Whoa... Sau quán đóng cửa là thread bị khóa... Nhọc nhằn.
Như đã hẹn với mợ chủ. Hơi dài. Các cụ chịu khó đọc chút cho em vui!
___________
Chiến thắng huy hoàng nhất của người con gái là có được một tấm chồng. Sách, ở khía cạnh nào đó, giống như phụ nữ. Có nàng xinh đẹp bắt mắt, có nàng thâm trầm sâu cay, có nàng thông minh, có nàng hấp dẫn… ‘Sự suy tàn của quyền lực’ hay ‘The end of power’ là một phụ nữ đầy quyến rũ, do Moisés Naím, cựu B.ộ t.r.ư.ở.ng Bộ Thương mại và Công nghiệp Venezuela, chấp bút. Nói quyến rũ là bởi đứng trước tựa sách này, người ta không thể không tò mò “tại sao một thứ không bao giờ chết lại có thể đi đến hồi tàn tạ và nó đang suy tàn như thế nào?”… Đương nhiên khi trí tò mò hóa thành ông chủ, người ta sẽ bỏ tiền mua cuốn sách đó – một chiến thắng vang dội của tác giả và những nhà xuất bản.
Quyền lực là gì? Cuộc sống vốn dĩ giản đơn, nó đơn thuần là cuộc đấu tranh để tồn tại, với con người, nó còn có thêm ý nghĩa là để đổi thay. Ăn và bị ăn, nghèo hay giầu có, áp bức hay chịu áp bức, nô lệ hay ông chủ, sếp hay nhân viên… với đặc tính của mình, con người không bao giờ chọn chỗ thấp hèn. Nhung những ai không có quyền lực sẽ phải chấp nhận vị thế kém cỏi. Vậy nên, Nietzsche quả quyết “
Thế giới, bản thân nó là ý chí hướng tới quyền lực (the will to power) và chẳng gì khác. Và bạn, bản thân bạn cũng là ý chí hướng tới quyền lực và chẳng gì khác.” Dù thừa nhận trong hoài nghi rằng ‘quyền lực là một động cơ quan trọng mà tất cả chúng ta đều có trong sâu thẳm con người.” nhưng Naím vẫn sử dụng một định nghĩa thực dụng và khá phổ biến ‘
quyền lực là khả năng chỉ đạo hay ngăn cản những hành động tương lai của những nhóm và cá nhân khác’ cho cuốn sách có tựa đề quyến rũ của ông. Định nghĩa mà Naím dựa vào là một định nghĩa không bao hàm được hết ‘the will to power” mà Nietzsche nói đến. Phải chăng vì lý do này mà Naím đã giới hạn quyền lực thành một chức năng xã hội, vừa áp đặt sự thống trị vừa tổ chức các cộng đồng, xã hội, thị trường và thế giới? Dù lý do là gì, sự giới hạn này cho thấy Naím đã không thấu triệt được những ẩn tàng đầy bất trắc của câu hỏi “Who is in charge?”.
Naím bỏ khá nhiều trang để mô tả quyền lực trong quá khứ của nhà nước, quân đội, tập đoàn siêu quốc gia, các thể chế tôn giáo…vv.. nay đã trở nên to lớn, kềnh càng, rất khó điều khiển. Ở phía trái ngược, như muốn nhấn mạnh sự kết thúc của quyền lực, Naím nói nhiều hơn về sức mạnh đang lên của các tổ chức mới với thể chế mới có tầm vóc nhỏ bé nhưng linh hoạt, các quốc gia vừa ra khỏi thế giới thứ 3 thiếu thốn nhưng tràn trề quyết tâm lại được trợ giúp bởi các phương thức hoạt động mới dựa trên sự biến đổi trong công nghệ và sự xuống dốc của tinh thần và đạo lý. Trọng tâm cuốn sách của Naím mô tả khá rõ nét sự yếu đuối của các thể chế già cỗi trước sự trỗi dậy của những điều mới mẻ. Không thể không phỏng đoán mơ hồ rằng Naím là người theo chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism) còn được gọi là tự do thể chế (institutional liberalism) khi Naím không đưa ra một kiến giải mới mẻ nào cho các quyền lực xưa cũ hoặc đề xuất một ý tưởng mới mẻ cho sự ra đời của một hay nhiều thể chế mới. Ngay cả câu hỏi rất đơn sơ rằng ‘khi quyền lực đi đến sự kết thúc thì cái gì sẽ thay thế nó?” cũng không được Naím trả lời. Haizz…. Cả cuốn sách hóa ra chỉ là sự miêu tả những gì tưởng như là rất mới.
‘Sự suy tàn của quyền lực’ vẫn là một người phụ nữ hấp dẫn dù trí thông minh của nàng khô cứng và kiến thức sao chép nặng nề. Không sao. Các cụ không nên tiếc vì đã bỏ tiền ra mua cuốn sách này vì đây là một bản dịch tốt, một cách hành văn gọn gàng, một bố cục không đến nỗi tệ và có một số sự kiện mà chúng ta từng bỏ sót. Tuy nhiên, nên chú ý một điều là khi mua sách nên xem tác giả xuất gốc từ đâu, nếu ông ta xuất gốc là một nhà báo thì nên cân nhắc kỹ càng hơn trước khi mua. Cho dù nhà báo Tây không đến mức 10 điểm 3 môn như nhà báo ta nhưng họ cũng không thoát khỏi đặc tính cố hữu chung của báo giới – đó là ngồn ngộn những thông tin chất chồng và thiếu đi những kiến giải xuất sắc