[Funland] Review sách hay 02

quy la tien

Xe điện
Biển số
OF-126198
Ngày cấp bằng
1/1/12
Số km
3,635
Động cơ
547,423 Mã lực
Chiến tranh luôn là đề tài “nóng bỏng” cho tất cả các loại hình nghệ thuật, cơ mà ở ta thì có nhẽ chưa có những tác phẩm thực xứng tầm.

Chu Lai có cuốn sách đầu tay Nắng đồng bằng khá là cuốn hút, dưng sau iem thấy cứ tụt dần, cảm xúc của nhà văn cứ vá víu rời rạc thề nèo. Chu Lai là lính, mặc dù (bỗng nhiên) chuyển từ đoàn kịch sang …đặc công thì iem vẫn thấy hình dư nhà văn chưa hề thật sự ra trận.

Sau có Bảo Ninh nổi lên với cuốn thân phận của tình yêu, đọc cũng không thú cho dù sau nầy cuốn sách nổi tiếng hơn với cái tên Nỗi buồn chiến tranh. Tác giả đi oánh trận, nhưng nhân vật của ông thì lại chiếm số quá ít và với iem thì cả hai cái tên sách đều rất chi là " huề vốn" và đều không đúng với nội dung. Cựu đại tá nhà văn Nguyên Ngọc cực lực ca ngợi cuốn sách của Bảo Ninh, ông bẩu “ "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới". Nguyên Ngọc lúc ấy đang chuyển hướng và theo iem thì nhà văn đã quá nhời.

Nguyên Ngọc là một lính chiến, đã nhiều lần ở ranh giới sống còn và từng giáp mặt với kẻ thù theo rất nhiều cách. Ông nhiều phen thoát chết, nhiều lần trong số đó là nhờ đồng đội, đồng chí, nhờ những bà già làm mọi cách để đánh lạc hướng quân thù hay nhờ những cô gái phải chịu cho giặc sàm sỡ để chúng quên đi nhiệm vuj chính là truy tìm những người lính Việt cộng. Những trang hồi ký, chả biết được viết từ lúc nào, bỗng gần đây được cụ Nguyên Ngọc đưa lên mạng. Những đoạn văn ngắn với những tình tiết dồn dập làm iem dư bỗng nhiên thấy ngột ngạt dư đương hít không khí thời bom sa đạn lạc.

Iem xin phép cụ Nguyên Ngọc trích một chương, nhân ngày 2.9.

không Cuối tháng 4-1965 tôi rời Bình Định, trở về quân khu lúc này vẫn đóng ở vùng núi Nam Quảng Nam. Vùng giải phóng đã mở rộng thênh thang, địch cụm lại ở các thành phố, thị xã và từng đoạn trên quốc lộ 1. Nông thôn đã về ta. Đường giao liên không phải leo mãi Trường Sơn cao tít nữa, nay men dọc theo triền đồng bằng ven núi, xơ xác nhưng vẫn vui.

Nhưng lạ thế, tôi đi, không vui. Ray rứt một nỗi nhớ và lo mơ hồ. Nhớ Tâm không nhiều, thật vậy. Tôi vẫn coi Tâm là cô em gái nhỏ rất thân thương, thương nhất, và biết rõ dầu về sau thế nào đi nữa anh em vẫn sẽ thương nhớ nhau suốt đời. Chỉ hơi ngại cho Tâm. Tôi biết tính Tâm, rất hăng, rất “bôn”, xông xáo và tự trọng cao, những kiểu người như vậy mới chân ướt chân ráo vào chiến trường thường rất dễ hy sinh. Ở chiến trường, phải dũng cảm nhưng phải biết khôn nữa. Tâm thừa dũng cảm, nhưng biết khôn thì chưa nhiều… Nhưng rồi chiến trận sẽ dạy cho tất cả, tôi nghĩ…

Nhớ day dứt là nhớ Phước Lý. Nhớ cô gái biển hồn nhiên và đằm thắm, kín đáo và táo bạo “của tôi” ở đấy. Nhớ chị Ngũ, chị Công, nhớ Trác, Dạt, Tùng, Ngãi… một nhúm du kích Phước Lý của tôi. Nhớ các mẹ, các chị, các cụ, các cháu, toàn một loại dân biển thật thà nhưng táo tợn, ăn sóng nói gió, liều lĩnh và nghĩa tình… Nhớ da diết, dữ dội, cho đến nỗi nhiều lúc đã muốn vứt bỏ tất cả, mặc điện quân khu gọi, cứ liều quay trở lại Phước Lý. Nhớ ghê gớm và đau đớn đến vậy, bởi vì tôi biết, biết một cách vô lý nhưng chắc chắn rồi có lúc tôi sẽ… quên họ, tất cả họ. Bởi vì họ là vô số, vô danh, là tất cả nhưng đồng thời chẳng là gì cả trong cuộc chiến, cuộc đời ồ ạt, nháo nhào này. Họ chỉ là nhân dân. Mà nhân dân thì bao giờ, thời nào cũng sẽ bị bỏ quên, một khi “sự nghiệp anh hùng” đã xong, đã đi qua. Chính tôi cũng sẽ quên. Nhớ đau đớn đến như là một ân hận, một thú tội trước vậy…

Tôi đi lang thang, chần chừ suốt dọc đường giao liên từ Bình Định về Quảng Nam, lẽo đẽo mang cái nỗi buồn nhớ lẩn quẩn vẩn vơ ấy.

Lại nữa, ngày ấy, đầu 1965, thế cách mạng mở ra như chẻ tre, toàn thắng “chiến tranh đặc biệt” gần như đã chắc chắn, có thể sờ mó được bằng tay. Người ta đổ ra tham gia ồ ạt, hồ hởi, đủ loại, người nào mặt mày cũng hớn hở. Tôi thì, thú thật, tôi “thích” những ngày gay cấn, khó khăn, khắc nghiệt hơn. Những ngày đó, đen trắng rõ ràng, nhìn mặt, đánh hơi biết rõ ngay tâm địa từng anh, ai thật ai giả, ai đứng vững, ai sắp gục ngã. Cái tốt sáng trưng, cái giả lồ lộ… Còn như lúc này, tôi chăm chú hàng trăm, hàng ngàn người vui vẻ, ồn ào đi cùng tôi đây trên đường giao liên, lẩn thẩn cố đoán ra, nay mai ác liệt lại, ác liệt hơn, theo kiểu nào chưa biết nhưng chắc chắn, trong số họ ai là người còn tiếp tục trụ được, ai ngay từ bây giờ đã mang trong mình mầm của cơ hội, của giả trá, thậm chí của đầu hàng? Ngay cả trong cơ quan tôi, trong bạn bè, người thân tôi nữa? Ai?

Tôi đi buồn, hơi lạc lõng giữa đoàn người đông nghịt, im lặng trầm ngâm một mình…

Không hề ngờ một sự kiện lịch sử đang chờ phía trước, rất gần.

Tối 6 tháng 5-1965 về đến trạm Tứ Mỹ, chính cái thôn Tứ Mỹ đầu tiên được giải phóng mấy năm trước ấy. Phan Tứ không còn lót ổ ở đấy nữa, anh đã ra Bắc chữa gai cột sống.

Tối vừa đến trạm Tứ Mỹ, mệt, treo võng, chỉ phủi chân, ngủ vùi ngay.

Mờ sáng hôm sau, bị đánh thức vì tiếng bom và tiếng pháo nổ xối xả. “Pháo hạm”, tôi nhận ra ngay, pháo lớn loại trên 200 ly từ các hạm tàu ngoài biển bắn vào. Máy bay rợp trời. Chưa bao giờ tôi thấy máy bay nhiều đến thế. Ba bốn chục cái phản lực. Vài trăm trực thăng, loại “cá lẹp” bắn rốc-két hàng tràng, loại “sâu róm”, loại “quả chuối”… chở mỗi chiếc đúng một trung đội súng ống đầy đủ. Lại nghe cả tiếng xe tăng, khá rõ, âm âm rất sâu trong lòng đất từ phía biển dội lại…

– Chuyện gì thế này?

Tôi chỉ kịp nghĩ: một cuộc càn rất lớn.

Cuốn võng, xốc ba-lô, vội đi thẳng về quân khu nghe nói đóng ở “suối văn công”, cách Tứ Mỹ nửa ngày đường.

Vừa về đến nơi, có lệnh anh Chu Huy Mân gọi sang, tất cả các trưởng phó phòng ban. (Tư lệnh Chu Huy Mân rất lạ, anh đặt ra ở Cục Chính trị quân khu một cái gọi là Ban Văn học, không hề có trong biên chế chính thức của quân đội. Tôi được cử làm trưởng ban. Nguyễn Chí Trung vẫn là bí thư chi bộ.)

Anh Chu Huy Mân nói rất chậm rãi:

– Sáng nay, mồng 7 tháng 5-1965, sư đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên quân viễn chinh Mỹ đã đổ bộ vào Kỳ Liên, Nam Tam Kỳ. (Lúc này chưa có tên Chu Lai, tôi có đọc một bài trên báo Sao và vạch của quân đội Mỹ viết rằng chính họ cũng không biết tên Chu Lai do ai đặt ra. Có đủ thứ thuyết.)

À, ra thế. Cái cảnh tôi tình cờ được chứng kiến sáng nay là vậy: cảnh mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam, bước ngoặt lớn nhất của chiến tranh Việt Nam, nước Mỹ chính thức đánh nhau với Việt Nam. Cũng lạ, điều ấy không khiến ai trong chúng tôi ngạc nhiên, bất ngờ. Mỹ thì Mỹ, biết tay nhau phen này.

Cuộc họp của tư lệnh Chu Huy Mân không kéo dài, hẳn anh đã tính toán khả năng này không chỉ mới hôm nay. Bàn bạc qua lại một chút, rồi anh kết luận, ra lệnh ba việc rõ ràng: Một, nhanh chóng tổ chức lực lượng du kích bao vây quân Mỹ vừa đổ ở Kỳ Liên lại. (Thực ra lúc ấy hầu hết chúng tôi không ai biết Kỳ Liên chính xác là chỗ nào, phải mở bản đồ ra tìm mãi: một xóm nhỏ không tên tuổi toàn cát trắng và phi lao, nằm gần quốc lộ 1, sát ranh giới Quảng Nam và Quảng Ngãi, gần chỗ gọi là Dốc Sỏi.) Cái gọi là “tổ chức du kích vây ngay quân Mỹ lại” chỉ mấy tháng sau đã trở thành “Vành đai diệt Mỹ” nổi tiếng và lan ra khắp nơi.

Hai, lệnh: Tham mưu, chính trị, hậu cần quân khu nhanh chóng xuống Quảng Nam, tìm chọn một đại đội bộ đội địa phương, tập trung chuẩn bị đánh một trận tiêu diệt gọn cho kỳ được một đại đội Mỹ. Nhắc đi nhắc lại: một đại đội bộ đội địa phương, tuyệt đối không dùng đến quân chủ lực. Chứng minh một đại đội bộ đội địa phương ta đủ khả năng tiêu diệt một đại đội quân chính quy Mỹ.

Và lệnh thứ ba, rất bất ngờ: chuẩn bị đến tháng 12 năm nay tổ chức Đại hội Dũng sĩ diệt Mỹ toàn quân khu.

Thôi, giải tán! Anh tuyên bố. Tôi vừa bước ra được mấy bước, nghe tiếng anh gọi: Ngọc, ở lại với mình một chút. Tôi quay lại. Ngồi xuống đi, anh bảo. Có việc này mình muốn nói riêng với cậu. Tình hình bây giờ, cậu biết rồi đấy. Số phận dân tộc treo đầu sợi tóc. Cậu có thể viết cho mình một Hịch tướng sĩ của thời đánh Mỹ không? Cần lắm lúc này.

Tôi đứng dậy: Báo cáo anh, được, tôi làm được.

Xin nói thêm một chút về tướng Chu Huy Mân. Đó là một vị tướng hơi khác thường. Anh vào thay tướng Nguyễn Đôn năm 1964. Tướng Đôn chuyển sang Lào. Việc đầu tiên tướng Mân làm là ra lệnh “Hạ sơn!”, không lẩn quẩn bám dựa mãi trên núi cao nữa, kiên quyết đưa bộ đội chủ lực xuống đồng bằng mà đánh, đánh giữa ban ngày, tất nhiên phải tập dần từng bước, từ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, rồi trung đoàn, sư đoàn. Đấy cũng là lúc Mỹ bắt đầu triển khai chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận, rất ác liệt. Đánh giữa đồng bằng trống trải tất phải đào công sự, thiếu xẻng, anh ra lệnh mỗi người lính chặt một khúc gỗ, vót nhọn, đào công sự thay xẻng. Vào chiến trường tướng Mân mang theo cả một tủ sách toàn tác phẩm kinh điển, từ Tolstoï, Dostoïevski cho đến Pouchkin, Lermontov… Có hôm anh goi điện, rủ tôi sang ăn cơm, “Bà xã mình mới gửi cho một hũ mắm tôm, sẵn rau rừng, ngon tuyệt!…”. Tôi luôn gọi anh bằng anh, vì thật sự rất thân.

Bây giờ anh giao nhiệm vụ cho tôi: một Hịch tướng sĩ của thời hiện đại.

Đêm ấy tôi về ngồi viết tùy bút Đường chúng ta đi. Không dầu đèn gì cả, chuẩn bị một lô cây trúc khô chẻ sẵn làm đôi, đốt lên và đặt hơi chúc nghiêng để giữ cháy liên tục, hết cây này nối cây khác. Viết một mạch. Đến sáng thì xong.

Vừa lúc máy in từ Hà Nội gửi cho Khu 5 vào đến nơi. Chuyện này cũng khá nhiêu khê và buồn cười. Từ khi tôi vào và gặp tướng Nguyễn Đôn hồi 1962, Khu 5 đã điện Hà Nội xin máy in. Đáng lẽ gửi cho chúng tôi một máy Minerve loại máy đứng, đạp bằng chân, nhỏ, tương đối gọn nhẹ, dễ sử dụng, di chuyển, cũng in được một trang khổ báo Nhân Đân, Hà Nội lại theo phương châm ưu tiên tất cả cho chiến trường, gửi cho chúng tôi một cái máy nằm hiện đại hiệu Osaka của Nhật, to bằng ba bốn cái mặt bàn bình thường, vốn phải chạy điện. Cái khối sắt to đùng ấy khiêng từ Hà Nội, mất ba năm, thì vào tới trạm đầu mối, tức là ranh giới đầu tiên của Khu 5. Được tin chúng tôi mừng quá, lập tức cử Thu Bồn là tay trẻ khỏe. tháo vát nhất, dẫn theo một đại đội công binh phá đá chặt cây mở đường ra đón, hì hục hơn tháng mới đưa được vào vị trí đã chuẩn bị. Nguyễn Chí Trung bàn với tôi ta ra ngay tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Khu 5 số 1. Đường chúng ta đi của tôi đăng số ấy. Cách chúng tôi làm báo lúc bấy giờ: cặm cụi ngồi viết, duyệt, xúm nhau lại cùng làm mise (dàn trang), rồi tự mình cầm bản thảo chạy đi nhà in thường cách một ngày đường để khỏi chết chùm vì bom, lao vào sắp chữ cùng anh em, đọc dò morasse, rồi cùng anh em hì hục quay máy vì làm gì có điện. Nguyên tắc bấy giờ là hạn chế tối đa những vị trí phát nhiệt bất thường, bọn Mỹ thậm chí chơi trò thả những chiếc đài ngửi hơi nước đái dọc các đường hành quân của ta, chỗ nào lính Việt Cộng tập trung đái nhiều là lộ, liền bị ăn bom.

