Dân cư ở Tam Đảo, trừ dân làng Mai là dân sinh sống đã lâu, còn lại đều là những người làm thuê từ các tỉnh dưới xuôi lên, năm 1940, dân số có khoảng 2000 người, trong đó 1000 là thường xuyên, số còn lại thì là khách, hoặc chủ nhân những ngôi biệt thự thi thoảng mới ghé.
Năm cao nhất là 1941, trước khi Nhật đảo chính, dân số Tam Đảo đạt 6000 người, bao gồm:
- Người Châu Âu: 2000
- Người Việt làm công cho chủ: 3000
- Số công chức, cảnh sát, lính tráng...: 1000 ( cả Việt và Pháp)
Người Pháp bố trí ở thị trấn mới này một đồn cảnh sát, một đồn lính khố xanh và một trung đội lính Lê dương. Hình thành hai khu vực rõ rệt. Khu I lịch sự, mát mẻ, sang trọng, đầy đủ tiện nghi, phục vụ đại gia Pháp, Việt Nam và các nhà buôn giàu có.
Khu II ở tầng thấp hơn, nơi tập trung các công nhân, phu phen, cu li được tuyển mộ từ Hà Nam, Phủ Lý và miền xuôi lên để khai thác Tam Đảo. Hết thời hạn hợp đồng thường là 3 năm, họ ở lại Tam Đảo tiếp tục sinh sống bằng nghề mộc, kiếm lâm thổ sản, nuôi ong, trồng hoa, trồng rau, làm bồi bếp, lao công... phục vụ các đại gia.