Do cuộc sống đói nghèo thì biến thành tập quán thôi.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Còn mê đắm thịt chuột, thịt chó, tiết canh, đường đến thế giới văn minh còn vô tận
Khi các phương tiện truyền thông đua nhau cổ suý ăn thịt chuột, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói việc ăn thịt chuột luôn mang cho con người cảm giác đang sống ở thời kỳ hoang dã và nếu còn mê đắm trong thịt chuột, thịt chó, tiết canh, con đường tới xã hội văn minh của chúng ta còn vô tận.
Đầu năm 2017,
Nhà xuất bản Trẻ ấn hành một cuốn sách của tôi có tên “Mùi của ký ức”. Cuốn sách viết về những
món ăn của làng tôi, những món ăn do bà tôi, mẹ tôi đã nấu cho tôi ăn để nuôi lớn tôi. Những món ăn ấy cũng những người nấu và những năm tháng ấu thơ đã trở thành một di sản của tâm hồn tôi.
Tất cả những món ăn tôi viết trong cuốn sách đó là những món ăn sau này tôi lại nấu cho các con tôi ăn. Có những món ăn làm nên phong vị của đời sống, làm nên những vẻ đẹp văn hóa. Nhưng có những món ăn mà con người phải ăn để vượt qua cơn đói, để sống qua những năm tháng khắc nghiệt.
Nhìn cảnh này, thấy con người thật hoang dã, giống như đang sống ở thời kỳ săn bắn, hái lượm. (Ảnh: Zing)
Và sau khi đời sống thay đổi, người ta không bao giờ ăn những món ăn ấy nữa. Con đường của ẩm thực ấy hầu hết mọi quốc gia đều đi qua trong lịch sử xa xưa của mình. Với
dân tộc Việt Nam cũng có một con đường như thế.
Nhưng cho đến bây giờ, khi cơn đói và lương thực, thực phẩm không còn là câu hỏi lớn nhất đối với hầu hết
người Việt Nam thì chúng ta vẫn còn ăn những món ăn mà lẽ ra chúng ta
không nên ăn nữa như thịt chuột, thịt chó, tiết canh và cả thịt một số loài chim.
Chỉ mới mươi năm trước đây thôi, nhiều người ví von rằng Hà Nội có cả một nền “công nghiệp thịt chó”. Dọc một đoạn đê Yên Phụ rất dài là những
nhà hàng thịt chó san sát. Trai thanh, gái tú, đàn ông đàn bà, công nhân, trí thức...đều đến đó ăn thịt chó.
Báo chí đã từng đưa về những vụ việc
người nước ngoài phản đối gay gắt những người Việt Nam đang học tập, làm việc và định cư ở đất nước họ vì “tội” ăn thịt chó. Và một số người Việt Nam đã lên tiếng để bảo vệ “quyền” ăn thịt chó của mình.
Cho dù, ở Việt Nam người ta có quyền ăn thịt chó. Nhưng lý lẽ về quyền ăn thịt chó của người Việt Nam cho dù thế nào thì chúng ta cũng nhận thấy một sự bất ổn trong cái quyền ăn ấy.
Không một ai ở một quốc gia nào đó có thể nói tổ tiên họ chưa từng ăn thịt chó, thịt chuột hay các loại hoang thú khác. Nhưng khi họ xây dựng một
xã hội văn minh thì ẩm thực cũng có những thay đổi. Càng ngày càng có
nhiều người Việt Nam nuôi chó và coi chó như một người bạn. Nhưng không ít người trong họ lại đi ăn thịt một con chó khác. Đấy chính là sự bất ổn về văn hóa.
Chúng ta vẫn còn ăn những món ăn mà lẽ ra chúng ta không nên ăn nữa như thịt chuột, thịt chó, tiết canh và cả thịt một số loài chim.
Với suy nghĩ của mình, tôi thực sự không hiểu được khi có những tờ báo điện tử quảng bá cho
món thịt chuột. Người ăn thịt chuột không có tội. Người phản đối ăn thịt chuột cũng không vi phạm “nhân quyền”. Nhưng chúng ta đều có quyền bàn về chuyện ăn uống này.
Không ít những trang web còn đưa những video cảnh
làm thịt chuột đầy “hãi hùng”. Một người ngồi giữa thanh thiên bạch nhật vừa cười nói vừa điềm nhiên cắt từng cái chân, đuôi, cắt từng cái đầu những con chuột sống đang dãy dụa trong tay và máu chuột chảy ra bê bết.
Tôi chưa nói đến những người nước ngoài nhìn thấy cảnh đó chắc chắn họ sẽ rùng mình về chúng ta, mà tôi nói đến những đứa trẻ nhìn thấy cảnh đó thì sao. Tại sao chúng ta lại có thể tuyên truyền về chuyện này ?
Nếu bây giờ là những năm 50, 60...của thế kỷ trước, tôi sẽ không dám công khai kêu gọi mọi người từ bỏ món ăn này. Bởi những năm tháng đó đầy đói nghèo và thiếu thốn và thịt chuột có thể là một nguồn
cung cấp dinh dưỡng ở mức độ nào đó. Chính tôi là người đã từng ăn thịt chuột trong
những năm tháng ấy. Ngày đó nếu tôi phản đối thì có vẻ tôi là kẻ nhẫn tâm.
