Thấy các bác hưởng ứng, động viên, nhàn việc gõ tiếp cho vui:
Tôi đặc biệt thấy từ ngữ Việt Nam có một số từ rất lạ. Có thể nói cái thì quá đa dạng, cái thì nâng lên tới tầm…quái ngữ rồi.
Ví dụ: nói về cái chết. Không biết có ở xứ nào dùng nhiều từ để nói về cái chết như ở ta. Mà đa dạng phổ biến trong các dạng ngữ nghĩa: nghĩa đen, nghĩa bóng và nghĩa xấu –nó dùng không chỉ trong làng xóm, phố phường mà trong văn học và cả những văn bản chính thống và truyền thông dòng chính;
Chết: băng hà, toi, ngủm củ tỏi, hai năm mươi, về nước chúa, lên thiên đàng, đi theo Bác, tạnh vở, đứt bóng, mất rồi, yên nghỉ, từ giã cõi đời, ngủ với giun, hi sinh…
Ví dụ khác: có một cái từ rất quái ngữ. Quái ở chỗ nói ra chỏng lỏn một từ không giống ai nhưng hiểu thì rất giống ai. Ai cũng dùng được và nó còn đi vào cả thơ ca Cách mạng. Đó là từ…Ấy! Đến anh Hĩu cũng dùng nó để đặt tên cho một bài và cả một tập thơ của anh. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến …Ấy!
Ở vùng đồng chiêm kia, người ta gọi nhau: Ấy ơi, ăn chưa? Đi cấy nhé! Rồi: từ từ…bọn mình đang Ấy! (cái ấy này dễ hiểu là …èn en!). Một anh đến muộn, nói vói bạn:” Chúng mày cứ ấy trước nhé, tao sau một tý!” (cái này chắc hẳn liên hoan). Cô bạn kia thì than thở với bạn:” Anh ấy chẳng quan tâm đến ăn uống, chỉ quan tâm chuyện ấy!”. Rồi bài hát Trường Sơn đông…Tây: Thương em bên Ấy mưa nhiều! Cái Ấy ở đây thật rõ ràng nhỉ.
Mình Ấy luôn nhé! Câu này thì đúng là…bá phát!
Trong Âm nhạc thì càng tuyệt vời. Nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc vàng gì gì tôi không biết nói. Nhưng có những bài hát mà các nhạc sĩ sáng tác siêu đến độ dùng nó trong hoàn cảnh nào cũng được hết bất chấp vui buồn, đám tang hay đám cưới. Ví dụ bài Lòng Mẹ…
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Có những bài hát mà bên ta hay bên địch đều hát và dùng để tuyên truyền đều ngon: Các anh về...
Bâng khuâng đón các anh về
Nước mắt lưng tròng khi tiếng cười dậy đôi môi
Tim lạnh từ xa xôi sưởi nồng lòng tôi.
….
Hôm nay một sáng Xuân hồng
Ðón các anh về từng đàn em bé ra sông
Mẹ già ngóng trông con niềm vui trong lòng.
Rồi, có những câu thơ, những vần vè mà tốn biết bao nhiêu giấy mực, thời gian và nước bọt tranh cãi xem đâu đúng, đâu sai mà chẳng ngã ngũ. Ví dụ: Bà Huyện để lại: xa xa thấp thoáng tiều vài chú/lác đác bên sông chợ (hay rợ) mấy nhà? Gớm! đề tài này thành tập nghiên Kíu luôn đấy!
Rồi một câu thành ngữ: Cao chạy, xa bay! Nhiều người quả quyết phải dùng Xa chạy, cao bay mới đúng. Nhưng nhiều học giả không cho là thế và…đối đáp nhau.
Vậy nên trong một còm nào đó, tôi cũng từng bình rằng: Thơ là lắng đọng của tâm hồn, là chắt lọc của ngôn ngữ. Mà ở đây, ngôn ngữ Việt thì thật sóng gió và huyền diệu. Hiểu được đã khó, sử dụng được càng khó. Trần Đăng Khoa chết thơ ngay sau ngoài thềm rơi chiếc lá đa/tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng cùng với Hạt gạo làng ta. Bác Vũ Cao đời biết như một nhà thơ lớn chỉ qua mỗi bản Núi Đôi. Còn cụ Hữu Loan thì ai qua được tình yêu bằng Màu tím hoa sim…
Nhiều lắm! có lẽ, đời chỉ cần có thế. Một câu, một bài đã thành vĩ đại. Cần gì bao nhiêu trước tác với hồi ký.
Lại có ông nghịch thơ đến lạ lùng nhưng đúng là: dịch mà diệt!
Hai câu thơ: Gió đưa cành trúc la đà/tiếng chuông Thiên mụ canh gà Thọ xương!
Các bố không phải xứ mình dịch rất sát nghĩa như sau: Trúc = hay là Tre cũng được! Gió: Mạng lên thì là bão, cuồng phong! La đà: la thì tà xuống, còn Đà thì …hiểu luôn Việt bảo thanh đà đường tàu –nơi bắt những tà vẹt ngang. Tiếng chuông thì rõ chắc rồi. Thiên Mụ là Mẹ trời; canh gà: một loại canh súp nấu bằng gà hay gọi là cháo gà cũng được. Thọ xương. Xương thì chắc là xương gà rồi. Thọ: giữ???
Thế là dịch rồi ghép thơ:
Cuồng phong gãy cành tre
Rớt xuống Tà Vẹt đường
Mẹ trời đánh một hồi chuông
Cháo gà húp vội…hóc xương mấy lần!
Mình tạm nghỉ