Nga-Trung bắt đầu tập trận “Tương tác hải quân”
(ĐSPL) - Đây sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Nga và Trung Quốc khai mạc một cuộc tập trận chung.
Theo đài
Tiếng nói nước Nga, cuộc tập trận bắt đầu ở vùng biển phía bắc Biển Hoa Đông vào ngày 20/5, ngày đầu tiên chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tin tức cho hay cuộc tập trận "Tương tác hải quân" bắt đầu vào ngày 20/5 này có nhiệm vụ nâng cao mức độ phức tạp của các bài tập chung. Cuộc tập trận thường niên này có sự tham gia của 12 tàu chiến và máy bay quân sự. Đây là lần đầu tiên các thủy thủ của Nga và Trung Quốc sẽ hoạt động trong các nhóm tàu hỗn hợp. Kế hoạch tập trận còn trù tính các đợt bắn tên lửa và pháo vào các mục tiêu trên biển, các chiến dịch chống ngầm và cứu hộ.
Theo kế hoạch, tập trận "Tương tác biển" có nhiều đợt bắn tên lửa và pháo vào các mục tiêu trên biển.
Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ một lần cho các đối tác nước ngoài thấy rằng hai ông giám sát trực tiếp sự tương tác trên biển. Tháng Hai năm nay, thông qua hệ thống truyền hình hội nghị ở Sochi, hai nhà lãnh đạo đã kiểm soát quá trình cuộc tập trận hải quân đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước ở vùng biển Địa Trung Hải. Khi đó, cuộc diễn tập đã diễn ra trong khuôn khổ chương trình đưa vũ khí hóa học ra khỏi Syria, mà Nga và Trung Quốc đều tham gia.
Theo ý kiến của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Vladimir Evseev, sự kiện này phản ánh tình hình địa chính trị mới đã hình thành sau cuộc khủng hoảng Ukraina.
Ông Evseev nói: “Sự kiện này không phải là ngẫu nhiên. Đây là một tín hiệu cho phương Tây, chủ yếu là Mỹ, về xây dựng quan hệ quân sự và chính trị mới. Dấu hiệu này cho thấy Nga và Trung Quốc chủ trương củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực này. Việc tổ chức tập trận hải quân cho thấy khả năng đạt được thỏa thuận quân sự và chính trị quan trọng, nếu không phải ngay lập tức thì ít nhất trong tương lai gần. Mỹ sẽ nhận thấy tín hiệu này. Nhưng, họ không còn nguồn lực để đối phó với thực tế rằng, Nga và Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự-chính trị trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong tình hình này, hình ảnh của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng”.
Phản ứng với lập trường của phương Tây và Mỹ về vấn đề Ukraina, Matxcơva đã tăng cường hợp tác với các nước Châu Á. Xu hướng này đang phát triển. Xác nhận điều này là cuộc tập trận “Tương tác biển” Nga – Trung.
Chuyên gia quân sự, tổng biên tập
Tạp chí Quốc phòng Igor Korotchenko cho biết: “Hiện nay, Nga coi Trung Quốc như một đối tác chiến lược quan trọng nhất. Trước đây, chúng tôi đã xem Mỹ và NATO là các đối tác chiến lược quan trọng nhất. Nhưng, khi các nước này giữ lập trường ‘không hữu nghị’ trong bối cảnh các sự kiện ở Ukraina, Nga đang tích cực hướng tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Và chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Putin sau các sự kiện ở Ukraina là tới Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, Nga cũng sẽ xây dựng quan hệ đặc biệt gần gũi với các trung tâm quyền lực khác ở Châu Á. Vì vậy, có thể nói chắc chắn rằng, tập trận quân sự chung là câu trả lời của Nga và Trung Quốc trước áp lực của Mỹ và phương Tây. Hoạt động này phải được xem xét trong bối cảnh tình hình địa chính trị hiện nay”.
Cuộc tập trận "Tương tác hải quân" sẽ được tổ chức ở vùng biển phía bắc Biển Hoa Đông. Ở vùng biển này, Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung, gây áp lực tâm lý đối với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Phó Chủ tịch Học Viện các vấn đề địa chính trị Konstantin Sokolov cho rằng bởi vậy, Mátxcơva và Bắc Kinh đã thông qua quyết định tổ chức cuộc diễn tập ở vùng biển này: “Đây là lần thứ 3 Nga và Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận hải quân. Vấn đề là ở chỗ, gần như 2-3 lần trong năm ở vùng biển này tiến hành các cuộc tập trận Mỹ-Hàn. Vì vậy, cuộc tập trận Nga-Trung là cách phản ứng của Matxcơva và Bắc Kinh trước các bài tập quân sự Mỹ-Hàn tiến hành thường xuyên ở vùng biển đó. Khu vực này là rất nhạy cảm đối với Trung Quốc, quốc gia này có vấn đề lãnh thổ với Nhật Bản. Và Tokyo nhận sự hỗ trợ của Washington, do đó, cuộc tập trận hải quân có thể được coi như sự hỗ trợ của Matxcơva đối với Bắc Kinh”.
