Tên lửa Club-K: Vũ khí chiến lược của nhà nghèo cho các nước Đông Nam Á
4/27/2010 3:24:00 PM PM
Lầu Năm góc lo ngại hệ thống tên lửa Club-K sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân quân sự thế giới. Nga trấn an rằng, Club-K trước hết dành cho các nước nhỏ có bờ biển dài, không có điều kiện mua các tàu chiến lớn như ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Lầu Năm góc lo ngại hệ thống tên lửa Club-K của Nga sẽ làm thay đổi hoàn toàn cán cân quân sự thế giới. Vấn đề là ở chỗ Club-K không chỉ cho phép phóng tên lửa từ bất cứ tàu thuyền, xe tải, hay toa xe lửa nào, mà còn làm cho cho chúng vô hình vì Club-K được ngụy trang dưới dạng contenơ chở hàng.
Mỹ cho rằng, nếu các công nghệ này được đưa vào trang bị cho Venezuela, hay hơn nữa là cho Iran, điều đó có thể làm mất ổn định tình hình thế giới.
Hệ thống tên lửa contenơ Club-K cho phép phóng tên lửa từ tàu ngầm, xe tải và toa xe lửa
Viện OKB Novator của Nga đã trưng bày hệ thống tên lửa Club-K tại Triển lãm các hệ thống quốc phòng châu Á diễn ra ở Malaysia từ ngày 19-22.4.2010. Mỗi contenơ có giá gần 15 triệu USD.
Hệ thống tên lửa mà các nhà thiết kế gọi là vũ khí chiến lược rẻ tiền này được trang bị 4 tên lửa hành trình chống hạm hoặc tấn công mặt đất. Hệ thống trông giống như một contenơ chở hàng tiêu chuẩn 12 m được dùng để vận chuyển đường biển. Nhờ cách ngụy trang này, không thể phát hiện ra Club-K cho đến khi nó được kích hoạt.
Club-K làm thay đổi hoàn toàn luật chơi
Các chuyên gia quân sự phương Tây lo sợ rằng, Club-K có thể làm thay đổi luật chơi trong các cuộc chiến tranh với những nước nhỏ khi các nước đó có khả năng từ xa triển khai rất nhiều tên lửa lên tàu thuyền, xe tải hay đường sắt.. Một contenơ nhỏ gọn có thể bố trí trên các tàu thuyền, xe tải, toa xe lửa, và nhờ có cách thức ngụy trang tuyệt hảo cho hệ thống tên lửa, đối phương sẽ phải tiến hành trinh sát kỹ càng hơn nhiều khi lập kế hoạch tấn công.
“Club-K đang làm thay đổi luật chơi với khả năng tiêu diệt một tàu sân bay cách xa 200 hải lý. Sự đe dọa rộng lớn ở chỗ không ai có thể nói các tên lửa của ban có thể được triển khai xa đến đâu" - Robert Hewson, biên tập viên của tạp chí Jane's Air-Launched Weapons, người đầu tiên đã đưa tin về những tiến triển của Club-K đánh giá.
Nếu như năm 2003 Iraq có các hệ thống tên lửa Club-K, cuộc xâm lược của Mỹ ở Vùng Vịnh sẽ không thể diễn ra bởi vì bất kỳ tàu chở hàng nào trong vịnh cũng là mối đe dọa tiềm tàng, một số chuyên gia quân sự phương Tây nhận định.
“Hệ thống này tạo ra khả năng phổ biến tên lửa đường đạn ở quy mô chúng ta chưa từng thấy. Nhờ sự ngụy trang kỹ lưỡng, các vị sẽ không còn dễ dàng xác định được rằng, vật thể đó được sử dụng như một bệ phóng. Ban đầu, bên bờ biển của các vị xuất hiện một tàu hàng vô hại, nhưng chỉ một phút sau đó những vụ nổ lớn đã vang lên tại các mục tiêu quân sự của các vị”, - chuyên gia tư vấn của Lầu Năm góc về các vấn đề quốc phòng Reuben Johnson nói. Ông cho rằng, hệ thống này sẽ là "nỗi kinh hoàng trên biển thật sự đối với bất cứ ai có bờ biển".
