Vũ khí, trang bị nổi bật của QUÂN ĐỘI HOÀNG GIA CAMPUCHIA
Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP cao trong thời gian dài, Quân đội Campuchia đang được đầu tư khá lớn, có bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới hiện đại. Liên tục trong nhiều năm nay, ngân sách dành cho quân đội nước này ở ngưỡng trên 400 triệu USD/năm, bình quân chiếm 2% GDP liên tục trong 10 năm vừa qua, với quy mô quân số khoảng 70.000 người.
1. Xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh lục quân
Campuchia có khoảng hơn 1.000 xe tăng, xe thiết giáp, xe lội nước các loại và một hệ thống pháo phản lực mạnh chủ yếu nguồn gốc do Nga, Ukraine…, và Trung Quốc sản xuất.
Xe tăng Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 1994 Quân đội Campuchia đã nhận 40 chiếc T-55AM từ Cộng hòa Séc và 50 chiếc T-55AM2BP từ Ba Lan. T-55AM và T-55AM2BP được đánh giá có năng lực chiến đấu còn cao hơn cả T-62 (dù dòng xe đời sau này sử dụng pháo chính cỡ nòng 115mm).
T-55AM/T-55AM2BP của lục quân Campuchia
Xe tăng T-55AM2 với nòng xoắn D-10 T2S cỡ 100mm được bọc ốp cách nhiệt nhằm giảm sự cong vênh của nòng; có thiết bị ngắm quang điện tử giúp cho việc tác xạ nhanh và chính xác hơn; đồng thời, có hệ thống điều khiển hỏa lực Kladivo với máy tính đường đạn, đo xa laser và cảm biến đo tốc độ gió. Khối lượng của xe tăng 38 tấn, nên động cơ là loại công suất 610 mã lực. Xe còn được trang bị các tấm giáp phụ hình bán nguyệt quanh tháp pháo, phía trước và hai bên hông, cũng như có thể lắp thêm giáp phản ứng nổ để chống lại đạn xuyên lõm hay tên lửa chống tăng. Khả năng bảo vệ của T-55AM2 được đánh giá cao hơn 140% so với nguyên bản.
T-55AM2
Cùng với đó, T-55AM2 còn có tổng cộng 16 ống phóng đạn khói ngụy trang để “đối phó” với các khí tài quang học sử dụng trong ngắm bắn của đối phương. Đồng thời, xe tăng này còn có súng máy hạng nặng DShK cỡ 12,7mm và xạ thủ phải bắn ở bên ngoài. Tuy nhiên, T-55AM2 của Campuchia được cho là không có khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng. Ngoài ra, theo báo The Phnom Penh Post, từ tháng 10 năm 2012, Campuchia đã tiếp nhận 100 xe tăng và 40 xe bọc thép mua từ Ukraine.
Xe thiết giáp
Cũng theo SIPRI, trong năm 1994, Quân đội Hoàng gia Campuchia đã nhận 24 xe thiết giáp chở quân (OT-64A từ Cộng hòa Séc, OT-64 SKOT được phát triển bởi Ba Lan và Tiệp Khắc trong thập niên 1960).
OT-64A/OT-64 SKOT
OT-64 SKOT có trọng lượng 14,5 tấn; chiều dài 7,44m; chiều rộng 2,55m; chiều cao 2,51m; kíp lái 02 người và chở được tới 18 lính ra vào bằng cửa đuôi, còn kíp lái ra vào xe thông qua 02 cửa riêng. Vỏ thép dày 06-13mm, chống được đạn xuyên giáp cỡ 7,62mm và mảnh pháo; xe có hệ thống điều hòa và hệ thống phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt (NBC). Động cơ diesel tăng áp Tatra 928-14 công suất 180 mã lực, giúp xe đạt tốc độ trên đường có chất lượng tốt lên tới 94km/giờ; tầm hoạt động 710km/giờ; leo được dốc 60%; cơ động trên mái taluy nghiêng 30%; vượt vật cản cao 0,5m; băng qua hào rộng 02m; vận tốc bơi của OT-64 SKOT đạt 09 km/giờ nhờ 02 chân vịt lắp ở đuôi xe. Trung Quốc hiện đang là nhà cung cấp, hỗ trợ vũ khí, trang bị quốc phòng lớn nhất cho Campuchia. Năm 2015, theo Nhật báo Campuchia (The Cambodia Daily), Trung Quốc đã chuyển cho Campuchia 44 xe quân sự, trong đó có xe jeep, xe tải chở tên lửa.
Pháo binh
Theo báo cáo của SIPRI, trong năm 2013, Campuchia đã nhận từ Cộng hòa Séc 20 hệ thống pháo phản lực phóng loạt RM-70.
