Ngày Lễ 28.9.2024 này trường Đại học Tổng hợp Tây Séc tại TP Plzen tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày trao bằng cho các sinh viên trong lễ tốt nghiệp tháng 9 năm 1974. Ông nội tụi nhỏ là một trong những sinh viên Tốt nghiệp bằng đỏ của trường nên cũng nhận được giấy mời tham dự. Ông là một trong số nhóm 20 sinh viên của trường Đại học Bách Khoa Việt Nam cử sang học tại Tiệp Khắc niên khóa 1968-1974.
Ông Bà lên nhà em nghỉ ngơi từ thứ 6, sau đó thứ 7 ông bà tới trường Đại học Tổng hợp Tây Séc
www.zcu.cz/en/ để dự lễ kỷ niệm này. Có khoảng 40 sinh viên cũ đã tới dự và duy nhất chỉ còn 1 ông Giáo sư giảng dạy từ thời đó là còn sống. Ông Giáo sư đó giờ cũng đã 94 tuổi. Ông nội cũng gặp lại người bạn cũ, mà hồi năm 1972, đã trốn học để đi về Karlovy Vary dự đám cưới của người bạn này. Thời điểm đó nếu ông bị phát hiện thì có thể bị đưa ra hội đồng lưu học sinh để xét xử và khả năng phải về nước rất cao. Nhưng ông với một người bạn Việt Nam nữa vẫn lén rời khỏi ký túc xá để tới dự đám cưới của người bạn sinh viên Tiệp Khắc.
Trong nhóm sinh viên Bách Khoa được cử đi học thì ông học về ngành điện nặng, chuyên về tải trọng hệ thống điện cao áp và điều hành hệ thống của nhà máy nhiệt điện cũng như thủy điện. Khi ông ngồi tầu lửa từ ga Hà Nội để đi sang Tiệp Khắc, khi đó chiến tranh Việt Nam chống Mỹ đang diễn ra cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân. Ông cũng như các bạn sinh viên trong nhóm đều mang theo nhiệt huyết, quyết tâm học thành tài để quay về phục vụ và xây dựng Đất nước Việt Nam. Tổ quốc đã tạo điều kiện để ông và các bạn không phải ra chiến trường, mà ngược lại, được sang học tập tại môi trường Châu Âu.
Tới năm 1974, ông và các bạn Tốt nghiệp và quay trở về Nước khi chiến tranh gần kết thúc. Ông được điều về công tác tại một phòng thiết kế thuộc sở điện lực tại Hà Nội. Nhưng do tính khí ngay thẳng, thật thà, mà ông không được lãnh đạo trọng dụng. Ông cũng từng tâm sự, nếu ông khôn khéo hơn, cư xử EQ hơn thì có lẽ còn đường của ông đã đi theo lối khác. Nhưng vì sự cứng nhắc trong tư tưởng khiến ông không chịu nhượng bộ với những tiêu cực do thói quan liêu gây ra. Chính vì vậy mà ông luôn bị cô lập và thiệt thòi trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Năm 1976 ông kết hôn với người bạn học cũ, cũng chính là Bà nội của tụi nhỏ bây giờ. Bà khi đó đã tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học của Đại học Bách Khoa và được điều về công tác tại một nhà máy trong khu vực Cao Xà Lá ở gần Ngã Tư Sở. Tới năm 1979, khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, ông đăng ký tham gia quân đội trong cuộc tổng động viên và được điều vào binh chủng pháo binh. Ông công tác trong quân đội tới năm 1985 thì được xuất ngũ và quay trở về sở điện lực.
Nhưng do đấu đá trong nội bộ mà ông chỉ là ngoài, ông lại bị chuyển lên công tác tại nhà máy Thủy điện Hòa Bình cho tới khi nhà máy đi vào hoạt động năm 1986. Sau đó ông lại được điều quay về sở điện, thăm gia vào quá trình nghiên cứu đường dây điện cao áp 500 kV, khi đó mới được nhà nước Việt Nam đưa ra bàn bạc. Nhưng cũng do tác phong làm việc không chịu luồn cúi khiến ông luôn bị sức ép. Tới năm 1989, ông đã quyết định quay lại Tiệp Khắc, khi đăng ký đi làm phiên dịch viên cho đoàn công nhân sang Tiệp Khắc theo dạng xuất khẩu lao động. Tới năm 1993 thì ông đón ba mẹ con em sang Séc định cư và sinh sống tới giờ.
Sau 50 năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học và quay về nước công tác, ông vẫn không cảm thấy hối tiếc vì con đường mà ông đã trọn lựa lúc đó. Ông kiên quyết nói không với tiêu cực, với tham nhũng, mặc dù phải trối bỏ những quyền lợi thiết thân. Và rồi ông phải chấp nhận rời bỏ Quê hương để tới sống ở một vùng đất bình yên này. Nếu giờ nhìn lại, ông vẫn luôn tự nhận mình là người quá cứng nhắc trong lý tưởng. Một người lãnh đạo của ông đã từng khuyên nhủ ông rằng: khi tất cả mọi người đều chấp nhận uống đến say, mà mỗi một mình cậu tỉnh, thì cậu sẽ bị gạt bỏ khỏi cuộc chơi đó.
Nhiều người bạn học thế hệ của ông đều thành đạt và vươn tới đỉnh cao trong quyền lực. Nhưng cũng không ít người trong số đó bị lĩnh án tù tội. Hàng năm ông bà vẫn về Việt Nam sinh sống vài tháng và công nhận xã hội Việt Nam càng ngày càng phát triển nhanh chóng. Nhưng thỉnh thoảng ông vẫn cảm thán, cho rằng nếu tầng lớp Đảng viên, tầng lớp được xã hội Việt Nam ưu ái nhất, biết bỏ bớt lợi ích cá nhân, bỏ bớt lợi ích nhóm, thì Đất nước Việt Nam còn phát triển vượt bậc hơn nữa.
Ngồi trò chuyện tâm sự với những người bạn học sau 50 năm tốt nghiệp, ông và mọi người đều công nhận nước Séc cũng đã may mắn sau khi đổi mới đã đi đúng hướng và cả xã hội đã chung tay để hạn chế tệ nạn tham nhũng cũng như bòn rót của công. Tuy rằng xã hội vẫn còn một số tiêu cực, nhưng nhìn chung là luật pháp vẫn đủ nghiêm minh để đảm bảo cho một xã hội bình an và phát triển ổn định.
Kết thúc cuộc gặp gỡ kỷ niệm ngày hôm qua, cả hai ông bà đều phấn khởi. Có thể nói cuộc sống của Ông Bà trong suốt mấy chục năm qua vẫn luôn bình an và phẳng lặng như chính xã hội bên này.