LÀM GIÀU KHÔNG KHÓ!
Mấy năm trước, anh là một giảng viên nổi như cồn, đã có thời kỳ làm cố vấn cho chương trình “Làm giàu không khó” trên TV. Lúc đó, anh kiêu lắm, mình chơi với anh khá lâu nhưng mời anh giảng thì anh bảo rate của anh là $1,200/ngày nên chịu, không mời được khóa nào. Anh cũng gây sốc cho mọi người khi đột ngột tuyên bố "bỏ nghề" và từ đó không ai còn liên lạc được hay cập nhật thông tin về anh nữa.
Ngày nghỉ, mình bất ngờ nhận cuộc gọi từ anh. Anh bảo đang ở Hà Nội và mời ra uống bia. Mừng quá, chẳng nề hà trời mưa, mình phi xe sang quán bia Thu Hằng trên Đường Cầu Giấy, không khó để tìm thấy anh ở chỗ có thể quan sát được mọi hoạt động của quán - thói quen của anh vẫn vậy. Vẫn ánh mắt sáng rực, giọng trầm ấm đầy quyền lực như ngày nào nhưng anh đen đi nhiều, tóc đã ngả bạc quá một nửa bên trái.
Mình bắt đầu đùa cợt, "em thấy 5 năm chưa đủ cho một cuộc tình cũng đủ dài để nhuộm màu các thứ, anh nhỉ?". Anh cười bảo “mày uống cốc bia đã rồi lần lần anh kể cho nghe chuyện đời”. Mình bảo "vâng".
Anh kể, trước năm 2009, anh được nhiều nơi mời giảng hay tư vấn. Lúc đó, thị trường đang hot và khi anh đã có thương hiệu rồi thì việc ngày càng đều đặn. Anh say sưa với việc đi dạy cho đến một ngày đặc biệt, hôm đó anh đứng lớp khóa đào tạo về lãnh đạo cho một doanh nghiệp. Như thường lệ, với ánh mắt sáng, giọng nói truyền cảm, sự sục sôi mãnh liệt và các câu chuyện chạm vào lòng trắc ẩn con người, anh làm mê hoặc học viên trong lớp. Sau giờ nghỉ giải lao, điều bất ngờ xảy ra, một học viên đứng dậy đặt câu hỏi, phản biện, dẫn ra bằng chứng rất cụ thể bẻ gãy mọi lý lẽ của anh, theo cậu ấy thì mấy câu chuyện anh kể là "trò bịp bợm mua vui". Anh đứng lặng, cảm giác như bị ném toẹt từ tầng cao xuống đất, nhục, một tay anh nắm chặt, một tay vịn vào cái bàn. Cả lớp lặng như tờ, một vài ánh mắt có ý phê phán người học viên kia, những ánh mắt khác đổ dồn về phía anh với sự thương cảm đầy chia sẻ, rồi lớp học cuối cùng cũng xong.
Đêm đó, anh ngồi suy ngẫm, đối diện với chính mình và chợt nhận ra cậu học viên kia hoàn toàn đúng. Anh nhận ra rằng rất nhiều câu chuyện của anh được gom nhặt từ một quyển sách nào đó, hay những trải nghiệm thực tế của anh. Đó là những chất liệu rất tốt nhưng để gây ấn tượng với học viên, anh đã thêm thắt nhiều chi tiết để câu chuyện thêm hấp dẫn. Rồi lớp này, rồi lớp khác, mỗi lớp lại thêm một ít gia vị. Anh không nhận ra rằng bản thân anh đang tự lừa dối mình bằng những gia vị được thêm vào từng ngày. Anh cũng nhận ra rằng đa số những câu chuyện của anh đều thuộc chủ đề châm chọc, phê phán thói hư tật xấu của người khác, đặc biệt là nhắm vào các chức danh lãnh đạo. Đây là lý do anh dễ lấy được sự đồng cảm của học viên và được họ cổ súy nhiệt tình. Hình như nói xấu lãnh đạo là thú vui của rất nhiều người, kể cả những người đang được gọi là lãnh đạo. Anh thấy mình đã đánh mất sự chính trực cần có của một người làm giáo dục, tự huyễn hoặc mình và sung sướng dễ dàng trước những lời tung hô giả tạo. Anh cũng chợt nhận ra rằng khi ở trên lớp, anh đầy hứng khởi nhưng khi về nhà đối diện với mình, anh hoàn toàn trống rỗng, vô vị… Anh không muốn kéo dài tình trạng này thêm một ngày nào nữa. Không liên lạc được qua điện thoại, email, mọi người cũng dần quên anh.
