn ở đầu chết (Theo tài liệu khác thì Lương Ngọc Quyến nhờ Trịnh Văn Cấn bắn vào ngực để quyên sinh vì ông đã quá yếu). Đội Cấn phải triệt thoái khỏi Thái Nguyên chạy về phía bắc. Đến trưa ngày mồng 5 thì Pháp tái chiếm được thành. Số thương vong bên nghĩa quân là 56 người; quân Pháp thiệt mạng 107 người.
Đội Cấn sau đó dẫn quân chạy lên
Đại Từ,
Tam Đảo rồi xuống
Vĩnh Yên, trước khi trở lại vùng Thái Nguyên nhưng lực lượng hao mòn dần. Bị truy nã, ông rút về núi Pháo rồi để không bị bắt ông tự tử bằng súng, bắn vào bụng. Đó là ngày
11 Tháng Giêng năm 1918; cuộc khởi nghĩa chấm dứt. Theo các tài liệu chính thức của Pháp, một vệ sĩ của ông giết ông để lấy thưởng. Người này dẫn quân Pháp đến nơi được coi là mộ của Đội Cấn. Tuy nhiên dù người Pháp không tỏ vẻ nghi ngờ đương sự, họ vẫn cho là
Đội Cấn do bị thương nặng, đã yêu cầu thuộc hạ kết liễu đời mình để khỏi rơi vào tay quân Pháp.
Quân Pháp tiếp tục càn quét tàn quân của cuộc khởi nghĩa tới Tháng Ba thì xong, với một chiến thuật mà họ sử dụng rất hiệu quả là bắt giữ thân nhân của quân khởi nghĩa để buộc họ phải ra hàng. Một số người bị bắt bị kết án tử hình, những người khác bị kết án và đày ra Côn Đảo (Nguồn: wikipedia)
Ảnh này em thấy ghi chú là "Binh biến Thái Nguyên 1917". Chắc là ngôi nhà này bị tàn phá trong cuộc chiến.
Pháp xử tử 6 người tham gia khởi nghĩa Thái Nguyên 1917.
Dưới đây là một số ấn phẩm tuyên truyền của Pháp về Đội Cấn và Khởi nghĩa Thái Nguyên để tạo ra hình ảnh và ấn tượng xấu về cuộc Khởi nghĩa này (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp). Tuy nhiên, trong lòng người dân Việt Nam đến giờ vẫn luôn tôn vinh và nhớ đến ông với lòng yêu nước bất diệt, quyết tâm phục quốc. Trân trọng và ghi nhớ công ơn của ông và các đồng đội - Những người Anh hùng trên mảnh đất Thái Nguyên!
Em mượn hình ảnh của 1 cô đồng nghiệp chụp ngày hôm qua về những di tích liên quan đến Khởi nghĩa Thái Nguyên 1917.
Bia đánh dấu Trại lính khố xanh tại hàng rào Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam)
Ảnh bia đánh dấu vị trí Nhà tù Thái Nguyên ngày trước - Nơi giam giữ nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến. Ngày nay vị trí này là Trường Tiểu học và Trường THCS Trưng Vương.
Đền thờ Đội Cấn.
Trước Cách mạng tháng Tám, nhân dân có dựng Đền thờ ông và các nghĩa quân nhưng trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị san phẳng. Hình ảnh trên là Đền thờ được tỉnh Thái Nguyên trung tu, xây dựng lại vào năm 2002. Vị trí hiện tại của Đền nằm tại đường Phủ Liễn, trên ngọn đồi nhỏ gần Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tỉnh Thái Nguyên ở trung tâm thành phố
Đền thờ Đội Cấn hiện tại (Công trình vừa mới được sửa sang, nâng cấp lại năm 2023)
Bia di tích Đồi Tăng Xê thuộc Phòng tuyến Gia Sàng trong Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917.
Tại đây, từ ngày 2 đến ngày 4/9/1917, lực lượng nghĩa quân do Cai Mánh chỉ huy đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều quân địch và hy sinh tới người cuối cùng. (Nguồn: thainguyencity.gov.vn)