Chìm trong xung đột liên miên, Trung Đông trở thành mảnh đất để Mỹ và Nga đọ sức các hệ thống phòng không. Vụ không kích tại Saudi Arabia khiến năng lực của Patriot bị hoài nghi trong cuộc phân định ưu việt so với hệ thống S-400.
Rạng sáng 14/9, tên lửa xé không trung, đánh thẳng vào những bể dầu của nhà máy Abqaiq rồi nhuộm bầu trời đêm thành phố đông bắc Saudi Arabia với màu cam của lửa và khói dầu
Cơ sở sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới lãnh đòn chí mạng bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Những bể lọc dầu của nhà máy bị xuyên thủng, 5/18 tháp chưng cất bị phá hủy và bốc cháy. Mỏ dầu Khurais cách Abqaiq 185 km về phía tây nam cũng trúng không kích.
Tập đoàn dầu khí Aramco sau đó xác nhận ngành công nghiệp xương sống của Saudi Arabia thiệt hại gần 5,7 triệu thùng dầu/ngày sau vụ không kích, tương đương 50% năng suất mỗi ngày của cả nước và gần 5% tổng sản lượng dầu thế giới.
Giới chức tại Riyadh cho biết 25 tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái được sử dụng trong vụ tấn công. Đòn đánh với độ chính xác cực cao đã dễ dàng xuyên thủng lưới phòng không của Saudi Arabia, được vũ trang với “lá chắn thép” Patriot mà họ mua từ đồng minh Mỹ.
Những vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công bị nghi ngờ do
Iran phát triển. Theo Fabian Hinz, nhà phân tích tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Chống phổ biến hạt nhân, những mảnh vỡ được tìm thấy gần nhà máy Abquaiq có hình dạng tương tự tên lửa hành trình Quds-1 của phiến quân Houthi, được cho là vũ khí được Iran hỗ trợ sản xuất.
Tại buổi họp báo ngày 18/9, giới chức Riyadh công bố nhiều mảnh vỡ máy bay không người lái và tên lửa với cáo buộc Tehran nhúng tay vào cuộc không kích. Giới chức Mỹ thì cho rằng vụ tấn công xuất phát từ phía nam Iran.
Hình ảnh vệ tinh thể hiện chiến dịch đã được thực hiện vô cùng tinh vi với độ chính xác cao. Khó có khả năng phiến quân Houthi tại Yemen, đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và cô lập trong gần 4 năm qua, có thể đơn độc tổ chức đợt xuyên thủng lưới phòng không của Saudi Arabia mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Đòn tấn công không chỉ làm Riyadh thiệt hại về sản lượng dần thô mỗi ngày, mà còn đánh vào uy tín của chính phủ Saudi Arabia với vị thế người bảo vệ đáng tin cậy cho nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Theo
Economist, nước này chi khoảng 68-83 tỷ USD trong năm 2018 cho việc mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự, xếp thứ 3 thế giới về chi tiêu quốc phòng chỉ sau Mỹ và
Trung Quốc.
Saudi Arabia đồng thời là một trong những khách hàng quốc phòng lớn nhất của vũ khí Mỹ. Chỉ vài tháng sau khi Tổng thống
Donald Trump nhậm chức, giới lãnh đạo tại Riyadh cam kết mua gần 110 tỷ USD vũ khí Mỹ. Vương quốc rộng lớn trên bán đảo Arab trong gần nửa thập kỷ qua đã mua từ Mỹ gần 150 tỷ USD vũ khí công nghệ cao, bao gồm từ máy bay chiến đấu đến hệ thống phòng không, theo
New York Times.
Saudi Arabia còn là một trong những khách hàng nước ngoài đầu tiên đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ vào năm 1991 và hiện vận hành ít nhất 6 tổ hợp Patriot trong lưới phòng không của nước này.
Bất chấp tất cả những đầu tư mạnh tay vào vũ khí hiện đại, lực lượng quân sự Saudi Arabia vẫn thất bại trong việc ngăn chặn đòn tấn công. Giới chuyên gia cho rằng lưới phòng không của Saudi Arabia không đủ khả năng đối phó với tên lửa hành trình và máy bay không người lái, đặc biệt là những chiến dịch được tổ chức với số lượng lớn vũ khí.