Nâng cốc bia uống thêm một ngụm, ánh mắt xa xăm anh kể tiếp. Bỏ dạy học, bỏ phố phường, bỏ cả gia đình, anh vào Daklak và quyết tâm làm giàu bằng việc trồng rừng. Trước đó mấy năm, cụ Nguyễn Công Tạn sang Úc tham quan, rất ấn tượng với miếng gỗ được dùng làm miếng đệm đựng món sushi. Hỏi ra mới biết đây là gỗ Paulownia của Úc, được người Nhật thu mua nhiều vì gỗ đẹp, đặc biệt có khả năng chịu nhiệt rất tốt. Nghe nói ở Việt Nam, loại gỗ này mọc tự nhiên dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn vào tận vùng Kontum – Daklak nhưng rất thưa và trữ lượng không đáng kể, người dân tộc thường quen gọi là cây hông.
Phân tích hiệu quả kinh tế kỹ thuật cho thấy: với diện tích 1ha, có thể trồng 600 cây gỗ hông, cây lớn rất nhanh và sau 7 năm thì được khai thác. Giá bán gỗ thành phẩm cho đối tác Nhật Bản khoảng 6 triệu/m3. Mỗi cây sau 7 năm đạt thể tích trung bình 0.5m3. Như vậy, 1ha sau 7 năm thu được khoảng 1,8 tỉ doanh thu. Trừ mọi loại chi phí, trung bình 1 ha mỗi năm cũng thu được khoảng 65 triệu tiền gỗ. Hơn nữa, cây hông có thể làm chỗ leo cho hồ tiêu, mỗi ha hồ tiêu trước kia phải mất khoảng 50 triệu tiền trồng cọc tiêu trong khi cọc chỉ dùng được 5 năm là mục và phải thay mới. Như vậy, 1 ha cây hông còn có giá trị mỗi năm tiết kiệm 10 triệu tiền cọc trồng tiêu. Cây tiêu có thể thu hoạch nhanh hơn và mô hình kết hợp cây hông với cây tiêu hoàn hảo cả trong ngắn và dài hạn.
Do có chủ trương khuyến khích từ trên cộng với khả năng thuyết phục, anh xin được 50 ha rừng. Nghiên cứu về thổ nhưỡng và đặc tính sinh trưởng của cây, anh chọn đầu mùa mưa để trồng đồng loạt cả 50 ha. Cây hông non thân rất mềm và dễ gãy, anh hướng dẫn mọi người cắm cành đỡ cho thân cây rất cẩn thận. Mỗi trận mưa rừng quét qua làm cho nhiều cây hông non gẫy gục, anh xót lắm nhưng vẫn kiên trì trồng lại hết lần này lại lần khác. Rồi mưa cũng thưa dần, anh mong từng ngày cho mùa mưa đi qua, và rồi nó cũng qua thật, anh lại mường tượng ra 50 ha hông lên xanh mơn mởn. Vừa tiêu vừa hông trên 50 ha, mỗi năm anh sẽ thu vài tỉ đồng.
Nhưng sự khó khăn chưa dừng ở đấy. Một ngày đẹp trời, ngủ dậy anh được báo tin sốc, có kẻ phá hoại làm cho hông của anh chết hàng loạt. Anh chạy ra và cay đắng nhìn khoảng 1/3 số hông đang lên của anh gãy gục ngang thân. Kẻ nào, kẻ nào, nếu anh biết được sẽ đâm cho nó một nhát dao từ bụng xuyên qua lưng. Tội nợ thế nào, anh không cần nghĩ. Anh báo xã, và tổ chức rình trộm. Nhưng điều rất lạ là chẳng thấy dấu hiệu của người phá hoại, thức trắng cả đêm trên chòi, 10 phút lại rọi đèn pin mà không thấy thằng trộm nào. Sáng ra, số hông gẫy ngang thân cứ tiếp tục gục như ngả rạ. Thế là thế nào?
Anh nghĩ, có lẽ mình đã lầm, không có người phá hoại mà có lực lượng siêu nhiên nào đó đang phá, anh đi hỏi ti khuyến nông họ đến cùng tìm nguyên nhân với anh. Hóa ra, kẻ phá hoại là ấu trùng ve sầu. Ve sầu đẻ trứng ở dưới đất, khi chưa đến mùa nó ngủ yên trong đất nhưng khi thời tiết thuận lợi thì nó nảy nở và chuyển hóa để thành ve sầu bay lên cây. Lúc chuyển hóa là lúc nhu cầu dinh dưỡng cao nhất, cây hông non rất ngọt và là món ăn khoái khẩu cho ấu trùng ve sầu. Anh vò đầu bứt tai, người phá thì dễ trị chứ ấu trùng ve sầu thì biết làm sao bây giờ, chẳng nhẽ lại thuê người canh đêm từng cây một trên diện tích 50ha, không tưởng. Nhưng cả lũ nó ngày ngủ đêm alôxô phá thế này thì gay quá, làm thế nào bây giờ. Anh chạy đôn chạy đáo hỏi chỗ nọ chỗ kia về cách trị ấu trùng ve sầu, người bảo phải phun thuốc, anh cho phun thuốc, không thấy tác dụng gì, ai bảo phải làm gì, anh đều làm đấy nhưng vấn đề cũng không được giải quyết. Cây thì cứ tiếp tục bị cắn ngang thân và gục, đêm anh chẳng ngủ được cứ nằm ở chòi lo lắng, đếm thời gian và mong trời sáng.
