Tặng cụ Lựu+Sư bài em sưu tầm cụ đọc và ngẫm ạ! kẻo cụ lại giống nhân vật trong truyện này
Con Mụ Nặc Nô
Có những loại người bỗng dưng tự biến mất trong xã hội khiến các thế hệ sau khi nghe nhắc đến thấy rất lạ lùng.Lớp trẻ bây giờ không biết mõ làng là gì, Nặc Nô là gì?
Các bà ở nhà quê hay mỉa mai nhau rằng: “Mày là con Nặc Nô”, khiến con gái tôi hiểu nhầm rằng con Nặc Nô cũng như con búp bê, con lật đật hoặc một thứ đồ chơi nào đó.
Thực ra Nặc Nô là một người, làm một nghề đặc biệt trong làng. Ngày nay, người ta thuê đầu gấu đi đòi nợ và đó là kiểu đòi nợ bạo lực nhưng hiệu quả lại thấp; Còn ngày xưa các nhà giàu nhờ một người đàn bà đi đòi nợ, không gây ra án mạng, không có bạo lực nhưng lại rất hiệu quả. Bà Nặc Nô làng tôi tên tục là bà Phố, không chồng, không con. Mẹ tôi kể rằng: “Bố mày hút thuốc lào, sơ ý làm cháy rừng thông, bị bắt giam, mẹ phải vay hai quan tiền để đi chuộc về. Tiền vay nóng lãi rất cao nên lãi mẹ đẻ lãi con cứ chồng chất mãi lên không sao trả được. Thế là chủ nợ thuê Nặc Nô đến nhà. Bà ta đến, nói ngay mục đích của mình: “Tôi đến để đòi nợ đây. Sao vay nóng mà để lâu thế không trả?”. Rồi bà ta ngồi ngay trước ban thờ nhà mình, cởi áo bắt rận và kể vanh vách món nợ cả gốc lẫn lãi nhà mình. Đến trưa mà Nặc Nô không về, mẹ phải nấu cơm mời bà ta ăn nếu không thì bà ta chửi cho tới tận 5 đời, 7 đời nhà mình. Đến tối bà ấy vẫn chưa về mà mẹ thì vẫn chưa tìm đâu ra tiền để trả. Thế là mẹ phải hối lộ bà ấy một bơ gạo (khoảng nửa cân) bà ấy mới chịu về cho. Nhưng sáng hôm sau mới tờ mờ đất bà ấy đã đến rồi, lại phải lo trầu nước, lo ăn trưa, lo khất nợ mà lần này thì phải hai bơ gạo chứ không phải một bơ như hôm qua. Nặc Nô cứ hành mình như thế mãi cho tới khi đòi kỳ được món nợ kia mới thôi. Mẹ phải mang khế ước đến giao cho chủ nợ một sào ruộng tốt mới thoát nạn”.
Khi tôi học lớp 5, bà Nặc Nô làng tôi vẫn còn sống. Nhà bà ta ở trước cổng trường. Đó là một túp lều tranh, lá phi lao rụng tầng tầng lớp lớp đắp lên mái rạ đen sì. Cửa vào nhà là một tấm liếp đan bằng nứa, cài then bên trong. Cửa sổ cũng là một tấm liếp nứa, có que chống bên trong. Giờ ra chơi, tôi mon men đến bên cửa sổ nhà bà Nặc Nô, hé tấm liếp nhìn vào, thấy bà ta đang nằm co ro trên cái chõng tre. Tôi trêu bà một tiếng: “Meo”. Lập tức bà vùng dậy chạy ra, tốc ngược váy lên tận cổ và bảo: “Mèo ăn miếng này này. Mèo ăn miếng này này!”. Tôi sợ hết hồn, chạy tót vào trường. Bà ta đuổi theo tôi, vào tận cửa lớp. Thấy có tiếng hét ồn ào, thầy hiệu trưởng và các thầy cô chạy ra nhưng rồi lập tức họ lại chạy vào ngay vì bà ta còn tốc váy lên cao hơn. Sáng thứ hai đầu tuần chào cờ, thầy hiệu trưởng có ý trách phạt tôi. Ông nói: “Thứ sáu vừa rồi Hoàng Hữu Các đã phạm lỗi trêu bà Nặc Nô”. Thầy hiệu trưởng chỉ nói được đến thế rồi phì cười và các thầy cô đều cười lăn cười bò. Vậy là tôi cũng thoát nạn. Dạo đó nhà tôi có một cô giáo ở trọ, vì thế chuyện tôi trêu Nặc Nô đã đến tai mẹ tôi. Mẹ gọi tôi đến, bắt quỳ trước mặt và nghiêm giọng nói: “Thầy không phạt con nhưng mẹ sẽ phạt con về tội trêu bà Nặc Nô. Vì không tấc đất cắm dùi, không cả chồng con nên bà ấy mới phải làm cái nghề kinh khủng ấy chứ không ai muốn làm như thế đâu. Bà ta đáng thương hơn đáng giận. Vậy mà con dám trêu bà ta. Vậy tội này con nhận mấy roi?”. Tôi xin lỗi mẹ và xin nhận 3 roi. Mẹ bắt tôi nằm sấp xuống, đánh một roi vào mông, còn hai roi nữa thì cho nợ, nếu phạm lỗi khác thì cộng thêm vào.
