Bào ngư được coi là loại thuốc bổ hảo hạng giúp sáng mắt, cường gân, nhất là có khả năng "phục hồi bản lĩnh đàn ông", bởi thế dân Bạch Long Vĩ còn gọi bào ngư với cái tên rất lạ "con ba phát", tức là ăn một con bào ngư có thể được ba lần phòng the.
1. Bào ngư tuy là nhuyễn thể giống dạng chai, sò nhưng nó chỉ có một mảnh vỏ, song song với mép ngoài miệng vỏ có 7 - 9 gờ, đầu cuối các gờ tạo thành các lỗ nên còn được gọi là ốc cửu khẩu tức ốc chín mồm. Chân bào ngư phát triển rộng, bám chặt trên đá, chúng ăn rong tảo, thường sống ở nước có độ mặn cao, hay có sóng gió. Ở Việt Nam bào ngư rất hiếm, chỉ phân bố trong một diện rất hẹp ở Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Khánh Ninh (Khánh Hoà). Bạch Long Vĩ trước đây từng có đội khai thác bào ngư của lực lượng vũ trang trên đảo. Khi đó Bạch Long Vĩ vẫn là đảo quân sự, bào ngư có rất nhiều, rất to, muốn ăn cứ ra bờ biển mò một lúc được cả mớ về luộc như ốc. Con bào ngư kỷ lục nhất nặng 3,5 lạng to gần bằng chiếc giày trong khi kích cỡ bình thường của nó chỉ ngót 1 lạng. Bình quân mỗi năm đơn vị bộ đội khai thác được khoảng 30-40 tấn, có năm tới 45 tấn bào ngư.
Vỏ đặc biệt của bào ngư (ảnh mạng)
Số lượng quá nhiều, ăn tươi không xuể, bộ đội đem chế biến, sấy khô thu được từ 4-6 tấn bào ngư khô và khoảng 20 tấn vỏ, chủ yếu xuất khẩu. Giá bán dao động từ 50-60 USD/kg cân bào ngư khô và vỏ cũng bán được giá (nghe đồn là chế biến được dược liệu). Sau này dân cư ra đông lại thêm ngư dân ở các vùng biển xa kéo đến, bào ngư Bạch Long Vĩ bị khai thác vô tội vạ. Bào ngư có đặc điểm khá lạ là có 9 lỗ khi trưởng thành, bình thường cũng có 9 lỗ nhưng là lỗ ngầm, chưa lộ ra. Dân tự do bất chấp mùa sinh sản hay không, bất kể con to hay con nhỏ, có đủ lỗ hay chưa cũng bắt bằng sạch. Đáy biển quanh đảo hàng ngày bị các đội thợ lặn sục sạo, loại sản vật đặc hữu đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng khiến cho chính quyền Bạch Long Vĩ phải ra văn bản giao biển, giao bãi cho dân như trên đất liền giao ruộng.
Thợ lặn vừa bắt bào ngư lên khỏi biển:
2. Tôi gặp hai người dân được giao bãi là Lê Doãn Bình, Lê Văn Hành, mỗi người được giao một lô rộng 70 mét mép nước, dài ra cỡ 4 hải lý (7km) ở độ sâu 6 mét. Cứ 2 tháng họ được khai thác một lần trong vòng mười ngày nhưng phải tránh thời điểm sinh sản của bào ngư từ tháng 4- 8 ra và kích cỡ khai thác phải từ 6 cm trở lên. Những người chủ căng phao làm mốc, cắt ca gác suốt ngày đêm nên tránh được cảnh săn bắt quá sức như từng xảy ra với san hô đỏ (thông biển) - một đặc sản khác của Bạch Long Vĩ, giờ đã mất dấu. Trước đây, một cân san hô đỏ có giá vài chục triệu đã khiến cho đội thợ lặn tứ xứ đổ về lần mò cho bằng sạch. Loại to họ đem bán, loại nhỏ nhỉnh hơn ngón tay cái vẫn đem đến xưởng cơ khí của ông Bình để khoan, chế biến thành tẩu cho đại gia hút thuốc chơi. Ông Bình bảo: “Năm ngoái tôi thu trên 10 triệu từ bào ngư, năm nay chưa hết vụ đã được 35 triệu. Càng để chúng càng sinh sôi nhiều". Tôi theo anh Hành đi đò mất 5.000 đồng/người từ bờ ra đến chỗ thuyền săn bào ngư neo đậu, nơi 3 thợ lặn đã chờ sẵn ở đó. Chiếc thuyền nan phết nhựa đường, mui thấp, máy 10 mã lực, nổ phành phạch, tăng giảm ga bằng một sợi dây cước và đánh lái bằng một khúc gỗ. Nó rẽ sóng đưa chúng tôi ra cách bờ cỡ 1 km rồi buông neo.
Khác với đa số nhuyễn thể, bào ngư chỉ có 1 mảnh vỏ:
Trong nghề lặn, lặn bào ngư ít nguy hiểm nhất vì nước khá nông nhưng cũng không vì thế mà bớt đỗi nhọc nhằn. Thợ lặn đeo một dải chì nặng 12 kg quanh hông, mồm ngậm ống dưỡng khí hì hụi 7-9 giờ dưới biển. Buổi lặn chỉ diễn ra vào ban ngày vì trời sáng thợ lặn mới nhìn thấy bào ngư mà bắt. Dụng cụ bắt bào ngư là một cái móc sắt to bằng cái đũa, dài khoảng nửa mét có đầu khoằm nhọn và một túi lưới buộc ngang hông. Đinh Khắc Oanh, một gã trai mới ngoài 20 nhưng có thâm niên lặn từ năm 14 tuổi bảo: “Lặn mùa rét bây giờ chẳng ai còn uống một bát nước mắm cốt cho ấm bụng nữa mà đã có quần áo lặn chống lạnh. Giá mỗi bộ là 4 triệu đồng, dùng trong khoảng một năm đã phải thay". Chiếc máy tạo ôxy nổ ầm ầm. Ba sợi dây dưỡng khí dài cả trăm mét thõng xuống biển. Muốn nhìn thợ lặn cứ nhìn theo những bóng khí lớn nổi bùng bục theo từng đường đi, nước bước của họ. Chừng 2 tiếng dưới nước, ba thợ lặn ngoi lên thuyền giải lao, hút thuốc, uống sữa, đổ những con bào ngư đầu tiên trong túi xuống khoang rồi lặn tiếp.
