Em cũng mới giúp một người giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho một vụ va chạm giao thông mà không gọi báo cảnh sát. Người bạn của em bị một xe khác va quệt vào và chỉ có biên bản của hai lái xe liên quan tới vụ việc. Mọi trình tự giải quyết với hãng bảo hiểm khá thuận tiện và nhanh chóng. Tiện đây em cũng chia sẻ bài viết về những trường hợp nên gọi thông báo cho cảnh sát giao thông, dù có phải mất thêm thời gian và lệ phí.
+++++++++++++++
Bạn có biết khi nào nên gọi cảnh sát khi xảy ra tai nạn giao thông không? Mọi người nên tìm hiểu để đừng gây nên những rắc rối không cần thiết!
Hầu hết mọi người đều biết rằng họ nên gọi cảnh sát để thông báo về một vụ tai nạn giao thông khi thiệt hại vượt quá một trăm nghìn Korun hoặc khi xảy ra thương tích. Nhưng còn nhiều lý do nữa, chẳng hạn thiệt hại một trăm nghìn korun có thể là thiệt hại khá lớn đối với một số xe, nhưng có khi lại chỉ là thiệt hại tưởng nhỏ do va chạm nhẹ đối với những chiếc xe đắt tiền khác. Vậy khi nào thì chúng ta nên gọi cảnh sát trong một vụ tai nạn giao thông ở Séc?
* Gọi khi thiệt hại của vụ tai nạn lớn hơn 100 nghìn Korun.
Từ năm 2000 trở về trước, bạn phải gọi cảnh sát để thông báo một vụ tai nạn giao thông có thiệt hại cao hơn 1 000 Korun. Kể từ đầu năm 2001, số tiền đã tăng lên năm mươi nghìn Korun và kể từ tháng 1 năm 2009, mức thiệt hại để thông báo cảnh sát đã là một trăm nghìn korun.
Nhưng như nhiều bạn đã biết, một chiếc đèn pha LED hoặc một bộ cảm biến ẩn dưới cản trước của một chiếc xe đời mới có thể có giá cả trăm nghìn Korun. Rõ ràng mức độ thiệt hại sẽ hoàn toàn khác nhau giữa một chiếc Octavia đời đầu sắp hết hạn sử dụng hay một chiếc Porsche Taycan mới sáu tháng tuổi.
Nếu bạn vô tình gọi cảnh sát trong trường hợp xảy ra tai nạn, nhưng thiệt hại không quá một trăm nghìn korun, bạn không cần phải lo lắng, bạn sẽ không phải trả lệ phí cho một chuyến đi không cần thiết của phía cảnh sát giao thông.
* Gọi khi xảy ra thương tích hoặc tử vong.
Điều này là nghiệm nhiên! Nếu bạn bị thương trong một vụ tai nạn, dù chỉ là một tai nạn nhỏ, hãy luôn gọi cảnh sát giao thông, điều này sẽ tốt cho cả hai bên. Đối với nạn nhân, tất nhiên, sẽ được đảm bảo về mặt bồi thường. Mặt khác điều này sẽ khiến thủ phạm không thể lợi dụng tình hình bằng bất kỳ cách nào đó để chối tội.
* Gọi khi có thiệt hại về tài sản của bên thứ ba, thiệt hại về thông tin liên lạc, thiệt hại cho môi trường, v.v.
Bạn phải gọi cảnh sát ngay cả khi bạn đâm vào một chiếc xe khác mà không có lái xe ở đó. Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần cài một tờ giấy thông báo cùng số điện thoại của bạn trên cần gạt nước kính chắn gió là đủ thì bạn đã nhầm, vì trong nhiều trường hợp cảnh sát có thể đánh giá đó là một hình thức chối tội.
* Gọi khi người lái xe liên quan tới cụ tai nạn không hợp tác.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, luôn cần phải điền vào biên bản Hồ sơ tai nạn giao thông, có sẵn trên xe từ các công ty bảo hiểm hoặc trên Internet và bạn nên luôn mang theo trong xe của mình, mặc dù điều này không bắt buộc. Về nguyên tắc, biên bản này có thể ở bất kỳ hình thức nào, miễn là nó có ngày, giờ và địa điểm xảy ra tai nạn, mô tả sự cố, mô tả thiệt hại đối với phương tiện, nhận dạng phương tiện, nhận dạng những người tham gia và chữ ký của những người lái xe liên quan. Bản vẽ sơ đồ vụ tai nạn hoặc thông tin về các nhân chứng có thể không cần nhưng cũng có thể là một phần của biên bản... Tuy nhiên, nếu người lái xe kia (hoặc người tham gia vụ tai nạn) không hợp tác, thì bạn phải gọi lại cho cảnh sát để yêu cầu biên bản từ phía cảnh sát.
* Và gọi ngay cả khi bạn cảm thấy không chắc chắn…
Trong trường hợp này, đó là tuỳ vào kinh nghiệm của những người lái xe. Bởi nhiều khi phía bảo hiểm sẽ lợi dụng những sơ hở của biên bản để từ chối trả bảo hiểm. Trên thực tế, cũng xảy ra khá nhiều trường hợp cố tình tạo tai nạn giả để lấy tiền bồi thường của bảo hiểm. Thế nên, nếu bạn không chắc chắn, thì kể cả có tốn thêm thời gian chờ đợi hay những phiền phức hiện tại, tốt hơn hết là bạn nên gọi cho cảnh sát.