Chúng tôi thậm chí còn tham gia đi phát hành đưa tạp chí đến từng đơn vị…

Ra xong tạp chí số 1 rồi, đang đà, phải làm tiếp số 2 chứ. Nguyễn Chí Trung bảo lần trước cậu viết tùy bút rồi, lần này phải làm truyện ngắn. Cậu vừa đi Bình Định về, làm tiếp một truyện ngắn về đồng bằng cho ngon… Tôi ngồi mấy đêm, thử viết về Bình Định, chẳng ăn thua, chữ nghĩa cứ nằm bẹp ra giấy, đành bỏ. Trở lại với miền núi thôi. Trước đó tôi có đi một chuyến xuống Quảng Nam, lúc trở về đáng lẽ lên ngõ Trà Mi, nhưng gặp một trận càn cản đường, phải ra tận miền núi phía Bắc tìm lối vòng về. Mấy ngày thì hết gao, tạt vào một làng người Cơ Tu xin ăn. Sau này mới biết làng đó tên là Nóc Ông Tía. Làm quen với một anh tên là Đề, lân la hỏi chuyện biết hồi 1959 anh từng đứng đầu một nhóm thanh niên nổi dậy dùng giáo mác tiêu diệt một tiểu đội quân Sài Gòn vào khủng bố dân làng. Đấy là cuộc khởi nghĩa đầu tiên ở miền núi Quảng Nam và miền Trung, trước cả Trà Bồng. Hay dựng một truyện ngắn lấy vụ này làm cốt nhỉ, tôi nghĩ. Tôi chắc những người cầm bút đều biết rằng viết trước hết không phải chỉ cần có một ý tưởng, nhất là một ý tưởng chính trị dù to tát hay ho đến đâu. Mà là phải làm cho kỳ được cái trò ma thuật này: bằng các con chữ là cái thứ vốn nằm bẹp nối tiếp một cách tuyến tính trên mặt phẳng của trang giấy chỉ có hai chiều, bỗng đứng dậy sống động và rộn rã, không còn là đồ vật nữa mà là sinh vật, trên trang giấy cũng bỗng hóa thành không gian ba chiều (hay như vật lý hiện đại ngày nay cho biết, có thể còn nhiều chiều hơn nữa bị cuộn lại đâu đó), nghĩa là đã trở thành một thế giới, có bầu khí quyển, có gió có nắng có mưa, có hệ thực vật và động vật, có một nhân loại, một hệ sống với thậm chí cả hệ đạo đức của riêng nó, vừa có thực vừa hoàn toàn chưa hề có, và quan trọng hơn nhiều, hoàn toàn độc lập với chính anh. Nó dắt dẫn anh đi, và anh, người cầm bút chỉ có việc, chỉ có thể đi theo nó, cho đến cùng…

Những ngày ấy, quân viễn chinh Mỹ đổ vào, bỗng nhớ Nguyễn Thi quá chừng, Thi đang sống thế nào, đang làm gì trong ấy… Cánh rừng Tây Thừa Thiên là chỗ Thi và tôi dừng lại một ngày treo võng năm tâm sự cùng nhau trước khi chia tay, có thể là lần cuối cùng, Thi sẽ tạt qua phía Tây mượn một đoạn đường trên đất Campuchia rồi vòng về Tây Ninh, Nam Bộ, tôi sẽ vượt qua quốc lộ 14, tạt về Kontum rồi xuống Quân khu 5. Hai anh em dặn nhau ba điều: một, tình hình này, về trong ấy nhất thiết không tự xưng là nhà văn, làm tất cả những gì cuộc chiến đang cần không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, chỉ trở lại cầm bút khi việc cầm bút thực sự cần thiết hơn cầm súng; hai, chỉ trở ra Hà Nội bằng đường số 1, quyết không thèm leo Trường Sơn nữa, nghĩa là toàn thắng mới trở ra; và ba, chết hết cả hai thì thôi, còn một đứa thì đi tìm gia đình cho đứa kia. Thi nói riêng với tôi, anh còn một đứa con gái sinh ở Sài Gòn mà anh chưa hề biết mặt, nó tên là Trang Thu, nếu sau chiến tranh Thi không còn, “thì Ngọc cố đi tìm nó cho mình”… Nơi chúng tôi nói với nhau những lời hóa ra là cuối cùng đó là một rừng xà nu. Xà nu là loại thông ba lá chỉ mọc ở độ cao trên 1500 mét, vạm vỡ và hùng vĩ. Xà nu là tiếng Xơ Đăng… Tôi bỗng hiểu nếu tôi tả được một rừng xà nu thật xà nu, đến mức có thể sờ mó được trên mặt giấy lớp vỏ nhám sì sần sùi của nó, có thể chạm nhẹ ngón tay vào những giọt nhựa ứa ra từ thân cây, thoạt đầu trong veo như những hạt ngọc long lanh, rồi mỗi lúc một đầy và to lên, trở màu vàng óng, thơm một vị thơm thanh nhã có chút ngọt, một phần biến thành bụi vàng bay lả tả trong những luồng nắng chiếu từ trên cao rọi thẳng xuống cũng bỗng vàng óng lên vị bụi nhựa xà nu. Phấn thông vàng của Xuân Diệu chính là đây. Riêng từ những vết thương do người chặt hay bị trúng mảnh pháo thì nhựa ứa ra rất nhọc nhằn, vón lại thành từng cục máu lớn, lâu lắm mới lành…

Tả được một rừng xà nu thật xà nu rồi thì bỗng nhiên bao nhiêu các thứ khác ùa đến, không còn là kỷ niệm nữa mà sống động và chủ động khác thường, anh Đề của Nóc Ông Tía, cụ Mết của làng Xốp Dùi tôi từng biết từ hồi kháng chiến chống Pháp (bấy giờ Tây Nguyên có hai nhân vật đặc sắc, ông Núp người Ba Na ở làng S’tor tỉnh Gia Lai và ông Mết người Xơ Đăng ở làng Xốp Dùi tỉnh Kontum, đều định phong Anh hùng, nhưng rồi đang thời Khu 5 bắt đầu giảm tô và thí điểm cải cách ruộng đất, có ý kiến ông Mết là già làng, tầng lớp trên, gần như địa chủ hay phú nông ở miền núi, nên thôi!). Chị Dít là một cán bộ phụ nữ Dẻ Triêng tôi từng gặp trong một hội nghị nào đó. Tất nhiên tôi cần thêm một cô chị gái của Dít, bịa ra một cô Mai không khó gì, cả một cậu bé Heng của thế hệ nối tiếp nữa, và những bà cụ già lụm cụm bò xuống thang nhà sàn… tôi từng gặp, thân thiết suốt mấy mươi năm Tây Nguyên, chỉ cần nhắm mắt lại là nhìn thấy họ, nghe họ ăn nói và đi lại. Họ đến, tự chọn vai, tự nhận lấy số phận riêng và ràng buộc các số phận lại với nhau, tự tạo ra và dắt dẫn câu truyện, đến từng chi tiết hành vi, tính cách… mặc xác ý đồ tác giả. Chỉ có một điều: cái tên nhân vật Đề có thật ở Nóc Ông Tía rất không ổn. Nó Kinh quá. Tôi có biết một chút tiếng Xơ Đăng, tôi gọi anh là Tơ Nú, trong tiếng Xơ Đăng có nghĩa là dũng sĩ. Gọi tên Tơ Nú tức thì hiện ra một chàng trai trẻ Xơ Đăng cường tráng, không thể khác. Cũng may, tôi đã không thô bạo can thiệp gì vào hành động và số phận của họ, dù họ vốn có nguyên mẫu thật ngoài đời hay mới được bịa thêm. Hành động của họ nhiều khi khiến tôi bất ngờ. Tôi biết nhựa xà nu cháy rất đượm và lỡ bết vào tay thì rất khó gỡ ra, vậy là chi tiết Tơ Nú bị đốt mười đốt ngón tay bằng nhựa xà nu tự nó đến, và việc Tơ Nú khi đã dồn được thằng Dục vào đáy hầm rồi, không dùng súng cũng không rút dao găm mà chỉ nhất thiết bóp cổ nó cho đến chết bằng mười ngón tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt cũng là tất yếu của truyện, tôi có muốn khác cũng chịu (ở chỗ này tôi có nhầm: Tơ Nú bị đốt cả mười đầu ngón tay thì hai ngón cái chỉ còn một đốt thôi chứ, không thấy người đọc nào nhắc nhở, chắc họ rộng lòng tha cho tôi)… Rừng xà nu được in ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Khu 5 số 2.

Những ngày quân viễn chinh Mỹ mới đổ vào, ở bãi Xuân Thiều, Đà Nẵng ngày 8-3-1965, ở Chu Lai ngày 7-5-1965, tình hình thực tế trên chiến trường chưa có gì thay đổi rõ rệt. Đúng ra là một tình trạng xen kẽ giữa chiến tranh đặc biệt đã hấp hối nhưng còn chưa chết hẳn và chiến tranh cục bộ chớm bắt đầu. Ngày 26-5-1965 đại đội 2 của tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương Quảng Nam đã đánh trận Núi Thành, tiêu diệt một đại đội Mỹ trên vành đai bao quanh căn cứ Chu Lai. Nhưng đến ngày 29-5 trung đoàn 1 của anh Lê Hữu Trữ còn đánh trận Ba Gia tiêu diệt một chiến đoàn quân Sài Gòn do tướng Nguyễn Chánh Thi chỉ huy. Vùng giải phóng ở đồng bằng Khu 5 vẫn còn khá rộng rãi và tự do. Sau chuyến Bình Định, tôi tranh thủ một chuyến xuống Quảng Nam.

Và lại có chuyện về Thu Bồn, chuyện khá dông dài, xin kể dần. Khởi đầu từ hồi 9 năm chiến tranh chống Pháp kia. Suốt 9 năm ấy, Quảng Nam giữ được một nửa tỉnh phía Nam là vùng tự do, có chính quyền của ta đàng hoàng. Ủy ban hành chính – kháng chiến Quảng Nam thường đóng ở vùng bán sơn địa hai huyện Quế Sơn, Tiên Phước. Thu Bồn có một người anh trai là cán bộ ủy ban ấy, và Thu Bồn bấy giờ khoảng 15-16 đi theo anh. Lại có một anh cán bộ khác của ủy ban có cô em gái đi theo, tên là Thu, nhỏ hơn Thu Bồn khoảng vài tuổi. Dễ hiểu thôi, trên núi quanh đi quẩn lại có ai nữa đâu: hai cô cậu yêu nhau. Trong quân đội ta có một lớp lính gọi là “lính Genève”, họ vào bộ đội đúng lúc hiệp định Genève vừa ký, chưa đánh nhau ngày nào thì đi tập kết. Thu Bồn thuộc lớp lính ấy. Anh đi tập kết, Thu ở lại. Tôi đi xuống Quảng Nam, Thu Bồn đưa cho một tấm ảnh Thu, nhờ tìm hỏi xem giờ cô ấy ở đâu. Yêu cầu rất lạ lùng, tấm ảnh nhỏ bằng đầu ngón tay cái, chụp từ thời còn lận đận đánh Tây, tôi gói kỹ trong ni lông, giữ bo bo trên túi áo ngực, đi giữa một vùng chiến tranh, gặp ai cũng đưa ra hỏi: Có biết cô này không… Vậy mà sự đời chuyện gì cũng có thể xảy ra: gặp anh Mẫn, trưởng ban Tuyên huấn Quảng Nam, thường gọi là Mẫn Lồi, anh có cặp mắt hơi lồi, đưa ảnh, anh cầm, nghiêng đầu ngắm qua ngắm lại một hồi, rồi… “Con ni… con ni… là con Thu chớ ai nữa, con bà Cọng ở ngoài Điện Tiến, Điện Bàn, nhà bà Cọng là cơ sở quen thuộc mà, bây giờ con Thu ở trong Sài Gòn, cán bộ hợp pháp của đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn…”. Tôi về báo lại Thu Bồn, anh viết thư cho Thu, nhờ cơ sở gửi qua bà Cọng, chuyển vào Sài Gòn. Ngày ấy, người ta xử sự với nhau rất tình nghĩa. Ít lâu sau chúng tôi nhận được điện của đặc khu ủy Sài Gòn đề nghị nếu Khu 5 đồng ý, trong ấy sẽ bố trí cho chị Thu ra đoàn tụ với “chồng chưa cưới”. Thu bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, đi xe đò từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ, rồi lần tìm lên đến chỗ chúng tôi, bấy giờ đóng trên đầu một ngọn thác gọi là Thác Nước Trắng, thuộc Trà Mi. Thu đến trạm B, là trạm đón tiếp của quân khu, trạm báo vào, Thu Bồn ra đón, đưa về khu A. Quá vui. Chúng tôi cho người xuống đồng bằng, mua hơn chục gà vịt và đủ các thứ, chuẩn bị làm đám cưới cho hai cô cậu… Thì đúng đêm 2 tháng 8-1965. Cơ quan bộ tư lệnh quân khu bị một trận B32 như trời giáng, trận B52 đầu tiên ở Khu 5. Chúng tôi ăn ở còn quá sơ hở, đêm thắp cả măng-sông, lộ là phải. Chúng bắt đầu thả từ 1 giờ sáng, 11 tốp, mỗi tốp 3 chiếc, vị chi tất cả là 33 chiếc, mỗi chiếc vài trăm trái bom đủ loại. Chúng tôi đã biết là B52 đâu, từng loạt bom trút xuống rào rào, ngồi dưới hầm cứ tưởng là tiếng máy bay phản lực lao xuống. Toàn bộ khu vực cơ quan bộ tư lệnh đều trúng bom. Vậy mà, rất kỳ lạ, chẳng chết ai cả, chỉ có một cậu thông tin điện đài xuống hầm không dứt khoát, bị mảnh bom phạt mất một miếng mông. Lúc đã im, chúng tôi ngoi lên, thấy cứ giữa hai chiếc hầm có đúng một quả bom, không quả nào trúng ngay hầm, kỳ thế… Sau bom, vẫn còn là đêm, không khí bỗng lạnh tanh đáng sợ. Anh Đặng Vũ Hiệp, chủ nhiệm chính trị quân khu, gọi các trưởng phòng ban hội ý, xem nên xử trí thế nào lúc này đây, rút ra hay cứ trụ lại? Trụ lại, nếu trận bom vừa rồi là chúng dọn bãi, sáng mai sẽ đổ quân, cơ quan toàn lính cùi chỏ, đánh đá thế nào? Còn rút ra bây giờ, nhỡ chúng quay lại ném bom tiếp, mình đã thoát ly công sự, thương vong sẽ rất lớn. Bàn qua tính lại, chưa dứt khoát, cuối cùng anh Đặng Vũ Hiệp đứng dậy: Thôi, tao đánh bạc: Rút ra!… Không dễ chút nào, chúng tôi men theo bờ thác lần xuống. Cây rừng đổ ngổn ngang chặng chịt. Đang vật lộn với đám cây đổ và dây rừng, bỗng nghe tiếng máy bay âm âm. Nằm xuống! Ai đó hô to. Một loạt ánh chớp. Anh Nguyễn Hồ, cán bộ bộ phận thi đua Cục Chính trị hét to: Hô khẩu hiệu đi! May quá, chưa ai kịp hô; sẽ là “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Đảng…”. Chờ mãi, chẳng nghe bom nổ. Thì ra, đúng cách của Mỹ, sau trận oanh tạc, sẽ đến máy bay chụp ảnh hiện trường… Sáu giờ sáng chúng tôi mới ra khỏi rừng. Gì thì gì, tìm một chỗ tương đối kín đáo, ngồi nghỉ đã. Và mở đài Hoa Kỳ. Đài trịnh trọng loan báo: đêm qua pháo đài bay B32 của quân đội Hoa Kỳ đã tiêu diệt hoàn toàn bộ tư lệnh Quân khu 5 của Việt Cộng. À, ra là B52 lừng danh, biết nhau rồi nhé, cũng chẳng ghê gớm lắm… Thiệt hại nặng nhất vụ này là Thu Bồn và Thu, toàn bộ gà vịt và mọi thứ chuẩn bị đám cưới bay sạch. Anh Đặng Vũ Hiệp tuyên bố: Coi như cưới xong rồi, cho hai đứa tha hồ!…

Quân khu có một bệnh viện, gọi là C17, do anh V. là chỗ khá thân với chúng tôi làm giám đốc. Thu có chút tay nghề y tá, chúng tôi bàn, anh V. đồng ý nhận Thu về đấy.

Năm sau, Thu sinh cháu trai đầu tiên, đặt tên là Hùng.

Nói thật, hồi ấy chúng rất sợ cảnh lấy vợ ở chiến trường mà lại phải sống chủ yếu trên rừng. Tôi biết có anh đội trưởng văn công lấy vợ trong hoàn cảnh đó. Suốt thời gian chị ấy có thai, anh lụi hụi đi đốt than tích trữ cả bao tải to tướng. Đến lúc chị nằm nơi, theo đúng tục ở quê ta, trong rừng lại rất rét, anh phải còng lưng thổi từng chậu lửa cho chị hơ, cả mái tóc từ đó về sau quăn tít và vàng sém gội rửa bao nhiêu cũng không đen lại được… Nhưng Thu Bồn là tay rất khỏe, sức vóc cứ như bất tận, lại rất tháo vát, anh vượt qua được hết. Và tôi phải nói điều này: Thu Bồn một khi đã yêu thì yêu đến hết mình, tận tụy đến cùng (… cho đến khi chuyển sang yêu người khác, cũng sẽ lại hết mình, tân tụy, đến cùng như thế…, chuyện này tôi sẽ nói tiếp sau. Anh là người thừa sức cho nhiều tình yêu liên tiếp, cuộc nào cũng chung thủy hết mình…)

Mỹ vào, chúng tôi càng lao xuống chiến trường.