Pháo phản lực RM-70 của lục quân Campuchia
RM-70 (hay còn được gọi là Raketomet vz.70) là biến thể hạng nặng của pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad, có hiệu suất chiến đấu được đánh giá cao hơn BM21. RM-70 bắt đầu trang bị trong Quân đội Tiệp Khắc từ năm 1972. RM-70 gồm giàn 40 ống phóng rocket cỡ 122mm đặt trên khung gầm xe tải bọc thép Tatra 813 (8x8), kíp chiến đấu 06 người, xe có vỏ giáp bảo vệ an toàn trước vũ khí bộ binh, mảnh bom, pháo. Đạn rocket tiêu chuẩn của RM70 là loại nổ phá mảnh (9M22U/ M-21OF) có chiều dài 2,87m; trọng lượng 66,6kg; tầm bắn lớn nhất 20,5km. RM-70 tương thích cả đạn rocket của Liên Xô lẫn đạn do Tiệp Khắc sản xuất, nó cũng đồng thời bắn được mọi loại đạn mới nhất phát triển cho Grad. Ưu điểm lớn nhất của RM70 so với BM-21 Grad là được bổ sung thêm một giá chứa 40 đạn rocket lắp đặt giữa cabin và giàn phóng, giúp cho tốc độ nạp nhanh (ít hơn 02 phút) nhằm rút ngắn thời gian giữa hai loạt bắn.
Phòng không-không quân
Cơ bản lực lượng Phòng không Campuchia chỉ sở hữu các loại súng, pháo phòng không cỡ nòng từ 12,7mm, 14,5mm, 23mm, 37mm, 57mm và các loại tên lửa vác vai đời cũ do Liên Xô sản xuất. Vài năm trước, lực lượng này được Trung Quốc viện trợ thêm loại tên lửa vác vai FN-6. Do vậy, khả năng bảo vệ vùng trời của lực lượng Phòng không Campuchia thấp, nên mới đây Campuchia đã đề nghị Trung Quốc viện trợ cho nước này hệ thống tên lửa phòng không tầm xa thế hệ mới, theo nhiều dự đoán có thể là tổ hợp
.
Hệ thống phòng không KS-1A
KS-1A (phiên bản nâng cấp từ KS-1) là hệ thống tên lửa phòng không di động tiên tiến của Trung Quốc, cấu hình một khẩu đội gồm có 01 đài radar tìm kiếm mục tiêu H-200, 04 xe mang phóng tự hành cùng 08 đạn tên lửa và một số xe nạp đạn; nó được tăng cường đáng kể năng lực chống lại các mục tiêu có diện tích phản xạ radar nhỏ cũng như có tốc độ cơ động cao. KS-1A được trang bị đài radar quét mảng pha thụ động thế hệ mới H-200 (cải tiến từ radar SJ-202 của KS-1), có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 115km, theo dõi mục tiêu từ cự ly 80km và dẫn đường cho tên lửa ở tầm xa tới 50km. Đạn tên lửa của tổ hợp KS1A có chiều dài 5,6m; đường kính 0,4m; trọng lượng 900kg, lắp đầu đạn nặng 100kg; vận tốc 1.200m/ giây; tiến công được mục tiêu bay ở vận tốc 750m/giây. Tên lửa có tầm bắn tối đa 50km, tối thiểu 100m; độ cao bay lớn nhất 25km và nhỏ nhất là 500m. Tuy nhiên, KS-1A lại tồn tại nhược điểm là đạn tên lửa được treo dưới ray phóng, nên gây khá nhiều khó khăn cho việc tái nạp đạn; và radar dẫn bắn H-200 cũng không được đánh giá cao.
Lực lượng Không quân của Campuchia có vẻ như mất cân đối, bởi ngoài số máy bay tiêm kích Mig21 quá cũ và phần lớn hết niên hạn sử dụng. Hiện Không quân Hoàng gia Campuchia có vài chục chiếc MiG-21 đang được nâng cấp; một số máy bay huấn luyện L-39; một vài máy bay vận tải đa năng Y-12, Xian MA-60 của Trung Quốc; trực thăng Mi-8/17 của Liên Xô.
Mig-21
L-39
Y-12
Xian MA-60
Mi-8/17
Năm 2013, Trung Quốc cho Campuchia vay 195 triệu nhân dân tệ và Phnom Penh sử dụng một phần số tiền này để mua 12 trực thăng Z-9 từ Trung Quốc. Campuchia cũng đã mua 02 trực thăng hiện đại AS-355, SA 365 của Pháp. Không quân Hoàng gia Campuchia còn có trong biên chế 02 chiếc trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26T.
Z-9
Trực thăng AS-355