Tiếp theo chuyện "Đi hỏi vợ cho thằng Út"
Chiếc xuồng luồng lách trong đám lục bình một hồi thì quang cảnh ruộng đồng, vườn cây hiện ra trước mắt, phá vỡ cái hình ảnh chật chội của đoạn đường vừa qua trong con rạch. Thằng Thịnh cho xuồng tấp vào một bờ đất khô thoai thoải, đưa tay quệt mồ hôi trên trán, nó cất tiếng :” Tới nơi rồi bà con ơi, lên bờ thôi !”. Thằng Vượng nhanh chóng nhảy lên bờ cột con xuồng vào một cây cọc, cố định lại. Thằng Tâm thì nắm tay, dìu đỡ từng đứa em gái đang chòng chành, dọ từng bước lên bờ. Nhìn đồng lúa xanh um trước mặt, anh Hai thuyết trình :”Đây là ruộng của cô Năm. Dạo này cô Năm bận quá hay sao mà để cỏ mọc quá trời”. Em đưa mắt nhìn theo tay của anh Hai chỉ vào đám lúa, thầm nghĩ, anh Hai đúng là dân ruộng đồng có khác, nhìn là biết ruộng có cỏ, còn em chả biết đâu là cỏ, đâu là lúa trong cái đám hỗn độn xanh um kia
. Đoàn người lục tục đi trên triền đê, theo sự hướng dẫn của trưởng đoàn là thằng Thịnh và thằng Vượng về phía vườn nhãn của anh Hai. Em cũng xin giải thích ở đây một chút. Nguyên khu vực này trước đây đều là ruộng lúa của bố vợ em. Khi các anh có gia đình thì bố vợ chia cho các anh mỗi người vài công ruộng để sinh sống. Do có một thời gian giá lúa quá thấp, đời sống người nông dân cơ cực nên các anh đã bỏ ruộng lên vườn (san lấp ruộng lúa) trồng nhãn. Quê vợ em nổi tiếng là khu trồng nhãn với các giống nhãn long, nhãn da bò, nhãn Thái … rất lớn, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó ruộng lúa hiện nay còn rất ít, đa số là những vườn nhãn bạt ngàn, xanh um. Sau khi vượt qua hai, ba con đê thì mọi người cũng đã đến đích. Cũng may trời hôm nay nắng ráo nên đường cũng không lầy lội, chỉ tội nắng cháy đầu. Tất cả hạ trại tại một bãi đất trống, mát mẻ dưới tán những cây nhãn xù xì, già tuổi. Lúc này anh Hai gọi thằng Tâm, thằng Thịnh, thằng Vượng, chỉ đạo :” Thằng Tâm, con đem đồ lại chòi gầy sòng cho cha, thằng Thịnh, thằng Vượng dắt mấy cô (em gái em) lại cái mương đằng kia tát cá. Trong chòi có cái xẻng với cái gàu đó, tụi con lại đó lấy mần đi”. Mấy đứa cháu nhận lệnh, túa đi thực hiện. Em cũng gọi mấy đứa em gái, thuyết trình :”Vườn nhãn này là của anh Hai nè, cây nhãn này là cây nhãn da bò. Ở phía đằng kia là vườn của anh Ba, anh Tư …Bao bọc vườn là mấy cái mương, cá nhiều lắm đó”. Nói rồi em dẫn bọn con gái đi về phía cái mương anh Hai chỉ định. Thằng Thịnh lúc này đang cầm xẻng hì hục xúc đất be đắp cái mương, thằng Vượng thì xắn quần nhảy xuống vớt đám lục bình quăng lên bờ. Khi cái mương đã được dọn dẹp xong, hai anh em Thịnh, Vượng bắt đầu nối dây gàu, tát mương. Tiếng gàu xiết dây rột roẹt, xả nước ào ào làm đám con gái Sài Thành thích thú, mắt tròn, mắt dẹt. Với sức trai trẻ đôi mươi, động tác thuần thục, chuyên nghiệp của hai đứa con anh Ba nên chẳng mấy chốc nước trong mương đã cạn dần, mặt nước chỉ còn sâm sấp gần đầu gối. “Bắt cá được rồi ! Mấy cô xuống bắt cá với tụi con nghen ! “ Thằng Thịnh lên tiếng mời mọc mấy đứa em gái. Mấy cái nơm được đan bằng những thanh tre đã được chuẩn bị sẵn và mấy đứa em bắt đầu lội xuống mương làm “ngư dân”. Nhìn đám con gái SG bắt cá mà em không nhịn được cười. Chúng cũng lọ mọ lấy nôm chụp cá trông rất chuyên nghiệp nhưng đến công đoạn thò tay vào nôm chạm phải cá thì chúng lại la toáng lên vì sợ. Mặt mũi chúng nó lúc này đứa nào cũng dính đầy bùn, chúng chả bắt được con cá nào nhưng ngịch thì như quỉ sứ
Bọn anh em thằng Thịnh, thằng Vương thì lại khác, chỉ có mỗi cái rổ tre mà chúng thu hoạch khá bộn :các trê, cá lóc, cá sặc, cá rô … đủ thứ loại cá…. Đang đứng ngắm nhìn mấy đứa em bắt cá với mấy thằng cháu vợ thì nghe tiếng anh Hai í ới phía chòi :”Dượng Bảy ơi, vô nhậu dượng Bảy ơi …” .Bỏ lại sau lựng tiếng nói cười của đám em gái, em lửng thửng bước về phía chòi của anh Hai … (còn tiếp)