Nguyễn Chí Trung đi Ba Gia. Rồi sau đó bám riết đến thành chuyên gia sâu về mảng mặt trận Quảng Ngãi, đặc biệt vùng Đức Phổ rất ác liệt và phức tạp.

Phan Đình Côn đi Ba Tơ, hy sinh trận đánh đồn Minh Long.

Liên Nam đi hai chuyến về quê hương Phú Yên của anh, chuyến đầu tuy Mỹ đã vào nhưng chưa triển khai hoạt động bao nhiêu, nông thôn còn giải phóng rộn ràng, anh gặp và yêu một cô du kích. Anh trở về quân khu, xin đi tiếp chuyến thứ hai định cưới cô gái đã hẹn, chẳng ngờ tình hình đã khác hẳn, Mỹ mở chiến dịch “Hải Yến” đánh Phú Yên tơi bời, cô du kích hẹn hò của anh đã bỏ chạy theo địch. Liên Nam trở về ốm liệt giường, và… có dấu hiệu muốn tháo lui. Thật tình chúng tôi rất ngại những anh đã có biểu hiện muốn rút lui. Nhỡ … Chúng tôi bố trí cho anh ra Bắc. Tôi viết một lá thư gửi anh Vũ Cao, nhờ giúp Liên Nam chữa bệnh và học hành…

Thu Bồn và tôi đi Quảng Đà.

Cuối 1965, Hà Nội bổ sung thêm cho chúng tôi một loạt anh chị em: Vương Linh, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Mỹ, Khánh Cao, Phương Thảo, Trần Vũ Mai… Chu Cẩm Phong đã vào trước, từ cuối 64. Trừ Vương Linh ở núi giữ nhà, tất cả đều lao xuống Quảng Đà, chiến trường trọng điểm vì bao quanh căn cứ hải lục không quân lớn của Mỹ ở Đà Nẵng. Cả Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc từ Quảng Ngãi cũng dồn ra đây…

Củng cố xong các căn cứ lớn Đà Nẵng, Chu Lai, Mỹ mở rộng hoạt động, ác liệt tăng từng ngày.

Tháng 12-1965, giữ đúng kế hoạch định từ tháng 5, quân khu mở Đại hội dũng sĩ diệt Mỹ. Trong số đại biểu Quảng Đà lên đại hội, có cô Hoa, xã đội phó xã Điện Hòa, nơi tôi từng quen biết hồi chống Pháp. Tôi đề nghị cho tôi theo cô Hoa ra Quảng Đà, ý định sẽ xuống Điện Hòa.

Anh Võ Chí Công dặn:

– Ra Quảng Đà, chỉ được ở tỉnh, không được xuống huyện.

Lại viết cả một lá thư cho anh Hồ Nghinh, bí thư Quảng Đà: Không được cho thằng Ngọc xuống đồng bằng. Có chuyện gì, khu sẽ “bắt đền”!

… Nhưng tôi thuyết phục anh Nghinh:

– Ở quân khu là núi, ở chỗ anh cũng là núi, có khi còn nguy hiểm hơn núi quân khu. Anh không cho tôi xuống đồng bằng, thà trả tôi về quân khu còn hơn.

Anh Nghinh nghe đã hơi xiêu. Nhân có anh Quốc, bí thư Điện Bàn lên tỉnh họp, tôi đề nghị anh Nghinh cho tôi theo anh Quốc xuống Điện Bàn. Anh Quốc cũng vận động hộ tôi. Anh Nghinh bảo:

– Ừ, đi thì đi. Giao cho ông Quốc chịu trách nhiệm đó nghe.

Quốc nói cứng:

– Đảm bảo. Tôi chết thì ông Ngọc mới chết.

(Về sau anh Quốc hy sinh năm 1969.)

Vậy là tôi được xuống Điện Bàn. Cơ quan huyện đóng ngay Gò Nổi, một cái cù lao lớn giữa hai nhánh sông Thu Bồn. Đóng nghênh ngang giữa đồng bằng, cách quốc lộ 1 vài cây số, cách Đà Nẵng chỉ mươi cây đường chim bay.

Quốc giữ rịt tôi ở cạnh anh suốt hai tuần. Hai tuần ấy, tôi khám phá ra được “chỗ yếu” của anh. Số là bấy giờ có chế độ phân công từng huyện ủy viên xuống phụ trách từng mảng vài ba xã. Vừa lúc có một huyện ủy viên hy sinh. Tôi gạ Quốc:

– Để mình ra thay ông ấy cho!

Quốc đang bí. Anh phân vân, nhưng cuối cùng đồng ý: “Tui coi bộ ông cũng đánh nhau được. Nhưng mà cẩn thận nghen, có chuyện gì ông Nghinh lại gõ đầu tui…”

Tôi vượt sông Thu Bồn, băng qua tỉnh lộ 100 tại cây số 6 cách đồn Bình Long không xa, qua xã Điện Thọ, băng một cánh đồng có cái tên rất lạ, “cánh đồng thí thân” (nghe nói ngày xưa có một cuộc huyết chiến của nông dân mấy xã giành đất ở đây). Thì đến bờ sông La Thọ, bên kia sông là Điện Hòa, một xã xung yếu nằm trên “vành đai diệt Mỹ”, cách sân bay Đà Nẵng chỉ 4, 5 cây số đường chim bay. Vừa tới bờ sông, nghe bên kia súng nổ ran. Tôi thấy một đám hơn 10 du kích đang túm tụm bàn tán chuyện gì đó sau một bụi tre. Chen vào, thì gặp Hoa, cô xã đội phó từng quen ở đại hội thi đua quân khu. Hoa reo lên:

– Ô, anh Thành, may quá! (Bấy giờ tôi lấy tên là Thành).

Cô ríu rít giới thiệu với đồng đội, rất oai: “Cán bộ quân khu về”.

Tôi sà luôn vào đám. Ra đó là đám du kích Điện Hòa bị bọn Mỹ đổ lên càn đột ngột, chạy dạt tạm sang bên này sông, đang bàn kế hoạch trở về đánh. Vẫn cái thói việc gì cũng tham gia, tôi hỏi qua tình hình, rồi ngồi bệt luôn xuống đó, dùng que vẽ sơ đồ ngay mặt đất, tính kế hoạch cùng anh em. Trong đám có một anh chàng rất trẻ, người đậm, chắc: Trương Văn Hòa, xã đội trưởng, sau này là anh hùng quân đội.

Hòa hỏi:

– Ý anh Thành răng?

Tôi đề nghị chia hai mũi, một bám chắc đường xe lửa, nơi có địa hình cao khống chế, dùng trung liên bắn rát toàn cánh đồng từ sông Bàu Sấu vào sông La Thọ, không cho bọn Mỹ ào lên, ép nó xuống phía Phái Nhì và Xóm Bùng. Mũi thứ hai vòng xuống phía Đông, bí mật vượt sông La Thọ, bất ngờ đánh thọc hông. Chắc chắn nó sẽ tháo chạy.

Hòa bảo:

– Quân khu có vẻ sáng suốt đấy!

Tôi đi cùng mũi thứ nhất, có cả Hoa.

Hòa dẫn mũi thứ hai.

Trận đánh thành công thật.

Đó là cuộc “nhập tịch” của tôi vào Điện Hòa. Từ đấy tôi được chính thức công nhận là dân Điện Hòa chính cống.

Và tôi ở đấy một năm rưỡi.

Giả là bí thư xã. Nhưng anh bảo:

– Thôi cứ coi như tôi là phó bí thư, anh là chánh bí thư. Ta cùng nhau.

Điện Hòa bị cắt đôi bởi con sông Bàu Sấu, hẹp mà rất sâu. Chúng tôi tạm chia làm hai cánh: tôi phụ trách cánh Bắc sông, có thôn Bích Bắc, giáp với Hòa Vang, đồn Mỹ khoảng đại đội ở Bàu Sấu, và căn cứ trung đoàn Mỹ đóng ở Trảng Nhật, giáp ngoại vi sân bay Đà Nẵng. Giả phụ trách cánh Nam, từ Bàu Sấu tới La Thọ.

Những ngày tháng Điện Hòa, với tôi, là những ngày tháng hạnh phúc.

Địch ê hề ra đó, muốn đánh lúc nào thì đánh. Có lúc trong xã ngang dọc mỗi bề không tới hai cây số vuông, quân Mỹ, quân Sài Gòn, cả quân Nam Hàn, đóng dày tới 11 cái đồn lớn nhỏ. Nhưng dân tốt vô cùng. Trong đồn là địch, ngoài đồn, cách mươi mét, đã là của ta. Địch ra khỏi đồn, bữa nào ta thấy khỏe, vui, tính nước làm ăn được thì tổ chức đánh. Bữa nào chán, mệt, thấy bất lợi, thì chui hầm bí mật, đã có dân bảo vệ. Hay tạt qua Điện Thọ, bên ấy dễ bị ăn pháo, nhưng Mỹ lên khó hơn. Thật lạ, địch hàng ngàn, ta có vài chục du kích. Nhưng quyền chủ động vẫn về mình. Bởi tất cả dân là ta. Tôi có một kinh nghiệm: ở chiến trường, dễ chết nhất là khi đang đi trên đường, chuyển từ xã, huyện này sang xã, huyện khác. Thật tình, những lúc đó tôi rất sợ. Những lúc đó anh có ba cái bất lợi căn bản: quy luật địch, không biết (thì ra mỗi thằng địch ở mỗi đồn đều có những thói quen, những “quy luật” hành động riêng, khác nhau); địa hình, không biết, gặp bí dễ chạy bậy tự đâm đầu vào chỗ chết; và nguy nhất, dân cũng không biết, ai đáng tin cậy, có thể gửi cả tính mạng mình, ai phải tránh xa. Ở xã, trái lại, có thể “bất tử”: anh hiểu tận tim đen tính cách riêng từng đồn giặc; địa hình, anh thuộc hơn lòng bàn tay; và dân là của anh, hơn cả ruột thịt. Mỗi lần đồn địch thay quân, các bà các chị lập tức tìm cách lên đồn, mang quá cáp cây nhà lá vườn lên chào mừng các ông Mỹ mới đến, và về báo cho ta tỉ mỉ coi bộ tính cách tâm địa bọn chỉ huy và lính mới này thế nào.

Tất nhiên, chiến tranh mà lại, cũng hàng trăm phen hút chết.

Tôi có một “gia đình riêng” của mình ở Phái Nhất (ở đây người ta gọi xóm là phái), khi nào hoạt động cánh Bắc mệt quá thì về đó nghỉ ngơi vài ba hôm: gia đình bà Vịnh. Có ông bà Vịnh, chị Liễu, con gái ông bà, hai đời chồng đều là liệt sỹ, con gái chị Liễu tên là Hồng. Sát cạnh đó là nhà anh chị Tới, năm đứa nhỏ, đứa con gái lớn 14 tuổi tên là Lợi, ba đứa trai lút chút và đứa út con gái tên là Ánh. Về sau gia đình anh Tới hy sinh gần hết: anh bị Mỹ bắn chết trên cánh đồng trước nhà khi đang đi gặt; chị bị bắn chết ở bờ sông La Thọ; ba đứa con trai chết vì pháo, một loại pháo Mỹ ác hiểm, chúng tôi gọi là pháo chìm, quả pháo chui sâu xuống đất 3-4 mét mới nổ, chỉ nghe một tiếng “ục” âm sâu trong lòng đất: ba đứa trốn trong hầm, bị trúng một quả pháo chìm, lúc khiêng ra tỉnh khô như không, không xây xát chút nào, nhưng mấy phút sau một đứa ngã ngửa ra chết ngay, đứa thứ hai bỗng vùng chạy một vòng quanh sân rồi gục xuống, máu ộc ra như xối, đứa thứ ba nắm lấy tay mẹ, cắn một cái thật đau, rồi từ từ mở trừng hai mắt trắng dã. Trong suốt đời tôi, bữa đó lần đầu tiên tôi khóc òa. Chỉ còn có Lợi và Ánh. Cho đến nay tôi còn giữ được một lá thư của Lợi viết cho tôi cuối năm 1972, lúc tôi đã về quân khu. Cháu viết: “Bây giờ cháu chỉ còn có con Ánh. Cháu là bí thư thanh niên, có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Cháu định gửi con Ánh lên cho chú. Chú nhận nó làm con nuôi, được không chú? Cả dòng họ cháu nay chỉ còn nó là giọt máu cuối cùng…”

Tôi cuống quít viết thư cho Lợi: “Gửi Ánh lên cho chú ngay đi!”

Nhưng… muộn mất rồi. Quảng Đà bấy giờ bị “cày trắng”. Thư đi mất hơn ba tháng. Lợi không kịp nhận được thư tôi. Cháu hy sinh đầu năm 1973, mấy ngày sau hiệp định Paris. Không còn ai để gửi Ánh lên cho tôi nữa.

Năm 1980 tôi có trở về thăm Điện Hòa. Ở trụ sở gặp một cô gái thư ký ủy ban, dong dỏng cao, mũi thẳng, lông mày mảnh, mi cong vút.

Chuẩn, bí thư xã, hỏi:

– Đố chú Thành biết đứa nào đây?

– …

– Ánh, mi không nhận ra chú Thành à? Cái con!

Ông Vịnh cũng chết vì pháo. Chị Liễu, cũng vì trận pháo ấy, bị mất một chân. Cháu Hồng, con gái chị, nay đã có chồng, có con. Bà Vịnh, trên 70 rồi, vẫn còn khỏe. Mấy mẹ con bán một cái quán tạp hóa đủ trăm thứ linh tinh. Hôm tôi về, hồi 1980 ấy, bà Vịnh chửi:

– Tưởng chừ mi làm to, mi đi mất mặt luôn rồi chớ!

Chị Liễu kể với tôi chị được phát thẻ thương binh, rồi sau đó có một đoàn kiểm tra của tỉnh do cái ông gì đó oai lắm dẫn đầu về, hạch sách một hồi, cuối cùng thu mất thẻ thương binh của chị. Lý do: bị thương trong lúc không có ai giao nhiệm vụ! – quy định bằng văn bản hẳn hoi của Bộ Thương binh Xã hội rất bài bản tận ngoài thủ đô. Hồi đó, khoảng 1970-71, địch chủ trương quét trắng đồng bằng Quảng Đà, đẩy quân ta không còn chỗ dựa, Điện Hòa chỉ còn không tới 20 người dân trụ bám đến cùng, chúng tôi giục bà con hoặc lên núi hoặc chạy lánh tạm vào thành phố, chúng tôi có nhiệm vụ chúng tôi phải ở đây, bà con ở đây thì chết hết… Bà Vịnh chửi: Đừng khinh chúng tao. Tao đi rồi, ai nuôi ai coi hầm bí mật cho bọn bay mà nhiệm với vụ…

Vụ tước thẻ thương binh của chị Liễu, tôi giận quá, viết thư cho anh Hoàng Minh Thắng, chủ tịch tỉnh: “Các anh ăn ở bạc với nhân dân lắm. Các anh quên hết rồi!…”

Anh Thắng không giận.

Lần sau tôi về lại, chị Liễu bảo:

– “Nó” trả thẻ lại cho tau rồi… Mà báu gì cái của ấy, tau không thèm nhận!

Anh Thắng phải nhờ tôi về dỗ hoài mới xong.

… Nhưng đó là chuyện mãi về sau.

Hồi giữa 1967, một hôm đi hoạt động cánh Bắc trở về nhà bà Vịnh, tôi chui luôn vào cái hầm tránh pháo đắp ngay giữa nhà, quên báo cho bà Vịnh và chị Liễu hay, định chỉ chợp mắt một lát, không ngờ ngủ say mê mệt.

Chẳng may bọn Mỹ từ đồn Bàu Sấu kéo lên, sục vào xóm. Chị Liễu chui vào hầm, định dọn dẹp vài cái đồ đạc gì đấy, thấy tôi đang ngủ say. Chị lạnh toát cả người.

Tôi tỉnh dậy, đã nghe tiếng tụi Mỹ xì xồ ngay trước cửa nhà.

Tôi cầm khẩu súng ngắn đã lên đạn trong tay, tay trái là quả lựu đạn đã tháo chốt an toàn.

Phen này, chắc chắn toi mạng rồi. Nhưng vấn đề không phải ở đó. Tôi dại, chết đáng đời! Nhưng chúng sẽ giết cả nhà này, bà Vịnh, chị Liễu, cháu Hồng, sẽ tàn sát cả xóm này đã chứa chấp tôi… Tôi sẽ chết không nhắm mắt được.

