Cụ cho con học trung cấp luôn không học cấp ba để học đại học à? Hay xong trung cấp vẫn thi đại học được?
Em mạn phép hàn huyên sâu hơn chút về hệ thống giáo dục của CH Séc để mọi người hiểu thêm về một xã hội ở Âu Châu. Điều đầu tiên là giáo dục Séc được miễn phí 26 năm trong cuộc đời mỗi người. Tất nhiên ngoài hệ thống giáo dục công lập thì cũng có rất nhiều trường tư thục hay những trường dạy theo giáo trình của các nước phát triển hơn, và dĩ nhiên học tại những trường này phải đóng phí.
Một điều cơ bản nữa là hệ thống trường Tiểu học cấp cơ sở được nhà nước đầu tư trang thiết bị như nhau. Từ những trường ở những thành phố lớn trên triệu dân như Praha hay những trường ở những cái làng nhỏ từ 500 dân, điều kiện cơ sở vật chất không chênh lệch là bao. Có khi những trường ở vùng xâu vùng xa lại có những ưu tiền hơn về một số mặt.
Hệ giáo dục của Séc phân cấp như sau: các trường mẫu giáo nhận chăm học sinh từ 3 tới 6 tuổi (tất nhiên có những trường công lập hoặc tư thục nhận chăm trẻ từ một tuổi trở lên). Từ 5 tuổi là độ tuổi bắt buộc mọi trẻ em phải tới trường đi học, phụ huynh nào vi phạm sẽ dính vào luật hình sự.
Cấp 1 phổ thông cơ sở sẽ từ lớp 1 tới lớp 5. Mỗi lớp sẽ có nhiều nhất 30 học sinh, thông thường sỹ số lớp sẽ khoảng 25 tới 28 học sinh, do 1 giáo viên chủ nhiệm dạy trong cả quá trình 5 năm. Mỗi giáo viên quản lý một lớp sẽ có phòng học riêng cho cả lớp trong 5 năm đó. Nên mỗi lớp học có thể coi như là một thế giới riêng của thầy và trò. Mỗi lớp sẽ có trang thiết bị, cách trang trí cũng như bố trí phòng học khác nhau theo từng phong cách giảng dậy của giáo viên. Học sinh trải qua 5 năm học đầu tiên như 1 cuộc chơi tìm hiểu về kiến thức. Ngoài giáo viên chủ nhiệm thì mỗi lớp cũng có thêm giáo viên dạy ngoại ngữ, âm nhạc hay kỹ năng sống.
Sau khi học hết 5 năm ở cấp 1 cơ sở thì học sinh lên cấp 2, học từ lớp 6 tới lớp 9. Hoặc thi vào trường chuyên về học thuật hệ 7 năm, thường được gọi là trường Gymnázium. Sự khác biệt chính là ở sự phân loại học sinh. Trường Gymnázium phải thi đầu vào, và mực đích chính là học thuật để hướng học sinh vào đại học, sau này sẽ là những người có trình độ cao ở mọi lĩnh vực. Còn học hệ cấp 2 bình thường thì chỉ có 4 năm, vẫn được chơi nhiều hơn là học so với trường Gymnázium.
Lúc này hệ thống giảng dạy ở cấp 2 hay Gymnázium đã khác với cấp 1. Mỗi một môn học là 1 giáo viên giảng dạy và họ được giao 1 phòng dạy riêng trong trường. Nghĩa là chúng ta có thể hình dung 1 phòng dạy của giáo viên môn Lý thì sẽ dạy cho cả các lớp từ 6 tới 9. Học sinh tới giờ lý thì mang sách vở tới lớp lý để học, hết giờ lại kéo nhau sang lớp khác để học.
Trường Gymnázium có thể tương đương như trường Amsterdam hay Chu Văn An ở Việt Nam. Học sinh học ở các trường cấp 2 bình thường, sau khi học hết lớp 9 thì có 2 lựa chọn. Thứ nhất là sẽ thì vào Gymnázium hệ 3 năm hoặc thi vào các trường dậy nghề. Các trường dậy nghề đa số sẽ kéo dài từ 3 cho tới 4 năm. Sau khi tốt nghiệp trường nghề thì học sinh học nghề nếu không thi đại học nữa thì sẽ có lợi thế xin việc dễ dàng hơn và ở vị trí làm việc phổ thông cao hơn các bạn học Gymnázium mà không thi được đại học.
Ngoài ra học sinh tốt nghiệp trường nghệ loại giỏi có thể vào học thẳng liên thông với các trường đại học. Như ngành trung cấp kỹ thuật hàng không mà em đang hướng cháu lớn thi vào và theo học, thì sau khi học 4 năm có bằng tốt nghiệp loại giỏi là cháu được vào thẳng đại học theo đúng chuyên ngành, hoặc nếu muốn học ngành khác thì chỉ việc đăng ký thi đầu vào.
Nếu cháu nào chưa muốn học đại học mà muốn ra đi làm ngay, thì sau khi tốt nghiệp thì thường có bằng nghề, tới sở lao động đăng ký để được hỗ trợ tìm việc làm. Sở lao động sẽ dựa vào bằng nghề để bố trí việc phù hợp cho các cháu có được việc làm ổn định và bắt đầu cuộc sống tự lập.
Sau khi đi làm các cháu vẫn có thể quay trở lại học đại học bằng nhiều hình thức khác nhau như học từ xa, học tại chức để phù hợp với công việc. Tất nhiên là vẫn được miễn học phí nếu vẫn chưa sử dụng hết 26 năm.
Tóm lại là hệ thống giáo dục của Séc cũng giống như các nước Châu Âu khác, họ cố gắng đào tạo ra những công dân có ích cho xã hội ở mọi lĩnh vực, với bất cứ công việc gì. Học sinh có thể qua từng cấp học mà lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất để làm hành trang bước vào đời. Và sự lựa chọn đấy vẫn luôn có thể thay đổi, nhưng cái giá phải trả sẽ là thời gian và cơ hội nắm bắt. Thế nên càng có hướng đi hợp lý càng sớm thì tương lai sẽ sớm ổn định hơn.