Một đêm trời mưa, anh ngủ chung chòi với ông gác rừng thuê. Ông ấy đã hơn 60 tuổi, gần sáng mót tiểu vạch chòi câu thẳng ra ngoài. Anh thấy hơi khó chịu nhưng thôi, người ta trình độ thấp thì mới đi gác rừng thuê cho mình chứ. Sáng ra, anh tò mò nhìn xuống chỗ ông kia câu xuống, thấy giật mình khi thấy cả mảng hông phía dưới chòi không một cây hông nào bị cắn gẫy ngang thân, tại sao, tại sao, tại sao? Nước tiểu và ấu trùng ve sầu có liên hệ gì không? Để thử, anh tự mình tiểu vào mấy cây ở xa cái chòi, thật lạ, trong hơn 1 tuần, những cây đó không bị ve sầu cắn. À, như vậy là có thuốc rồi, lấy nước tiểu tưới cho hông thì sẽ trị được ve sầu. Nhưng lấy đâu ra đủ người để tiểu cho 50 ha bây giờ???
Anh lại nghĩ thành phần nước tiểu bao gồm những gì? Lần lại những mối quan hệ, anh được một bác sĩ bảo thành phần nước tiểu có nhiều thứ nhưng cũng giống mồ hôi, thành phần chính là muối. À, vậy thì chỉ cần hòa muối ở nồng độ vừa đủ phun rải xuống mặt đất là xong. Y như rằng, sau khi phun được 1 tuần thì ve sầu không còn phá hoại nữa. Có kinh nghiệm, mùa năm sau, anh cho phun nước muối 1 lượt trước khi trồng. Không còn kẻ phá hoại, hông của anh lên xanh tốt. Bây giờ, 50 ha hông của anh đã được hơn 3 năm.
Mình chúc mừng anh và không quên đùa “thế là anh sắp thành triệu phú đô la rồi”. Anh bảo chưa hết đâu. Mình hỏi bây giờ con ve nào gặm được cây gỗ 3 năm của anh nữa. Anh bảo còn nhiều điều phải lo lắm. Thứ nhất, nông dân bây giờ họ thấy không có phần trong 50 ha hông xanh rờn ấy, họ vận động xã để đòi lại đất rừng. Chủ trương là từ Bộ nhưng xã cũng không đứng ra bảo vệ anh vì cán bộ xã sợ dân không tiếp tục bầu cho nữa. Mà bản thân cán bộ xã cũng làm việc theo nhiệm kỳ nên cũng đang đòi chia phần. Anh chưa biết phải chia thế nào cho hợp lý. Nếu không có giấy chứng nhận nguồn gốc gỗ là từ rừng trồng thì gỗ của anh cũng không bao giờ xuất được ra ngoài phạm vi hành chính của xã. Hơn nữa, bây giờ nông dân thấy anh trồng được thì họ cũng trồng theo. Người nông dân họ làm ăn khó khăn nên chỉ có lợi một chút là người ta không có cam kết hay liên minh gì hết, có khi lúc được bán thì đối tác nó thương lượng với từng nhà và ép giá, chẳng được lãi như mình tính lúc đầu.
Mình bảo, khó phết anh nhỉ, thế mà ngày xưa anh vác loa phường xui cả thiên hạ là “làm giàu không khó”. Anh bảo, "nói thế chứ khó bỏ mẹ. Hồi đó còn trẻ, hăng máu vịt và chưa có nhiều trách nhiệm với những gì mình nói. Làm giàu chân chính khó lắm, khó lắm, mồ hôi, nước mắt, và nhiều đêm mất ngủ em ạ".
Mình thành thật hỏi, anh ơi em thích dạy học nhưng cũng thích làm giàu, anh cho em một lời khuyên. Anh bảo, dễ thôi: “hãy nói những gì em làm, và hãy làm những gì em nói”.
Tạm biệt anh, không say bia nhưng ngấm câu chuyện làm giàu và câu nói rút ruột của anh - một người từng trải. Tôi thấy anh khuyên đúng.