Chị Liễu ngồi chắn ngay trước cửa hầm. Tôi hiểu: chị quyết chết thì chết, không cho thằng Mỹ nào mò vào hầm. Bà Vịnh – cái bà già hiền khô ấy mới ghê gớm làm sao –, bà nói đủ thứ xí lô xí là lung tung, pha chè, mời nước, bưng cả ổ trứng gà đang ấp ra cho chúng nó ăn sống… Và cả xóm, chẳng biết theo tín hiệu nào, ào đến, quây lấy bọn Mỹ. Lại cảnh các cô gái sà vào ôm cứng từng đứa, để cho chúng làm đủ trò dơ bẩn…

Suốt hai tiếng đồng hồ.

Tôi, cái thằng tôi vô tích sự, được cứu thoát trận ấy.

Bà Vịnh chửi cho tôi một trận như tát nước…

Thân nhất với tôi ở Điện Hòa tất nhiên là Giả, bí thư xã (tuy anh tự nhận là phó, tôn tôi làm trưởng một cách vô nguyên tắc). Giả yêu tôi thật tình, mê nữa là khác. Chúng tôi hai đứa, một cánh Bắc, một cánh Nam, thế nào hai ba bữa cũng phải gặp nhau một lần, chụm đầu bàn đủ thứ công việc. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là công việc ở xã: trăm nghìn thứ bà rằn. Chính phủ trung ương có mấy chục bộ, mỗi bộ một chuyên ngành, lại mấy trăm vụ, cục, mỗi vụ, cục một chuyên môn, cái nào cũng “quan trọng nhất”, cũng “cấp bách hàng đầu”; xuống tỉnh, mỗi tỉnh có mấy chục ban bệ; xuống huyện, lại hàng chục phòng… Tất cả cái mớ bòng bong ấy dồn lại thành một đống đổ xuống trên đầu anh xã lơ thơ có vài mống: đánh giặc, lo súng ống đạn dược, tổ chức du kích (và hàng chục thứ tổ chức, đoàn thể nam, phụ, lão, ấu khác), thống kê trâu cày, thống kê trâu đẻ, thống kê trâu bị pháo bắn chết, trâu bị thương, nghé còn lành, bị thương và chết, rồi bò, bê, heo, gà, vịt nữa, hồ sơ công điền công thổ, công tác thương binh và liệt sĩ, thủy lợi, xử kiện đủ loại, cưới xin, gả bán, ghen tuông, li dị, kết nạp Đảng, khai trừ Đảng, giống má loại gì, đủ thiếu, đào hầm bí mật và huy động dân công, mua gạo mua thuốc mua vải mua trăm thứ cho cấp trên, dạy tiếng Anh bồi cho các bà các cô đi đấu tranh chính trị với Mỹ, bắt liên lạc nội thành, tuyển biệt động và lính chủ lực cho tỉnh cho khu,… Cuộc đời có cái gì, ở xã có cái ấy, và tất cả đều phải vừa quần nhau với Mỹ vừa làm. Tôi và Giả chia nhau, quần quật suốt ngày đêm.

Vài ba đêm lại hẹn gặp nhau một lần, hội ý hội báo, rồi kéo nhau đi ngủ lấy sức. Chui ngay vào đám gai ô-rô sát hàng rào Mỹ mà ngủ, đấy là nơi an toàn nhất: địch không thể ngờ và đỡ bị pháo thường bắn cầm canh vào các xóm. Tôi để ý bao giờ Giả cũng nằm chắn ngang người về phía cái lô cốt Mỹ đen lù lù trong đêm: anh có ý che đạn cho tôi, nhỡ thằng lính gác ngứa tay bắn bậy.

Có lần tôi bị một trung đội Mỹ vây, định bắt sống ở cánh Bắc, Giả đang ở cánh Nam huy động tất cả du kích ra sát bờ sông Bàu Sấu, có bao nhiêu súng xả sang bắn rát, yểm hộ cho tôi. Rồi anh dẫn một tiểu đội lội bừa qua sông, liều lĩnh xông vào đánh túi bụi, nhờ thế mà tôi chạy thoát.

Trong xã hầu như ngày nào cũng có người chết vì bom đạn. Có một cô nữ du kích, chỉ mới 15-16, tên là Nghệ, ở xóm Phường, con gái nông dân mà đẹp rực rỡ, nhong nhỏng cao, thân hình như người mẫu, giản dị, chất phác mà cứ như mời gọi, nụ cười sáng trưng. Nghệ đi cùng một số chị em lên căn cứ của tỉnh ở Hòn Tàu lĩnh vũ khí, về đến đầu cầu xe lửa Kỳ Lam thì bị Mỹ phục kích bắn chết, không hiểu sao lần này chúng cố bám giữ cả tháng không cho ta lấy xác, đến khi chúng rút thì xác đã phân hủy bấy ra, chị Lan là xã đội phó ra hốt vừa xương vừa thịt dồn lại chỉ còn được hai rổ, khóc ròng suốt đường gánh về…

Còn cái chết của Luyến, xã đội phó nữa. Rất đẹp trai, đã có vợ, một con trai nhỏ, phụ trách một tiểu đội cùng tôi ở cánh Bắc. Chúng tôi họp du kích thường dặn nhau đánh Mỹ phải cố lấy cho được súng của chúng. Luyến hăng quá, một trận cố xông lên cướp kỳ được khẩu AR15 của một tên lính Mỹ, anh bị thương hôn mê. Anh em khiêng về, để ở nhà ông Hoán nguyên là môt địa chủ rất tốt, đặt nằm trên chiếc bàn dài chỗ cả nhà vẫn dọn cơm. Mò tìm khắp người không thấy vết thương ở đâu. Cuối cùng mới tìm ra một lỗ nhỏ hơn đầu ngón tay út lẫn dưới tóc gần đỉnh đầu: một mảnh đạn M79 chui vào não. Đêm đó có anh bác sĩ ở huyện xuống nhưng đi tay không. Phải mổ gắp mảnh đạn ra. Anh bác sĩ đành dùng đục thợ mộc mà đục sọ chan chát, Luyến hôn mê, nhưng chúng tôi vây quanh rợn người. Dùng kéo nhỏ cố gắp mảnh đạn, nhưng não là chất nhầy, cứ động đến mảnh đạn lại chạy chỗ khác, không sao gắp được. Những ngày sau đó không ngày nào không đánh nhau, không thể để Mỹ bắt sống Luyến, vừa đánh vừa phân một tiểu đội khiêng Luyến chạy. Bàn hay là đưa lên căn cứ trên núi có bệnh viện tỉnh, nhưng gia đình nhất định không nghe. “Lên trên đó núi rừng, về sau mồ mả biết đâu mà tìm…”.

Một đêm tháng chạp, lạnh, chúng tôi ngại chui bụi gai ô-rô hoài, tôi cùng Giả từ cánh Bắc về, rủ nhau vào ngủ nhờ nhà bà Chánh ở xóm Đồng, cạnh sông Bàu Sấu. Trời rét, ngủ như chết. Bỗng bà Chánh đập chân, gọi:

– Dậy, dậy. Địch lên!

Tôi choàng dậy, vừa hửng sáng, ra đứng bờ chè tàu trước sân quan sát. Còn mờ sương. Nhận ra một hàng lính từ phía quốc lộ 1 kéo lên. Chúng tôi đã có kinh nghiệm: bọn lính Sài Gòn thường đi đội hình rất dày, dồn cục lộn xộn. Ngại nhất đám này càn, sục hầm bí mật rất ác. Bọn này đây đi thưa, cự ly rất đều, lại cao lớn, vậy chắc chắn là Mỹ. Mỹ thì không lo, chúng ồ ạt nhưng lớ ngớ.

Tôi hỏi Giả:

– Ta tránh qua sông sang Bích Bắc hay chui hầm bí mật?

– Trời này lội sông ớn lắm. Thôi, chui hầm đi.

May quá chúng tôi đã không qua sông. Sau mới biết, song song với cánh bên này chúng còn lên một cánh bên kia sông đón lõng chúng tôi bơi sang,

Chúng tôi chui một cái hầm bí mật đào sát bờ sông, ngay chỗ có dựng cái xe nước kéo bằng trâu, lợi dụng những tấm vỉ tre đan rất dày chắn bờ xe nước để giấu miệng hầm. Dỡ một miếng vỉ tre ra, chui vào, kéo đậy lại thật khéo, thế là xong.

Chẳng ngờ có một điều chúng tôi không tính hết: bờ xe nước thường đặt chỗ có địa hình cao ven sông, lại có một vành đất đắp cao quanh chỗ dành cho trâu kéo. Trong một trận đánh thông thường, bất cứ anh chỉ huy nào cũng sẽ chọn vị trí khá lợi hại này để bố trí hỏa lực, khống chế trận địa. Hai anh em vừa chui hầm thì một tiểu đội Mỹ kéo tới ngồi ngay trên đầu, khẩu đại liên cực nhanh của chúng đặt cách chỏm đầu chúng tôi chỉ vài tấc đất. Ghé mắt nhìn qua tấm vỉ tre, thấy rõ bụng từng thằng Mỹ cởi trần đỏ au. Chỉ cần một thằng trong bọn ngứa chân đạp mạnh vào miếng vỉ tre là chúng tôi phơi mặt ra, chạy đằng trời!…

Hai chúng tôi ngồi dưới đít Mỹ như vậy suốt một ngày ròng rã. Căng thẳng quên cả đói và buồn ngủ. Thỉnh thoảng lại nghe động rột rột, tưởng chúng mò xuống, sau mới biết bọn Mỹ thấy cái xe nước lạ, bên chúng làm gì có, chúng xúm lại quay thử chơi, nước đổ rào rào…

Tôi với Giả, hai đứa hai khẩu tiểu liên đã lên đạn, lựu đạn mở chốt an toàn cầm tay. Tôi rất ghét và ngại chui hầm bí mật. Đánh nhau, chui hầm bí mật là tự nhốt chặt mình vào thế bị động. Nhỡ lộ, chỉ còn một trong hai cách: hoặc bất ngờ đạp nắp hầm, tung nhanh lên một quả lựu đạn, nhảy phóc lên, quét bừa một loạt tiểu liên, nếu có, lợi dụng lúc chúng chưa kịp định thần, đạp ào qua đầu chúng mà chạy. Tuyệt đối không được chạy ngược lại. Cầm chắc 8-9 phần cái chết, nhưng dẫu sao cũng còn 1-2 phần may thoát, sống… Cách thứ hai: giơ hai tay lên, đầu hàng!

Thú thật chúng tôi đều sợ bị bắt hơn sợ chết. Chết là hết. Bị bắt thì… còn dài: tù tội, tra tấn, sỉ nhục…, và dẫu còn sống sau này trở về, bao nhiêu tra vấn, nghi kị, hạch sách của đồng đội, đồng chí, của tổ chức, của ánh mắt bà con nữa…

Tôi thì thào với Giả:

– Vậy nghe. Thề đi.

“Vậy” tức là quyết phương án một.

Giả nói:

– Thề!

Tôi để ý mấy lần Giả ẩy tôi về phía sau, chen lên trước, sát miệng hầm: anh ấy quyết định lộ sẽ nhảy lên trước, liều chết, cho tôi chạy, may ra còn thoát.

Suốt một ngày. Dài lê thê và căng thẳng đến mức khoảng nửa buổi chiều, không cưỡng nổi, tôi gục ngủ mê mệt. Giả cứ phải véo vào đùi, sợ tôi ngủ say, ngáy to thì nguy. Ở hầm rất dễ ngủ quên…

Tối, Mỹ rút. Chúng tôi thoát. Đêm ấy trở về Phái Nhất, bà Vịnh chửi Giả:

– Bữa ni mà ông Thành chết, thì mi đừng hòng ló mặt về đây với tau.

Giả nói, bình thản:

– Anh Thành hy sinh thì tui cũng không trở về đâu. Bà đừng lo…

Giả với tôi là như vậy, suốt một năm rưỡi Điện Hòa. Sống chết có nhau. Cũng có lần tôi cứu Giả. Nhưng anh bảo vệ tôi là chính, như là vị thần hộ mệnh của tôi. Những ngày ấy tôi hay nghĩ, nhiều lúc một cách khó chịu, bực tức: tôi là cái thá gì trong cuộc chiến sống mái từng ngày này mà bao nhiêu người cứ sẵn sàng chết để cứu tôi: bà Vịnh, chị Liễu, anh chị Tới, cháu Lợi, Giả, Xuân (chính trị viên xã đội), Trương Văn Hòa, cô Hoa xã đội phó… Không tính, không kể hết được bao nhiêu lần.

Còn có bà Cửu Trấu nữa, một “nhân vật” không thể hiểu, đến nay vẫn còn sống.

Bà chẳng làm gì hết, suốt chiến tranh dài. Bà chỉ bán một cái quán mì Quảng. Tôi đã nói ở Điện Hòa, con đường xe lửa chạy qua xã – tất nhiên đã bị phá hoại hết, chỉ còn cái nền đường – chiếm vị trí cao khống chế. Trên cả cái tuyến “chiến lũy” tự nhiên ấy, lại có một chỗ nhô cao hơn hẳn, trước là nền ga Đông Quan, nay quen gọi là “dốc Cửu Trấu”. Dĩ nhiên thằng địch nào cũng dồn hết chú ý vào chỗ đó. Chúng tôi gọi đó là cái “họng ca-nông”: bao nhiêu bom, pháo, rốc-két, tên lửa, napalm, bom từ trường, bom tấn… đều trút hết xuống đấy. “Chiến công” duy nhất của bà Cửu Trấu là suốt chiến tranh, từ đầu đến cuối, cái quán của bà vẫn cứ trơ trơ đứng đó, bà vẫn cứ bán mì Quảng, vậy thôi, như không. Mỹ đốt, làm lại. Bom phá, dựng lại. Nhà cửa thì cần gì. Quyết định là cái cối đá. Mỹ lên, bà đem ném cái cối đã xuống hố bom trước nhà, lúc nào cũng ngập nước. Mỹ rút, bà vớt cối lên, xay bột, vậy là có mì. Mì Quảng là món ăn của con người Việt đang đi, trên đường dài Nam tiến, rất cơ động, miễn có bột tráng ra lá mì, ăn với gì cũng được, thịt heo, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, cá, cùng lắm vài con ếch cũng xong. Chúng tôi đi đánh nhau, đi công tác các cánh về, ghé qua ăn mì, trả tiền hẳn hoi. Cũng có khi ăn chịu. Hoặc có lần bà tuyên bố: Bữa ni bọn bay đánh ngon, tau đãi, không lấy tiền!…

Thời 1971-72, Điện Hòa bị “cày trắng”. Một xã gần 5000 dân chỉ còn lơ thơ vài chục người trụ bám. Hoang vu một vùng Điện Bàn, Hòa Vang như mặt trăng. Vậy mà cái quán mì Quảng dốc Cửu Trấu vẫn còn. Đêm chúng tôi đi qua vùng đất bỗng rộng ra mênh mông gần như tuyệt đối không có người, một cái cây xanh cũng không, vẫn có thể ghé ăn mì quán Cửu Trấu. “Lương tâm nghề nghiệp” bà Cửu vẫn nguyên vẹn: vẫn hoàn toàn đúng chất mì Quảng, lát mì bao giờ cũng săn, vàng rộm, phớt một lớp mỡ mỏng, rau sống đàng hoàng, lạc rang giã rất mịn, không quá cháy một hạt, nước lèo ngọt lịm… Chúng tôi yên tâm. Quán mì bà Cửu Trấu còn đó. Vậy là ta vẫn còn. Cuộc chiến đấu vẫn còn…

Gần đây tôi có về thăm. Bà Cửu nay đã 92 tuổi, không còn bán mì nổi nữa. Thằng con trai bỏ đi lang bạt. Bà sống một mình, trong một căn lều rách nát, vẫn đúng nguyên trên nền quán cũ.

– Mẹ có nhận ra con không? – Tôi hỏi.

– Thằng Thành hả? Bao nhiêu đứa chết hết, răng mi còn sống?

Tôi biết trả lời làm sao!

Nguyên Ngọc
Thùy Link: http://vanviet.info/van/dong-bang-ky-4/
Nói về NẮNG ĐỒNG BẰNG tý.
2015 em có dịp vô công tác miền Tây, đi chơi bưng biền chợt nhớ câu chuyện về nhân vật Linh trong sách hồi ở bưng biền, các em 9x, 8x ở trỏng mắt tròn mắt dẹt : sao anh biết rõ quê em zi
 

vuongktd

Xe hơi
Biển số
OF-428742
Ngày cấp bằng
9/6/16
Số km
148
Động cơ
212,505 Mã lực
Tuổi
34
Nói về NẮNG ĐỒNG BẰNG tý.
2015 em có dịp vô công tác miền Tây, đi chơi bưng biền chợt nhớ câu chuyện về nhân vật Linh trong sách hồi ở bưng biền, các em 9x, 8x ở trỏng mắt tròn mắt dẹt : sao anh biết rõ quê em zi
Để tối đọc thử
 

Xebuythn

Xe tải
Biển số
OF-327797
Ngày cấp bằng
20/7/14
Số km
454
Động cơ
295,906 Mã lực
Hôm nay em đã lội hết được toàn bộ topic này. Thấy rất nhiều sách về Đời và ít sách về Đạo nên giới thiệu với các bác quyển sách Đạo: Tu là chuyển nghiệp của Thầy Thích Thanh Từ.

