Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội bị kiện ‘gây phiền hà thủ tục hành chính’
Ngày 1/8, Toà án Nhân dân TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hành chính số 225/2022/TLHS-HC giữa Công ty CP Truyền thông Vietart (Vietart) và Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội (Sở VH&TT).
vietnamnet.vn
Trích bài báo: "Theo đơn khởi kiện, Vietart cho rằng, trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình Ngôi sao Phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh, Sở VH&TT có hành vi kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, vi phạm quy định tại điểm a và đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Sở VH&TT Hà Nội yêu cầu đơn vị tổng duyệt chương trình trước 3 ngày diễn ra là không hợp lý vì: "đội chi phí ăn ở, đổi vé máy bay… cho nghệ sĩ và ê-kíp từ Sài Gòn ra". Theo Vietart, thông thường việc tổng duyệt diễn ra trước 1 ngày hoặc sáng/chiều cùng ngày biểu diễn.
“Thời gian tổng duyệt của Ngôi sao Phương Nam số 10 bị thay đổi theo yêu cầu của Sở VH&TT là vào hồi 14h ngày 12/10/2022 (chương trình chính thức diễn ra 2 đêm 15-16/10/2022 - PV) cùng địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội và cùng ngày tổng duyệt kèm tổ chức biểu diễn đêm nhạc Phú Quang - Miền ký ức do bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở VH&TT phê duyệt.
Với chức vụ là người quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật, bà Phạm Thị Mỹ Hoa cần biết rằng một chương trình đang tổng duyệt và chuẩn bị tổ chức thì đã được sắp xếp sân khấu đầy đủ, không thể phù hợp cho việc tổng duyệt một chương trình khác ngay trên sân khấu đó.
Thêm vào đó, chúng tôi tự đặt câu hỏi rằng: Tại sao đêm nhạc Phú Quang – Miền ký ức tổng duyệt cùng ngày biểu diễn chính thức, trong khi chúng tôi bị thay đổi thời gian tổng duyệt trước 3 ngày. Có thể thấy cán bộ giải quyết hồ sơ của Sở VH&TT đã có hành vi gây phiền hà cho chúng tôi trong việc thực hiện thủ tục hành chính và tổ chức chương trình”, đại diện Vietart nêu.
Phía Vietart cũng cho rằng, Sở VH&TT Hà Nội yêu cầu đơn vị thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả vở cải lương Tiếng trống Mê Linh là vi phạm quy định về thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật theo Nghị định số 144/2020/NĐ-CP.
Do đó, Vietart khởi kiện, yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội bồi thường thiệt hại 672.831.879 đồng tiền chi phí sản xuất chương trình; 1.000 đồng tiền bồi thường về danh dự cho công ty. Vietart yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội phải xin lỗi công khai.
Vì đại diện Sở VH&TT vắng mặt, chủ toạ phiên toà đã đọc ý kiến của Sở này về nội dung Vietart cho rằng “Sở VH&TT gây phiền hà, khó khăn...”. Nội dung ý kiến như sau:
“Năm 2022, Sở VH&TT tiếp nhận và xử lý 355 hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Các tổ chức, cá nhân đến thực hiện thủ tục hành chính đều được nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính, cán bộ tại bộ phận một của tiếp đón niềm nở, hướng dẫn tận tình theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. 100% hồ sơ trả kết quả đúng thời gian theo quy định.
Ngoài vở cải lương Tiếng trống Mê Linh, năm 2022 Vietart còn đề nghị tổ chức biểu diễn 4 chương trình nghệ thuật khác. Các hồ sơ này của công ty đều được Sở VH&TT xử lý giải quyết, trả kết quả theo đúng quy định, không chậm muộn, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc Vietart cho rằng Sở VH&TT gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân là chưa khách quan và đúng bản chất vấn đề”.
Về yêu cầu bồi thường thiệt của Vietart, Sở VH&TT không chấp thuận.
Với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Vietart trong vụ kiện, luật sư của đơn vị này cho rằng, một doanh nghiệp đi kiện cơ quan Nhà nước là hơi hiếm. Luật sư của Vietart bác bỏ toàn bộ quan điểm của bên bị kiện vì "dài dòng, không chứng minh được vấn đề".