Nhưng theo cách nhìn của tôi thì đói nghèo là lý do phụ. Lý do chính là chúng ta lúc đó đang sống trong một đời sống còn rất lạc hậu đặc biệt là các vùng nông thôn. Bảo vệ quan điểm của tôi chính là thực tế ngày nay khi đời sống vật chất đã thay đổi quá nhiều. Nhưng người ta vẫn ăn thịt chuột. Người ta chuyển món thịt chuột từ nông thôn lên thành thị và quảng bá món ăn này.
Thịt chuột không phải là một loại thực phẩm có thể làm cho con người trở nên thông minh đặc biệt, cải thiện
sức khỏe con người một cách kỳ diệu hay như một loại thuốc tiên để chữa một trong những bệnh nan y nào đó. Bởi vậy, những người ăn thịt chuột không thể có lý do gì để bảo vệ sở thích “ẩm thực” này của họ.
Bây giờ người ta ăn thịt chuột chỉ vì sự khoái khẩu chứ không vì bất cứ một lý do nào khác. Hơn nữa, chuột là một loài có thể gây bệnh như dịch hạch chẳng hạn. Chính vì thế mà chúng ta chẳng còn
lý do chính đáng nào mà tiếp tục ăn loại thực phẩm này.
Không chỉ tôi mà càng
ngày càng nhiều người nhận thấy rằng: Việc ăn thịt chuột luôn mang cảm giác con người đang sống ở một thời “hoang dã”. Chỉ là cảm giác thôi nhưng cảm giác đó không bao giờ từ bỏ tôi.
Không phải tất cả những con chuột mà nhiều người đã ăn là những con “chuột sạch” mà có cả những con chuột “bẩn” một cách hãi hùng. Đó là những con chuột sống chui rúc trong những cống nước tối đen và hôi thối, những khu vực đổ rác bẩn thỉu đầy ruồi và ròi bọ...
Chỉ nhìn những cảnh ấy thôi , quá nhiều người đã không thể chịu đựng nổi khi thấy từ những con chuột kia hiện lên trên đĩa sứ trắng trong những bữa ăn. Tôi chỉ đang nói cám giác có thực của cá nhân tôi và của không ít người mà thôi.
Có những người nước ngoài đã làm phim về quá trình làm thịt chó, thịt chuột và hành động ăn các món ẩm thực này của chúng ta.
Phim được người nước ngoài xem rất đông. Và tôi muốn hỏi các bạn rằng: Họ làm phim và xem những phim như thế là vì mục đích gì ? Vì xem một phong tục văn hóa chăng ? Tất nhiên không ai thừa nhận mục đích này kể cả người không ăn thịt chuột và người ăn thịt chuột. Người nước ngoài xem bởi họ thấy hóa ra vẫn còn một “bộ lạc” ăn uống như thế này ở thế kỷ 21.
Có lẽ vì thế mà một lần trong chuyến đi nước ngoài dự hội thảo về văn hóa, có một giáo sư nước ngoài hỏi tôi có phải ở Việt Nam ăn thịt chó và thịt chuột không ? Giáo sư đó hỏi vì ông được xem một bộ phim tài liệu về cuộc sống đương đại ở Việt Nam. Lúc đó tôi không thể nói dối ông. Tôi đã cúi mặt thú nhận.
Khi tôi nói về chuyện ăn thịt chuột của người Việt Nam không phải vì việc ăn thịt chuột của các bạn ảnh hưởng đến tôi mà đúng ra là ảnh hướng đến chính các bạn rồi sau đó là ảnh hưởng đến hình ảnh một xã hội đang tiến tới văn minh. Nhưng ảnh hưởng tới cái gọi là hình đất nước nhiều khi cũng chỉ là bề ngoài của vấn đề.
Điều tôi muốn nói đến là khi chúng ta “mê đắm” thịt chó, thịt chuột, tiết canh....là bên trong con người chúng ta vẫn đầy “bóng tối” của tư duy và cảm quan mỹ học.
Có lẽ vì điều ấy mà ngay ở những đô thị với nhà cửa sang trọng, hàng hiệu tràn ngập,
phương tiện giao thông và đồ dùng
gia đình hiện đại không kém nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì những công dân đô thị của chúng ta vẫn điềm nhiên vứt rác ra đường, vẫn vượt đèn đỏ, vẫn thải chất độc ra sông, hồ, vẫn lấn chiếm vỉa hè, vẫn ngang nhiên đi tiểu bên hè phố, vẫn những quán ăn ngập tràn xương xẩu và giấy ăn đủ màu thực phẩm xunh quanh những đôi dày da đen bóng và sành điệu.
Và với cách sống như vậy, tôi tự tin để khẳng định nỗi buồn của mình rằng : con đường đến với một xã hội văn minh của chúng ta còn dài..vô tận.
Khi các phương tiện truyền thông đua nhau cổ suý ăn thịt chuột, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói việc ăn thịt chuột luôn mang cho con người cảm giác đang sống ở thời kỳ hoang dã và nếu còn mê đắm trong thịt chuột, thịt chó, tiết canh, con đường tới xã hội văn minh của chúng ta còn vô tận.
vtc.vn