Em gửi review của cô N.H.Ánh cựu gv FTU, chi tiết cụ thể:
XEM “ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO”
Chưa từng xem phim gì mà mình khóc quá trời khóc như vậy (nên nhớ xem phim Mai đau lòng thế mà tận cuối phim mình mới hơi rơm rớm chút). Phim này mình còn thuộc lịch sử đủ để biết là bịa từ đầu đến cuối mà chốc lại bật khóc, lúc ra lấy xe cứ phải cúi đầu vì vừa đi vừa khóc như trẻ con vậy. Ra khỏi rạp nhìn phụ nữ hầu như mắt ai cũng ướt. Đạo diễn đã rất thành công trong việc tạo nên một khung cảnh bi tráng, hào hoa và lãng mạn, một bài thơ đậm chất Hà Nội rất đi vào lòng người.
Phần đầu không thu hút lắm vì dựng cảnh quay chiến trận chắc chắn rất kỳ công mà nhìn biết ngay là dỏm. Đã thế cảnh đầu tiên lại là sex, chả hiểu tại sao, lời thoại lại kịch quá. Một số nhân vật nhìn là biết copy, như cậu bé đánh giày biết ngay là Gavroche, nam chính na ná Marius…
Nhưng phim càng xem càng cuốn, khơi gợi được cảm xúc của khán giả, khiến ta bỏ qua những chi tiết vô lý như đội tự vệ đồng ý chuyển cái đàn piano từ tầng 3 xuống để một cô gái tay không mang ra khỏi chiến lũy giữa lúc đang bị bao vây tứ bề hay lái xe chở đào lên chiến lũy đã suýt chết mà khi về lại nhẹ nhàng như không… Nội thất nhà công tử nhà giàu (Tuấn Hưng đóng) trông dỏm vô cùng, đậm chất “Tân cổ điển” của “newly richies” thế kỷ 21 ở VN
Bất chấp những bất hợp lý ấy, sự lãng mạn, bi tráng vẫn đi vào lòng người xem, làm ta cùng khóc cùng cười với nhân vật. Những cảnh như đám cưới, phòng Tân hôn, và kết cục của từng nhân vật đều thành công trở thành biểu tượng của phim. Cái kết đau thương của bộ phim càng làm sự hào hoa, lãng mạn, cốt cách bi hùng của những con người trụ lại Hà Nội năm ấy càng ấn tượng sâu sắc hơn. Như cô em Hong Nguyen Kim nói: “Dù chiến tranh thì tình yêu vẫn nảy nở, dù bom đạn, cái chết cận kề người Hà Nội vẫn cứ duy mỹ theo cách mà mỗi người muốn”. Chính tinh thần đó đã làm nên thành công của bộ phim.
Các diễn viên nhìn chung đều tròn vai, nhất là nữ chính càng về sau càng tốt, nhất là cảnh cuối đẹp như một bản anh hùng ca dù không logic chút nào. Bộ phim này còn có thể dùng để quảng cáo Phở rất oách nữa.
Ai quan tâm lịch sử mình khuyến cáo nên đọc Sống mãi với Thủ đô và Lũy Hoa của Nguyễn Huy Tưởng, vì tác giả viết dựa trên trải nghiệm của chính mình chứ đừng học lịch sử qua phim này (đọc online ở đây
https://isach.info/mobile/story.php?story=song_mai_voi_thu_do__nguyen_huy_tuong)
Nghe nói phim Hà Nội mùa đông năm 46 của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng không tệ, trên YouTube đã có:
.
#Đàophởpiano #HaNoi60ngaydem
CHÚC MỪNG PHIM VIỆT!