Hơn nữa, Mỹ và phương Tây cho rằng, không phải ngẫu nhiên Nga quảng cáo, tiếp thị Club-K tại Triển lãm DSA 2010 ở Malaysia và OKB Novator sẽ không tiếp thị hệ thống này nếu không có sự bật đèn xanh của Moskva.
“Điều làm tôi lo ngại nhất là việc người Nga quảng cáo Club-K tại một sự kiện quốc phòng riêng biệt và họ khai chào bán hệ thống tên lửa này cho tất cả những ai đang bị nguy cơ tấn công từ nước Mỹ”, - Robert Hewson nói. Ông lưu ý rằng, trước đây, Nga đã làm Washington lo ngại khi hứa bán cho Iran các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-300 là loại có thể ngăn chặn một cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng vào các mục tiêu hạt nhân của nước này từ phía Mỹ và Israel.
Hiện tại, Iran và Venezuela đã tỏ ra quan tâm đến hệ thống tên lửa contenơ Club-K, loại tên lửa cho phép họ tiến hành các đòn tấn công phủ đầu từ phía sau hệ thống phòng thủ tên lửa của kẻ địch.
Nga trấn an Mỹ
Club-K trên tàu chở contenơ
Trước việc Mỹ và phương Tây lo ngại Club-K, nhà sản xuất tên lửa là Tập đoàn “Morinformsystema-Agat” đã vội tung ra thông cáo báo chí có tính trấn an. Hãng này khẳng định Club-K dùng để trang bị trước hết cho các tàu thuyền được trưng dụng vào giai đoạn khẩn cấp, bị đe dọa. Không thể sử dụng hệ thống vũ khí này từ một tàu chở contenơ ngẫu nhiên có được.
“Morinformsystema-Agat” phát triển Club-K xuất phát từ nhận thức rằng, không phải tất cả các nước đều có khả năng duy trì trong biên chế hạm đội của mình những “đồ chơi” đắt tiến như tàu corvette, frigate, khu trục, tuần dương và các tàu uy lực mạnh khác, được trang bị vũ khí tên lửa hiện đại. Tuy vậy, không ai có quyền tước bỏ của các nước đó cơ hội bảo vệ chủ quyền của mình. Đồng thời, một kẻ xâm lược tiềm tàng cũng phải hiểu rõ mình có thể phải hứng chịu tổn thất không thể chấp nhận.
Nga có hệ thống kiểm soát xuất khẩu vũ khí nghiêm ngặt nhất thế giới, cho phép loại trừ khả năng chuyển giao trái phép vũ khí vào tay các tổ chức khủng bố. Vì thế, Club-K không những không giúp sức cho khủng bố mà trái lại dùng để đấu tranh hiệu quả chống khủng bố nhà nước.
Còn theo tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” của Nga Igor Korotchenko, sự lo sợ của Mỹ trước hết liên quan đến nỗi sợ mất lợi nhuận. “Khi chúng tôi bán cho ai đó một loại vũ khí tốt, điều đó hoặc là đụng chạm đến lợi ích địa-chính trị của Mỹ, hoặc là lợi ích của các hãng công nghiệp quân sự cụ thể. Căn cứ vào những bước đi gần đây của ban lãnh đạo Nga, tại thời điểm này, giả thiết thứ hai có nhiều khả năng hơn cả.
Nước Nga tại thời điểm này ít có ý định nhất trong việc làm mất ổn định an ninh thế giới. Iran trong thời gian tới chắc chắn sẽ không nhận được từ chúng tôi cả S-300, lẫn Club-K. Hơn nữa,
hệ thống tên lửa mới trước hết là dành cho các nước có bờ biển dài, ví dụ như cho vùng Đông Nam Á.
Theo lời ông Korotchenko, ở góc độ địa-chính trị, Club-K có thể là nguy cơ đối với Washington chỉ từ phía Mỹ Latinh vốn tiếp giáp hải phận Mỹ. Các nước thuộc cái gọi là “vành đai đỏ” tại khu vực này vốn tự coi mình là kẻ thù ý thức hệ của Mỹ có thể quan tâm đến Club-K.
•
Nguồn: The Daily Telegraph, 25.4.2010; gzt, 26.04.2010; morinsys.