Hôm qua ngồi cùng với nhóm bạn ( lớn nhất 50 tuổi, bé nhất 38 tuổi, trình độ và kinh tế gia đình cũng ngang nhau, đa số đang làm ở các công ty cổ phần hoặc tự làm chủ... ), thì nảy sinh tranh luận về việc đầu tư cho học hành của F1 khi bước cấp 2 trở đi, vì cấp 1 thì đều nhất trí rằng không cần đầu tư gì hết. Chung kết lại thì có thể tóm lại thành 3 nhóm sau:
1. Nhóm 1: Ngoài việc học theo chương trình thì cần phải đầu tư học thêm: như toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa... tóm lại là phải dành thời gian để học thêm hầu hết các môn. Theo quan điểm của nhóm này thì mình sẽ dành hầu hết cho học hành vì giai đoạn này là giai đoạn rất quan trọng, nếu không học thì sẽ không có gốc và không thể giỏi được. Còn chuyện F1 có học được không thì chưa biết nhưng đã hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của ông bố bà mẹ.
2. Nhóm 2: Chỉ đầu tư học toán văn, ngoại ngữ... còn lại thời gian sẽ dành cho chơi các môn thể thao cháu thích. Không đặt yêu cầu về thành tích trong khi học của F1. Ngoài ra bố mẹ sẽ hướng dẫn con thêm những kiến thức và thông tin cơ bản như giải thích các điều vì sao ( như trong sách), kỹ năng mềm, nấu ăn, nhiếp ảnh, sửa chữa các đồ lặt vặt trong gia đình ... một cách cơ bản. Khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội, các nhóm vui chơi cùng sở thích.
3. Nhóm 3: Chỉ đầu tư học thêm ngoại ngữ và hoàn thành các kiến thức cơ bản như sách giáo khoa yêu cầu ( không yêu cầu con phải đạt học sinh giỏi). Thời gian còn lại sẽ cho con tham gia các môn thể thao yêu thích và ưu tiên hướng đạo cho con cái lớn lên sẽ trở thành những người kinh doanh thực thụ. Trường hợp F1 yêu thích lĩnh vực nào thì sẽ đầu tư theo ý thích của cháu nếu khi hướng vào kinh doanh không có hiệu quả.
Quan điểm của các cụ về vấn đề này như nào? Ưu nhược điểm trong từng nhóm suy nghĩ?
Kính mời các cụ các mợ cùng thảo luận.
Nếu là để phân tích ưu nhược của 3 nhóm thì em cho rằng không hợp lý, mỗi người có suy nghĩ và hoàn cảnh riêng, khó có thể áp dụng đúng bài của người này cho người khác, hơn nữa sự đa dạng là một mặt của xã hội mà.
Còn về quan điểm cá nhân thì em cho rằng cả 3 nhóm vẫn chưa phủ hết các yếu tố. Giáo dục ở Nhà trường là một phần cực kỳ quan trọng đối với trẻ, nhưng phần khác quan trọng không kém là ở trong gia đình và trong xã hội. Hiện nay xã hội đang gặp khủng hoảng nên vế này phải tạm bỏ qua, thậm chí nhiều lúc phải giải quyết hậu quả. Chỉ đến một độ tuổi nhất định, với kiến thức nhất định, khi đó F1 tự học thêm từ bài học ở xã hội. Vậy còn lại việc giáo dục ở gia đình nữa....
Theo em, nên kết hợp giáo dục ở Nhà trường và gia đình, tạo điều kiện cho F1 học là quan trọng, theo dõi, nếu có thể thì đồng hành để đánh giá hiệu quả của việc học, kết hợp với giáo dục ở gia đình nữa. Vì thế cần thời gian và sự đánh giá đúng về khả năng của F1 để tạo điều kiện tốt cho con. Nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó, chưa kể chúng ta ở trong cuộc, vì thế đánh giá, nhận xét không khách quan, có những lúc thì ta nương nhẹ con cái, có những lúc lại áp đặt ý kiến, ...
Giáo dục phổ thông đúng là sẽ đặt nền móng cho trẻ sau này, vì thế cố gắng không để trẻ hổng kiến thức, ngược lại không thể ôm đồm quá nhiều thứ. Chương trình giáo dục hiện nay có vấn đề, có những kiến thức là cơ bản và có những khối kiến thức thừa, vô bổ. Cách dạy của giáo viên từng nơi khác nhau, cái tâm của thầy, cô giáo cũng khác. Trên khía cạnh cơ sở giáo dục thì em thấy:
+ nếu ở trường công, thì nhiều khi hên-xui
+ nếu ở trường tư thì nên đầu tư thời gian, xem xét kỹ về trường đó, tuy nhiên ở mặt nào đó sẽ đỡ cảm giác áp lực với trẻ nhỏ, và có thể các cháu không bị ảnh hưởng của chuyện phong bì, phong bao
+ nếu ở trường quốc tế thì phải xem khả năng tài chính và khả năng tái hòa nhập của F1, cái này không giống nhau với từng cháu.
Bắt buộc chúng ta phải lựa chọn, vì thế cần đặt các vấn đề lên bàn để cân nhắc và theo dõi liên tục để điều chỉnh nếu cần.