Sự hợp tác Nga - Trung là yếu tố quan trọng của sự ổn định quốc tế
© Photo: RIA Novosti/ Alexey Drujinin
Tương tác Nga - Trung là một yếu tố quan trọng của sự ổn định quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá như vậy sự hợp tác giữa Mátxcơva và Bắc Kinh trên trường quốc tế. Ngày 20 tháng 5, ở Thượng Hải, ông Putin đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo kết quả cuộc hội đàm hai bên đã thông qua tuyên bố chung.
Phát biểu tại cuộc hội đàm với thành phần mở rộng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, sự hợp tác của hai nước tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác ngày càng trở nên quan trọng.
Theo Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Sergei Luzyanin, cơ sở của sự hợp tác này là việc cả hai nước có cách tiếp cận chung với vấn đề xây dựng các mối quan hệ quốc tế. Trung Quốc và Nga cho rằng, nguyên tắc quan trọng nhất là tôn trọng luật pháp quốc tế và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trên thế giới hiện nay khi mọi nước liên hệ lẫn nhau, ngôn ngữ trừng phạt đơn phương là không thể chấp nhận được. Đó là lý do tại sao Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn dự thảo nghị quyết về Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, văn kiện quy định áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ Bashar al-Assad. Chuyên viên Nga nói:“Cần phải phát triển sự hợp tác trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Dù Nga và Trung Quốc không phải lần nào cũng bỏ phiếu như nhau trong Hội đồng Bảo an, nhưng, có xu hướng hết sức quan trọng - hai bên phối hợp kế hoạch và lợi ích địa chính trị trong tổ chức quốc tế này. Đồng thời, tại Liên hợp quốc, cả Nga và Trung Quốc đều có những đối tác và đồng minh của mình. Các nước đó cũng có thể tham gia vào các diễn đàn và dự án của Liên Hợp Quốc để hạn chế quyền bá chủ của Mỹ và cái gọi là "hành động nhân đạo" của phương Tây”.
Trong bản tuyên bố chung được thông qua theo kết quả cuộc hội đàm ở cấp cao nhất, Nga và Trung Quốc kêu gọi duy trì sự ổn định trong quan hệ quốc tế, hòa bình và an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới. Mátxcơva và Bắc Kinh kêu gọi giải quyết các tình huống khủng hoảng và các cuộc tranh chấp, đấu tranh chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới. Yếu tố hết sức quan trọng ở đây có thể là sự tương tác giữa hai nước về vấn đề Afghanistan, đặc biệt sau khi lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu rút khỏi nước này. Ông Sergey Luzyanin cho biết: “Nếu nói về những hình thức hợp tác quốc tế thì Nga và Trung Quốc có thể phối hợp nỗ lực dành viện trợ kinh tế cho Afghanistan. Trung Quốc đã ký các hợp đồng trị giá nhiều tỷ đô la về khai thác tài nguyên khoáng sản tại Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan. Liên bang Nga cùng với Trung Quốc cũng có thể tìm lĩnh vực hợp tác kinh tế thích ứng”.
Theo chuyên gia Nga, để đảm bảo sự ổn định xung quanh Afghanistan, Nga và Trung Quốc nên hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực Trung Á. Về mặt lý thuyết, ở khu vực này có tể thiết lập quan hệ hợp tác giữa tổ chức đang được củng cố - Liên minh Hải quan của Nga, Kazakhstan và Belarus - và "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa " - đề xuất của ông Tập Cận Bình.
Hai dự án này đang phát triển song song. Tuy nhiên, ngay hiện nay có thể thấy những hình thức hợp tác tương lai, ví dụ, Nga và Trung Quốc có thể hợp tác trong các vấn đề nước và thủy điện ở Trung Á, có thể thực hiện các dự án giao thông với sự tham gia của "các nước trung chuyển" trong khu vực. Hai nước có thể thành lập xí nghiệp liên doanh trong khu vực với sự tham gia của các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan và các quốc gia “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”. Những dự án như vậy sẽ minh họa tốt nhất nội dung bản tuyên bố chung đề cập đến việc gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, sự tương tác giữa các nền kinh tế và văn hóa của các quốc gia khác nhau . Đó là ý kiến của Phó Giám đốc Viện Viễn Đông Sergei Luzyanin.