Khi tôi đi bộ đội, bà Nặc Nô vẫn còn sống. Nhưng hai năm sau có dịp ghé thăm nhà thì bà Nặc Nô đã không còn nữa. Nền nhà của bà, hợp tác xã xây một cái kho nhỏ để đựng phân đạm và thuốc sâu. Người ta kể rằng bà Nặc Nô chết sau một trận đấu khẩu bị thua thảm hại. Đó là chuyện rất lạ vì nếu chửi nhau thì không ai sánh kịp tài năng của bà Nặc Nô. Vậy mà bà lại thua trong một trận đấu khẩu với một người đàn ông vốn nổi tiếng là hóm hỉnh nhất làng, đấy là ông Ngọ.
Một hôm ông Ngọ đang cuốc vườn thì thấy bà Nặc Nô đội một rổ khoai lang trên đầu đi về, chắc là một nhà nào đó chưa có tiền trả nợ nên phải hối lộ bà rổ khoai đó. Chẳng hiểu vì cơn cớ gì mà đến chỗ ông Ngọ đang cuốc vườn bà Nặc Nô lại tốc váy lên đứng… tè. Trông thấy thế, ông Ngọ bỗng muốn trêu bà ta. Ông đứng sát hàng rào râm bụt, tè thẳng vào “đối thủ”. Lập tức bà Nặc Nô tốc váy lên, réo tam tằng tổ khảo nhà ông Ngọ lên mà chửi. Ông Ngọ vẫn điềm tĩnh cuốc vườn. Khi bà Nặc Nô im tiếng thì ông dừng tay cuốc và chỉ chửi đúng năm tiếng: “Tiên sư con Nặc Nô”. Bà Nặc Nô lại lồng lên chửi ông Ngọ và ông Ngọ cứ cuốc vườn rồi khi bà im tiếng thì ông Ngọ lại chửi đúng năm tiếng như ban nãy. Cuộc đấu khẩu kéo dài đến tối mịt vẫn chưa phân thắng bại. Sáng hôm sau, mới tờ mờ đất bà Nặc Nô đã đến chửi ông Ngọ còn ông Ngọ thì nhẩn nha đập đất, đánh luống để trồng thuốc lào và chỉ khi bà kia im mồm thì ông Ngọ lại chửi đúng năm tiếng ấy. Sang ngày thứ ba ông Ngọ trồng thuốc lào trong vườn. Việc trồng thuốc lào tỉ mẩn lắm, phải trồng từng cây một mà cây nào cũng phải bón phân lót rồi mới trồng sau đó lại tưới nước nên ông Ngọ có đủ thời gian để nghênh chiến với Nặc Nô. Khi bà Nặc Nô đã khản đặc cả cổ họng rồi, không nói thành tiếng được nữa thì ông Ngọ mới tuôn ra một tràng nhưng cũng chỉ lặp đi lặp lại năm tiếng quen thuộc ấy mà thôi. Lúc này bà Nặc Nô chỉ tốc váy lên nhảy chồm chồm, mắt trợn ngược mà không nói được thành tiếng và đành chịu thua cuộc. Sau lần bại trận ấy, bà Nặc Nô ốm rồi chết.