HARARI YUVAL NOAH: BÀN VỀ TƯƠNG LAI
(Cũng lâu lâu rồi chưa có dịp vào lại topic này để comment, hôm trước có post của cụ xittalin về toán học hay quá mà không dám sa đà vào đó, bởi sa vào là khó có đường ra! Iem vốn dân "chiên tán" mà...Hôm nay tranh thủ chiều cuối tuần, lại có nguồn tham khảo hay hay nên muốn chia sẻ cùng các cụ các mợ!!!)
Ở đây chắc các cụ các mợ ít nhiều cũng biết đến tay Harari Yuval Noah: là giáo sư Sử học người Israel, tác giả mấy cuốn sách rất ăn khách như: “Sapiens: Lược sử nhân loại” và “Homo Deus: Lược sử ngày mai”.
Vào năm 2018, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sỹ; Harari được mời làm speaker/người thuyết trình về chủ đề tương lai của xã hội loài người, ai sẽ cai trị sự sống trên Trái đất trong tương lai, và con người sẽ thay đổi như thế nào trong những điều kiện của các cách mạng công nghệ về thông tin, về sinh học.
Bài diễn thuyết rất hay. Ai nghe được tiếng Anh xin mời vào link dưới đây để nghe (Anh ấy nói rất dễ nghe ạ!
)
What can we learn from a history of the future? Historian Yuval Harari takes us on a journey through technological development and challenges leaders to develop a substantive vision of what it means for society, politics, religion and ideology. Simultaneous interpretation in all languages This...
www.weforum.org
Em mạo muội tóm tắt lại nội dung – mà cũng đã được các bạn dịch chuyển ngữ sang tiếng Việt trên FB và Web – sao cho gọn ghẽ hơn nữa để phù hợp với dạng review sách ở topic này.
Luận điểm đầu tiên về tương lai của Harari là: AI LÀM CHỦ THÔNG TIN – SẼ LÀM CHỦ THẾ GIỚI!
Rất có thể chúng ta là một trong những thế hệ cuối cùng của Homo sapiens. Sau một vài thế kỷ nữa, Trái đất sẽ là nơi sinh sống của những sinh vật (
không biết có còn gọi là homosapiens nữa không?!) rất khác biệt với chúng ta, cũng như chúng ta khi so với người Neanderthal hoặc tinh tinh vậy. Trong các thế hệ tiếp theo, chúng ta sẽ học cách chỉnh sửa thể chất và trí tuệ của mình, và điều này sẽ trở thành sản phẩm chính yếu của nền kinh tế thế kỷ XXI và sau nữa. Vậy chính xác thì những chủ nhân tương lai của hành tinh trông sẽ như thế nào? Việc này sẽ được quyết định bởi những ai nắm giữ thông tin. Ai sẽ kiểm soát nó trong tay thì cũng sẽ có được quyền kiểm soát sự sống trên hành tinh. Thông tin – đó là tài sản quan trọng nhất trên thế giới.
Thông tin quan trọng tới mức đó là bởi vì chúng ta đã đạt đến điểm khi có thể "hack" không chỉ máy tính mà còn cả cơ thể con người. Điều này đòi hỏi hai thứ: năng lực tính toán lớn và lượng lớn dữ liệu, đặc biệt là về sinh trắc học. Hiện nay tình hình đang thay đổi nhờ vào hai cuộc cách mạng song hành: sự phát triển của khoa học máy tính (việc nở rộ của học máy, trí tuệ nhân tạo) và sự phát triển của sinh học, đặc biệt là sinh học thần kinh. Điều này cho chúng ta hiểu biết cần thiết về cách thức hoạt động của não bộ con người. Có thể tóm gọn một thế kỷ rưỡi nghiên cứu sinh học trong dòng sau: các sinh vật là những giải thuật (
coding). Và chúng ta hiện nay đang học cách giải mã các giải thuật này (
de-coding).
Rất có thể phát kiến quan trọng nhất đối với cả hai cuộc cách mạng – đó là cảm biến sinh trắc học, chuyển đổi các quá trình sinh hóa trong cơ thể và não bộ chúng ta thành những tín hiệu điện tử mà máy tính có thể phân tích được. Bằng cách giải mã các giải thuật này, chúng ta có thể tạo ra những thực thể sẽ tốt hơn con người. Nhưng cách mà những thực thể này kế đó sẽ ứng dụng những công nghệ đấy như thế nào thì đó là cả một vấn đề rất mù mờ, chưa ai có thể biết được!
Giờ đây quá trình này đang được tiến hành trên ba mặt trận. Mặt trận đầu tiên – đó là kỹ nghệ sinh học, các nhà khoa học đang nuôi cấy những cơ quan mới, làm mới hóa các cơ quan cũ, can thiệp vào cơ thể ở cấp độ di truyền,... Nhưng đây cũng là mặt trận bảo thủ nhất, bởi vì nó sử dụng những “viên gạch” truyền thống mà đã hình thành nên sinh vật như chúng ta đã biết trong vài tỷ năm qua. Cách tiếp cận thứ hai cấp tiến hơn – đó sự tổ hợp giữa hữu cơ và vô cơ (bàn tay sinh học, giao diện máy tính trong não bộ, hệ miễn dịch thứ hai được tạo ra từ hàng triệu nano-robot,…). Nhưng ngay cả trong trường hợp này, não bộ của bạn vẫn còn là hữu cơ, mặc dù thực tế là nó được kết nối với nhiều loại thiết bị khác nhau, với Internet.
