अवलोकितेश्वर (phiên âm latin: Avalokitesvara), đọc kiểu Việt hoá: A bà lô kiết đê xá bà la, nghĩa là: Đấng Quán chiếu âm thanh của thế gian.
Theo sử sách Phật học, chư vị Bồ Tát (Quan Thế Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, và Văn Thù Bồ Tát) không phải là những nhân vật lịch sử. Các Ngài có thể xuất hiện ở bất cứ hình dáng nào, phụ thuộc vào tâm niệm của chúng sinh.
Với tâm niệm của chúng sinh, Quan Thế Âm Bồ Tát là Công chúa Diệu Thiện, con thứ ba của vua Diệu Trang. Thông minh, xinh đẹp, được vua cha yêu mến, nhưng Công chúa Diệu Thiện chỉ muốn tu hành, không muốn lấy chồng.
Vua cha phật ý và ra điều kiện: nếu có thể trồng hoa nở trên đỉnh núi vào tháng Chạp lạnh giá, thì có thể tự do tu hành. Sự thành tâm của Công chúa đã tới được Đức Phật, Ngài đã khiến hoa nở khắp vùng đồi núi. Nhờ vậy mà công chúa Diệu Thiện có thể đường hoàng nhập Phật Môn tại chùa Bạch Tước.
Ở Trung Quốc, Quan Thế Âm Bồ Tát thường được thờ riêng ngoài trời với tạo hình rất hùng vĩ, ví dụ Quan Thế Âm Bồ Tát (Nam Sơn, Tam Á, Hải Nam).
Ở Việt Nam, có lẽ do tài lực người xưa có hạn, nên Quan Thế Âm Bồ Tát được thờ chung trong chùa, nhưng giống như ở Trung Quốc, tượng của Ngài được đặt ngoài trời.
Quan Thế Âm Bồ Tát được thờ ngoài trời vì Ngài có 5 Quán (Thần lực) có thể phổ độ trực tiếp chúng sinh:
- Chân quán: Dung thông cả 6 giác quan với nhau, cảm nhận tận cùng sự khổ đau của chúng sinh.
- Thanh tịnh quán: Giữ gìn sự thanh tinh, loại bỏ sự ô trọc của thế gian.
- Từ quán: Siêu độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau để đến với hạnh phúc, vui vẻ.
- Bi quán: Từ bi vô điều kiện, không giới hạn, giúp chúng sinh thoát khỏi cái tôi ích kỷ.
- Quảng đại trí tuệ quán: Trí tuệ siêu việt, ánh sáng trí tuệ của Ngài soi sáng nhân gian khỏi mông muội, ngu dốt.