Em cám ơn các cụ đã vodka. Để lúc nào có thời gian em kể cho các cụ thêm chút chuyện ở bển trong quá trình đô thị, hi vọng các cụ có thêm vài ý tưởng đầu tư hoặc vài lưu ý về những vấn đề họ gặp phải, ta cũng có thể gặp phải.
Theo em thì người thắng lớn nhất là thoát hàng 2022, gửi tiết kiệm ẩn mình chờ thời. Giữa hoặc cuối 2023 múc lại. Vừa đúng 1 năm.
Biết thế ra hàng 2022 xong cầm 18-20 tỷ làm 4 con chung cư Cụ nhỉ kk
Kịch bản đỉnh nóc kịch trần là thoát hàng 2022, tháng 11/22 bắt đáy chứng khoán, đòn bẩy khô máu. Tháng 9/23 xả hết hàng úp bô cả làng rồi bắt đáy bds. Có thể tháng 11/24 lại xả hết bds úp bô tiếp cả làng rồi lại ngồi rình. Nhưng nói thì dễ, mấy ai làm vậy đâu ạ. Tính chuẩn bước 1 sang tới bước 2 có thể đi nhầm. Đúng bước 2 có thể nhầm bước 3. Đúng cả 3 bước say men chiến thắng mà đòn bẩy đi bước 4 rồi lại sai đúng lúc ấy thì tiễn hết thành quả, có khi còn thành Dương Quá. Mà chuỗi thắng càng dài càng dễ láo và tự tin đi đòn bẩy to các cụ nhé. Nên em vẫn nói thắng hay ko, phải rút được lại tiền ra khỏi thị trường có lãi mới nói, chưa ra xong chưa biết được.
Để em nói một chút về việc không phải lúc nào cũng bán đỉnh dù có thể dự báo đỉnh với độ chính xác ko thấp lắm. Cái này hôm nọ em tính viết rồi mà dài quá nên thôi.
Đỉnh sóng bds và các hàng hoá sản phẩm tài chính khác có đôi chút khác biệt nên em tạm bỏ qua mấy cái kia, nói về bds thôi cho khỏi lạc đề. Đỉnh là nơi giá hàng cao nhất. Vâng ai cũng hiểu như vậy. Nhưng hàng gì mới được? A tạo đỉnh, B chưa. Bao giờ chẳng có những người chốt lãi A và thấy B giá còn tốt (đấy là họ nghĩ thế), kỳ vọng nhảy sang B ăn thêm 1 nhát. Có thể trong một thị trường đủ lớn thì ta sẽ thấy họ dịch chuyển sang cả C, D cho đến Z. Lúc ấy mới hết sóng. Nhưng đỉnh kéo dài bao lâu? Sự hưng phấn của dòng tiền mua cao được duy trì bao lâu? Sự lan toả của dòng tiền đó rộng lớn đến đâu? Không ai thực sự biết chính xác cho đến khi giá đã qua vùng đỉnh. Các cụ đừng nghĩ lái nó chốt đánh lên giá nào thì giá đó là đỉnh. Đánh lên được đến đâu, là phải tuỳ thị trường. Là tái tích luỹ hay phân phối, phụ thuộc vào kỳ vọng của đám đông rất nhiều. Kỳ vọng ấy tất nhiên được media nuôi bằng các thông tin tích cực cho chiều lên và một số yếu tố khác nhưng không phải lúc nào cá voi cũng làm chủ cuộc chơi được theo ý họ đâu. Ví dụ kinh điển thì em có nhiều nhưng để sau, không thì dài quá. Đây hoàn toàn không phải thuyết âm mưu bà bán nước gì mà là những kiến thức chính thống em được dạy và nó có độ chính xác không thấp.
Các cụ có thấy thời gian vừa rồi media đưa ra rất nhiều tin về việc giá bds năm sau sẽ tăng mạnh khi áp luật thuế mới vv không ạ? Nhiều cụ tin vào điều đó. Tăng thuế thì tăng giá, em cũng thấy đúng. Nhưng các cụ hình dung thế này: chúng ta coi thị trường bds là một con người. Các yếu tố gây tăng giá là thuốc bổ, yếu tố gây giảm giá là thuốc độc. Lúc nào thằng người đó cũng phải uống cả 2 thứ kia, chỉ là với lượng nhiều ít khác nhau tuỳ thời kỳ. Cụ A thấy thằng bds đang lớn khoẻ mỗi ngày, mắt cụ thấy nó hôm nay lại uống thêm một bát thuốc bổ. Nhưng nếu cũng hôm nay, nó uống thêm 3 bát thuốc độc mà cụ A không nhìn thấy, thì cụ tự tin ngã cả người vào sàn. Thằng bds đang khoẻ, nó không ốm chết ngay sau 1s đâu nhưng 3 bát thuốc độc kia làm nó yếu đi nhanh lắm. Cụ A không thể hiểu vì sao nó lại lăn ra ngất. Trước khi cụ hiểu, có khi cụ đã bị đóng hòm rồi.
