Thời lịch triều, quan có 2 dạng:
- Là quý tộc hoặc người có công phò vua giúp nước khởi nghiệp hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn. (Cái bọn này không đáng tin vì chúng dễ cấu kết với nhau làm phản)
- Là những người bình dân tiến thân theo con đường cử nghiệp (những nhà Nho).
Đương nhiên có những người phò vua khởi nghiệp nhưng bản thân cũng là nhà Nho như Nguyễn Trãi chẳng hạn. Để dễ hiểu chúng ta có thể ví von các nhà Nho thời xưa như các ĐV hiện nay. Cái mục đích của một người vào Đ. hiện nay có 2 mặt của một vấn đề:
- Về mặt nguyên tắc: Để đấu tranh vì một đất nước VN dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dc văn minh…
- Về mặt bản chất thì: người ta vào Đ. để… (cái này các bạn tự điền vào nhé)
Ở đây chúng ta sẽ thấy các cán bộ, công chức khi phát biển mục đích của mình chỉ nói về mặt nguyên tắc (tôi phục vụ nhân dân) chứ không nói về cái mục đích kia. Các nhà Nho ngày xưa cũng vậy. Họ bỏ cả cuộc đời học tập để phục vụ cho mục đích của nhà Nho. Mục đích đó có hai mặt của nó:
- Mặt nguyên tắc là: abc… xyz.
- Mặt bản chất của nó: ra làm quan.
Cuộc sống của chúng ta bị gián cách với các cụ bởi thời gian, bởi sự khác biệt văn tự nên khi nhìn mục đích học tập, thi cử của các cụ luôn được nhà trường, gia đình, xã hội nhồi nhét thành ra chúng ta chỉ thấy các cụ ngày xưa thi ra để làm quan. Ông nào tệ tệ thì để lo vinh thân phì gia, ông nào tốt thì giúp vua trị nước, biết xem nhẹ quyền lợi riêng tư để dốc lòng chăm lo phúc lợi đại chúng. Vấn đề ở chỗ thời các cụ khi nói về các nhà Nho người ta sẽ không ai dám nói thẳng về mục đích “bản chất” như chúng ta ngày nay mà chỉ nói mục đích mang tính nguyên tắc. Tôi sẽ phân tích cái nguyên tắc abc… xyz ở đây.
Chứ Nho 儒 gồm có 2 phần, một bên là bộ nhân chỉ người, một bên là chữ Nhu 需 nghĩa là đợi. Chữ nhu này chính là chữ “nhu” trong “nhu cầu”. Hiểu nôm na nhà Nho là những người rèn luyện cái bên trong là đức Nhân, cái bên ngoài là lễ nhạc để chờ đợi "người ta" có nhu cầu vời mình ra giúp đời. Ở đây phải nói thêm nhà Nho tôi luyện đức Nhân và lễ nhạc chứ không phải tôi luyện tài năng. Nhưng người “sính tài” sẽ rất lận đận trong con đường tiến thân theo Nho giáo (cụ thể là trường hợp cụ Nguyễn Công Trứ hoặc nhân vật Đào Vân Hạc trong truyện Lều Chõng). Nhưng ra làm quan giúp đời chỉ là một trong hai mặt của cái mục đích abc… xyz kia.. Cái mục đích toàn diện nhất mà về nguyên tắc nhà Nho phải đeo đuổi là làm “sáng được đạo”. Sáng được đạo như thế nào tôi sẽ nói sau. Nhưng phải hiểu rằng nhà Nho khác với một ĐV, người ĐV phải chủ động được tham gia vào tiến hành cải biến xã hội cho tốt đẹp hơn còn nhà Nho thì lại khác. Đối với Nho giáo, cảnh giới cao nhất của trị là Nghiêu Thuấn, khi đó người cai trị “thuỳ y thường” (rũ áo xiêm) chẳng cần làm gì hết mà xã hội đâu vào đấy. Nhiều bài viết về Nho giáo thường phân loại Nho là một dạng “hữu vi” để đối lập với “đạo vô vi” của Lão Tử. Thực ra có học mới biết Nho chủ trương vô vi. Cái vô vi đó không phải là không làm gì mà là trung dung. Trung dung tức là phải biết kinh, biết quyền khi nào tiến khi nào thoái không câu nệ vào nguyên tắc. Nhà Nho có hai đường lối ứng xử là “xuất” (làm quan) và “xử” (ở ẩn). Xử là kinh, xuất là quyền. Nghĩa là nhà Nho lấy cái đường lối ở ẩn làm nguyên tắc, cái việc ra làm quan chỉ là hành xử trái nguyên tắc do hoàn cảnh bị ép buộc mà phải gượng gạo làm thế (cái này là nó nguyên tắc chứ không nói bản chất thực tế nhé các cụ
)
Ngày nay khi nói đến cử nghiệp, chúng ta thường hiểu là khoa cử (thi cử để chọn người). Thực chất việc lựa chọn hiền tài ngày xưa đầu tiên phải nói là dùng hai phép bảo cử và cống cử. Nói chung là người làm vua phải vật nài khắp nơi đi tìm hiền tài ra giúp nước. Mà người hiền tài thì phải ở ẩn như Hứa Do, thậm chí như Hứa Do còn bị Sào Phủ chê là chưa phải đạo vì còn làm cho thiên hạ biết mình là hiền tài.
Phép khoa cử đến tận thời nhà Đường mới có (dù chỉ mới sơ sài)… đến đời nhà Minh mới hoàn thiện bằng lối làm văn bát cổ. Đối với nguyên tắc của Nho giáo thì khoa cử lại là một thứ “bệnh hoạn”
cho nên trong truyện “Nho lâm ngoại truyện” khi nghe triều đình nhà Minh hoàn thiện phép thi bằng văn bát cổ, nhân vật Vương Miện bật ra tiếng than “Đạo đã đến lúc suy vi rồi”
Đương nhiên là sẽ có người cắc cớ hỏi tại sao cái nguyên tắc lại khác với cái bản chât thực tế thế. Xin nói rằng, cũng giống như “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nho giáo chưa bao giờ đạt được mức độ "toàn trị"> Các triều đại sử dụng Nho giáo không phải với đúng bản chất của nó. Cái “Nho giáo” dùng trong triều đình đó là thứ “ngoại Nho nội Pháp”, là thứ pháp luật hà khắc được bao bọc bởi lớp vỏ “lễ nhạc”. Các Nhà Nho ai cũng biết điều đó. Và họ cũng chia làm hai loại:
- Loại chỉ vì mục đích của cá nhân và gia đình thì hùa với triều đình để tô vẽ cái “lễ nhạc” đó.
- Loại đau đáu vì cái mục đích “làm sáng đạo” nên họ chấp nhận cái khác biệt giữa họ và nhà cầm quyền, tạm thời gác bỏ nguyên tắc để đạo thống được lưu truyền. Thời gian ra làm quan được họ gọi là thời "đãi tội" (chờ chịu tội). Khi sự khác biệt đó quá lớn thì có câu rằng:
Chớ tham lộc nước đời suy
Bẫy chim, lưới thỏ e khi mắc nàn..
(Nguyễn Đình Chiểu).
Nói túm lại chúng ta ngày nay không hiểu mục đích của ở ẩn vì chúng ta đang sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa
cái mục tiêu ra làm quan có thể giống nhau nhưng hai mục tiêu "dân giàu nước mạnh" và "làm sáng đạo" là hai mục tiêu khác nhau hoàn toàn.