Sau các trận B-52 đánh ra Vinh ngày 10-4-1972, Thanh Hóa ngày 13-4-1972 và Hải Phòng ngày 16-4-1972, quân chủng tập trung suy nghĩ rất nhiều về hiệu suất chiến đấu của bộ đội tên lửa. Đặc biệt đối với trận Hải Phòng ngày 16-4-1972.
Từ 23 giờ đêm 15 tháng 4 năm 1972, trên đã thông báo sẽ có B-52 ra đánh phá Hải Phòng. Lúc này, bộ đội đoàn H63 đang ở trong tình huống diễn tập theo phương án đánh B-52. Các phái viên của quân chủng đang có mặt ở sở chỉ huy và các trận địa. Rõ ràng đây là một điều kiện rất thuận lợi để đơn vị đánh thắng.
2h15 phút, cường kích vào đánh phá.
2h28 phút, trên bảng tiêu đồ ghi tình báo của tổng trạm radar, những tốp B-52 bắt đầu xuất hiện. Sau này ta mới biết đây là những tốp F-4 đóng giả B-52.
2h32 phút, tổng trạm radar lại thông báo có B-52 hoạt động ở độ cao 9 đến 10km. Các đơn vị của trung đoàn 285, 238 đã bắn hết hơn 10 quả đạn. Thấy không hiệu quả gì, sở chỉ huy sư đoàn nhắc nhở các đơn vị phải chú ý đánh chắc thắng, tiết kiệm đạn. Nhưng ngay sau đó, các tốp B-52 thật bắt đầu bay vào và loạt bom đầu tiên nổ vào lúc 2h56phút. Chính lúc này lại không thấy các tiểu đoàn tên lửa phóng đạn. Sở chỉ huy giục bắn thì các đơn vị báo cáo là không thấy gì hết cả. Mãi đến 3h36 phút, lúc loạt bom cuối cùng nổ và B-52 đã quay ra mới thấy có 5 quả đạn phóng lên.
Trung đoàn 238 và trung đoàn 285 là 2 đơn vị được thành lập sớm nhất của bộ đội tên lửa. Cả hai đơn vị đều đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Đặc biệt, trung đoàn 238 là đơn vị từng bắn rơi B-52 ở Vĩnh Linh, ở hành lang 559. Quân chủng đã cân nhắc rất kỹ khi điều 2 trung đoàn này về bảo vệ Hải Phòng. Thế mà trận đánh đã diễn ra không đúng như lòng mong muốn của mọi người. Chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, cả hai trung đoàn đã phóng hàng chục quả đạn tên lửa để đổi lấy 1 chiếc B-52 nhưng không phải là rơi tại chỗ.
Trước tình hình đó, cuối tháng 4 năm 1972, Bộ Tổng tham mưu đã cử một đoàn kiểm tra xuống nắm tình hình chiến đấu của quân chủng. Đoàn gồm có 2 bộ phận. Bộ phận chiến thuật gồm 8 đồng chí, một đồng chí ở Cục tác chiến, 3 đồng chí ở Viện nghiên cứu khoa học quân sự, 2 đồng chí ở Cục quân huấn, 2 đồng chí ở Bộ tư lệnh thông tin. Bộ phận này do đồng chí Thế Bôn, Cục trưởng Cục quân huấn phụ trách. Bộ phận kỹ thuật gồm 5 đồng chí của Viện nghiên cứu kỹ thuật quân sự, là những chuyên viên tên lửa, radar, thông tin, do đồng chí Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện nghiên cứu kỹ thuật quân sự phụ trách.
Chúng tôi có ấn tượng hết sức tốt đẹp đối với các đồng chí trong đoàn kiểm tra, do tinh thần làm việc tận tuy, tác phong công tác tỉ mỉ, khoa học của các đồng chí đó. Trong vòng chưa đấy nửa tháng, các đồng chí đã lần lượt đi sâu vào các trận đánh ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội.
Sau khi làm việc với cơ quan tham mưu quân chủng, nghiên cứu các văn kiện liên quan đến trận đánh, các đồng chí đã xuống tận các đơn vị cơ sở gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, nghe báo cáo diễn biến các trận đánh và kinh nghiệm thực tiễn của từng người.