Chúng ta ai cũng có thể là cụ A trong một khoảnh khắc nào đó vì sự thiếu thông tin, sự chủ quan trong việc ra quyết định đầu tư. Nếu không là cụ A thì cũng là cụ Sửu thôi.
Giá từ đỉnh rơi nhanh đến đâu khó nói. Mỗi thời kỳ lại có các yếu tố kinh tế chính trị xã hội khác nhau, các lớp nhà đầu tư khác nhau. Lần trước giá neo ở đỉnh nửa năm, dòng tiền lan toả mạnh. Chốt A ăn B chốt B ăn C dễ dàng. Lần này khác rồi, chốt A xong tháng sau vào B đã xa bờ. Đỉnh lần này không neo nổi 2 tháng, kinh nghiệm từ những lần ăn trước lần này không cho ta ăn nữa. Nếu cố chấp sẽ thua ngược. Tất cả những điều ta chắc chắn về thị trường chỉ là thị trường không có gì chắc chắn cả. Ác đạn hơn là có lúc thị trường tạo đỉnh trong tình trạng dồi dào thanh khoản, rồi thanh khoản mới tắt dần, nhưng có lúc leo lên đỉnh là gần như tắt thanh khoản rồi nên muốn ra hàng ở đỉnh không dễ, đặc biệt với những mặt hàng to tiền kén khách.
Giá ở giai đoạn quanh đỉnh vẫn có thể rướn 10% gọi là rướn cố nếu có nhiều yếu tố thị trường thuận lợi. Để chắc chắn có thể ra hàng, ta phải bán ở đoạn thấy hơi có mùi mà còn dễ bán phải không ạ? Bán xong giá chạy thêm 1 khúc là thường. Bán 10 tỷ chờ cover lại hàng mà chờ một hồi nó 11 tỷ. Những hàng mang tính đầu cơ cao, kiểu bds nghỉ dưỡng, đất đấu giá vùng khỉ ho cò gáy thì có thể rơi mạnh 10 còn 7 hay còn 5 nhưng nếu bán cái nhà ở khu ngon hạ tầng tốt người mua đa số để ở, thì khó rơi mạnh lắm. 11 tỷ cùng lắm xuống 10. Không có giao dịch thì thôi, người bán éo bán nữa, vốn có nhiều người xả hàng đâu mà rơi mạnh. Mình chốt lãi ở giá 10, mình cam lòng mua lại giá 10 không ạ? 99% là không nhé. Chưa kể chờ một hồi nó không xuống 8, lại chạy lên 11,12 thì mình đi mua đuổi à? Mua đuổi lúc ấy sẽ có cảm giác ta bị lỗ và tiếc. Đây là lý do em nói rõ em cầm hàng, em thấy thị trường đang có dấu hiệu tạo đỉnh, và em không ra hàng. Thực tế đầu tư nó vậy chứ đâu dễ như mấy cụ nói, bảo đỉnh thì bán đi rồi chờ xúc lại. Chứng khoán em làm thế được nhé và làm thế thường xuyên nhưng tính thanh khoản, lượng tiền quá lớn cho 1 kèo bds và cả sự phức tạp thủ tục mua bán dẫn đến không thể chơi thế với bds được. Hơn nữa đầu tư bao nhiêu thứ, hơi đâu mà rình rập mua bán suốt ngày. Kỳ vọng và năng lực tài chính mỗi người cũng mỗi khác, có những người đủ giàu để ck hay coin họ còn cầm theo hệ năm bất chấp mọi nhịp chỉnh được mà. Em không giàu như họ nhưng em kiếm tiền từ doanh nghiệp của em, bds là một nơi giữ ts và là kênh đầu tư thêm thôi, lên thì tốt, không lên thì thôi. Với lại thực tế làm ăn, chốt lời bds rồi có khi thấy kèo chỗ khác thơm lại ném tiền vào. Lúc cần quay lại bắt đáy bds thì tiền ở chỗ kia rồi, chịu. Về sau nhìn lại mình hì hục trade cái kia mãi mới x2, nhưng nếu nằm im với bds đã x3 mà không cần toét mắt soi chart làm gì.
Cái gọi là mua đáy bán đỉnh, mọi nhịp lên xuống thị trường đều thắng, ăn thịt được cả thiên hạ chỉ là viễn cảnh của mấy thằng thầy lùa gà đi dạy đầu tư thôi. Thực tế thì những người kiếm rất nhiều cũng không thắng mọi kèo đâu, bỏ lỡ hay cắt lỗ đều là một phần không thể thiếu của cuộc chơi.