Hôm nay tự dưng đọc được bài này
Theo ông Lê Văn Thịnh - nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhận định ban đầu cho thấy, sự cố sập cầu ở nhịp cầu Cái Đôi Vàm là do địa chất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long yếu nhưng không loại trừ lỗi do thiết kế.
laodong.vn
thấy có đoạn này:
"Phải xem xét lại vấn đề khảo sát, xem chiều sâu hạ cọc. Đồng thời Bộ Giao thông Vận tải cần rà soát, kiểm tra lại tất cả các cây cầu trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ khâu khảo sát, thiết kế, bản vẽ hoàn công đến xây dựng mặc dù đã xây xong rồi và phải có kiểm định định kỳ, đây là khâu rất quan trọng”
Đọc đoạn này thì nhận ra người phát biểu vốn quan liêu và chẳng nắm được gì về quản lý lẫn hiểu biết công trình cầu là gì.
1. Công trình cầu vốn có tuỏi thọ 100 năm (được coi là công trình vĩnh cửu). Khi đang khai thác bình thường, chỉ tiến hành kiểm định trong mấy trường hợp sau: bị sự cố, có dấu hiệu xuống cấp, muốn nâng cấp để phục vụ tải trọng lớn hơn, khi có xe đặc biệt sắp đi qua, muốn kéo dài tuổi thọ công trình.
Ngoài những lý do trên, chả có cơ sở gì để đi kiểm định một công trình đang khai thác bình thường cả.
2. Việc "kiểm định định kỳ" là có. Tuy nhiên kiểm định định kỳ chỉ tiến hành với các công trình cầu có Quy trình bảo trì riêng, tức là công trình cấp đặc biệt, cấp 1, cấp 2. Và thời gian "định kỳ" do cái Quy trình bảo trì kia quy định (có nhiều Quy trình cũng chẳng quy định luôn).
Còn ở đây cầu Cái Đôi Vàm là công trình cấp 3 (14 nhịp 18m, 01 nhịp 33m) không yêu cầu Quy trình bảo trì riêng, chỉ thực hiện theo cái Quy trình bảo dưỡng thường xuyên của Tổng cục đường bộ, nên việc kiểm định định kỳ không có đâu.
3. Cầu Cái Đôi Vàm này chưa đưa vào sử dụng, tức là chưa hề chịu tải trọng khai thác mà đã gặp sự cố như vậy thì loanh quanh vẫn là khảo sát, thiết kế, thi công. Nhưng chưa đủ tải mà đã sập, thì có khi liên quan đến cả tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra thiết kế, cơ quan thẩm định (cả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng lẫn thẩm định của chủ đầu tư) nữa. Có thể liệt kê như sau:
- Nhiệm vụ khảo sát thiếu -> lỗi tư vấn thiết kế.
- Duyệt phương án khảo sát thiếu -> lỗi chủ đầu tư.
- Báo cáo khảo sát thiếu -> lỗi tư vấn khảo sát.
- Thiết kế lỗi -> Lỗi tư vấn thiết kế.
- Thẩm tra không phát hiện lỗi -> lỗi tư vấn thẩm tra.
- thẩm định không phát hiện lỗi -> lỗi cơ quan chuyên môn về xây dựng.
- Duyệt thiết kế bản vẽ thi công lỗi -> Lỗi Chủ đầu tư hoặc Cơ quan được Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền phê duyệt.
- Thi công sai -> Lỗi nhà thầu thi công.
- Không phát hiện ra lỗi trong thi công -> Lỗi tư vấn giám sát và Chủ đầu tư.