Em nghĩ ảnh thứ ba không phải bến La Pho mà là bến Tam Đa. Ngày đó nếu tàu vào bến La Pho chỗ ray đôi thế này thì ngay cạnh bến tàu là một vài quán lá bán nước chè, thuốc lào, kẹo. Mặt tiền của các quán phải tầm gần 10 m. Không có bờ tường thế này đâu. Đối diện bến La Pho khi đó không có nhà dân mà là tường của công ty ươm cây xanh.
Chỗ Tam Đa bên phải hình là bãi chứa rác của Công ty vệ sinh, đường rất quang và rộng cụ ạ và không có nhà cửa. Chỗ này bây giờ là Toà nhà gì Việt Nhật (em lâu không qua Hà Nội nên không rõ)
Hình trên bến La Pho, bên PHẢI đường là số nhà 18 Thuỵ Khuê, nhà tập thể của cơ quan Hội Phụ nữ Việt Nam (và những cơ quan khác), bên trái mới là vườn ươm cây, sau này chỗ đó có cái bồn nhô lên phì hơi nóng, đó là hệ nước thoát nhiệt của máy điều hoà phục vụ lăng Bác cụ ạ.
Em làm việc ở Viện khoa học Nghĩa Đô và lấy vợ ở Bưởi năm 1973, lúc trẻ đi tàu điện này suốt từ 1970 cụ ạ
Đoạn nối giữa Hoàng Hoa Thám và Thuỵ Khuê (vẫn gọi là dốc Tam Đa) sát bến tàu điện tránh nhau là khu bán củi, sau này thêm bán dầu hoả, chất đốt. Cho nên bên trái hình sẽ là hàng rào nữa siêu vẹo. Chỗ đó trước đây là xưởng nấu dầu gió của hãng TAM ĐA. Hãng TAM ĐA có trụ sở ở đối diện Sở xe điện cũ trên đường Thuỵ Khuê, nhưng xưởng thì nằm ở chỗ góc dốc Tam Đa và đường Thuỵ Khuê, nơi bán củi chất đốt sau này
Dầu Tam Đa nổi tiếng với quảng cáo "Dầu Tâm Đa, một người xoa ba người khỏi"
Một hãng dầu khác nhái thương hiệu lấy tên là TAM DA , chữ D trong tiếng Pháp đọc là Đ
Hãng Tam Đa đâm đơn kiện hãng TAM DA
Người Pháp xử TAM DA thua, cho dù lý sự
1) DA chứ không phải ĐA
2) quảng cáo là "Dầu TAM DA cứ xoa là khỏi" trong khi hãng kia nổ qua trời "Dầu Tâm Đa, một người xoa ba người khỏi"