Đọc tiếp:
http://vietnamese.ruvr.ru/2014_05_20/272580224/
Putin: Hợp tác Nga-Trung chưa từng có trong lịch sử
Trước thềm chuyến công du tới Thượng Hải để ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng với Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
“Giờ đây, hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đang tiến sang một giai đoạn mới của quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược. Không có gì sai khi nói rằng mối quan hệ này đã đạt tới mức cao nhất trong lịch sử nhiều thế kỷ qua” – RT dẫn lời Tổng thống Nga nói khi trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir PutinTổng thống Nga nói thêm, đôi bên đã ‘tích cực thiết lập nên một cấu trúc phát triển bền vững và an ninh mới ở châu Á – Thái Bình Dương. Cấu trúc này nên dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, tính toàn vẹn của an ninh, không sử dụng vũ lực và đe dọa vũ lực’.
Theo Tổng thống Nga, các lĩnh vực hợp tác chính giữa Nga và Trung Quốc trong giai đoạn này bao gồm việc mở rộng quan hệ kinh tế và hợp tác trong khoa học, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao.
Lúc này, Trung Quốc đang được coi là đối tác hàng đầu về ngoại thương của Nga.
Năm 2013, trao đổi thương mại song phương đạt gần 90 tỉ USD và dự kiến có thể tăng lên thành 100 tỉ USD vào năm 2015 và trên 200 tỉ USD vào năm 2020.
Nga và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng, và dự định thiết lập nên liên minh năng lượng chiến lược.
Dự án khổng lồ trị giá trên 60 triệu USD đang được triển khai, nhằm cung cấp dầu thô của Nga cho Trung Quốc theo đường ống Skovorodino-Mohe.
Hai nước cũng đang thực thi một danh sách các dự án chung trong 40 lĩnh vực ưu tiên với tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 20 tỉ USD.
Cũng trong chuyến công du lần này của ông Putin, Nga và Trung Quốc cùng lúc có tập trận chung trên biển Hoa Đông.
Nga - Trung liên minh đối đầu với Mỹ
Tổng thống Vladimir Putin ngày mai bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc, nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương trên hai lĩnh vực quân sự và năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đều đang phải chịu sức ép lớn từ Mỹ.
Hai nội dung nổi bật trong chuyến công du sắp tới của Tổng thống Putin là việc cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự lễ khai mạc cuộc tập trận chung tại phía bắc biển Hoa Đông và hàng loạt thỏa thuận hợp tác năng lượng song phương.
Giới phân tích cho rằng, cả Bắc Kinh và Moscow đều nhận ra những lợi thế của việc tăng cường hợp tác trong thời điểm này. "Hai nước muốn cùng nhau làm suy giảm sức ảnh hưởng của Mỹ, từ đó mở ra không gian kinh tế, chiến lược rộng lớn hơn", bình luận viên Brian Spegele thuộc tờ
Wall Street Journal nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Moscow của ông Tập tháng 3/2013. Ảnh:
Reuters.
Nga lo ngại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng về phía đông, đặc biệt là xu hướng khuếch trương của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), uy hiếp đến vùng ảnh hưởng chiến lược của Moscow.
Đây là lý do khiến Nga có phản ứng mạnh mẽ trong vấn đề Ukraine, bởi quốc gia cựu thành viên Liên Xô này là nước có diện tích lớn nhất nằm giữa Nga và EU. Nhưng cũng chính vì vậy mà Moscow đang phải đối diện với nhiều nguy cơ kinh tế, chính trị do bị phương Tây cô lập.
Trung Quốc thì cảm thấy bị Mỹ và các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiềm chế, đặc biệt sau chuyến công du bốn nước châu Á của Tổng thống Barack Obama.
Trong chuyến thăm Tokyo, ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản trên vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tại Philippines, Washington ký với Manila thỏa thuận hợp tác quân sự trong thời gian 10 năm, cho phép tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia đồng minh.
"Không phải ngẫu nhiên khi Trung Quốc tuyên bố tập trận chung với Nga tại gần biển Hoa Đông, chỉ một ngày sau chuyến công du của Tổng thống Obama. Động thái này nhằm cảnh cáo Mỹ", ông Lý Kiệt, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, cho biết.
Ông Lý cũng cho rằng, kế hoạch tập trận lần này cũng phù hợp với lợi ích của Nga, bởi Moscow đang bị cô lập trong vấn đề Ukraine, và quan trọng hơn cả là hai nước với vị thế của những cường quốc đang lên, mong muốn thay đổi trật tự thế giới hiện tại do Mỹ chủ đạo.