Phân loại bào ngư tại đảo:
Hôm nay, gió đông nam cấp 3, cấp 4, nước chảy ngược, sóng vỗ ầm ầm vào mạn thuyền. Chòng chành. Chúi xuống rồi lại trồi lên trên sóng như chiếc lá tre. Trời xanh. Biển xanh. Đảo xanh. Những mảng xanh cứ lẫn vào nhau không phân biệt trong mắt tôi. Biển động. Thuyền động. Tim gan, phèo phổi như quay mòng mòng. Anh Hành vốn là một ngư dân quen sóng gió cũng phải lên khoang nằm tránh say. Một hồi sau anh loạng choạng đứng lên, lựa hơn chục con bào ngư loại ngon rửa sạch bằng nước biển rồi đổ vào nồi, đặt lên cái bếp ga mini bật cái “tách”. Bào ngư luộc là thứ nhuyễn thể ngon đệ nhất. Nó ngọt đậm, giòn sựt, ngào ngạt thơm. Tôi ngồi dậy, bóc một con bỏ vào mồm đã chếnh choáng say nên đành nằm giữa khoang thuyền mà nhỏn nhẻn. Anh Hành tận tình bóc bào ngư cho tôi rồi nài ăn: “Trên thuyền chẳng có gì ăn trưa đâu, chúng tôi vẫn thường luộc bào ngư ăn thay cơm". Một chặp vừa nằm vừa ăn như thế, ngoảnh lại chiếc nồi chỉ còn toàn vỏ không. Những lưỡi câu mực, lon nước ngọt, máy định vị vệ tinh trong khoang thuyền vẫn lắc lư theo từng nhịp sóng vỗ.
Canh bào ngư (ảnh mạng)
3. Trời ngả chiều. Nắng chan hòa trên khoang. Đám thợ lặn ngoi lên đổ những chiếc giỏ nặng trĩu bào ngư, hải sâm và vài con cá họ tranh thủ đâm được. Bào ngư nhỏ được anh Hành lọc bỏ xuống biển. Lúc về, thay vì trả 5.000đ tiền đò, anh Hành dúi cho chủ thuyền dăm bảy con bào ngư. Ở Bạch Long Vĩ, loại đặc sản này vẫn thường được quy ra tiền đò như thế. Loại động vật vào hàng vua chúa, giá mỗi bát súp có một con bào ngư kèm theo cái chân ngỗng rút xương ở nhà hàng tại Hà Nội cả triệu đồng thì ở đảo có giá bèo bọt không ngờ, chỉ dăm ba chục ngàn một con. Bào ngư Bạch Long Vĩ hiện vẫn chịu cảnh “áo gấm đi đêm”, chưa có thương hiệu. Sau 7 tiếng lặn ngụp, ba thợ lặn bắt được 20 kg bào ngư, đó là còn ít so với buổi trước họ được tới 30 kg. Bào ngư vừa bê lên bờ đã có người đợi sẵn, cân rồi trả tiền. Giá bào ngư bán xô 450.000đ/kg, bán chọn con to 700.000đ/kg. Có hai loại bào ngư. Bào ngư vỉa chuyên sống ở vỉa đá còn bào ngư lỗ hay còn gọi là bào ngư lông chỉ nằm trong lỗ đá. Bào ngư lỗ miệng trắng, thịt dầy nhưng kích cỡ nhỏ, giá bán bao giờ cũng rẻ hơn bào ngư vỉa miệng đen, thịt mỏng.
Màu rất hấp dẫn của bào ngư sau khi chế biến (Ảnh mạng):
“Trước, vàng 600.000 đồng/chỉ bào ngư đã 500.000 đ/kg nay vàng đã lên trên 4 triệu/chỉ mà bào ngư lại tụt xuống 450.000đ/kg. Bào ngư khó vận chuyển xa vì dễ chết nên đa số phải cấp đông đem tiêu thụ qua con đường Hải Phòng và bán tại chỗ qua dạng bào ngư ngâm rượu. Mấy chủ bãi chúng tôi đang chuẩn bị làm dự án cho bào ngư sinh sản bằng cách xếp những hào lũy đá, tạo điều kiện hệt môi trường tự nhiên. Lúc đó bào ngư Bạch Long Vĩ sẽ chủ động được nguồn giống", anh Hành tâm sự. Dự định là thế nhưng chỉ e không có thương hiệu, chỉ sợ cảnh nổ mìn cách bờ 200-300 mét để săn cá mú, cá song của đám dân tự do sẽ phá vỡ môi trường, cảnh quan. Trước kỹ thuật còn non, họ nổ mìn kêu to như bom chùm giờ toàn nổ chìm, chỉ nghe ục một cái là cá mẹ, cá con chết nổi trắng bãi- anh Hành tỏ ra lo lắng.
CSTĐ
PS: Bài em viết mấy năm trước nên giờ giá cả, thực tế có khác các cụ mợ nhé!
Vẻ quyến rũ của lũ bào ngư (ảnh mạng)