Những thiết bị này có kích thước nhỏ cùng tầm bay thấp, giúp ẩn nấp sát theo địa hình và tránh được sự phát hiện của radar. Thủ phạm vụ tấn công cũng có thể điều khiển vũ khí từ xa, lách khỏi những địa điểm phòng không đã bị lộ của Saudi Arabia.
Một số đánh giá tình báo còn nghi ngờ số vũ khí đi đường vòng từ phía Kuwait. Hệ thống phòng không của Saudi Arabia được dàn trải khá mỏng ở phía đông do phần lớn nguồn lực đã được huy động về biên giới phía nam, đối phó các mối đe dọa từ phiến quân ở Yemen. Tuy nhiên, khả năng chống tên lửa của Saudi Arabia cũng khá khiêm tốn tại khu vực này trong những năm qua.
Đây không phải lần đầu tiên hệ thống phòng không Patriot thất bại trong việc ngăn chặn tên lửa của kẻ thù xâm nhập vùng trời Saudi Arabia, theo
National Interest.
Ít nhất 5 tên lửa Patriot đã bắn hụt mục tiêu, gặp trục trặc kỹ thuật hoặc hỏng hóc khi các lực lượng quân sự Saudi Arabia cố ngăn chặn một vụ không kích từ Yemen nhắm vào thủ đô Riyadh vào ngày 25/3/2018. Phiến quân Houthi vào đêm đó phóng ít nhất 7 quả tên lửa. Phòng không Saudi Arabia đã sử dụng tên lửa Patriot PAC-2 để đánh chặn tên lửa của kẻ thù.
Trong khi chính quyền Riyadh tuyên bố 7 tên lửa Patriot đã bắn trúng mục tiêu, những đoạn video được phát tán trên mạng sau đó cho thấy nhiều tên lửa phòng không của Saudi Arabia dường như đã phát nổ giữa trời hoặc bay lệch hướng.
Các phân tích độc lập cho thấy tên lửa của phiến quân Houthi không gặp sự cản trở nào từ vũ khí của Saudi Arabia và suýt bắn trúng mục tiêu là sân bay quốc tế Khalid tại thủ đô Riyadh. Một đầu đạn phát nổ gần cửa quốc nội đến mức hành khách hoảng hốt bật khỏi ghế chờ, theo
New York Times.
Vụ không kích này hôm đó khiến giới phân tích báo động về khả năng phòng thủ hiệu quả của Patriot PAC-2 cùng với công nghệ radar mà Saudi Arabia đang sử dụng.
Giới phân tích cho rằng tên lửa Patriot được phóng quá trễ, khi tên lửa đối phương đã tiến vào giai đoạn cuối chuẩn bị tiếp cận mục tiêu. Tên lửa phòng không chỉ nhắm đến vũ khí đối phương cách mặt đất vài nghìn mét. Điều này mở ra rủi ro đầu đạn tách khỏi tên lửa đẩy. Việc tiêu diệt một mục tiêu với kích thước nhỏ hơn, đủ khả năng biến mất trên màn hình radar, trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia vũ khí cho rằng tên lửa đối phương hoàn toàn có thể đánh lừa được radar mặt đất của Patriot nếu được trang bị thêm thiết bị “chim mồi”. PAC-2 sử dụng phương thức đầu đạn nổ để đánh chặn.
Nhiều chuyên gia đánh giá Patriot không tạo ra được vụ nổ đủ lớn để hạ gục cả tên lửa và đầu đạn. Một quả tên lửa trong vụ không kích Riyadh năm 2018 được phát hiện gãy làm đôi. Điều này cho thấy tên lửa có thể bị bẻ gãy sau vụ nổ của Patriot và tiếp tục mang đầu đạn hướng đến mục tiêu, hoặc thật ra chỉ bị gãy đôi khi tiếp đất.
“Hệ thống vũ khí này chỉ gặp toàn thất bại thảm họa trong thời gian qua”, Theodore Postol, nhà vật lý tại Viện Công nghệ Massachussetts (MIT) và là chuyên gia về hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, từng bình luận.
