Hồi xa quê ở châu Âu, lúc đó còn trẻ cũng tập toẹ nấu nướng, các món ăn đều học lỏm từ bạn bè, anh chị em cùng ký túc xá. Các món quen thuộc lập đi lập lại chắc chỉ độ chục món tủ. Trong các món này có món giả cầy. Làm món giả cầy ở bển rất lâu công và mỗi lần làm là như tra tấn cả ...tầng.
Do phòng bếp là phòng chung của cả tầng, mỗi tầng có 2 phòng bếp sát cạnh nhau.
Làm món giả cầy, khâu lâu công và "tra tấn" người khác chính là khâu thui đốt lớp bì của móng giò. Bếp ở bển dùng bếp điện, thui chân giò cứ đặt cái móng lên bếp cho nhiệt nó cháy xém mặt bì, bao giờ da bì đen xì mới được, sau đó cạo lớp đen đi là nó chuyển sang màu véc ni. Tuy nhiên làm kiểu này không thể đều màu như kiểu thui, khò ga của ta. Mỗi lần thui là mùi thịt cháy khét lẹt sặc sụa, khói um mù mịt bay hết vào hành lang tầng nhà.
Làm giả cầy ở bển thiếu khá nhiều vị, tuy nhiên mấy vị cơ bản đều có do nhà gửi sang. Như mắm tôm, riềng cắt lát sấy khô, nước mắm cô đặc thành viên, bột nghệ. Ở bển thì hành củ tươi lại đầy rẫy, thiếu mỗi mẻ và rau răm.
Từ hồi xưa, khi làm giả cầy, ngoài mỳ chính ra thì nhà cháu vẫn nêm chút đường kính cho có vị ngọt nhè nhẹ.