Cụ nào gần đó có biết tình tiết vụ này không. Nghe báo đưa thì có vẻ vô lý quá. Nhưng giờ cũng chả biết thế nào, cứ phải nghe 2 tai.
Vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, đại diện bị hại tha thiết xin miễn giảm tội cho bị cáo, nhưng tòa vẫn tuyên phạt người em dâu 13 tháng tù giam.
www.baogiaothong.vn
Éo le vụ tai nạn giao thông chị chết, em đi tù
25/05/2020 06:19
Vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, đại diện bị hại tha thiết xin miễn giảm tội cho bị cáo, nhưng tòa vẫn tuyên phạt người em dâu 13 tháng tù giam.
Gia đình, hàng xóm ngỡ ngàng trước việc chị Phạm Thị Ngân bị kết án 13 tháng tù
Chiếc xe máy do người em dâu điều khiển chở chị chồng lao vào thành cầu Thanh Trì khiến người chị tử vong, người em bị thương nặng. Vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, đại diện bị hại tha thiết xin miễn giảm tội cho bị cáo, nhưng toà vẫn tuyên phạt người em dâu 13 tháng tù giam trong sự bất bình của gia đình bị cáo đồng thời cũng là bị hại.
Kỳ 1: Tình tiết giảm nhẹ bị bỏ qua khó hiểu
Trong bản án sơ thẩm, HĐXX đã tuyên không ghi nhận bất cứ một tình tiết giảm nhẹ nào theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo, hoàn toàn bỏ qua nguyện vọng xin miễn tội của gia đình nạn nhân và đưa ra cả những tình tiết võ đoán để giữ bản án ở mức cao.
Khai báo thống nhất thành “không thành khẩn”?
Ngày 28/4/2020, TAND huyện Gia Lâm mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự Vi phạm quy định về giao thông đường bộ mà bị cáo là chị Phạm Thị Ngân (SN 1983, trú thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Tại cơ quan công an cũng như tại phiên toà, chị Ngân khai khoảng 9h30 sáng ngày 8/6/2019, chị Ngân chở chị chồng là chị Đặng Thị Lạng (SN 1966, trú cùng thôn) trên xe mô tô đi với tốc độ khoảng 35 - 40 km/h trên cầu Thanh Trì theo chiều Hoàng Mai đi Gia Lâm phía bên phải giáp thành cầu.
Khi đang đi thì bị xe mô tô của anh Nguyễn Văn Định (SN 1981, ở Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển lưu thông cùng chiều vượt lên, tạt sang phải làm đầu xe mô tô do Ngân lái va vào phần pô xe mô tô của anh Định. Chị Ngân mất lái lao vào dải phân cách mềm bên phải đường dẫn tới đổ xe, xe của anh Định cũng đổ theo. Hậu quả vụ tai nạn khiến chị Lạng tử vong, anh Định và chị Ngân bị thương. Thời điểm xảy ra tai nạn, chị Ngân có đầy đủ GPLX, giấy tờ xe.
Anh Định lại có lời khai ngược lại: Khi anh đang đi trên cầu Thanh Trì thì xe máy của chị Ngân đi cùng chiều vượt lên phía bên trái. Khi xe chị Ngân vượt được khoảng 2m thì anh Định thấy xe của chị Ngân lao vào dải phân cách, đổ ra đường, rê trượt trên mặt đường rồi va vào xe của anh Định làm xe của anh Định cũng đổ theo.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cho rằng, lời khai bị cáo Ngân không có căn cứ, kết luận trong vụ tai nạn trên lỗi và nguyên nhân gây ra đều thuộc về bị cáo Ngân và tuyên phạt 13 tháng tù giam.
Hội đồng xét xử cho biết lý do để không xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Ngân là: Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Sự “không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” của chị Ngân là từ giai đoạn điều tra của cơ quan công an tới khi ra tòa, chị đều thống nhất lời khai như trên, không thay đổi. Trao đổi với PV
Báo Giao thông, chị Ngân nói: “Em là nông dân không hiểu biết pháp luật nhưng em biết gì khai nấy, em không nói sai. Giờ toà lại bảo em không thành khẩn khai báo, em không biết làm thế nào để khai báo”.
Về lý do không cho chị Ngân hưởng tình tiết giảm nhẹ này, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp - Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Kết luận này của TAND huyện Gia Lâm là rất võ đoán. Thế nào là không thành khẩn khai báo khi bị cáo khai toàn bộ diễn biến sự việc mà bị cáo nhớ khi vụ tai nạn xảy ra? Phải chăng “thành khẩn khai báo” ở đây là cứ phải đồng ý với nội dung kết luận điều tra của cơ quan công an và cáo trạng của viện kiểm sát?”.
