Câu này chuẩn quá, cụ
cadan nhỉ ? Mới gần đây thôi, có một chú em ở công ty có con sắp vào cấp 1. Chú ấy hỏi em là nên chọn trường nào cho F1. Em bảo là chú cứ đi một vòng những trường gần nhà nhất, vào xem nhà vệ sinh. Trường nào có nhà vệ sinh sạch sẽ nhất, thì cho con mình học trường đó. Nhà vệ sinh là nơi ít ... vệ sinh nhất, tiêu chuẩn thấp nhất, lại không phải cái phơi bày ra ngoài cho người ta xem, nếu nó sạch sẽ, thì nơi khác cũng sẽ sạch sẽ.
Nhà tù có lẽ cũng là cái nhà vệ sinh của xã hội, nơi mà các chuẩn mực về đạo đức, phẩm hạnh, văn minh, quyền con người, là thấp kém nhất. Thậm chí những quyền cơ bản như tự do thân thể, quyền riêng tư, quyền tiếp cận giáo dục, y tế còn được mặc nhiên loại bỏ. Đó cũng là nơi mà ít được người khác ngó ngàng tới, và chủ nhà thì chẳng bao giờ mang ra để khoe với người ngoài cả. Đó là nơi mà ai đi vào cũng có quyền bịt mũi, cau mày.
Dostoevsky rất giỏi đẩy người đọc vào những lựa chọn khó khăn, những hoàn cảnh éo le, nơi mà bạn phải vắt tay lên trán suy ngẫm xem nếu là mình thì mình nên làm gì. Sẽ cực kỳ đơn giản nếu như chúng ta ngồi uống trà đàm đạo và nói rằng giết người là một tội ác, nhưng, ông ấy đã đẩy vấn đề đó tới giới hạn của nó. Nếu kẻ bị giết là một kẻ tệ hại, vô dụng, độc ác ? Nếu cái chết đó mang lại cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người ? Nếu những người được hưởng lợi là người thân của bạn ? Nếu như không có cái chết đó, những người thân của bạn sẽ phải đối mặt với những lựa chọn cũng vô cùng khó khăn khác ? Và nếu như bạn phạm tội, bạn lại có thể cứu chuộc tội lỗi đó bằng cách làm một luật sư tốt ?
Điều em thấy nổi bật trong cách kể chuyện của Dostoevsky là ông ấy xây dựng những hoàn cảnh như trên rất tự nhiên, rất thật, không hề gượng gạo. Nó làm cho em cảm thấy như đó là những gì vẫn đang xảy ra ngay bên cạnh mình. Thậm chí, em còn cảm thấy như trên tay mình chính là chiếc búa ! Và biết đâu, trong một vài thực tại song song nào đó, rất có thể em cũng sẽ hành xử như Raskolnikov.
Nói tới đây mà không nhắc tới Nam Cao thì thấy có phần bất nhẫn. Thật sự nét bút hiện thực của cụ Nam Cao em thấy có nhiều điểm tương đồng với Dostoevsky. Cả hai đều mô tả cuộc sống quanh ta với tất cả những cái ác mà đôi khi ta từ chối nhìn vào nó, mặc dù ta biết nó tồn tại. Kiểu như ta từ chối nhìn vào cái ích kỷ, nhỏ nhen, thờ ơ của con người trong Lão Hạc, cái sỹ diện vô lối trong Đời Thừa, cái định kiến xã hội trong Chí Phèo. Họ bắt chúng ta phải làm cái việc là nhìn vào cái vực thẳm trong mỗi con người, điều mà ta thường không dám làm, vì "sợ nó nhìn lại mình". Nhưng đó là cách duy nhất ta hiểu ra đâu là lẽ phải. Đó không phải là việc nên né tránh, trái lại, đó là việc phải làm, đó là một việc hết sức đau thương, tuy nhiên đó là cách duy nhất để vượt qua bản thân mình.
Sorry cụ, em lại dài dòng rồi. Cái tội này chắc là lây của Proust, cụ nhỉ