View attachment 5387165

Em một lần đi chùa chơi, nói chuyện với 1 vị sư và biết sư là học trò của hòa thượng Thích Thanh Từ. Nói chuyện xong và sư tặng quyển Tu là chuyển nghiệp. Sách dày độ 100 trang. Quyển được tặng em đã tặng người khác rồi còn mua thêm 1 quyển nữa. Giờ trong nhà không còn quyển nào thấy cứ sao sao. Sách gồm các bài:

1. Lời Đầu Sách.
2. Tu Là Hiền.
3. Nghiệp Dẫn Luân Hồi Trong Lục Đạo.
4. Biệt Nghiệp Và Đồng Nghiệp.
5. Tu Có Chuyển Được Nhân Quả Không.
6. Tu Trước Khổ Sau Vui.
7. Chánh Báo Và Y Báo.
8. Hạnh Nhẫn Nhục.
9. Thần Thông Và Nghiệp Lực.
10. Bản Ngã Là Gốc Của Đau Khổ Và Bất Công.

Quyển này đối với em là dạng "Phật học phổ thông". Em đọc Phật Học Phổ Thông của Thầy Thích Thiện Hoa nhưng không đọc được hết. Đọc sách của Thầy Thích Nhất Hạnh cũng không vào. Hòa thượng Thích Thanh Từ giải thích rất đơn giản tại sao tu lại chuyển được nghiệp: không làm điều xấu, không nói điều xấu và không nghĩ điều xấu là chuyện xấu sẽ không đến, nghiệp sẽ thay đổi.

Trong sách hòa thượng viết "Đạo Phật không thừa nhận linh hồn, mà cho rằng con người có thức chuyển biến, thức ấy là cái biết phân biệt". Oh tại sao không có linh hồn mà trong chương Thần thông và nghiệp lực hòa thượng lại kể Mục Kiền Liên nhìn thấy mẹ dưới địa ngục đang mang thân ngạ quỷ? Cái thắc mắc đó em hỏi người khác nhưng không có câu trả lời. Rồi em phải tự đi tìm câu trả lời của riêng em.

Hôm dẫn cháu em đi mua sách, cháu hỏi Tu là chuyển nghiệp nghĩa là sao? Với 1 cậu bé đang học cấp 1 thì em chỉ nói đơn giản ở hiền gặp lành, làm chuyện ác với người khác mình sẽ gặp chuyện xấu.

Đọng lại sau khi đọc quyển này là 5 thứ: không uống rượu, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm và không sát sinh. Không nói dối Hòa thượng viết: Nếu nói dối để trấn an người bịnh người khổ, hoặc để cứu mạng người thì không phạm.
Sách này mua ở đâu ah? Thanks
 

Lienxo

Xe máy
Biển số
OF-165271
Ngày cấp bằng
5/11/12
Số km
69
Động cơ
347,577 Mã lực
Nguyễn Hy Hiền (NHH) làm một lèo 2 cái tú tài toán và triết cùng lúc, lại tuyền điểm cao nên được học bổng sang Phú Lãng Sa. NHH đến Pháp đúng lúc thế chiến 2 bùng nổ nên phải học trong tình cảnh hết sức rối ren. Hy Hiền suýt bị lính SS cho đi bóc lịch, dưng một khúc nhạc bi tráng của Bét Thô Ven đã kíu chàng. Thế chiến kết thúc, chàng sinh viên Việt Nam lại bị lính đồng minh bắt dựa vào tường vì tưởng anh là người Nhựt Bổn...

Nhiều tình tiết hết sức đáng nhớ được NHH kể lại trong các đoạn văn ngắn, được viết hết sức giản dị. Khi viết lại những câu chuyện này, NHH đã là một cụ ông 94 tuổi. Đây là cuốn hồi ký viết cho chính mình và gia đình nên cụ NHH nhớ đến đâu thì biên đến đấy.

IMG_20200811_072133.jpg


Cụ viết về bạn bè, làm ta biết thêm về những tên tuổi lẫy lừng ( Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Bửu Hội, Bửu Lộc, Ngụy Như Kon Tum…) đã từng làm cho chính người Pháp phải tôn vinh.

Cụ viết về bưng biền, làm ta biết thêm về thời gian đầu của cuộc kháng chiến, về tướng Nguyễn Bình, về " cán bộ" Lê Duẩn, về các nhân sĩ, trí thức đã tham gia cuộc chiến trường kỳ gian khổ, biết thêm về sự mong manh của ranh giới sống còn.

Thanh niên NHH ra bưng, được bổ nhiệm ngay vào chức trưởng phòng quân giới Nam Bộ. NHH phải nghiên cứu để sản xuất nhiều thứ. Lại là những lần bị giặc tập kích, rượt đuổi, lại là phong ba bão tố, lại là những phen suýt thác dư khi một quả lịu đạn nổ ngay trên tay...

Một cậu bé chạy loạn, trúng đạn địch đã chết mà NHH không thể làm gì. Anh chỉ có thể lấy tên cậu bé làm bí danh hoạt động cho mình. NHH trở thành Lê Tâm và Lê Tâm cũng là cái tên xuất hiện trên các bản vẽ lại của quân đội Pháp về vũ khí của quân kháng chiến. Một phát minh quan trọng của Lê Tâm là súng oánh lô cốt. Lô cốt pháp chấp các loại đạn một thời bỗng chốc thành mồi ngon cho đạn xuyên phá của Lê Tâm.

Sau nầy, khi giải thưởng Hồ Chí Minh sắp được trao vào niên 1996, bộ quốc phòng đã không quên Lê Tâm dù ông đã chuyển ngành từ rất lâu. Chủ tich nước lúc ấy là ĐạiTướng Lê Đức Anh cũng nhận ra Lê Tâm là người ông đã " gánh nước cho anh ta tắm" trên đường từ Nam ra Bắc năm nào.

Một cuốn hồi ký nhẹ nhàng với cái tên nhẹ nhàng, dưng lại chứa đựng 1 thời oanh liệt của một đời người, của nhiều đời người.

Iem xin chích một vài trang phụ lục (do người khác viết) để các cụ các mợ thẩm..

516.jpg
517.jpg
518.jpg
519.jpg
521.jpg
522.jpg
523.jpg
524.jpg
ôi quá hay. ngày xưa gặp cụ lê tâm nhiều. không biết cụ là tác giả loại đạn ss nổi tiếng, cứ nghĩ cụ chỉ là kỹ sư ở pháp về thôi. nói thêm luôn cũng có người việt làm trong bộ qp mỹ nghiên cứu ra bom xuyên thủng hầm bê tông dưới sâu lòng đất.
 

Hoàng Trang

Xe trâu
Biển số
OF-422667
Ngày cấp bằng
16/5/16
Số km
31,242
Động cơ
692,702 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Hôm qua là ngày Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và bé con ra đi (29.08.1988), nhà cháu lôi lại ít thơ ra đọc. Đọc mãi, mà lần nào cũng vẫn cảm thấy như có những dằn vặt của Vũ, về cuộc sống, về tình yêu của một người lúc nào cũng yêu, yêu nhiều người nữa, và không thể sống thiếu tình yêu... cũng như cái đau đáu yêu thương của một người phụ nữ, yêu thương hết mực nhưng cũng như thoảng lo âu rằng, chàng trai đó sẽ ra đi khi tình yêu không còn trọn vẹn...

Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh
Điều mong ước đầu tiên điều ở lại sau cùng
Chúng ta đi bên nhau trên mặt đất
Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật
Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời.

Em II -LQV- 1974

Kính các cụ mợ chiều cuối tuần




Đọc em chỉ thấy buồn.
 

Lienxo

Xe máy
Biển số
OF-165271
Ngày cấp bằng
5/11/12
Số km
69
Động cơ
347,577 Mã lực
Hôm qua là ngày Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và bé con ra đi (29.08.1988), nhà cháu lôi lại ít thơ ra đọc. Đọc mãi, mà lần nào cũng vẫn cảm thấy như có những dằn vặt của Vũ, về cuộc sống, về tình yêu của một người lúc nào cũng yêu, yêu nhiều người nữa, và không thể sống thiếu tình yêu... cũng như cái đau đáu yêu thương của một người phụ nữ, yêu thương hết mực nhưng cũng như thoảng lo âu rằng, chàng trai đó sẽ ra đi khi tình yêu không còn trọn vẹn...

Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh
Điều mong ước đầu tiên điều ở lại sau cùng
Chúng ta đi bên nhau trên mặt đất
Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật
Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời.

Em II -LQV- 1974

Kính các cụ mợ chiều cuối tuần




kỷ niệm ngày mất của anh vũ chị quỳnh có bài này trên face. anh vũ cũng trăng hoa phết đấy.
 

Jue

Xe tải
Biển số
OF-518211
Ngày cấp bằng
25/6/17
Số km
324
Động cơ
181,735 Mã lực
Sách này mua ở đâu ah? Thanks
Quyển này bác mua ở mấy nhà sách đối diện chùa Quán Sứ, Hà Nội. Em nhớ giá có 10k. Hoặc có thể mua ở các thiền viện Trúc Lâm. Em đi chơi thiền viện Sùng Phúc bên Gia Lâm và được tặng quyển này. Lần đến thiền viện Thường Chiếu trong Đồng Nai cũng thấy có.

Em cũng gặp hòa thượng Thích Thanh Từ 1 lần. Hôm đến chơi thiền viện Thường Chiếu nói với sư phụ trách xin được gặp hòa thượng. Sư bảo hòa thượng yếu rồi, không rõ có tiếp khách không. Nói chuyện một hồi thì sư kể hồi trước đã từng như vầy như vầy. Em nghe rồi tự mình, à, à, nghĩ thầm sư giúp cho chút. Một lúc sau sư nói người dẫn đến 1 cái nhà tre. Đứng ngoài hàng rào và thấy 2 người dìu hòa thượng từ trong nhà ra ngoài cửa. Giữa trưa nắng và thấy cái jì jì mát, lạnh tỏa vào người. :).
 

xittalin

Xe điện
Biển số
OF-324766
Ngày cấp bằng
24/6/14
Số km
2,026
Động cơ
303,044 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Untitled-1.jpg


“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”
được viết khá lạ kỳ, chỉ có vài trang là câu chữ của tác giả. Svetlana Alexievich bị ám ảnh bởi chiến tranh, và quyết tâm làm rõ những năm tháng không thể nào quên khi một người liền bà phải trải qua cuộc chiến, dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù là tiến tuyến hay hậu phương.

Các nhân vật chánh, tất nhiên đúng dư tên sách, tuyền là phụ nữ. Svetlana thâu thập hàng trăm mẩu chuyện của hàng trăm các bà các cô, chuyện vắn chuyện dài, lời khóc lời cười… thôi thì gồm đủ. Niên 1986, tác giả tròn 38 tuổi, tác phẩm được hoàn thành và có nhiều đoạn bị các NXB Liên Sô yêu cầu cắt bỏ, với những ný nuận hết sức hùng hồn, hết sức đẳng cấp…

“Cô học ở đâu những tư tưởng ấy? Chúng xa lạ với chúng ta, chúng không Sô Viết. Cô chế diễu những nạn nhân nằm trong các hô chôn chung. Cô đọc quá nhiều Remarque. Ở ta chủ nghĩa Remarque không sống được đâu. Người phụ nữ Liên Sô không phải là một con vật”.

Hoặc…

“Tất cả những chi tiết sinh lý nầy để làm gì? Cô hạ thấp người phụ nữ ( Liên Sô) với cái thứ chủ nghĩa tự nhiên sơ đẳng của cô. Cô tước đi ánh hào quang của họ, những người phụ nữ anh hùng.Cô biến họ thành người phụ nữa bình thường, một con cái. Mà ở ta thì đó là những nữ thánh”.

Cuốn sách này là sự thực trần trụi về mặt sau của tấm huy chương. Thi thoảng có những tiếng hò reo, thi thoảng có tiếng cười đùa, thì thoảng có tình yêu tình báo, dưng tất cả đều chìm trong nỗi thống khổ đau buồn. Có nhiều thứ không bao giờ có lại sau khi chiến tranh đã đi qua.

Cuốn sách này quả là ngộp thở và nặng nề, tất tần tật, cả trong và ngoài cuộc chiến. Và ác mộng có lẽ sẽ theo duổi rất nhiều người, trong và ngoài cuốn sách nầy, cho đến khi họ đi gặp cụ Các mác cụ Lê Nin.

Dịch giả Nguyên Ngọc, một nhân chứng sống của thời đạn bom, đã dịch tuyệt hay tác phẩm nầy, tác phẩm được viết bằng tiếng Nga đã đưa nữ tác giả người Bê La Rút được trao giải Nô Beo niên 2015.
 

Lienxo

Xe máy
Biển số
OF-165271
Ngày cấp bằng
5/11/12
Số km
69
Động cơ
347,577 Mã lực
Cụ copy lại giúp em với. Nhóm riêng tư nên em không đọc được ạ.

Rất nhiều bạn đọc comment rằng đây là bức tranh vẽ nghệ sĩ chèo LB. Có bạn còn kéo link bài báo “Bí mật về người yêu cuối cùng của Lưu Quang Vũ” (10-2013) trong đó có những tâm sự rất chân thật của em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ, PGS TS Lưu Khánh Thơ. Xin trích đoạn bài báo :

- PV: Tình yêu của hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có điều gì đó giống như một huyền thoại,ngay cả khi phải ra đi họ vẫn tay trong tay, ở bên nhau đến phút cuối cùng.Chị Lưu Khánh Thơ có thể cho độc giả biết thêm về chuyện này, vì nghe nói trong 2 năm cuối đời, đã có một bóng hồng khác trong cuộc đời của thi sĩ của Lưu Quang Vũ,và chị Xuân Quỳnh cũng mong manh biết chuyện ấy, sự thật ra sao khi trong 1 số bài thơ tình viết cuối đời,hình như Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vẫn dành cho nhau sự thương yêu nồng nàn?

- PGS.TS Lưu Khánh Thơ: Anh Vũ em là một người rất tài hoa, đa tình và phải công nhận có nhiều cô gái phải lòng anh Vũ và anh ấy yêu cũng khá nhiều người.Sau này, khi em đọc thư của anh Vũ và chị Quỳnh, em mới biết, lần đầu khi anh Vũ(đang sống độc thân và có một con riêng)đến tỏ tình với chị Quỳnh(cũng đang sống độc thân và có một con riêng) là chị ấy từ chối ngay, không phải vì chị không yêu mà chị ấy biết là không lâu bền được. Lúc đó, chị Quỳnh bảo chị chẳng có gì cả, chị không tin là ông Vũ yêu chị ấy. Chị Quỳnh nghĩ anh Vũ thương hại chị vì thời gian rất ngắn sau mối tình đổ vỡ của chị Quỳnh với một ông nhà thơ khác…

Chị Quỳnh rất cực đoan, đã yêu là phải lấy, không có chuyện cặp bồ, cái thời đấy nó thế với cả cái tính chị ấy cũng thế. Rồi sau đó, chị Quỳnh yêu anh Vũ, một tình yêu thật đặc biệt...

Mẹ em sống với vợ chồng anh Vũ, chị Quỳnh với thằng cháu,còn em cứ đi đi về về thôi. Anh Vũ mà đi công tác là anh ấy lại gọi thì em lại về nhà ở với mẹ em.Chị Quỳnh hồi đấy hay bị ốm, những năm cuối đời thì chị ấy bị bệnh tim rất nặng,anh Vũ nói với em là bác sĩ bảo chị Xuân Quỳnh giỏi lắm cũng chỉ sống được 2-3 năm thôi, phải có chế độ chăm sóc đặc biệt… Chị Quỳnh không hề biết. Sau khi điều trị ở bệnh viện về thì chị thấy có đỡ hơn. Anh Vũ dặn mẹ với em,nhữg lúc chị Quỳnh ở viện về thì chăm sóc nhưng giấu chị, chỉ nói là bị bệnh nhẹ thôi, và bảo chị đừng có tham công tiếc việc, đừng thức đêm thức hôm, phải nghỉ ngơi.