Bỗng nhiên có lỗi không bồi thường thiệt hại
Tại phiên tòa sơ thẩm, không chỉ “ngã ngửa” vì toà tuyên chị Ngân phạm tội, chịu mức án 13 tháng tù giam, mà cả gia đình bị hại và bị cáo đều ngỡ ngàng khi Hội đồng xét xử cho biết: Do phía gia đình nạn nhân đòi bồi thường 63,5 triệu đồng nhưng gia đình bị cáo chưa bồi thường nên bị cáo không được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Anh Dương Văn Vụ (chồng bị hại) cho biết: “Sau khi vợ tôi mất vì tai nạn, cả gia đình tập trung lo đám ma vợ tôi rồi điều trị cho cô Ngân (chị Ngân bị gãy xương đùi trong vụ tai nạn, mất 29% sức khỏe). Một thời gian sau, tôi và chú Thi (chồng chị Ngân) được Công an huyện Gia Lâm gọi lên. Họ bảo tôi liệt kê những khoản chi phí đám tang vợ tôi như thế nào. Lúc đó, tôi tin rằng người gây tai nạn là anh Định, tôi có liệt kê số tiền chi phí đám tang là 63,5 triệu đồng”.
Anh Vụ khẳng định, suốt quá trình cơ quan công an điều tra, rồi viện kiểm sát ra cáo trạng, tòa xử, chẳng có ai hướng dẫn, thông báo cho gia đình biết kết quả điều tra ra sao, gia đình cần làm gì. “Mãi tới khi ra tòa, tôi mới tá hoả khi tòa đọc cáo trạng cho rằng, tôi đòi gia đình cô Ngân phải bồi thường số tiền 63,5 triệu đồng và vì gia đình cô Ngân chưa bồi thường số tiền này nên không thể xem xét tình tiết giảm nhẹ. Tôi đâu có đòi gia đình cô Ngân phải bồi thường gia đình tôi, chúng tôi là anh em mà”, anh Vụ ngơ ngác.
Anh Đỗ Đình Thi, chồng bị cáo Ngân cho biết thêm: “Trong suốt quá trình cơ quan công an điều tra về vụ án, tôi và anh Vụ (chồng chị Lạng) được gọi lên Công an huyện Gia Lâm nhiều lần. Chính tôi và anh Vụ còn cùng ngồi liệt kê các khoản phí mai táng đối với chị Lạng, khi đó anh em tôi đều nghĩ công an hướng dẫn bồi thường đối với người gây tai nạn là anh Định chứ có ai ngờ khoản đó tôi phải bồi thường. Nếu được hướng dẫn, tôi sẵn sàng bồi thường cho gia đình anh Vụ vì chúng tôi là anh em, xưa nay việc lớn việc nhỏ vẫn cùng nhau chia sẻ, đỡ đần mà”.
Nhằm tìm hiểu rõ hơn về việc quá trình điều tra vụ án, PV đã liên lạc với Thượng tá Phạm Văn Hậu - Trưởng công an huyện Gia Lâm. Ông Hậu cho biết có nắm được thông tin vụ việc nhưng từ chối trả lời những câu hỏi của phóng viên.
Hoàn toàn có thể tuyên án treo?
Luật sư Nguyễn Thiện Hiệp cho biết: Theo quy định của pháp luật, trong nhiều vụ TNGT dẫn đến hậu quả nghiêm trọng chết người, giữa gia đình người gây tai nạn và gia đình bị hại vẫn có thể thỏa thuận đền bù dân sự. Thông thường, cơ quan công an là người hướng dẫn 2 bên thỏa thuận đền bù dân sự và khi việc này đã thống nhất xong, cơ quan công an sẽ hướng dẫn gia đình bị hại viết đơn không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây tai nạn.
Trong vụ TNGT này, có thể vì không được hướng dẫn nên gia đình chị Lạng không biết để viết đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho chị Ngân ngay từ bước điều tra. Nhưng khi ra toà, gia đình nạn nhân đã tha thiết xin miễn, giảm tội cho bị cáo, cũng không hề yêu cầu bị cáo bồi thường. Tuy nhiên, HĐXX đã không xét tới những tình tiết giảm nhẹ này.
Ngoài ra, bị cáo còn có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Phạm tội lần đầu; bị hại có đơn xin miễn, giảm trách nhiệm hình sự tại giai đoạn truy tố cũng như tại phiên tòa; hoàn cảnh của bị cáo hiện đang nuôi ba con nhỏ… Trên cơ sở đó, HĐXX hoàn toàn có thể để áp dụng Điều 54, 65 Bộ luật Hình sự để xem xét tuyên mức án phù hợp. Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị quyết 2/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, bị cáo Ngân có khung hình phạt dưới 36 tháng, có hai tình tiết giảm nhẹ là nhân thân tốt; có nơi cư trú rõ ràng, HĐXX hoàn toàn có thể xem xét tuyên bị cáo theo mức án treo.