Mặt trận thứ ba – cũng là triệt để nhất – đó là việc tạo ra những dạng thức sống hoàn toàn vô cơ. Có thể làm điều này hay không thì vấn đề hiện đang mở ngỏ. Bí ẩn của ý thức vẫn còn chưa được giải đáp - chúng ta cho đến giờ vẫn chưa biết nó là gì và nó xuất hiện ra sao ở người. Đồng thuận chung – đó là ý thức nằm trong não bộ, và nếu bạn “hack” nó và hiểu được cách hàng tỷ tế bào thần kinh này hoạt động ra sao để tạo ra trải nghiệm và xúc cảm, thì sẽ không có rào cản nào để có thể tái tạo chúng trên “vật liệu” khác. Có thể chúng ta sẽ khó thành công với các dạng thức sống vô cơ, nhưng ngày càng có nhiều nhà khoa học nghiêm túc tin rằng điều này sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra.
Luận điểm thứ hai về tương lai của Harari là: ĐA SỐ NÓI CHUNG KHÔNG Ý THỨC ĐƯỢC RẰNG MÌNH ĐANG CƯỠI TRÊN LƯNG NGỰA.
Anh này có cái nhìn khá bi quan về tương lai “số hóa” của nhân loại. Rằng với những cơ sở dữ liệu thông tin về nhân trắc học, sinh học của nhân loại khổng lồ và nhậy cảm như vậy thì vân đề điều tiết và sở hữu những cơ sở dữ liệu ấy ra sao? Khác với đất đai và thiết bị công nghiệp, thông tin ở khắp mọi nơi và đồng thời không ở bất cứ đâu, nó có thể được sao chép, nó lan truyền với tốc độ đáng kinh ngạc,... Ở thời điểm hiện tại, số lớn dữ liệu là thuộc nắm giữ của các tập đoàn, và mọi người đang lo lắng. Nhưng nếu các chính phủ được trao quyền quốc hữu hóa thông tin thì nó sẽ dẫn đến chế độ đ.ộ.c t.à.i số!
Trong thế kỷ 21, cuộc cách mạng công nghệ sinh học có thể xoay chuyển con lắc theo hướng ngược lại: việc phân phối thông tin tập trung có thể trở nên hiệu quả hơn. Nếu nền dân chủ không thích ứng với các điều kiện mới thì sẽ có khả năng mọi người sẽ sống dưới chế độ đ.ộ.c t.à.i số. Lấy ví dụ về Bắc Triều Tiên: người dân ở đó chẳng hạn sẽ đeo những chiếc vòng tay sinh trắc học đặc biệt. Khi một người bước vào phòng và nhìn thấy chân dung của lãnh tụ vĩ đại đương nhiệm, chiếc vòng tay sẽ đếm xúc cảm, huyết áp của người đó và truyền dữ liệu đến các cơ quan tương ứng – đó chính là chế độ đ.ộ.c t.à.i số (
Điều này mà xảy ra thật thì chắc chết wa’ , không thể giả bộ vui mừng nhảy tưng tưng hay khóc thương vật vã được nữa! )
Kiểm soát thông tin sẽ cho phép giới tinh hoa thế giới làm được gì đó còn cấp tiến hơn chế độ đ.ộ.c t.à.i số. Bằng cách "hack" các dữ liệu sinh học, giới tinh hoa sẽ có cơ hội tái xây dựng tương lai của sự sống. Và đây sẽ là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử không chỉ của nhân loại, mà của mọi sự sống trên Trái đất. Giờ đây khoa học đang thay thế tiến hóa nhờ chọn lọc tự nhiên bằng tiến hóa nhờ thiết kế thông minh. Thiết kế không phải của Chúa trời, mà là của con người. Nếu vấn đề này không được điều tiết, một nhóm người nhỏ bé, tầng lớp ưu tú, sẽ có quyền truy cập vào nó và sẽ quyết định tương lai của sự sống trên Trái đất. Quả là đáng sợ…
Bình phẩm thêm cho vui: thời đại 0.4 - ý lộn ...4.0
khi thông tin đang lên ngôi, việc thay đổi phong cách sống và lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con cái chúng ta là một việc hệ trọng! Đối với bản thân chúng mình, để đối phó với sự thay đổi nhiều khi nhanh đến chóng mặt, có lẽ phải đầu tư vào khả năng thích ứng của chính bản thân mình! Và luôn luôn phải nhắc nhở lũ con cái: AI LÀM CHỦ THÔNG TIN – SẼ LÀM CHỦ THẾ GIỚI!