Trong mấy năm cuối đời,đúng là có “một bóng hồng” trong tình yêu của anh Vũ. Thật ra, chị Quỳnh có tính ghen khá mạnh mẽ.Trong cái chuyến đi nghỉ cuối cùng ở Hải Phòng,lúc bấy giờ dẫu anh Vũ có gàn không cho chị Quỳnh đi thì sợ chị lại nghĩ ngợi, nên anh Vũ cũng vì nể.Em nghĩ nó như định mệnh ấy…

Em nói thật, cái chết này với chị Quỳnh là một sự giải thoát bởi vì chị ấy yêu anh Vũ kinh khủng chị là người vô cùng thông minh, chị Quỳnh ý thức được cái giới hạn của chị ấy. Trong con người của anh Vũ, sự phát triển về tài năng, về con người, về thể chất, chị Quỳnh rất biết và chị là người ghen tuông kinh khủng và năm sau,cái năm mà chị Quỳnh ốm đau thì chị không ghen tuông nữa mà chị ấy rất đau đớn vì chị ấy ý thức được cái bất lực, cái giới hạn của mình.Trước sau thì anh Vũ cũng vẫn là người rất tình nghĩa,rất thương chị Quỳnh nhưng em biết anh ấy có chuyện nọ chuyện kia.Phải nói,chị Quỳnh là người có lòng tự trọng, chị ấy không thể nào sống giả vờ,nếu anh Vũ yêu người khác thì chị Quỳnh sẽ chia tay,chị ấy sẽ chủ động...

Chị Quỳnh là người quyết liệt lắm, sống đến tận cùng với tất cả tình cảm. Chị rất yêu anh Vũ nhưng chị ấy không chấp nhận được anh Vũ có cô này cô nọ. Có thể là anh Vũ vẫn đưa tiền cho chị ấy, vẫn tử tế, tình nghĩa, thương và biết ơn nhưng tình yêu thì nó khác. Đàn ông ai chả thế. Chị ấy biết thế mà.Chị Quỳnh cứ kể mọi chuyện với em, còn em cứ gạt đi bảo chị đừng nghĩ anh Vũ tầm thường như thế, anh ấy là một người nghệ sĩ và anh ấy yêu chị...

Chị Quỳnh chua xót bảo:”Không!Thơ đừng nghĩ là chị coi thường anh ấy,chị không nghĩ đấy là xấu mà là con người anh ấy thế, bản năng con người nó là thế, đó là chuyện rất bình thường của con người!”. Và chị Quỳnh đau đớn chấp nhận cái điều ấy,chị không trách móc gì nữa nhưng chị ấy rất đau. Sau này em nghĩ:Nếu mà ko chết chắc gì được bền có khi lại chia tay mà đối với chị Quỳnh thì đó là điều sống rất què quặt, chị ấy ko chịu nổi.Cho nên với chị Quỳnh đó là sự giải thoát trước cái chết này.Chỉ có đau là anh Vũ, nếu như có định mệnh thì em cho là chị Quỳnh lôi đi đấy, chị ấy không chấp nhận anh Vũ vào tay ai. Những câu thơ chị Quỳnh viết ngày ấy, đọc xong thấy đau đớn, gần như cái di chúc của chị ấy:

Trái tim em nay mỗi phút mỗi giờ
Chỉ có đập cho mình em đau đớn
Trái tim nay chẳng còn có ích
Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè...

Chị Quỳnh rất cô đơn. Người bị bệnh tim như thế mà ôm một nỗi đau như thế thì không thể chịu đựng được Đó là cái chết giải quyết mọi nỗi đau, có lẽ cũng toại nguyện với chị ấy.

Lúc đó anh Vũ yêu một cô diễn viên trẻ vừa có tài vừa có sắc, chị Quỳnh biết chuyện. Khi anh Vũ mất khoảng 1 tuần hay 10 ngày gì đó em đi tìm gặp cô diễn viên ấy nhưng không gặp được em có để lại mấy chữ. Sau đó, cô ta đến cơ quan em,em mời ra quán cà phê, em nói : Anh Vũ với chị Quỳnh mất rồi,chị biết là anh Vũ với em có tình cảm gắn bó..(Việc này chỉ có em với ông anh trai biết thôi,chính em cũng chưa nghĩ ra đâu, ông anh trai bảo phải gặp cô gái đó càng sớm càng tốt kẻo nó đang hoang mang. Em nghĩ cô ấy còn trẻ thế, bây giờ may mà còn giữ được giọt máu của anh mình thì quý hóa quá...)

Em bảo:Anh Vũ mất rồi chị thay mặt gia đình đến nói chuyện với em,nếu em còn giữ được giọt máu của anh Vũ thì chị sẽ thay mặt anh Vũ&gia đình có trách nhiệm với em. Cô ấy bật khóc quán cà phê thì vắng nên mọi người cứ nhìn. Người cô ấy run lên bần bật,mình cũng khóc vừa mừng vừa sợ, chắc là đúng rồi..Cô ấy khóc 5phút xong thì bảo:Chị ơi,tiếc là không có,nếu mà có thì không cần gia đình, em cũng sẽ giữ gìn và nuôi nấng được,chứng tỏ cô ấy cũng rất yêu anh Vũ.Năm đó anh Vũ có làm một cái lịch.Anh Vũ rất có khiếu hội họa năm nào anh ấy cũng vẽ một cái tranh rồi dán lên cái lịch và ở dưới là cái blốc.Trên cái lịch năm ấy,trong bức tranh anh Vũ vẽ,có nét của cô gái này, nét vẽ rất siêu thực...

Trong một bài viết của tôi về nữ sĩ Xuân Quỳnh năm ngoái,tôi có nói rằng,cuối đời,tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh vẫn nồng nàn,sâu sắc nhưng đượm nỗi thảng thốt lo âu của một thiếu phụ trên đườg truy đuổi hạnh phúc,một hạnh phúc rất gần nhưng luôn muốn trượt ra ngoài tầm tay với. Bài thơ “Hoa cỏ may” là một ví dụ, Bài này Xuân Quỳnh viết khi nữ sĩ cảm thấy người yêu đã rời bỏ mình chuyển sang một tình yêu khác:

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm dày
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?”

Đúng là tình yêu như hoa cỏ may. Vương thì dễ nhưng giữ thì rất khó.

Tình cờ được ngắm bức tranh, tình cờ được đọc bài báo tôi xin chia sẻ để bạn đọc hiểu và đồng cảm hơn nữa với nhà thơ mà mình yêu quý..

Bài & Ảnh : sưu tầm
Ẩn bớt
 

Semi-auto

Xe buýt
Biển số
OF-160319
Ngày cấp bằng
11/10/12
Số km
680
Động cơ
353,413 Mã lực
Ở trong 1 quyển khác, hòa thượng Thích Thanh Từ viết:

Tu Thiền có nhiều pháp mà ngày xưa chính tôi khi tu cũng rất khổ sở. Bởi vì thời của tôi nói tu Thiền nhưng người tu ít giản trạch, nên có những phái Thiền không phải của đạo Phật mà người ta vẫn đem ra tu. Như vậy tu theo Phật để cầu giác ngộ, để giải thoát sanh tử mà lại tu đường lối khác. Đã tu đường lối khác thì khi nhắm mắt sẽ đi lối khác, trái với bản nguyện ban sơ của mình. Vì vậy quí vị cần phải nhận định kỹ, Thiền nào của đạo Phật, Thiền nào không phải của đạo Phật. Trước tiên, tôi nói Thiền không phải của đạo Phật.

Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ.

Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ.

Một là Thiền chuyển luân xa. Tức là tưởng từ rún chạy lên đầu, vòng ra sau lưng rồi lại về rún, lên đầu. Chạy vòng tròn như vậy gọi là chuyển luân xa. Chuyển luân xa là pháp tu ở ngoài, không phải của đạo Phật.

Hai là Thiền xuất hồn. Xuất hồn là mở những khiếu huyệt của mình, phóng tinh thần (hay gọi là hồn) bay đi học đạo với những bậc thầy mà mình chưa từng biết; hoặc xuất hồn mong tìm gặp vị minh sư. Khi xuất hồn, không biết minh sư là ai, nên vị nào nói minh sư liền tin, người ta dạy cái gì cũng làm theo. Đó là họa lớn vô cùng, lớn ở hai mặt. Mặt thứ nhất là trong khi mở khiếu huyệt để xuất hồn, có người mở không khéo phát điên. Mặt thứ hai là khi mình xuất hồn tìm bậc minh sư, gặp ai xưng minh sư mình cũng nhận liền, không có cái nhìn giản trạch ai chánh, ai tà. Vì vậy dễ bị những vị thần linh đánh lừa, xưng là minh sư nhận mình làm đệ tử, mình liền đi theo. Như vậy đã lạc hướng mà mình không hay. Thiền này của ngoại đạo, không phải của đạo Phật.

Ba là Thiền thai tức. Nghĩa là hít vô tới đan điền nín lại mười phút, năm phút hay ba phút rồi thở ra. Lâu ngày bụng nó phì ra, gọi đó là thai, vì giống như phụ nữ có thai. Bụng lớn là do hơi thở nên gọi là tức. Vì vậy Thiền này được gọi là Thiền thai tức. Thiền này không phải là Thiền của đạo Phật.

Bốn là Thiền luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần. Nhiều người trẻ tu thấy khổ về bệnh tinh khí quá, nên dùng tưởng đem tinh lên không cho xuống, để luyện thành thần khí. Đó là Thiền của những vị tu Tiên, chớ không phải Thiền của đạo Phật. Thiền này chỉ đưa đến kết quả sung sướng được bay đi, được thần thông v.v... chớ không giải thoát.

Năm là thiền Yoga, còn gọi là Du-già. Thiền này cũng có nhiều cách, khi ứng dụng tu phát tâm từ bi, thương yêu tất cả. Nhưng trọng tâm của Thiền này là luyện cho thân thể khỏe mạnh, mục đích trị bệnh nhiều hơn cầu giải thoát.



Ở trên hòa thượng viết linh hồn bay đi để học đạo nghĩa là linh hồn có tồn tại. Tu Là Chuyển Nghiệp hòa thượng viết Đạo Phật không thừa nhận có linh hồn. Vụ này quả thật không thể luận bàn. :)
Cho em hỏi thiền của đạo Phật là thiền như thế nào? Vào link kia thấy lan man quá.
 

barca6996

Xe container
Biển số
OF-724771
Ngày cấp bằng
10/4/20
Số km
7,584
Động cơ
151,182 Mã lực
Nói về NẮNG ĐỒNG BẰNG tý.
2015 em có dịp vô công tác miền Tây, đi chơi bưng biền chợt nhớ câu chuyện về nhân vật Linh trong sách hồi ở bưng biền, các em 9x, 8x ở trỏng mắt tròn mắt dẹt : sao anh biết rõ quê em zi
Cụ đọc Nắng đồng bằng mà chém với các em miền tây về miền tây mà các em ý mắt tròn mắt dẹt thì kinh rồi. Người lính đặc công Chu Lai và đơn vị của ông k hoạt động ở miền tây, truyện cũng mô tả về miền đông Nam Bộ, chủ yếu tỉnh Sông Bé nay là Bình Phước và Bình Dương.
 

Jue

Xe tải
Biển số
OF-518211
Ngày cấp bằng
25/6/17
Số km
324
Động cơ
181,735 Mã lực
Cho em hỏi thiền của đạo Phật là thiền như thế nào? Vào link kia thấy lan man quá.
Bác kéo xuống dưới là thấy phần viết của hòa thượng Thích Thanh Từ. Em copy bên dưới

Thiền của đạo Phật có chia ra các hệ phái Thiền Nguyên thủy và hệ phái Thiền Phát triển.

1. Hệ phái Thiền Nguyên thủy

1.1 Pháp quán Tứ niệm xứ:

- Quán thân bất tịnh: Thân này có nguồn gốc nhớp nhúa, bẩn thỉu.

- Quán thọ thị khổ: Sự cảm thọ hay cảm giác của sáu căn đều là đau khổ, không vui.

- Quán tâm vô thường.

- Quán pháp vô ngã.

1.2 Minh sát tuệ: Thiền này cũng dùng trí tuệ xem xét rõ ràng tất cả các vật. Có khi các ngài dùng Minh sát tuệ để quán Tứ đế, có khi các ngài dùng Minh sát tuệ để quan sát hơi thở: hít vô bụng phình ra, thở ra bụng xẹp xuống. Hít vô phình, thở ra xẹp. Đó là lối quán của Thiền Minh sát tuệ. Chúng ta thấy tu theo Nguyên thủy cũng là tu Thiền. Hoặc Thiền Tứ niệm xứ, Minh sát tuệ, Ngũ đình tâm v.v... Đó là phương pháp tu của đạo Phật theo hệ Nguyên thủy.

... Và 1 số pháp khác hòa thượng không kể ra

2. Hệ phái Thiền Đại thừa

2.1 Lục Diệu Pháp Môn: Sổ tức, Tùy tức, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh.

2.2 Pháp quán Không, Giả, Trung: Quán Không là quán sát tất cả pháp trên thế gian này đều do duyên hợp mà có hình tướng, có danh tự, tên tuổi, chớ thật tình nó không thật, không có thực thể, nên gọi là Không. Tuy Không nhưng duyên hợp thì giả có. Giả có nên đâu phải là không ngơ. Vì vậy nói quán Giả. Người thấy được nghĩa Không, Giả hòa hợp, đó gọi là quán Trung.
 

Jue

Xe tải
Biển số
OF-518211
Ngày cấp bằng
25/6/17
Số km
324
Động cơ
181,735 Mã lực
" Chuyện nghề của Thủy" là cuốn hồi ký khá thú vị với nhiều chiện thâm cung bí sử trong làng điện ảnh nươc nhà. Sách "cóa vấn đề" nên bị kiểm duyệt nhiều phen, đã in da dồi mà vẫn bị làm khó dễ trong việc phát hành.

Niên 1960, thanh niên Trần Văn Thủy hăng hái xung phong lên vùng cao gây dựng đời sống mới, viết 1 vài bản báo cáo dồi được biên chế vào ty văn hóa Lai Châu. Niên 1965, thanh niên đà hăm nhăm , bỗng đâu đọc được 1 mẩu tin chiêu sinh vào “ khóa chống Mỹ cứu nước” của trường điện ảnh ở tựn Hà Nội và con tạo bắt đầu xoay vần từ đó.





Trần Văn Thủy cuốc bộ từ Lai Châu, tới Hà Nội thì khóa học đã khai giảng được đôi tuần, cơ mà không sao, hồi ý có nhiều người tốt và Văn Thủy vẫn được vào học để rồi ít lâu sau, Văn Thủy có tên trong trong danh sách đoàn điện ảnh đi Nam thực tế.

Một chuyến đi bi tráng mà dư tác giả nói thì ông cảm thấy…” vô lý vì mình chưa chết”. Trần Văn Thủy đã quay nhiều cảnh trong những giây phút gian khó nhất, đã đói đến nỗi định ăn cả gạo rang là thứ không thể động vào ( vì là thứ chống ẩm cho các cuốn phin), đã được chính liệt sĩ Đặng Thùy Trâm thoa thuốc vào vết thương trong 1 lần tình cờ gặp gỡ…

Cuốn phim quay trong ranh giới sống còn được cụ Thủy mang ra Bắc và… oái ăm thay, người ta không thể… tráng được nó vì nó là phin…Tây Đức. Không rõ ai đã đưa cho cụ Thủy những cuốn phin hệ agFA trong khi ở VN chỉ tráng được loại phin hệ ORWO ( phin Đông Đức sản xuất). Khắp nơi người ta rêu rao rằng Trần Văn Thủy là kẻ nói khoác, có quay quắt gì đâu, chắc thấy chiến sự ác liệt quá thì bấm đại cho hết chỗ phin rồi chuồn chuồn ý chứ...

Người tráng phin đã trổ hết tài nghệ để nhưng cũng chỉ cho ra những hình ảnh chỗ có màu chỗ không. Ai mà ngờ được rằng cuốn phin tráng lỗi đó bỗng đâu lại cho ra 1 thứ hiệu ứng đặc biệt, làm cho hình ảnh trong phin đột nhiên dữ dằn và mang tánh nghệ thuật rất cao, đến nỗi làm nhiều người choáng váng, ông Rồ Man Tráng Men ( Roman Karmen) đạo diễn nổi tiếng của Nga La Tư thì tưởng đó là …kỹ xảo điện ảnh. Phin được gởi đi dự liên hoan phin Leipzig niên 1970, xây xúc động mạnh cho người xem và đoạt luôn giải bồ câu bạc .