Với việc Tổng thống Putin xuất hiện cùng người đồng cấp Trung Quốc trong lễ khai mạc tập trận chung, Moscow đang gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng sẽ nghiêng về phía Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền với quốc gia láng giềng. Trung Quốc cũng đáp lại thiện chí trên bằng việc công khai thái độ không ủng hộ lệnh trừng phạt đối với Nga và tuyên bố cuộc khủng hoảng Ukraine liên quan đến những ảnh hưởng tiêu cực từ Mỹ và các nước phương Tây.
Ngoài lĩnh vực quân sự, hợp tác năng lượng cũng là nội dung quan trọng hàng đầu trong quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung hiện nay. Từ năm 2004, hai nước đã bắt đầu tiến hành đàm phán cung cấp khí đốt, nhưng kết quả không mấy khả quan do những trở ngại trong vấn đề giá cung cấp và cơ chế định giá.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp năng lượng Nga, trụ cột chính của nền kinh tế nước này, đang chịu sức ép lớn từ lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như xu hướng giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga của các quốc gia châu Âu. Cục diện trên buộc Moscow phải thỏa hiệp với Bắc Kinh, để mở cửa thị trường tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới này.
Ngoài ra, nguồn cung thị trường khí đốt thế giới gia tăng trong những năm qua cũng khiến Bắc Kinh có thêm phần lợi thế trên bàn đàm phán. "Đàm phán càng lâu thì tiếng nói của Trung Quốc trên vấn đề định giá càng có trọng lượng", ông Gordon Kwan, Giám đốc bộ phận phân tích thị trường năng lượng thuộc công ty tư vấn Nomura, cho biết.
Ngày 13/5, Thứ trưởng Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky cho biết, hợp đồng cung cấp khí đốt của Gazprom cho Trung Quốc đã hoàn thành 98%, và dự kiến ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin. Ngoài Gazprom, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cũng ký hợp đồng trị giá 270 tỷ USD với hãng dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để mua dầu thô.
Trong thời gian 30 năm bắt đầu từ năm 2018, Nga sẽ cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc. Và trong 25 năm tới, 700 triệu tấn dầu của Nga sẽ được nhập khẩu vào thị trường nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đối thủ tiềm tàng
Nga mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc, nhưng lo ngại Bắc Kinh chiếm thế thượng phong tại vùng Siberia và Trung Á. Đồ họa:
LA Times.
Mặc dù viễn cảnh hợp tác năng lượng được đánh gia là đầy tiềm năng, quan hệ Nga - Trung vẫn tồn tại những nhân tố trở ngại lớn. Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết, điều Bắc Kinh mong muốn là mối quan hệ đối tác trên lĩnh vực năng lượng, cho phép họ nắm giữ cổ phần trong các hạng mục liên quan chứ không chỉ là người mua.
Tuy nhiên, Moscow không quá nhiệt tình với viễn cảnh trên, bởi lo ngại Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong tại khu vực Siberia ít người, đất rộng, giàu tài nguyên. Điều này giải thích cho việc Gazprom một mặt khẳng định sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bắc Kinh, nhưng tuyên bố không có kế hoạch hợp tác khoan dầu cùng nước này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến lược "Con đường tơ lụa mới", tập trung đầu tư phát triển mối quan hệ với các quốc gia Trung Á, khu vực có trữ lượng khí đốt phong phú vốn nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga.
Theo các tài liệu ngoại giao do
Wikileaks tiết lộ, năm 2010, một quan chức ngoại giao Anh từng nhận định rằng Bắc Kinh đang tiến hành chiến lược "xâm chiếm thương mại tại khu vực Trung Á, và Moscow chỉ còn biết đứng nhìn thế chủ đạo của mình đang mất dần".
Cũng trong năm đó, đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan từng công khai tuyên bố quan hệ giữa các nước lớn tại khu vực Trung Á sẽ trở nên vô cùng phức tạp và các đường ống dẫn dầu mới sẽ phá vỡ thế độc quyền năng lượng của Nga tại đây.
Chính vì vậy, Nga chỉ muốn xây dựng mối quan hệ "chuẩn đồng minh" với Trung Quốc, bởi những lợi ích mà hai bên cùng chia sẻ tại thời điểm này. Mối quan hệ đồng minh chính thức sẽ liên quan đến việc nước nào nắm vai trò chủ đạo, điều mà Moscow không mong muốn khi đang ở trong thế yếu hơn lúc này.
"Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không có lợi gì cho mong muốn duy trì địa vị nước lớn của Nga tại lục địa Á Âu. Đối thủ cạnh tranh mà ông Putin nên cảnh giác không nằm ở phía Tây mà ở phía Nam", Giáo sư Robert Service thuộc Đại học Oxford, nhận định.