Hệ thống Patriot đã gây tranh cãi ngay từ màn chào sân của hệ thống này trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Giới chức Mỹ khi đó khẳng định Patriot đã thể hiện năng lực gần như hoàn hảo, bắn hạ ít nhất 45 trong số 47 tên lửa của Iraq. Quân đội Mỹ sau đó điều chỉnh lại báo cáo của mình, giảm tỷ lệ thành công xuống gần 50%. Một báo cáo tiếp theo sau tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ tên lửa Patriot bắn trúng mục tiêu xuống còn 25%, theo
Economist.
Cuộc điều tra độc lập của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết số tên lửa Scud mà Patriot bắn hạ trong năm 1991 có thể còn thấp hơn nhiều so với số lượng mà quân đội nước này thừa nhận.
Times of Israel dẫn báo cáo của Tư lệnh Không quân Avihu Ben-Nun cho biết “chỉ có một tên lửa của lực lượng Saddam Hussein bị bắn hạ bởi tên lửa Patriot”.
Dù có bản thành tích gây nhiều hoài nghi về khả năng đối phó một số tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng không được Cơ quan Phòng vệ Tên lửa Mỹ và hãng Raytheon phát triển vẫn là một trong những hệ thống phòng không được bán chạy nhất trên thế giới. Nước này đã bán Patriot cho nhiều đồng minh gồm
Đức,
Hàn Quốc,
Đài Loan. Ngoài Saudi Arabia và UAE, vũ khí này cũng được cung cấp cho hàng loạt nước tại Trung Đông như Kuwait, Qatar, Bahrain.
Giới chức tại Riyadh dường như cũng ý thức được họ cần cải thiện lưới phòng không của mình.
Bloomberg từng tiết lộ Saudi Arabia đã bắt đầu liên hệ với Nga khả năng mua tên lửa phòng không tối tân S-400 sau khi một đồng minh khác của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua vũ khí này.
S-400 của Nga về mặt kỹ thuật cho thấy nhiều ưu thế so với hệ thống Patriot của Mỹ, dù không được kiểm nghiệm trên chiến trường nhiều bằng. Hệ thống phòng thủ tên lửa Nga có tầm bắn lên đến 400 km, vượt trội so với tầm bắn 160 km của các tên lửa Patriot.
Nó có thể tiêu diệt được mục tiêu di chuyển với vận tốc gấp đôi so với các tên lửa mà Patriot được thiết kế để đối phó. Hệ thống S-400 cũng có khả năng đặt vào trạng thái tác chiến chỉ trong vòng 5 phút, trong khi tên lửa Patriot phải được cố định từ trước do quá trình chuẩn bị kéo dài gần 1 tiếng, theo
National Interest.
Tổ hợp phòng không của Nga thường bao gồm S-400 và hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir-S1 với kích thước nhỏ hơn. Cách phối hợp này cho phép lưới phòng không Nga khắc chế luôn cả những tên lửa hoặc vũ khí tầm ngắn và bay ở độ cao thấp mà các lá chắn tên lửa đạn đạo cỡ lớn có thể để lọt. Nga cũng tạo dựng được uy tín đáng kể cho hệ thống S-400 khi biên chế hệ thống này vào lưới phòng bảo vệ các căn cứ tại Syria và đối phó với máy bay không người lái do các nhóm vũ trang sử dụng.
Đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria đã bắn hạ hai máy bay không người lái của khủng bố tại Latakia, Syria. Trước đó gần 1 tháng, các phần tử vũ trang cũng sử dụng 6 máy bay không người lái để tấn công căn cứ Hmeymim nhưng đều bị lưới phòng không bắn hạ dễ dàng.
S-400 được đánh giá là một trong những vũ khí phòng không tiên tiến nhất của Nga và trên thế giới. Đây là phiên bản nâng cấp của hệ thống S-300 được phát triển và sản xuất từ thời Liên Xô để đáp lại Patriot của Mỹ trong giai đoạn chạy đua vũ trang Chiến tranh Lạnh. S-400 vượt trội với các hệ thống cũ khi có thể nhắm bắn và tiêu diệu cùng lúc nhiều thiết bị bay với khoảng cách trung bình 250 km và độ cao trên 24.000 m.
Trong phát biểu ngày 15/9, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga “sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ phù hợp cho Saudi Arabia” sau vụ tấn công vào hai nhà máy dầu khí trọng yếu ở phía đông bắc đất nước. Ông cho rằng Riyadh có thể bảo vệ các tài sản chiến lược và người dân của mình hiệu quả hơn “nếu đưa ra những quyết định sáng suốt, như Iran đã mua hệ thống S-300 của Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400”.