Giải quốc tế cho một sinh viên là một bước đệm lò so để Trần Văn Thủy sang Liên Xô và lại được chính tôn ông Tráng Men nhận làm học trò. Chả hiểu thày dạy trò dư lào mà trò lại làm không giống dư những gì thầy chỉ dẫn. Ông thày tuyền làm phin tài liệu với kiểu … dàn dựng kỹ càng, còn học trò người Việt lại làm phin với kiểu cao hứng, cắt ghép.

Trần Văn Thủy về nước làm phin kiểu cũ, cơ mà không ăn thua, tài liệu là tài liệu và bản thân hình ảnh tài liệu đã là sự thật, có dàn dựng cũng chỉ là mô phỏng sự thật mà thôi. Đương lúc bí bách vì… sự thật, Trần Văn Thủy đã bấm máy những thước phin không hề có kịch bản từ trước để dồi "Hà Nội trong mắt ai""Chuyện tử tế" da đời.

Trần Văn Thủy kể lại vinh quang, sóng gió quanh hai cuốn phin nầy, nhiều đoạn cứ dư phin trinh thám. Tác giả được các lãnh đạo cho yết kiến dưng cũng bị các chú côngan đi theo. Nhiều nhân viên của đại sứ các nước anh em( dư CHDC Đức chả hạn) muốn gặp đạo diễn phin cũng phải khá là dấm dúi.

Khi “Chuyện tử tế” được bí mật mang đi dự liên hoan phin Leipzig, cụ Thủy đã oánh canh bạc số phận 50/50, cuốn phin chìm nghỉm đồng nghĩa với việc đạo diễn sẽ phải sống liu vong. Cơ mà cuốn phin gây tiếng vang nhớn, đoạt giải cao. Cụ Thủy biết tin ( qua báo vì khi đó ông đã " phát vãng" sang Pháp) bèn hét lên : Aha, ta được vìa nước rồi!

Hồi ký dày gần 500 trang có nhẽ vẫn làm cho người đọc thòm thèm vì rõ ràng còn nhiều bí mật chưa được tác giả kể hết. Cơ mà thế cũng hay dồi.
Một đoạn trích trong Chuyện nghề của Thủy:

Hồi năm 2000, khi ấy hắn đã tròn sáu mươi, có Ðại hội Hội Nhà báo ở nhà khách HùngVương - cánh làm phim tài liệu, được người ta cấp cho cái thẻ nhà báo cho nên hắn đến dự. Lâurồi chẳng nhớ nội dung cuộc họp, chỉ biết gặp nhau bô lô ba la rồi bia bọt... Họp hai, ba ngày,hôm đó là buổi gặp cuối cùng để liên hoan sau mấy ngày đại hội.

Từ đường Hoàng Hoa Thám (lại Hoàng Hoa Thám) rẽ xuống Ngọc Hà, đến lưng chừng dốcthấy người xe ùn tắc, kẹt cứng hết cả lại. Hắn cũng dừng xe. Thấy một cậu người cao lớn, dựngchân chống chiếc xe mô tô lên, hằm hằm đi đến chiếc taxi đang đỗ quay ngang giữa đường. Tên côn đồ giật cửa rồi lôi cậu lái xe ra đấm túi bụi vào mặt vào mũi. Cậu lái xe trông hiền lành kiểu như ở nhà quê ra Hà Nội kiếm việc. Người đông như thế mà chẳng có ai nói năng gì. Thủy mới hô lên:

- Này các anh ơi, có chuyện gì phải trái thì có công an có pháp luật chứ tại sao lại đánh người như thế này!

Nói thật, khi nó đấm cậu kia Thủy có cảm giác như nó đấm vào mặt con mình. Ai cũng biết bây giờ mà can thiệp vào chuyện giữa đường giữa chợ thì dễ mang vạ vào thân lắm nhưng thấynó dã man quá, không thể kiềm chế được, Thủy hét lên:

- Dừng lại ngay! Không thể đánh người như thế được. Tôi là nhà báo đây!

Tên côn đồ buông người lái xe ra, quay ngoắt lại xông tới nắm cổ áo Thủy, xốc lên và dằngiọng:

- Ð. mẹ thằng cộng sản già!

Hắn choáng hết cả người. Mấy bà xung quanh bảo: “Bác ơi bác đi đi, bác đi đi...”

Biết làm thế nào! Ðây không phải là chỗ nói phải trái. Nói thêm gì nữa!

Hắn đành nuốt cục hận vào trong bụng rồi tìm cách thoát đi.Trên đường đến nhà khách Hùng Vương ở ngay gần đó, hắn đi như người mộng du.

Tại sao nó biết mình là thằng cộng sản nhỉ? À! Là nhà báo ắt phải là đảng viên, là cộng sản. Mà tại sao nó lại chửi mình nặng lời thế nhỉ? Nếu ngày đó mình không phải đi B, không trở thành đảng viên thì nó chửi thế có là hồ đồ vô lối không nhỉ?Mà đảng viên thì cũng có năm bảy đường. Người ta còn buôn chuyện: “...anh ta tuy là đảng viên nhưng mà là người tốt” đó thôi!

..... (Lược 1 đoạn)

Nhưng năm đó, cũng là năm cuối cùng hắn sinh hoạt đảng. Hắn làm việc trong biên chế nhà nước, sáu mươi tuổi thì hưu, nhưng hắn chỉ thôi việc với cơ quan nhà nước thôi, không hề “hưu” mà vẫn phải làm việc cật lực: Làm phim ba bốn tâp, viết sách, tham dự những hoạt động nghề nghiệp, Liên hoan phim, hội thảo liên miên trong và ngoài nước, rồi những việc hiếu nghĩa...cho đến bây giờ chưa ngưng nghỉ. Hắn cũng muốn “hưu” lắm nhưng chưa được, chỉ được cái thanh thản là bây giờ ra đường, nếu có gì sơ suất bọn trẻ có réo “thằng cộng sản già” ra mà chửi thì chúng chửi ai đó chứ không phải hắn.

Một đoạn trích về học giả Hoàng Xuân Hãn trong Chuyện Nghề Của Thủy. Đoạn này Trần Văn Thủy viết trong chương 4 Nếu Đi Hết Biển, Thời Văn Mỹ xuất bản năm 2003.

Người tôi muốn nói kỹ hơn một chút đó là học giả Hoàng Xuân Hãn. Sau khi chúng tôi ghi hình, phỏng vấn ông được 6 năm thì ông qua đời. Tưởng nhớ đức độ, công lao và sự nghiệp của ông, một nhóm tác giả ở Hà Nội do nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, nhà văn Nguyễn Văn Hiền chủ trương cho ra 3 tập đồ sộ với tên:" La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn."

Nhà văn Nguyễn Văn Hiền đặt tôi viết một bài, tôi nhận lời với tình cảm kính trọng sâu sắc dành cho học giả Hoàng Xuân Hãn. Bài viết được gửi đi và lên khuôn. Tôi hỏi ông HIền:" Có bị cắt xén gì không?" Ông Hiền trả lời:" Bài của cậu sẽ đăng nguyên si. Yên chí!"

Sách ra, ông Hiền mời tôi tới Nhà xuất bản Giáo dục dự buổi gặp mặt, ra mắt cuốn " La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn". Không khí buổi gặp mặt rất thân mật, hồ hởi. Một vị trong Ban Tổ Chức nhấn mạnh: " Đây là một cuốn sách đầu tiên của một tri thức không phải Đảng viên ************* mà được in trang trọng, nhiều tập, công phu như thế này." Tôi được tặng tập 1, trong đó có bài của tôi. Yên chí bài của mình không bị cắt xén, mấy ngày sau giở ra đọc, tôi thấy có nhiều bài qua hay của những người được ít nhiều tiếp cận với ông Hoàng Xuân Hãn. Rồi tôi đọc lại bài của tôi từ trang 297, tôi ngờ ngợ và nhận ra rằng bài đã bị thiến đi một đoạn khá dài. và đấy là đoạn ông Hoàng Xuân hãn nói đôi điều (rất khiêm nhường) về cải cách ruộng đất. Nguyên văn bài viết của tôi như sau (những chỗ in đậm là bị cắt*):

Vọng về một cố nhân.

Tôi nhớ lại nếu đi metro, đổi tàu lòng vòng vài ba lần đến ga Mirabo, chui lên đi bộ một khúc qua phố nhỏ có những hàng cây lá to và những quán cà phê rất Paris, thì đụng avenue Théophile Gautier. Ngôi nhà số 60 có cung cách một ngôi nhà của những người khá giả. Bấm thang máy lên tầng 5, ấn chuông và bà Hoàng Xuân Hãn hiện ra trước khung cửa với một nụ cười cởi mở, thân quen.

Cũng không nhớ được là tôi đã tới ngôi nhà của ông bà bao nhiêu lần. Lúc thì thăm viếng. Lúc thì ăn cơm cùng ông bà. Lúc thì chỉ để nghe ông nói về La Sơn Phu Tử. Và nhiều nhất là đến để quay phim ông bà.

Đấy là chuyến tôi đi Tây Âu dài dài, từ cuối năm 1988, 1989 đến tháng 6 năm 1990. Qua mấy chục điểm quay, ở hầu hết các thành phố lớn của Anh, Ý, Đức, Bỉ, Pháp, tôi dừng lại ở ngôi nhà của ông bà Hoàng Xuân Hãn lâu hơn cả. Có lẽ đấy cũng chẳng phải chuyện tình cờ. Bạn bè gợi ý và linh tính mách bảo tôi ghi lại những gì có thể ghi. Vậy là chúng tôi quyết định đặt camera (do nhà quay phim Dỗ Khánh Toàn quay) ở nhà ông bà trong nhiều buổi. Mỗi buổi chúng tôi đều mời được một người tương đồng, là những nhà nghiên cứu, những người hiểu biết, ngưỡng mộ ông, để hỏi chuyện ông. Câu chuyện thần tích cực đóng góp vào công cuộc kiến thiết, chắc chắn đất nước sẽ khá lên nhanh chóng.

Chúng tôi đã giành nhiều thì giờ ghi hình và phỏng vấn bà Điềm Phùng Thị, nhà điêu khắc nổi tiếng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật Âu Châu. Bà đã nói những điều rất sâu sắc về văn hoá Huế, về nghệ thuật điêu khắc đương đại và những ước mơ của bà cho xứ sở.

Ghi hình và phỏng vấn nhạc sỹ Trần Văn Khê, chúng tôi có sự hâm mộ, yêu mến đặc biệt với người nhạc sỹ, nhà dân tộc học, nhà văn hoá uyên thâm và có tài hùng biện này. Ông đã nói những điều vô cùng tâm huyết về âm nhạc truyền thống Việt Nam, về nghệ thuật ẩm thực, về văn hoá Phương Đông và đặc biệt là về những mắc mớ, hiểu lầm ông trong quá trình ông về nước sưu tầm nhạc cổ dân tộc và giới thiệu ra với thế giới. Lúc đó ông là người Việt Nam có một vai trò quan trọng ở UNESCO.

Chúng tôi ghi hình những buổi tập dượt của các dàn nhạc giao hưởng Pháp dưới sự điều khiển của nhạc sỹ tài ba Nguyễn Thiện Đạo. Người ta cho chúng tôi biết rằng, các cơ quan hữu trách của Pháp đã đặt ông viết 4 bản giao hưởng trong dịp kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp.

Chúng tôi đã ghi hình và phỏng vấn hoạ sỹ Lê Bá Đảng, người được báo chí phương Tây tặng danh hiệu Họa sư của hai thế giới Đông-Tây. Sự nghiệp hội họa của Lê Bá Đảng đã mang lại niềm hãnh diện cho người Việt Nam và trong câu chuyện trước máy quay của chúng tôi, ông quan tâm tha thiết đến việc kiến thiết làng quê của ông: Làng Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông cũng không nề hà bày tỏ sự bất bình trước những điều mà ông cho là ngang trái, suy đồi cản trở sự đi lên của xã hội Việt Nam.

lai rai của ông trước máy quay giờ đây đã trở thành một tư liệu hiếm có. Tôi cũng chưa bao giờ có điều kiện và có ý dựng thành phim. Vừa rồi, sau khi ông Hoàng Xuân Hãn qua đời, các bạn tôi ở Paris thư về nói rằng: Bác Hãn mất đi, bọn mình tụ tập nhau xem lại cuộn băng quay bác dạo này thấy quý và cảm động quá.

Trước máy quay phim của chúng tôi, ông nói nhiều nhất về lịch sử, về văn hóa Việt Nam. Ông nói về dân tộc, dân chủ. Ông nói về sự kìm hãm dưới thời thuộc Pháp, về ảnh hưởng của văn hoá Pháp. Ông có nói về cụ Hồ, về Hội nghị Đà Lạt...Nói chung, những đề tài ông đề cập đến đều là những đề tài hữu ích cho hậu thế, còn ngôn từ ông dùng thì rất chi là cổ xưa.

Buổi cuối cùng ông bà ngồi trước máy quay, tôi là người hỏi chuyện:

_Thưa hai bác, hai bác yêu nhau từ bao giờ ạ?

Ông bà bỗng buột cười như con trẻ. Bà kể rằng:

_Thuở ấy chúng tôi cùng du học qua Pháp bằng tàu thuỷ. Tàu đi trên biển được ít ngày thì ông ấy đã để ý đến tôi rồi. Qua Pháp chúng tôi có lòng với nhau. Tôi biên thư về Hà Nội xin ý kiến của thầy mẹ. Thầy mẹ tôi biên thư bảo tôi hỏi xem anh ấy tuổi gì. Lúc ấy tôi hỏi:" Anh tuổi gì ạ?" thì ông ấy bảo:" Tôi tuổi con vịt." Thế là tôi cũng biên thư về Hà Nội thưa với thầy mẹ tôi: "Anh ấy tuổi con vịt."

Kể đến đây thì cả hai ông bà đều cười ra nước mắt. Tôi bỗng nhận ra bà vẫn giữ được những nét đẹp của tuổi xâun thì bác dù bà đã ở tuổi ngoài 80.

Tôi hỏi ông:

_Thưa bác, sống ở nước ngoài đã ngần ấy năm sao bác chỉ viết sách bằng tiếng Việt?

_Tôi không có ý viết sách bằng tiếng nước ngoài để mưu cầu danh lợi. Tôi viết sách bằng tiếng Việt cốt để đồng bào ta, con cháu ta đọc. Đọc để mà biết lịch sử, tin tưởng vào tổ tiên, cha ông mình. Còn người nước ngoài muốn đọc sách của tôi thì họ phải học tiếng Việt. Nếu họ không học được thì đến tôi, tôi giảng giải cho mà hiểu.


*Trước ống kính máy quay, ông cũng đã trầm tư kể lại những mất mát to lớn của gia đình ông ở quê nhà trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Ông đặc biệt quan tâm đến sự thịnh suy của nông thôn Việt Nam. Ông nói:

_Sau cải cách ruộng đất cũng đã có sửa sai. Ông Cụ đã nhìn thấy cái sai. Vậy là may. Cái hậu quả của sai lầm trong cải cách ruộng đất không chỉ trên bình diện kinh tế, chính trị, văn hoá. Theo chỗ tôi hiểu, cái mất mát lớn nhất bởi những sai lầm trong cải cách ruộng đất là nó đã phá vỡ mất nông thôn Việt Nam và phá vỡ mất lòng tin.

Tôi mạnh dạn hỏi ông:

_Thưa bác, cháu hỏi thế này, nếu không phải xin bác bỏ quá. Cháu chưa hiểu được tại sao những người như bác có những mất mát ít nhiều bởi những lầm lẫn của chế độ, vậy mà vẫn bền lòng hướng về đất nước, gắn bó với quê hương, thuận hoà với thể chế?

Ông im lặng một khắc rồi ngước lên, tiếng nói vẫn pha giọng miền Trung:

_Chẳng riêng tôi mà có lẽ đó là nét chung của dân tộc Việt mình. Cái lòng ái quốc của dân Việt mình nó lớn lắm. Cho dù có buồn phiền, thương tổn, riêng tư gì nhưng đứng trước cái vận mệnh, cái thịnh suy của đất nước thì đều bỏ qua cả. Tôi vẫn muốn nói rằng cái lòng ái quốc của dân Việt mình nó lớn lắm.


Mùa hè năm 1989, theo thường lệ ông bà rời Paris lên miền Bắc nước Pháp nghỉ tại nhà nghỉ riêng ở D''eauville. Tôi đã có dịp được cùng các bạn tôi đến thăm ông bà. Đấy là một khu nghỉ tuyệt vời. Rừng thông già cao vút trên đồi. Nhìn xuống lũng sâu là biển. Biển Manche. Tôi tưởng tượng nếu nhắm mắt nhảy xuống, bơi một hồi là tới Anh quốc. Ông Hoàng Xuân Hãn tới đây cũng chẳng có thì giờ để nghỉ. Ông bảo bọn tôi cứ đi dạo đi, còn ông lại vùi đầu bên một mớ những sách chữ Hán, chữ Nôm và cuốn Kiều. Ông bảo:" Tôi không biết là tôi còn đủ thì giờ nữa không. Tôi muốn đối chiếu và tìm cho ra nguyên bản của Truyện Kiều. Tôi cho là các bản dịch đều có chỗ sai lệch."

Biệt thự tĩnh lặng của ông bà có hai ngôi nhà lớn xây theo kiểu cổ. Một trong hai ngôi nhà đó hoàn toàn bằng gỗ, nhiều phòng, rất đẹp, ông bà đã hiến cho nhà nước Việt Nam.

Có lẽ cũng nên nói thêm rằng ông bà Hoàng Xuân Hãn luôn giành sự ưu ái đặc biệt cho các trí thức, văn nghệ sĩ từ trong nước sang. Tuy tuổi già, việc bận, ông vẫn giành nhiều thì giờ chăm chú nghe chuyện quê nhà.

Khi ở Paris, có ba lần tôi đi nói chuyện, chiếu phim thì cả ba lần tôi đều thấy ông bà ngồi ở những hàng ghế đầu. Lần cuối, phim của tôi được chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim Hiện thực (Festival du Cinema du Réel) tại Trung tâm văn hoá Pompidou ngày 9 tháng 3 năm 1989. Phòng chiếu lớn trên năm trăm chỗ chật cứng, tôi vẫn nhận ra ông bà ngồi ở hàng ghế thứ năm. Hồi đó mắt ông đã yếu lắm. Đọc sách, hay viết ông phải dùng một kính đeo và một kính lúp. Ông đến là để khuyến khích tôi, còn có thể là để bày tỏ với mọi người về sự quan tam của ông tới đất nước Việt Nam. Chứ còn để xem phim thì tôi chắc rằng không, vì mắt ông không nhìn thấy. Cho phép tôi nói lời cảm tạ từ đáy lòng gửi tới hương hồn ông, như lời tôi đã nói trước đông đảo khán giả Paris khi buổi chiếu phim của tôi kết thúc:

_Thưa quí bà, quí ông. Theo phong tục của người Việt Nam chúng tôi, cho phép tôi tặng lại bó hoa này tới người cao tuổi nhất trong phòng chiếu phim ngày hôm nay. Một người sống với Paris đã lâu năm. Một người suốt cả cuộc đời vì nền văn hoá của dân tộc mình, đất nước mình. Một người mà tôi hết kính trọng. Đó là bác (tonton) Hoàng Xuân Hãn.

Tôi thấy phòng chiếu phim vang lên tiếng vỗ tay hồi lâu. Người cháu cùng đi đỡ ông đứng dậy. Ông cầm lấy bó hoa màu tím, rơm rớm nước mắt.

Giờ đây, tôi xin kính cẩn thắp một nén hương để vọng về ông, vọng về một cố nhân.

Trần Văn Thủy.


Nếu Đi Hết Biển là tập hợp 12 bài của Trần Văn Thủy, viết trong chương trình nghiên cứu của William Joiner Center, đại học Massachusetts Boston. Đọc Nếu Đi Hết Biển sẽ gặp những người Việt nặng lòng với quê hương tuy ở bên kia đại dương. Sách do Thời Văn Mỹ xuất bản năm 2003, gồm các chương:

01 - Mấy lời rào đón
02 - Nếu đi hết biển...
03 - Một bức thư
04 - Thầy mù xem voi
05 - Tản mạn với Cao Xuân Huy
06 - Trò chuyện với nhà văn Nhật Tiến
07 - Nguyễn Thị Hoàng Bắc
08 - Biểu diễn lập trường
09 - Gặp Gỡ Tại Khu Green Lantern Village
10 - Chuyện Trò Cùng Trương Vũ
11 - Wayne Kalin
12 - Tuyết và Chris
Phụ lục - Vũ Ánh đọc Nếu Đi Hết Biển.


1598979650880.png


Chuyện Nghề của Thủy trích dẫn 5 chương đầu Nếu Đi Hết Biển.

Nếu Đi Hết Biển có những câu đoc khá ấm áp:

Lake Forest, một buổi tối đông bạn bè, kết thúc chương 5 - Tản mạn với Cao Xuân Huy

Năm xưa -10/5/1969 - tôi có ghi chép... Chris shared, “How much time left for us to love our life partner? Would it be enough time? Would it be too little time? For my whole life, I wonder how much time I’ll need to love mine? (Chris tâm sự, thời gian của chúng ta còn bao nhiêu nữa để ta có thể yêu người bạn đời của mình? Ta còn đủ thời gian không? Hay ta chẳng còn bao nhiêu? Suốt đời tôi luôn tự hỏi: Mình cần bao nhiêu thời gian để yêu người mình yêu). Chương 12 - Tuyết và Chris.

Em cho rằng khi nhắc về Trần Văn Thủy với Chuyện Tử Tế, Hà Nội Trong Mắt Ai thì người ta còn nhắc đến Nếu Đi Hết Biển.
 

DaDieuchienxu

Xe container
Biển số
OF-436459
Ngày cấp bằng
12/7/16
Số km
8,110
Động cơ
347,316 Mã lực
Cụ đọc Nắng đồng bằng mà chém với các em miền tây về miền tây mà các em ý mắt tròn mắt dẹt thì kinh rồi. Người lính đặc công Chu Lai và đơn vị của ông k hoạt động ở miền tây, truyện cũng mô tả về miền đông Nam Bộ, chủ yếu tỉnh Sông Bé nay là Bình Phước và Bình Dương.
Cụ trả lời cực chuẩn. Cuốn "Nắng đồng bằng" nhà cháu xem rách bươm vì đọc thấy lôi cuốn quá.
Trong truyện có chi tiết B52 đánh bom. Trong chiến tranh VN, B52 chỉ đánh bom từ QK II trở ra (vùng Nam Trung bộ).
 

Semi-auto

Xe buýt
Biển số
OF-160319
Ngày cấp bằng
11/10/12
Số km
680
Động cơ
353,413 Mã lực
Bác kéo xuống dưới là thấy phần viết của hòa thượng Thích Thanh Từ. Em copy bên dưới

Thiền của đạo Phật có chia ra các hệ phái Thiền Nguyên thủy và hệ phái Thiền Phát triển.

1. Hệ phái Thiền Nguyên thủy

1.1 Pháp quán Tứ niệm xứ:

- Quán thân bất tịnh: Thân này có nguồn gốc nhớp nhúa, bẩn thỉu.

- Quán thọ thị khổ: Sự cảm thọ hay cảm giác của sáu căn đều là đau khổ, không vui.

- Quán tâm vô thường.

- Quán pháp vô ngã.

1.2 Minh sát tuệ: Thiền này cũng dùng trí tuệ xem xét rõ ràng tất cả các vật. Có khi các ngài dùng Minh sát tuệ để quán Tứ đế, có khi các ngài dùng Minh sát tuệ để quan sát hơi thở: hít vô bụng phình ra, thở ra bụng xẹp xuống. Hít vô phình, thở ra xẹp. Đó là lối quán của Thiền Minh sát tuệ. Chúng ta thấy tu theo Nguyên thủy cũng là tu Thiền. Hoặc Thiền Tứ niệm xứ, Minh sát tuệ, Ngũ đình tâm v.v... Đó là phương pháp tu của đạo Phật theo hệ Nguyên thủy.

... Và 1 số pháp khác hòa thượng không kể ra

2. Hệ phái Thiền Đại thừa

2.1 Lục Diệu Pháp Môn: Sổ tức, Tùy tức, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh.

2.2 Pháp quán Không, Giả, Trung: Quán Không là quán sát tất cả pháp trên thế gian này đều do duyên hợp mà có hình tướng, có danh tự, tên tuổi, chớ thật tình nó không thật, không có thực thể, nên gọi là Không. Tuy Không nhưng duyên hợp thì giả có. Giả có nên đâu phải là không ngơ. Vì vậy nói quán Giả. Người thấy được nghĩa Không, Giả hòa hợp, đó gọi là quán Trung.
Đoạn nói về các thiền không phải đạo Phật đơn giản dễ hiểu. Còn đoạn này em cũng đọc và không hiểu được thực hành thiền thì như thế nào.
 

barca6996

Xe container
Biển số
OF-724771
Ngày cấp bằng
10/4/20
Số km
7,584
Động cơ
151,182 Mã lực
Untitled-1.jpg


“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”
được viết khá lạ kỳ, chỉ có vài trang là câu chữ của tác giả. Svetlana Alexievich bị ám ảnh bởi chiến tranh, và quyết tâm làm rõ những năm tháng không thể nào quên khi một người liền bà phải trải qua cuộc chiến, dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù là tiến tuyến hay hậu phương.

Các nhân vật chánh, tất nhiên đúng dư tên sách, tuyền là phụ nữ. Svetlana thâu thập hàng trăm mẩu chuyện của hàng trăm các bà các cô, chuyện vắn chuyện dài, lời khóc lời cười… thôi thì gồm đủ. Niên 1986, tác giả tròn 38 tuổi, tác phẩm được hoàn thành và có nhiều đoạn bị các NXB Liên Sô yêu cầu cắt bỏ, với những ný nuận hết sức hùng hồn, hết sức đẳng cấp…

“Cô học ở đâu những tư tưởng ấy? Chúng xa lạ với chúng ta, chúng không Sô Viết. Cô chế diễu những nạn nhân nằm trong các hô chôn chung. Cô đọc quá nhiều Remarque. Ở ta chủ nghĩa Remarque không sống được đâu. Người phụ nữ Liên Sô không phải là một con vật”.

Hoặc…

“Tất cả những chi tiết sinh lý nầy để làm gì? Cô hạ thấp người phụ nữ ( Liên Sô) với cái thứ chủ nghĩa tự nhiên sơ đẳng của cô. Cô tước đi ánh hào quang của họ, những người phụ nữ anh hùng.Cô biến họ thành người phụ nữa bình thường, một con cái. Mà ở ta thì đó là những nữ thánh”.

Cuốn sách này là sự thực trần trụi về mặt sau của tấm huy chương. Thi thoảng có những tiếng hò reo, thi thoảng có tiếng cười đùa, thì thoảng có tình yêu tình báo, dưng tất cả đều chìm trong nỗi thống khổ đau buồn. Có nhiều thứ không bao giờ có lại sau khi chiến tranh đã đi qua.

Cuốn sách này quả là ngộp thở và nặng nề, tất tần tật, cả trong và ngoài cuộc chiến. Và ác mộng có lẽ sẽ theo duổi rất nhiều người, trong và ngoài cuốn sách nầy, cho đến khi họ đi gặp cụ Các mác cụ Lê Nin.

Dịch giả Nguyên Ngọc, một nhân chứng sống của thời đạn bom, đã dịch tuyệt hay tác phẩm nầy, tác phẩm được viết bằng tiếng Nga đã đưa nữ tác giả người Bê La Rút được trao giải Nô Beo niên 2015.
Cuốn này e cũng đọc rồi nhưng e nghĩ nó được trao giải Nobel có lẽ do yếu tố chính trị nhiều hơn. E quote lại còm của cụ phần về Chu Lai và Bảo Ninh chút. Như cụ nhận xét sau Nắng đồng bằng các tác phẩm sau này của Chu Lai có vẻ thợ viết nhiều hơn chứ k còn cảm xúc như cuốn sách đầu tay xuất bản vào năm 1978,e biết qua mục đọc truyện đêm khuya sau này mới được đọc. Việc nhà văn Chu Lai tham gia đoàn kịch trước khi đi lính chắc do người cha là nhà văn, soạn giả Học Phi, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cụ nghi ngờ nhà văn k trực tiếp chiến đấu nhưng e k nghĩ vậy. Với nhà văn Bảo Ninh và tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (tựa đầu Thân phận tình yêu là do yêu cầu của Biên tập và NXB lúc đó) e đánh giá rất cao cả về mặt tư tưởng và trình độ. Nó cho thấy chiến tranh dưới một góc nhìn khác và số phận người lính sau chiến tranh. Ngôn ngữ đậm chất điện ảnh, như đoạn người con gái tắm bên đầm nước vào buổi chiều nhập nhoạng tối, hay những con phố Hà Nội về đêm lúc 0h,ướt át, lạnh lẽo và da diết buồn. Nhà văn Nguyên Ngọc của Đất nước ngồi xuống 😁có khen quá lời một chút thì cũng phải thôi, vì thời kỳ ông làm TBT báo Văn Nghệ cùng lúc với tướng Trần Độ làm Trưởng Ban Văn Nghệ với Đề cương Văn hóa đã góp phần cho sự xuất hiện của những Nguyễn Huy Thiệp, Dương Hướng(Bến không chồng), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma) và tất nhiên Bảo Ninh. Những tác giả tác phẩm trên đều đã được chuyển thể sang điện ảnh, duy có Bảo Ninh là chưa,e cũng hơi ngạc nhiên chút về điều này, có thể vấn đề kinh phí, cũng có thể do đụng chạm hoặc do chưa ai có đủ tài năng để chuyển thể cuốn Nỗi buồn chiến tranh thành tác phẩm điện ảnh. E dài dòng chút và hơi ngược ý kiến của cụ về tác giả tác phẩm này
 

barca6996

Xe container
Biển số
OF-724771
Ngày cấp bằng
10/4/20
Số km
7,584
Động cơ
151,182 Mã lực
Cụ trả lời cực chuẩn. Cuốn "Nắng đồng bằng" nhà cháu xem rách bươm vì đọc thấy lôi cuốn quá.
Trong truyện có chi tiết B52 đánh bom. Trong chiến tranh VN, B52 chỉ đánh bom từ QK II trở ra (vùng Nam Trung bộ).
Hihi đang có thớt rất xôm tụ về củi lửa, k biết nên k dám tham gia, e giới thiệu cụ cuốn này k biết cụ đọc chưa. Nó về tham nhũng quyền lực ở cấp cao nhất của đất nước mạnh nhất trong thế giới tự do. Cuốn này cũng đã dựng phim với diễn viên gạo cội Clint Eastwood, rất tiếc hiện nay vì lý do bản quyền các web lậu đều đã gỡ bỏ. Sách được xuất bản ở Việt Nam hơn chục năm rồi sau khi đã có phim
 

barca6996

Xe container
Biển số
OF-724771
Ngày cấp bằng
10/4/20
Số km
7,584
Động cơ
151,182 Mã lực
Có hai cuốn sách đều là tác giả người Nga viết, một phân tích những nguyên do của cuộc chiến vùng đất Kavkaz và một về cuộc chiến không gian mạng e thấy rất đáng để đọc, xin giới thiệu với các cụ
 

Hoàng Trang

Xe trâu
Biển số
OF-422667
Ngày cấp bằng
16/5/16
Số km
31,242
Động cơ
692,702 Mã lực
Nơi ở
Hà Nội
Hihi đang có thớt rất xôm tụ về củi lửa, k biết nên k dám tham gia, e giới thiệu cụ cuốn này k biết cụ đọc chưa. Nó về tham nhũng quyền lực ở cấp cao nhất của đất nước mạnh nhất trong thế giới tự do. Cuốn này cũng đã dựng phim với diễn viên gạo cội Clint Eastwood, rất tiếc hiện nay vì lý do bản quyền các web lậu đều đã gỡ bỏ. Sách được xuất bản ở Việt Nam hơn chục năm rồi sau khi đã có phim
Em check mấy trang TMĐT thấy hết. Hị
 

DaDieuchienxu

Xe container
Biển số
OF-436459
Ngày cấp bằng
12/7/16
Số km
8,110
Động cơ
347,316 Mã lực
Hihi đang có thớt rất xôm tụ về củi lửa, k biết nên k dám tham gia, e giới thiệu cụ cuốn này k biết cụ đọc chưa. Nó về tham nhũng quyền lực ở cấp cao nhất của đất nước mạnh nhất trong thế giới tự do. Cuốn này cũng đã dựng phim với diễn viên gạo cội Clint Eastwood, rất tiếc hiện nay vì lý do bản quyền các web lậu đều đã gỡ bỏ. Sách được xuất bản ở Việt Nam hơn chục năm rồi sau khi đã có phim
Có hai cuốn sách đều là tác giả người Nga viết, một phân tích những nguyên do của cuộc chiến vùng đất Kavkaz và một về cuộc chiến không gian mạng e thấy rất đáng để đọc, xin giới thiệu với các cụ
Cảm ơn cụ đã chia sẻ, dạng sách này nhà cháu rất thích, tiếc là lúc này nhà cháu bận quá, ít có thời gian thỏa chí đam mê.
Cứ note lại, khi công việc ổn thỏa nhà cháu sẽ tìm đọc.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top