Nga mô tả hệ thống phòng không mới nhất của họ là “viên đạn thần kỳ” để đối phó với những máy bay tàng hình có khả năng tránh bị phát hiện bởi công nghệ radar hiện đại. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi được đặt trong một lưới phòng không bao gồm nhiều lớp phòng thủ các cấp độ khác nhau. Tại chiến trường Syria, Nga cũng sử dụng chủ yếu hệ thống đánh chặn tên lửa Pantsir kết hợp cùng radar của S-400 để đối phó với máy bay không người lái, theo
National Interest.
“Sự thật là Saudi cần có nhiều lớp phòng thủ hơn, trong đó bao gồm những hệ thống phòng không tầm ngắn như Skyshield của Đức hay Pantsir của Nga để đối phó nhanh chóng trước các mối đe dọa từ vũ khí nhỏ và giá thành thấp, thay vì phụ thuộc vào hệ thống Patriot đắt đỏ và cồng kềnh”, Justin Bronk, chuyên gia về sức mạnh không quân và công nghệ hàng không tại Viện Hoàng gia Anh, nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng vụ không kích vừa qua tại Saudi Arabia đã làm sụp đổ ảo tưởng về khả năng bảo vệ an toàn tuyệt đối của các hệ thống phòng không truyền thống trong thời đại của máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, những vũ khí có độ chính xác cao ngày càng rẻ và có kích thước nhỏ hơn.
“Có thực tế phũ phàng mà nhiều người không hiểu được, bao gồm những chuyên gia bình luận trong lĩnh vực quốc phòng: Các hệ thống phòng không dù tối tân và tinh vi đến mức nào cũng không thể tạo ra được phép màu. Chúng đều có những hạn chế rất lớn, đặc biệt là phần nhiều các hệ thống vẫn phụ thuộc vào cảm biến mặt đất”, bình luận viên Tyler Rogoway của chuyên trang phân tích quốc phòng
The War Zone cho biết.
Ông nhấn mạnh các lực lượng phòng không đang gặp thách thức lớn trong thời đại mà hình ảnh vệ tinh với độ phân giải cao và khả năng định vị toàn cầu có thể được tiếp cận dễ dàng ở gần như mọi nơi trên thế giới.
Kết hợp hai công nghệ này, lực lượng thù địch đã vừa nắm được thông tin tình báo vừa có khả năng tổ chức các cuộc tấn công với độ chính xác đến từng chi tiết. Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng của những nhà hoạch định sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thời kỳ mà những lá chắn tên lửa ra đời để đối phó với hiểm họa hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Cuộc không kích bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay không người lái tại Saudi Arabia được đánh giá là vụ tấn công chưa từng có tiền lệ, chính thức mở ra kỷ nguyên của chiến tranh bằng vũ khí không người lái.
Giới phân tích quốc phòng lẫn cơ quan quân sự vẫn không thể xác định chính xác được những vũ khí này xuất phát từ địa điểm nào trước khi xâm nhập vào vùng trời của Saudi Arabia. Nhiều chuyên gia còn đặt giả thuyết vụ tấn công được phối hợp với mức độ tinh vi, triển khai từ nhiều địa điểm bí mật ở các nước lân cận Saudi Arabia hoặc từ thuyền nhỏ trên Vịnh Ba Tư.
“Dù là ai đứng sau vụ không kích này, họ hiểu rất rõ những cơ sở mà mình nhắm đến vào khả năng của các thiết bị đang nắm trong tay, cũng như điểm yếu của mục tiêu và các hậu quả thứ cấp có thể xảy ra trong vụ tấn công. Nói cách khác, đây rõ ràng không phải kiểu dội mưa vào mục tiêu bằng máy bay không người lái trang bị chất nổ hay chọn bừa một công trình nào nhìn có vẻ quan trọng để tấn công”, Rogoway nhận định.
“Việc hoạch định mục tiêu đã diễn ra một cách có hệ thống và mang lại hiệu quả cao”, ông cho biết.
Chiếc ô an ninh của Mỹ không thể bảo vệ Saudi trước phi đội drone
https://news.zing.vn/cuoc-doi-dau-giua-ten-lua-patriot-voi-s-400-o-chien-truong-trung-dong-post993043.html